H.P đã viết khá nhiều bài về chủ đề tiền và tiền tệ. Ở bài này, tiếp tục giới thiệu đến bạn một kiến thức quan trọng nữa: Giá trị của tiền tệ và tỉ giá của tiền tệ. Bài viết sẽ giúp ích rất nhiều cho hoạt động đầu tư của bạn, hiểu về nguyên lý biến động của tỉ giá. Đặc biệt quan trọng cho ai quan tâm về ngoại hối.
Nội dung
- 1 Kiến thức quan trọng về tiền và tiền tệ
- 2 Tỉ giá là gì?
- 3 Giá trị của một tiền tệ là gì?
- 4 Tương quan giữa giá trị tiền tệ và tỉ giá giữa 2 tiền tệ
- 5 Tại sao không dùng sức mua tương đương làm tỉ giá chính?
- 6 Các tác động tới tỉ giá
- 7 Biến động tỉ giá không phải sự thay đổi giá trị đồng tiền
- 8 Mức độ biến động của tỉ giá dựa trên quy mô trao đổi
- 9 Ý nghĩa và bài học
Kiến thức quan trọng về tiền và tiền tệ
Trước hết, Hoài Phong muốn bạn đọc lại chuỗi bài rất hay, dễ hiểu và đơn giản về tiền tệ.
- Hiểu cơ bản về tiền và tiền tệ
- Cung ứng tiền tệ và tác động của cung tiền tới nền kinh tế
- Cách tính lãi thực, tăng trưởng ròng bằng thước đo tiền tệ chuẩn
Tỉ giá là gì?
Tỉ giá giữa 2 tiền tệ là mức giá mà ở đó đồng tiền này có thể dùng để trao đổi với đồng tiền còn lại. Ví dụ 1 USD = 24.000 VND thì dùng 1 USD sẽ đổi được 24.000 VND, và 48.000 VND thì đổi được 2 USD. Đây là khái niệm rất cơ bản, có lẽ ai cũng cơ bản hiểu và nắm được.
Nhưng Hoài Phong sẽ đưa ra một khái niệm còn dễ hiểu hơn nữa:
Tỉ giá là tỉ lệ của giá trị giữa 2 đồng tiền, khi được sử dụng với mục đích trao đổi.
Tiền tệ vốn không có giá trị. Nó có giá trị khi có thể đổi lấy hàng hóa hoặc đổi lấy đồng tiền khác. Và tỉ lệ giá trị của nó cho mục đích trao đổi với đồng tiền khác sẽ tạo thành tỉ giá. Bạn sẽ rõ hơn nữa về phần này khi đọc xong mục dưới.
Giá trị của một tiền tệ là gì?
Giá trị của một tiền tệ không cố định. Nó phụ thuộc vào mục đích sử dụng nó.
- Mục đích để mua bán, trao đổi hàng hóa: Ví dụ dùng 24 triệu đồng mua được 1.6 tấn gạo giá 15.000. 24 triệu này tương đương 1.6 tấn gạo.
- Mục đích để lưu trữ, 24 triệu đồng chính là 24 triệu đồng. Nó sẽ tiếp tục có giá trị khi chuyển đổi sang hành động khác.
- Mục đích làm thước đo: Đây chỉ là một tham chiếu, nó giúp ước lượng giá trị của hàng hóa. Từ đó có thể hình dung về giá trị của một mặt hàng tốt hơn.
- Mục đích để dán diều: Tiền Polime thì tốt hơn tiền giấy cotton một chút, và giá trị không đáng kể. Ngược lại để nấu cơm, tiền cotton có ích hơn đáng kể, nhưng vẫn thua 1 bình gas mini.
- Mục đích chuyển đổi sang đồng tiền khác: 24 triệu đồng có giá trị 1.000 USD.
Khi bạn sử dụng tiền làm việc gì, bạn chỉ nên quan tâm tới đúng mục đích của mình. Ví dụ để dán diều thì bền chút là được, để thanh toán thì cứ mua được hàng hóa là được. Khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, đương nhiên bạn cần quan tâm đặc biệt tới tỉ giá.
Giá trị chính của một đồng tiền là mục đích sử dụng chính của nó. Tức mục đích thanh toán, mua bán trao đổi hàng hóa trong nước. Nhắc lại là giá trị của đồng tiền hoàn toàn khác nhau cho các mục đích khác nhau, bao gồm cả dùng trao đổi lấy đồng tiền khác.
Tương quan giữa giá trị tiền tệ và tỉ giá giữa 2 tiền tệ
Hãy xem ví dụ dưới đây:
(1) Với 24 triệu, bạn mua được 1.6 tấn gạo tại Việt Nam => 24 tr = 1.6 tấn gạo (A = B)
(2) Với 24 triệu, bạn đổi được 1000$ => 24 tr = 1.000 USD ( A = C)
(3) Với 1000$, bạn mua được 800Kg gạo tại Mỹ (C = 1/2 * B)
Từ 1 và 2 ta có thể => A = B = C, tức 1000$ có thể đổi được 1.6 tấn gạo. Nếu bạn quy đổi 24 triệu thành 1.6 tấn gạo, nhân ngược với công thức 3 ta lại có 24 triệu cũng tương đương $2000. Nhưng đem đổi 24 triệu nhất định chỉ được $1000.
Bạn đã thấy sự mâu thuẫn chưa? Tại sao lại khác nhau như vậy? Để giải quyết bài toán này người ta đã quy đổi ra sức mua tương đương. Trong ví dụ trên, tôi chỉ có 24 triệu, nhưng vẫn được tính tài sản $2.000. Bởi rõ ràng, số lượng hàng hóa tôi có thể mua và sử dụng không hề khác một người đang sở hữu $2.000 tại Mỹ.
Vậy tại sao tỉ giá không đúng tỉ lệ, để mọi chuyện thật đơn giản? Trong ví dụ trên, ta có dữ liệu như sau:
24 triệu mua được 1.6 tấn gạo, 24 triệu đổi dc $2000, và $1000 mua được 800 kg gạo.
Lúc này mọi thứ là tuyệt đối giống nhau, chẳng có gì phải ước tính theo sức mua tương đương. Rất tiếc, tỉ giá hoàn toàn không phải giá trị THÔNG THƯỜNG của đồng tiền. Tức là giá trị sử dụng để mua hàng hóa.
Tỉ giá chỉ là giá trị của đồng tiền đó khi cần đem đổi lấy loại tiền khác. Như vậy tỉ giá sẽ do điều gì quyết định:
- Thứ nhất là bản thân giá trị của đồng tiền đó trong việc sử dụng thực tế tại chính quốc gia đó. Như việc sử dụng VND tại Việt Nam, CNY tại Trung Quốc. Đây chính là giá trị cốt lõi.
- Mối quan hệ cung – cầu của đồng tiền đó cho việc trao đổi. Khi nhu cầu với một đồng tiền tăng cao, tỉ giá sẽ tăng. Nó không nhất thiết là giá trị của đồng tiền đó tăng tương ứng.
Trở lại với ví dụ trên, tại sao giá trị sức mua tương đương 24 triệu đương đương với $2000, nhưng lại chỉ đổi được $1000? Bởi cầu VND cho nhu cầu trao đổi ngoại hối là rất thấp. Lấy VND chỉ có thể dùng tại Việt Nam, không thể mang đi bất cứ đâu khác đổi lấy hàng hóa. Lại không có bất cứ nhu cầu gì dùng tới VND, rate đương nhiên sẽ giảm.
Một đồng tiền càng đổi được nhiều hàng hóa (1), càng lưu thông được ở nhiều nơi thì tỉ giá càng mạnh (2).
Tại sao không dùng sức mua tương đương làm tỉ giá chính?
Như đã nói ở trên, tỉ giá theo sức mua tương đương là rất ưu việt. Nhưng không thể dùng sức mua tương đương để làm tỉ giá bởi vì sao:
- Chênh lệch giàu nghèo của các quốc gia là khác nhau, từ đó dẫn tới chênh lệch nhu cầu hàng hóa
- Chất lượng hàng hóa, tính thiết yếu của các quốc gia là khác nhau
Trở lại với ví dụ trên: Nếu dùng gạo làm thước đo, tỉ giá 1 USD = 12.000 VND. Nếu dùng iPad làm thước đo, 1 USD lại bằng 21.000 VND (Mua iPad ở Việt Nam chỉ rẻ hơn ở Mỹ chút). Nếu dùng Toyota Camry làm thước đo, 1 USD tương đương tới 60.000 VND. Ở Việt Nam, giá vải thiều là 30K/kg nhưng ở Mỹ là 600K. Điều ngược lại với cherry tại Mỹ.
Do tiêu chuẩn, nhu cầu cuộc sống của các nước là khác nhau, từ đó không thể ước tính được tỉ giá dựa trên sức mua tương đương. Nếu bạn làm một kỹ sư IT ở Việt Nam, chỉ mua rau, thịt cá thì VND rất under value (Giá trị cao hơn tỉ giá). Ngược lại nếu bạn mua những đồ có giá toàn cầu: Vàng, bạc, iPhone, Ipad, thuốc phổ rộng: Giá trị lúc này tương đương tỉ giá. Đối với những mặt hàng phải chịu thuế đặc biệt: Giá over value, tỉ giá quá thấp, 1 USD phải tương đương 40.000 (ví dụ).
Có 1 chỉ số thường dùng để thống kê một cách vui vẻ về chênh lệch giữa tỉ giá và giá trị khá nổi tiếng: Big Mac Index. Chi phí mua 1 chiếc Mc Donald ở một quốc gia sau đó so sánh. Tất nhiên nó cũng chỉ có tính tham khảo.
Khi một quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu càng cao, giá trị tiền càng bám sát tỉ giá. Khi nhập khẩu về, giá trị của hàng hóa sẽ dựa theo tỉ giá để quy đổi. Tương tự như vậy với việc xuất khẩu đi. Việc xuất nhập khẩu này bao gồm tổng kim ngạch, không nhất thiết với chính quốc gia có nhu cầu so sánh tỉ giá.
Bằng cách ước tính chi phí sinh hoạt các mặt hàng thiết yếu, vẫn có thể thống kê tỉ giá theo PPP. Người ta vẫn thường ước tính GDP theo sức mua tương đương. Một chỉ số quen thuộc đó là: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây mới là thước đo thực và ảnh hưởng tới đại đa số cuộc sống toàn dân. Đây cũng là biến động thực nhất của giá trị tiền, không phải tỉ giá. Tất nhiên có những người, tỉ giá thay đổi 10%, cuộc sống của họ đảo lộn 10% hoặc cao hơn, trong khi đại đa số chỉ biến động 3% chẳng hạn. Bởi nhu cầu hoặc công việc của họ liên quan trực tiếp tới xuất nhập khẩu.
Các tác động tới tỉ giá
Khi đã biết điều gì quyết định tỉ giá, chúng ta sẽ thấy được tác động của tỉ giá:
- Diễn biến kinh tế trong nước: Tại sao khi nền kinh tế mạnh thì đồng tiền tăng giá? Đó là nội giá trị của nó tăng lên, hàng hóa sản xuất được nhiều hơn. Một đồng tiền đó đổi được nhiều hàng hóa dịch vụ hơn. Từ đó bạn đã hiểu tại sao sau các tin kinh tế, tỉ giá ngoại hối lại chạy ngay tức khắc rồi chứ.
- Các nguyên nhân tác động tới cung cầu nội tệ / ngoại tệ tại chính quốc gia: Lượng kiều hối về, chính sách mua bán USD ra vào của NHNN, nhu cầu cho xuất nhập khẩu, nhu cầu tích trữ của người dân, nhu cầu đầu tư tích trữ của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước. Như vậy điều tiết tỉ giá không chỉ dựa trên phát triển kinh tế cho thật mạnh, mà còn phải điều chỉnh cung cầu hoặc hành vi cung cầu. Ví dụ chính sách gửi USD bắt buộc LS 0% sẽ tăng cung, giảm cầu với đồng USD, đỡ gây áp lực lên tỉ giá.
- Diễn biến kinh tế của đồng tiền được so sánh: Đương nhiên như vậy, khi chính bản thân đồng USD yếu đi, VND chỉ cần đứng im tỉ giá USD/VND cũng tự khắc giảm.
- Các nguyên nhân tác động tới cung cầu nội – ngoại tệ của đồng tiền quốc gia được so sánh. Hiểu như sau, Mỹ giảm cung USD, tăng cầu USD qua việc tăng LS. Đương nhiên cầu USD thay đổi, tỉ giá USD/VND tăng. Mặc dù giá trị USD vẫn đang giảm, thể hiện qua lạm phát. Cùng một số tiền, mua được ít hàng hóa hơn trước đó.
Biến động tỉ giá không phải sự thay đổi giá trị đồng tiền
Như bạn đã thấy, tỉ giá của cặp A/B tăng lên có thể vì:
- A tăng, B đứng im.
- A tăng, B giảm
- A tăng, B tăng ít hơn
- A đứng im, B giảm
- A giảm, B giảm nhiều hơn
Như việc sự biến động của tỉ giá không phản ánh chính xác sự thay đổi giá trị của đồng tiền. Lạm phát chính là thước đo phản ánh chính xác nhất giá trị của đồng tiền thay đổi ra sao.
Một ví dụ thực tiễn cho bạn:
Đồng Yên Nhật (JPY) đã giảm giá 30% so với đô la Mỹ chỉ trong vài tháng. Đây chính là góc độ tỉ giá. Nhưng người Nhật lại chỉ có mức lạm phát 4%. Không thể nói rằng đồng tiền của họ đã mất đi 30% giá trị. Với cùng số tiền, số hàng hóa dịch vụ họ có thể mua về và hưởng thụ chỉ chênh lệch 4% so với trước đó. Nó không phải là ít đi 30%.
Nhưng khi một người Nhật muốn đổi tiền ra loại tiền khác (Ngoại hối) hoặc hoạt động xuất nhập khẩu, JPY thực sự đã sụt giảm 30%. Và đây chính là sự thay đổi của tỉ giá. Giờ chắc bạn đã hiểu, tỉ giá chỉ là cách xác định giá của tiền khi dùng cho mục đích trao đổi với đồng tiền khác.
Tại sao giá trị chỉ giảm 4% (theo lạm phát), nhưng tỉ giá tụt tới 30%?
Cung cầu thay đổi đột ngột chính là nguyên nhân khiến tỉ giá biến đổi nhiều như vậy:
- Cung JPY từ NHTW Nhật Bản tăng
- Cầu USD từ toàn cầu tăng (Do nhu cầu tích trữ)
- Cung USD từ Fed giảm
- Cung JPY tăng mạnh từ các tổ chức nắm giữ. Đồng JPY vốn được sử dụng như một đồng tiền tích trữ và trú ẩn, bên cạnh USD. Đương nhiên mọi người có xu hướng bán đi JPY và tích thêm USD khi chính sách của NHTW Nhật Bản là liên tục nới lỏng. Chính xu hướng này đã tạo nên sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa cung cầu JPY và USD. Từ đó tỉ giá chạy tới 30%, trong khi thực tế biến động là chỉ khoảng 10%.
Mức độ biến động của tỉ giá dựa trên quy mô trao đổi
Khi số lượng tiền dùng vào trao đổi càng lớn, mức độ biến đổi tỉ giá càng nhỏ. Đơn giản là bởi sự thay đổi về cung cầu không đột ngột. Hãy tưởng tượng, Châu Âu có bán ra hay mua vào 10 tỷ USD, nó chẳng có ý nghĩa gì đáng kể. Nhưng NHNN Việt Nam làm như vậy, tỉ giá thay đổi lên tới 5 10% là bình thường. Bởi quy mô của mức trao đổi là rất nhỏ.
Chính vì quy mô trao đổi của nước ta khá nhỏ, nên luôn phải kiểm soát ngoại hối. Bởi chỉ cần một xu hướng từ người dân đủ mạnh, cũng đủ làm chao đảo tỉ giá.
Ý nghĩa và bài học
Chúng ta rút ra được điều gì từ bài học trên và áp dụng vào đầu tư tiền tệ ra sao?
Khi đầu tư tiền tệ, chúng ta xác định mục tiêu là tỉ giá đồng tiền đó tăng lên. Nó chỉ thực sự có thay đổi đáng kể khi cung cầu biến đổi đột biến. Sự biến đổi từ nội giá trị (nền kinh tế sản xuất kinh doanh) là rất nhỏ, chậm.
Như vậy chủ yếu vào xác định rõ tương quan cung cầu, sẽ đưa ra được quyết định đầu tư. Cung cầu với một tiền tệ có thể xác định qua 3 yếu tố:
- Nhu cầu trong chính quốc gia đó
- Chính sách của NHTW
- Nhu cầu từ các tổ chức quốc tế, quốc gia khác.
Yếu tốt 1 chủ yếu để tránh đầu tư những đồng tiền “rác”. Yếu tố thứ 2, thứ 3 chính là mấu chốt để tính toán cung cầu.
Ví dụ với tỉ giá đồng Đô la Mỹ và Yên Nhật: Khi chính sách từ NHTW Nhật thay đổi, toàn bộ tương quan cung cầu đã nêu ở phía trên cũng đảo ngược. Cũng là lúc Fed chuyển sang chính sách mềm mỏng hơn để hỗ trợ nền kinh tế. Đương nhiên tỉ giá sẽ biến động lên tới 15%, mặc dù giá trị thực tế chỉ thay đổi 2 3%.
Ví dụ 2: Đồng RUB của Nga đã mất giá từ mức 1 USD ăn 75 RUB lên mức 160 ngay sau khi Nga phát động cuộc chiến với Ukraina. Đương nhiên giá trị sử dụng RUB không biến động lớn đến vậy, nhưng cầu USD lúc đó sẽ tăng đột biến. Không cần giải thích vì sao khi chiến tranh xảy ra, nhu cầu với USD và vàng lại tăng cao nữa nhé. Cũng sau đó, khi bắt buộc thanh toán dầu mỏ và khí đốt bằng RUB, tỉ giá lại từ mức 160 về 1 USD ăn 52 RUB. Khi Châu Âu đã chủ động hơn nguồn khí đốt, nhu cầu với RUB giảm khiến tỉ giá của nó hạ liên tục. Ngoài ra cầu ngoại tệ ở một nước có chiến tranh luôn có xu hướng tăng, bất kể mọi yếu tố ra sao.
Câu chuyện đầu tư USD ở Việt Nam:
Đầu tư USD để chống lạm phát: Thứ cuối cùng bạn giao dịch vẫn là tỉ giá, mục tiêu tăng tổng số tiền dựa trên lạm phát cơ bản phá sản. Lạm phát VN cực ổn định trong những năm gần đây, và luôn thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm VND.
Quản lý và điều hành cung cầu USD: Ngắn gọn trong 2 chữ Tốt, ổn định. Từ đó tỉ giá không biến đổi Shock được, và cơ hội đầu tư USD là không đáng kể. Tuy vậy nó vẫn xuất hiện một vài cơ hội thuộc loại nhỏ, khi nhu cầu USD tăng cục bộ. Đơn giản như cách đây vài tháng, nhà nhà người người rủ nhau tích USD. Nó cũng làm USD tăng cụ bộ so với VND, đương nhiên sau đó mọi thứ quay lại 2 chữ ổn định. Họ vừa thất vọng vừa ôm lỗ.
Tìm kiếm cơ hội đầu tư tiền tệ, như đã nói ở trên: Dựa trên chính sách của NHTW và nhu cầu quốc tế. Hãy cùng quan sát 2 đồng tiền JPY và CNY, nơi có chính sách tiền tệ đáng kể và cả nhu cầu quốc tế. Mấu chốt mọi sự thay đổi giá đều trên biến động cung cầu, không nhất thiết thay đổi nội giá trị.
Hoài Phong
Hoài Phong mới bổ sung trong bài, giải thích thêm về sức mua tương đương, chỉ số giá tiêu dùng và biến động thực của đồng tiền. Nhớ là biến động của tỉ giá không phải biến động của giá trị tiền đối với toàn dân.
Bài viết hay quá rất công phu và chi tiết. Thanks H.P.