Đây có lẽ là bài viết mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất, muốn chia sẻ nhất trong tất cả những gì mình đã học, đúc kết và chiêm nghiệm. Mong rằng bạn đọc, suy nghĩ và ghi nhớ nó như kim chỉ nam cho suốt cuộc đời của mình.
Nội dung
Sự cân bằng giữa hiện tại và tương lai
Bạn biết đấy, 2 nền tảng để giúp chúng ta thành công và vươn được xa hơn trong tương lai chính là vốn và kiến thức. Kiến thức có thể đến từ sự chăm chỉ học hành, vốn thì có thể đến từ việc chăm chỉ làm việc, và cả chi tiêu hợp lý.
Ở trên giường bệnh, hay ở mỗi đám tang, người ta thường tự nhủ rằng chết không mang theo được gì cả. Nhưng khi trở về với cuộc sống hàng ngày, người ta sẽ nhanh chóng đuổi theo đồng tiền. Nó cần cho mọi nhu cầu, từ các nhu cầu thuộc về cơ bản hay những nhu cầu cao hơn là được thể hiện bản thân, được tôn trọng hay kính nể.
Chúng ta phải tư duy rất rõ ràng rằng, tiền thực sự quan trọng và cần thiết. Tác dụng của nó thì không phải kể đến nữa, đương nhiên chúng ta phải cố gắng kiếm được nhiều tiền nhất có thể. Nhưng tiếc thay, cuộc sống này bị giới hạn trong quy luật sinh lão bệnh tử.
Bạn chỉ có một cuộc đời thực sự đúng đắn khi biết cân bằng giữa hiện tại và tương lai.
Sự hi sinh, cố gắng ở hiện tại, luôn là tiền đề để tương lai bùng nổ. Bạn càng chịu khổ ở hiện tại bao nhiêu, khả năng thành công của tương lai càng cao bấy nhiêu.
Chúng bắt đầu kể cả khi bạn chưa trưởng thành, hãy xem ví dụ sau:
- Học tập chăm chỉ hay chơi game, giải trí.
- Ăn uống tiết kiệm, mặc quần áo rẻ tiền hay sống sao cho thoải mái với các nhu cầu
Ở đám tang một người rất trẻ, tôi thường thấy người ta nói rằng: “Cuộc sống là vô thường”. Điều này có thể xảy ra với bạn hoặc một người thân quanh bạn. Bạn có thể tìm kiếm dữ liệu về việc đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Hay căn bệnh ung thư có thể đến với bất kỳ ai.
Chúng ta chỉ được sống một lần trên đời, mục tiêu của mỗi chúng ta có lẽ đều nên là sống một cuộc đời ý nghĩa. Tôi đặc biệt cho rằng, lựa chọn đúng đắn nhất chính là cân bằng giữa hiện tại và tương lai:
Không vì tương lai thành đạt mà học tới 1 phút nghỉ ngơi cũng không có. Lại càng không lấy tư tưởng thanh xuân, tuổi trẻ là có hạn mà sống buông thả, ăn chơi hết mình để khi trung niên mới thấm cái giá của sự thiếu nỗ lực.
Không vì tích vốn cho tương lai mà hiện tại sống tiết kiệm tới hà khắc. Không sống hết mình cho hiện tại, để rồi không có lấy một chút tích lũy, dự phòng hay phát triển cho tương lai.
Tôi cho rằng bạn có thể hi sinh hiện tại một cách ngắn hạn, giả sử 1 – 3 năm nỗ lực hoặc chịu khổ. Nếu thời gian đó là quá dài, hãy điều chỉnh lại kế hoạch của mình. Cuộc đời này có giới hạn, đừng để phần lớn năm tháng cuộc đời là những ngày tháng nhạt nhòa.
Sự cân bằng ở đây chính là: Đừng quá sống vì tương lai, bởi đó là thứ của mãi sau này. Càng không được sống chỉ cho hiện tại, bởi tương lai là thứ được kiến tạo từ nền tảng hiện tại.
Về lý thuyết, có lẽ bạn đã hiểu điều này. Nhưng chưa chắc bạn đã biết thực hiện ra sao. Phần lớn việc cân bằng này thực ra chỉ nằm trong: Quản lý chi tiêu của bạn.
Mục tiêu tài chính trong cuộc đời
Có nhiều người sẵn sàng phạm tội, thậm chí tước đoạt đi sức khỏe, tính mạng của người khác để kiếm tiền. Tôi không lý giải nguyên nhân cho hành động này ở đây (Dù đã đăng tải ở phần khác). Nó chỉ để đơn giản nhấn mạnh rằng tiền quan trọng ra sao với đại đa số chúng ta.
Khi mục tiêu tài chính trong cuộc đời bị sai hướng, hành động cũng sẽ sai và đương nhiên cuộc đời không hợp lý. Mục tiêu tài chính đúng đắn trong cuộc đời phải là: Đi được xa nhất so với bản thân mình. Tức là gần như không có mục tiêu cụ thể, chỉ biết rằng cứ đi về phía trước.
Việc định hướng mục tiêu rất quan trọng, nó quyết định 2 thứ: Hành động và tâm trí của bạn. Kết quả cuộc đời của bạn cũng từ đây mà ra.
Để bạn dễ hiểu hơn, cùng theo dõi các ví dụ sau:
Mục tiêu: Kiếm lấy 2 triệu trong ngày ăn nhậu hoặc chơi bời => Hành động: Đánh lô đề, tài xỉu hoặc đi trộm chó. Nếu mục tiêu: Kiếm 10 tỷ trong 5 năm để mua nhà: Đương nhiên gần như không ai đi thực hiện bằng cách trộm chó phía trên.
Mục tiêu: Kiếm 10 tỷ trong nửa năm còn mua siêu xe, xây nhà to: Thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc đột phá trong làm ăn, công việc. Số người có năng lực đột phá, động lực của sự cố gắng là thấp. Chỉ có sự cám dỗ, sa ngã là mạnh mẽ, đông đảo. Do đó mục tiêu sai cách rất dễ dần tới lầm đường lạc lối.
Hạn chế mục tiêu ngắn hạn
Mục tiêu ngắn hạn là các mục tiêu dễ dàng đạt được trong vài ngày, tuần. Chúng không phải là vấn đề con số to hay bé, mà là vấn đề thời gian.
Đặc điểm của loại mục tiêu này là có cơ sở thành hiện thực. Từ đó hành động xảy ra thường nóng vội, tham lam và thậm chí là cả tàn nhẫn. Mục tiêu ngắn hạn luôn là cơ sở cho sự thất bại lớn. Ngoài ra, nó thường khiến bạn lao tâm khổ tứ hơn rất nhiều. Đầu óc bạn không được một giây phút bình yên khi có mục tiêu ngắn hạn.
Ví dụ: Bạn có 500 triệu và muốn mua 1 con xe khoảng 1 tỷ. Mọi thứ đã rất gần, đầu óc tâm trí bạn sẽ không một phút giây nào ngưng suy nghĩ về điều đó.
Đặt mục tiêu dài hạn
Việc đặt mục tiêu dài hạn rất quan trọng. Một khi bạn có mục tiêu và định hướng dài hạn, gần như bạn đã thành công một nửa. Dù mới xác định mục tiêu rõ ràng, chưa làm gì bạn đã thắng nửa phần.
Mục tiêu của cuộc đời chính là một cuộc đời hạnh phúc. Rõ hơn một chút chính là cân bằng giữa hiện tại và tương lai. Đi vào cụ thể hóa việc cần làm là đặt mục tiêu: To lớn và xa hơn.
Tại sao mục tiêu phải to?
Mục tiêu to tạo ra suy nghĩ và con đường đúng đắn. Như đã nói ở trên, bạn không thể kiếm 100 tỷ từ việc đánh lô đề, tài xỉu hay trộm chó. Nó không thể thành hiện thực, đặt mục tiêu này bạn sẽ từ bỏ các con đường sai ngay từ đầu. Việc đặt mục tiêu to cũng thức tỉnh bạn rằng: Bạn chỉ có thể đạt nó khi có cả 2 thứ: Kiến thức và vốn. Bạn sẽ đi đúng đường, tích lũy cả kiến thức và vốn để tới đích.
Bạn có thể trúng coin, trúng xổ số, được chia gia tài để có 5 hay 10 tỷ hoặc nhiều hơn một chút. Tức là xuất phát điểm hoặc may mắn để có một tài sản. Nhưng để có con số là đủ lớn, đủ to vẫn phải là kiến thức để giữ được, cao hơn là tăng trưởng được.
Bạn sẽ bớt mơ mộng vào những điều may mắn, phù phiếm để đi tới thực tại, tìm con đường để bước đi. 1 tấm vé số có thể cho bạn trúng vài tỷ, nhưng để thực sự thành công, chỉ có thể là có trình độ, tri thức.
Tại sao mục tiêu phải xa?
Mục tiêu xa để tâm trí bình an mỗi ngày và hành động cũng chuẩn chỉ hơn. Khi bạn có 10 tỷ, bạn muốn mua một căn nhà 15 tỷ. Đó chính là mục tiêu gần. Mục tiêu gần khiến bạn sốt ruột, mệt mỏi, cố gắng và nỗ lực khao khát hàng ngày. 15 tỷ không phải con số nhỏ, nhưng khi so với 10 tỷ tiền vốn nó lại là con số gần.
Mục tiêu xa phải là: Kiếm được 60 tỷ sau đó mua căn nhà 20 tỷ. Như vậy bạn sẽ tạo ra một lộ trình, một kế hoạch khác hoàn toàn. Rồi từ đó từ trên nhìn xuống chứ không phải từ dưới ngước nhìn lên. Tôi không phủ nhận rằng mục tiêu gần giúp bạn hành động mạnh mẽ hơn, nhưng về cơ bản hầu hết nó làm mọi người bị giới hạn lại.
Bạn sẽ bị chặn đứng tại mục tiêu gần đã đặt, sau đó lại xác định mục tiêu gần tiếp theo, lại trong hành trình mệt mỏi, khao khát chạy đua tới nó. Tới được nó rồi, bạn sẽ lặp lại quá trình đó, chuỗi ngày hạnh phúc nhất với bạn có lẽ là 1 vài tháng sau khi vừa đạt được mục tiêu.
Một bước dài thay cho nhiều bước ngắn
Đây là nguyên tắc rất quan trọng trong quản lý chi tiêu mà nhiều người không biết. Nó không chỉ mang đến sự bình an mà còn cả hiệu quả tài chính.
Chúng ta sẽ cùng ví dụ về 1 chiếc xe ô tô, phương tiện cần thiết trong cuộc sống. Tôi sẽ kể ra một vài chiếc xe đại diện cho các phân phúc cơ bản (Các hãng khác nhau, nhưng chủ yếu so phân khúc):
Hyundai i10 => Mazda 3 => Toyota Camry => BMW 320i => Mercedes E300 => Audi A8
Nếu bạn bước từng bước, có nghĩa là bạn sẽ nâng cấp lần lượt theo lộ trình. Nhưng cá nhân tôi khuyên bạn nên nhảy cóc, tức là bước một bước dài.
Bạn có trong tay 3 tỷ:
- A mua 1 chiếc i10, còn lại để toàn bộ làm vốn sinh lời. Trường hợp này, bạn là một người có khả năng chờ đợi hiện tại rất tốt, để tương lại tươi sáng.
- B mua 1 chiếc Mazda 3 / Camry: Đây là sự cân bằng hợp lý, một chiếc xe đủ tiện ích cơ bản cho các nhu cầu và vẫn có vốn để phát triển tương lai.
- C mua 1 chiếc BMW 320i hay Mercedes C250, bạn đang mất cân bằng nhẹ giữa hiện tại và tương lai. Nó bắt đầu cản trở rất nhiều tốc độ tiến xa của bạn.
- D mua 1 chiếc Mercedes E300 phải vay thêm tiền, đương nhiên tương lai của bạn khá mù mịt, dù hiện tại cảm xúc là rất vui vẻ.
Sau 6 năm, với giả định tình huống thuận lợi chúng ta có các ngã rẽ sau:
- A1: 1 chiếc xe i10, 12 tỷ tiền sinh lời từ phần vốn trước đó. Dùng 2 tỷ mua 1 chiếc BMW 320i, 10 tỷ tiếp tục để làm vốn. Quá trình lặp lại như cũ.
- A2: 1 chiếc xe BMW 320i 3 năm tuổi, 5 tỷ tiền sinh lời từ tiền vốn trước đó, chưa có kế hoạch nâng cấp thêm.
- B1: 1 chiếc Mazda 3 đã 6 năm tuổi, 9 tỷ tiền sinh lời từ tiền vốn.
- B2: 1 chiếc BMW 3 năm tuổi, 3 tỷ sinh lời từ tiền vốn.
- C: 1 chiếc BMW 6 năm tuổi và 1.5 tỷ tiền sinh lời từ tiền vốn.
- D: 1 chiếc Mercedes E300 6 năm tuổi trị giá còn 980 triệu.
- X: Trường hợp cá biệt: 1 chiếc xe máy Wave 110 và 16 tỷ tiền sinh ra từ tiền vốn gốc.
Chúng ta không nên cá biệt như X, tất cả vì tương lai. Cũng không nên chỉ tập trung vào hưởng thụ hiện tại như D. Tùy theo tích cách cá nhân, bạn có thể lựa chọn từ A1 => C sẽ là hợp lý hơn.
Hãy nhìn vào 2 trường hợp của A2 và B2, bạn sẽ thấy rằng việc nâng cấp quá sớm đã khiến tốc độ bị suy giảm rất đáng kể.
Dòng tiền quan trọng hơn tài sản
Tương quan giữa chi tiêu mua tài sản hưởng thụ và thu nhập
Dùng tiền như người lao động thứ 2
Rất nhiều người khi tham gia vào đầu tư tài chính (Coin, chứng khoán) đã mắc phải lỗi này. Cảm giác kiếm tiền quá nhanh (dễ) đã khiến họ sai đường. Sai lầm này cụ thể như sau:
Quan điểm về đầu tư chưa chính xác. Đầu tư phải là việc song song bên cạnh công việc. Công việc ta đang làm là người làm ra tiền, đầu tư là dùng tiền đẻ ra tiền.
Tôi ví nó như 2 bánh của một chiếc xe. Công việc chính là bánh trước, đầu tư là bánh sau. Phải dồn toàn bộ động lực vào công việc, phát triển tới ngưỡng tối đa, tới khi đạt ngưỡng mới chuyển sang đầu tư. Việc đầu tư tạo ra lợi nhuận lớn và nhanh, khi chưa có tư duy chính xác đa phần người ta bỏ ăn bỏ làm mà đầu tư.
Tại sao người ta lại bỏ sáng theo tối?
Một công việc đầu tư thành công xuất sắc khi có lợi nhuận trên 25% mỗi năm. Nhưng lợi nhuận từ làm ăn của bạn sẽ thường cao hơn mức đó. Như vậy khi chưa phát huy hết sức của việc làm ăn, đừng nghĩ tới đầu tư. Nhưng vì khi mới đầu tư, người ta dùng sự tham lam để thay quản trị rủi ro. Nó tạo ra lợi nhuận siêu lớn, nhanh chóng. Lợi nhuận này (do ảo tưởng chứ thực ra do đánh đổi rủi ro mà có) áp đảo so với làm ăn, từ đó mọi người bỏ làm bỏ ăn để đi đầu tư. Người ta cho rằng các hoạt động đầu tư đó kiếm ngon hơn nhiều. Một lần nữa khẳng định rằng lợi nhuận đó đến từ mạo hiểm (liều), không phải năng lực.
Việc này tạo ra 2 bất lợi:
- Bạn giảm / mất khi nguồn thu nhập cũ, kỹ năng kiến thức bị chậm lại. Đây vốn là sở trường của bạn, bạn từ bỏ để theo lĩnh vực hoàn toàn mới.
- Bạn sẽ sử dụng phần tiền kiếm được từ đầu tư cho chi tiêu do không còn nguồn thu từ làm việc. Kết quả tổng tài sản bị chậm tốc độ gia tăng do bị cắt cho chi tiêu.
Hiểu như sau: Bạn có vốn 2 tỷ, cũng không nhỏ. Bạn đi đầu tư đạt tỉ lệ 40% (mức trên cả thiên tài Warrent Buffet), cụ thể là 800 triệu. Nhưng vì đã bỏ việc để đầu tư, lúc này bạn chỉ còn một chân để đi. 800 triệu lợi nhuận này bạn sẽ phải dùng để trang trải chi tiêu, sinh hoạt. Sang năm sau, bạn vẫn chỉ có vốn quanh 2 tỷ, như vậy sự phát triển bản thân với bạn là không đáng kể.
Bài học: Không bao giờ bỏ bê công việc để đầu tư. Không bao giờ chi tiêu quá nhiều vào lợi nhuận từ việc đầu tư
Bạn phải để khoản đầu tư như một người nữa làm việc, bên cạnh bạn làm việc thì sau này mới có thể tiến xa. Đương nhiên bạn có thể lấy lợi nhuận từ đầu tư ra để sinh hoạt. Nhưng để nó không cản trở tốc độ gia tăng tài sản của bạn, bạn chỉ nên dùng từ 2- 5% lợi nhuận đầu tư (tức <1% vốn gốc). Tại sao có tỉ lệ này: Bởi việc đầu tư đạt mức 25% mỗi năm đều đặn đã rất xuất sắc. Nếu bạn chỉ cần lấy nửa tiền lời từ việc đầu tư ra sử dụng, tốc độ lũy kế của bạn chỉ còn hơn 10% mỗi năm.
Cùng tỉ lệ 35% mỗi năm
- 1 tỉ khi để khoản tiền sinh sôi độc lập => 404 tỷ
- 1 tỷ khi dùng hết nửa tiền lợi nhuận => 20 tỷ
Không lũy kế thì không có ý nghĩa
Đây là lỗi lớn của trên 90% mọi người. Nó khiến nhiều người kiếm được rất nhiều tiền nhưng tốc độ gia tăng tài sản không tương xứng. Việc này có 2 lí do:
- Không thấy được sức mạnh của lãi kép
- Không có kế hoạch sử dụng tiền, tức không nghiên cứu tìm kiếm các cơ hội kiếm tiền (mục phía trên)
Lãi kép thì ai cũng biết, nhưng mấu chốt của nó là gì:
Đó chính là lãi phải được sinh ra trên toàn bộ số vốn của bạn.
Đó chính là lí do ở mục trên tôi chia sẻ rằng không được phép ăn vào vốn. Phải để nó độc lập, gia tăng liên tiếp mới thực sự hiệu quả.
Bạn cần ý thức rõ về số vốn mình đang có, và mục tiêu trên chính số tiền đó. Rất nhiều người bị định tính về con số, mà không phải tỉ lệ (%). Ví dụ khi đã đặc mức 10 tỷ, họ dùng 1 tỷ ăn 25% được 250 triệu. Dùng 2 tỷ khác đầu tư ăn 10% được 200 triệu, Gửi tiết kiệm được 280 triệu v.v. Họ có cảm giác tiền sử dụng hiệu quả, do con số theo tuyệt đối không nhỏ. Nhưng thực chất hiệu quả đạt của nó khá thấp.
Nhắc lại: Mấu chốt là toàn bộ số vốn phải được đưa vào vòng quay sinh tiền tệ. Lúc này bạn mới thấy: Chà 30% không hề đơn giản. Nó là rất khó. Bất cứ ai có khả năng đạt 30% mỗi năm mà ít rủi ro, đều sẽ trở thành siêu giàu. Nếu bạn dám cắm cả căn nhà để đánh lô, 1 căn thành 3.5 căn nó rất ý nghĩa. Còn dù trúng đề (ăn trên 90 lần) nhưng bạn chỉ đánh 200K cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Hãy tập trung nhất tới những hạng mục đầu tư, dùng tiền có thể sử dụng HẾT số vốn của bạn. Đó chính là lí do BĐS là con đường nhiều người hình thành nên tài sản lớn nhất. Chia trung bình, hiệu suất từng năm rất bình thường (khi chia đủ 5 10 năm). Nhưng trên tổng số vốn nó sử dụng thì rất tốt.
Tổng kết
Yêu cầu bạn cần đạt được
- Xác định số vốn hiện tại của mình
- Chọn một mục tiêu về số tiền
- Thử xây dựng phương án để đi tới mục tiêu đó
- Hiểu được ý nghĩa của lãi kép và tiền sinh lời độc lập
Ở các bài tiếp theo, bạn sẽ được tìm hiểu để xây dựng phương án rõ nét, khả thi nhất. Còn bây giờ, ít nhất cần hình dung, tưởng tượng về nó đã. Bài thứ 2 cho bạn: Con đường kiếm nhiều tiền nhất có thể.