Thị trường chứng khoán đã xuất hiện hơn 500 năm và ngày càng phong phú. Điều bạn thường nghe nhất là có người rất giàu nhờ chứng khoán. Tất nhiên, cũng nhiều người khác phá sản vì chứng khoán. Những câu chuyện về thua lỗ chứng khoán ám ảnh bạn.
Qua bài viết này, bạn sẽ hiểu rất rõ về thị trường chứng khoán: Là gì, tại sao ra đời, vận hành một cách đúng bản chất nhất.
Nội dung
Sự ra đời của chứng khoán
Trong sản xuất kinh doanh, có một nhu cầu cơ bản, phổ biến: Kêu gọi vốn hoặc sang nhượng, thu mua cổ phần. Bạn muốn góp tiền vào một dự án làm ăn, hoặc muốn thoái vốn tại một nhà hàng v.v. Điều đó trở nên rất dễ dàng với chứng khoán.
- Huy động vốn làm ăn mới (phát hành cổ phiếu, trái phiếu)
- Chuyển nhượng cổ phần giữa các cá nhân, công ty
Cổ phần công ty được quy thành cổ phiếu, do vậy việc chuyển nhượng cổ phần trở nên rất dễ dàng. Nó có thể thực hiện ở mọi thời điểm mà không cần hạch toán chi tiết.
Sàn giao dịch chứng khoán hiểu đơn giản là chợ mua bán cổ phần. Ban đầu từ sơ khai cũng như chợ cóc với một nhóm người mua và bán thỏa thuận, rồi tới một trung tâm chứng khoán sơ khai với bảng phấn và tới giai đoạn sử dụng máy tính và bảng điện tử như hiện nay.
Chứng khoán là gì?
Chứng khoán dễ hiểu nhất là bằng chứng cho việc sở hữu các tài sản, vốn, quyền lợi của một công ty. Phổ biến nhất chúng bao gồm: Cổ phiếu và trái phiếu. Ít phổ biến hơn đó là chứng quyền, chứng chỉ quỹ và quyền mua.
Cổ phiếu là gì?
Cổ phiếu – Tiếng Anh: Share(s) / Viết tắt CP là (giấy) chứng nhận sở hữu cổ phần của một doanh nghiệp. Nắm giữ 5000 Cổ Phiếu Vietcombank xác nhận rằng bạn đang nắm giữ một phần nhỏ cổ phần của ngân hàng này. Hiện tại các cổ phiếu vẫn được lưu ký dưới dạng giấy, tuy nhiên chúng sớm được hiện thực hóa hoàn toàn bằng lưu trữ điện tử trong tương lai.
Trái phiếu là gì?
Trái phiếu doanh nghiệp (để phân biệt với trái phiếu do chính phủ phát hành) là (giấy) xác nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp với người mua (trái chủ) với một số số tiền lãi nhất định. Hiểu đơn giản hơn khi nắm giữ trái phiếu, bạn đang cầm giấy xác nhận cho doanh nghiệp vay tiền và cam kết trả gốc và lãi của họ.
Quyền mua chứng khoán là gì?
Quyền mua: Chứng nhận rằng bạn có quyền mua cổ phiếu ở mức giá nhất định tới một thời điểm xác định. Ví dụ chứng quyền mua 1.000 cổ phiếu VCB ở giá 50.000 VND, có giá trị tới ngày 31/12/2022. Giả sử hiện tại (trước 31/12/2022) mỗi CP VCB đang được giao dịch ở mức 70.000 VND, đồng nghĩa với mỗi chứng quyền có giá trị khoảng 20.000. Bởi dùng 1.000 chứng quyền trên, bạn chỉ cần 50.000.000 để mua 1.000 cổ phiếu đang có giá thị trường 70.000.000. Trong tình huống CP VCB đang được giao dịch ở 49.000 VND, số chứng quyền trên không có giá trị gì cả. Bởi chỉ cần 49.000.000 bạn đã có thể lên sàn giao dịch để sở hữu cho mình 1000 CP VCB. Quyền mua có thể kèm theo các điều kiện nhất định hoặc bị hạn chế chuyển nhượng trong một số trường hợp.
Thông tin thêm
Chứng quyền: Quyền mua được niêm yết và giao dịch.
Chứng chỉ quỹ: Chứng nhận việc sở hữu một quỹ đầu tư. Tương tự như cổ phiếu với doanh nghiệp, nhưng đối tượng sở hữu ở đây là một phần của quỹ đầu tư.
Tổng hợp lại, có thể thấy rằng sở hữu chứng khoán là cách bạn trực tiếp và gián tiếp đầu tư vào doanh nghiệp để kiếm lợi nhuận. Trực tiếp nhất là việc cho doanh nghiệp vay (trái phiếu) hay nắm giữ cổ phần (cổ phiếu). Nó cũng có thể gián tiếp qua quỹ đầu tư hoặc mua bán các sản phẩm liên quan tới quyền lợi, cổ phần doanh nghiệp như chứng quyền, chứng khoán phái sinh.
Thị trường chứng khoán được phân biệt thành sơ cấp và thứ cấp. Thị trường sơ cấp là việc doanh nghiệp chào bán chứng khoán ra cho công chúng và thu về một khoản vốn để kinh doanh. Thị trường thứ cấp là nơi các chứng khoán đã được ra đời giao dịch.
Mục đích của nhà đầu tư chứng khoán
Mục đích ban đầu và cốt lõi của thị trường chứng khoán thực sự lành mạnh. Nó dùng để đầu tư các dự án làm ăn sau đó thu lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy vậy mọi thứ nhanh chóng thay đổi khi thị trường xuất hiện hai yếu tố:
- Những sự thao túng giá cả
- Sự bất ổn tâm lý, tham lam, vội vã của những nhà đầu tư mới
Từ đó tạo ra những biến động lớn trên giá chứng khoán mỗi ngày. Những nhà đầu cơ chứng khoán xuất hiện. Họ kiếm lợi nhuận bằng việc ăn chênh lệch giữa giá mua và bán. Họ không tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà tập trung vào sự kỳ vọng của người khác.
Khác nhau về mục đích đầu tư chứng khoán
- Với mua cổ phần thuần túy, bạn mua về và mong muốn bản thân hoặc người khác vận hành, tiền lợi nhuận dự kiến thu về từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đối với việc mua kỳ vọng, bạn vẫn mua cổ phần thôi. Nhưng thứ duy nhất bạn mong đó là: Có người khác trả giá số cổ phần (tức cổ phiếu) của bạn đã mua giá cao nhất.
Bạn đã thấy sự khác biệt rồi chứ? Thực tế ban đầu nó xuất phát với mục đích số 1 là chính, nhưng theo thời gian, mục đích số 2 lại trở nên áp đảo. Tiền kiếm được nhanh quá, ai cũng chỉ mong bán “tương lai” cho người khác.
Có những giai đoạn cung cầu thị trường đã cân bằng mọi thứ để CK về đúng mục đích của nó hơn, nhưng chẳng bao lâu sau mục đích số 2 sẽ lại trở lại áp đảo. Lợi nhuận nó hấp dẫn tới mức không chỉ nhà đầu cơ, mà chính chủ doanh nghiệp, CEO cũng chủ động kiếm tiền từ sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào cổ phiếu thay cho sản xuất kinh doanh.
Để phục vụ nhu cầu thứ 2 ngày càng áp đảo, đủ mọi công cụ đã được đưa ra. Thời gian giao dịch cổ phiếu ngắn vô cùng, Thứ 2 mua thì thứ 5 được giá là bán, chứng quyền trong ví dụ trên cũng được đem ra đặt cược. Các sản phẩm phái sinh (Futures) ra đời. Hằng ngày mọi người cá độ nhau từng phút từng giây về “chỉ số kỳ vọng” của mỗi công ty và toàn thị trường.
Thao túng chứng khoán (Lái) có thể hiểu đơn giản là các hoạt động mua bán giả hay các hoạt động khác nhằm thay đổi tâm lý thị trường, từ đó sự kỳ vọng thay đổi dẫn tới quyết định mua bán sai lầm và thua lỗ của những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thao túng CK có ở mọi thị trường, mọi quốc gia.
Kiếm tiền từ CK ra sao?
Từ 2 mục đích trên, chúng ta cũng có 3 hình thức kiếm tiền từ CK:
Cổ đông chân chính
Các cổ đông này không (ít) quan tâm tới giá cổ phiếu hàng ngày trên thị trường. Họ tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Họ theo dõi báo cáo thường niên, báo cáo tài chính. Mục tiêu của họ có thể hình dung đơn giản như sau: Bỏ 10 tỷ để mua 10% cổ phần một công ty 100 tỷ. Mục tiêu mỗi năm công ty tạo ra lợi nhuận 25 tỷ. Sau một thời gian có thể bán thu hồi vốn hay đầu tư thêm, hoặc chia phần lợi nhuận đã kiếm được.
Cổ đông linh hoạt
Ở ví dụ phía trên, bạn đang có 10% cổ phần công ty với lợi nhuận 25 tỷ. Đương nhiên lợi nhuận của bạn là 2.5 tỷ. Bạn có thể giữ lại cổ phần đó để kiếm thêm 2.5 tỷ vào năm sau. Nếu có ai đó trả bạn 10 tỷ để sở hữu số cổ phần đó, thường bạn sẽ không đồng ý. 20 tỷ, bạn cũng có thể cân nhắc, nhưng 80 tỷ đương nhiên bạn có thể bán.
Nói về chủ doanh nghiệp, có những người chủ luôn là cổ đông chân chính. Họ gần như không bao giờ bán ra cổ phần trừ 1 chút cho chi tiêu cơ bản. Và rất nhiều chủ doanh nghiệp “linh hoạt”. khi thấy công ty làm ăn cả năm lợi nhuận có 30 tỷ, mà Cổ phiếu tuần này tăng vốn hóa tăng 1.000 tỷ thì “cảm động”.
Cổ đông “tạm” – đầu cơ
Hình thức này chỉ đầu tư vào sự kỳ vọng. Thậm chí không cần quan tâm tới doanh nghiệp lãi hay lỗ. Đơn giản là đầu cơ, lướt sóng. Dùng PTKT, tin tức, phím hàng, hay các nguồn thông tin khác để tìm ra một cơ hội. Mục tiêu đơn giản là mua vào chờ truyền lửa sang tay người khác. Phương pháp này cũng không xấu, chỉ là kết quả của nó không màu hồng như nhiều người nghĩ. Đây không phải là phương pháp khoa học, an toàn. Nó có 2 vấn đề:
- Lợi nhuận trước mắt có vẻ rất lớn và nhanh, nhìn tổng quan, dài hạn rất kém và ít.
- Đa số còn gặp thua lỗ chứ chưa nói đến lợi nhuận.
Thị trường CK tác động tới doanh nghiệp ra sao?
Có khá nhiều nhầm lẫn về giá cổ phiếu và tài sản (nguồn vốn) của doanh nghiệp. Hãy xem ví dụ sau:
1 doanh nghiệp có 10 triệu cổ phiếu. Doanh nghiệp có tổng tài sản 150 tỷ và nợ 50 tỷ, lúc này doanh nghiệp có tổng nguồn vốn hay giá trị sổ sách (trừ các giá trị ảo như thương hiệu, cơ hội) là 100 tỷ. Việc nắm giữ 1 triệu cổ phiếu (10%) tương đương bạn đang nắm giữ 10 tỷ theo sổ sách.
Trên thị trường CK, giá trị của CP đang được giao dịch ở mức 15.000/Cp. Lúc này giá trị số CP của bạn ước tính sẽ là 15 tỷ.
Tình hình làm ăn của công ty sẽ biến động rất chậm, gần như giá trị sổ sách của bạn cả tuần mới thay đổi, luôn là 10 tỷ. Ngược lại trên TTCK, sáng có thể là 14 tỷ, chiều có thể là giá trị 15 tỷ.
Vậy giá CP lên xuống ảnh hưởng tới công ty ra sao?
Nhiều người thường nhầm tưởng là việc họ mua cổ phiếu là đưa tiền cho một công ty làm ăn. Thực chất trừ cổ phiếu mới phát hành, các cổ phiếu đang lưu thông không hề tăng vốn cho công ty. Việc lên xuống của nó chỉ đơn thuần là giao dịch giữa các nhà đầu tư, chuyển giao cổ phần công ty. Tổng số tiền (nguồn vốn) của công ty không hề thay đổi dù giá cổ phiếu tăng gấp 3 hay giảm 5 lần.
Hiểu cụ thể qua ví dụ sau:
A & B cùng nhau góp mỗi người 1 tỷ để mở 1 nhà hàng. Cổ phần của A là 50%, B 50% và tổng nguồn vốn của nhà hàng là 2 tỷ. Sau 5 năm, nhà hàng có lợi nhuận rất lớn, tổng tích lũy hiện tại cả vốn lẫn lời là 10 tỷ. Lúc này A bán cổ phần của mình cho C giá 5 tỷ, 7 tỷ hay 2 tỷ thì C chỉ là người thay thế A trước đó. Và C có bán cho D & E giá nào đi nữa, nhà hàng vẫn luôn có tổng nguồn vốn hiện tại là 10 tỷ. Việc bán giá cao hay thấp chỉ tạo ra lời/lỗ cho chủ sở hữu trước đó, không phải cho công ty.
Tại sao các công ty vẫn quan tâm tới giá CP?
Hầu hết các công ty đều mong muốn mở rộng, mà để mở rộng cần có nhiều vốn. Việc giá cổ phiếu tốt sẽ khiến nhà đầu tư (cả cũ và mới) yên tâm rót thêm tiền qua 2 kênh:
- Trái phiếu: Cho doanh nghiệp vay tiền
- Phát hành cổ phiếu mới: Nhà đầu tư góp tiền để trở thành cổ đông.
Đây là 2 hình thức tăng vốn trực tiếp cho doanh nghiệp, và nó chỉ thuận lợi khi giá CP tốt. Việc niêm yết CK có 2 lợi ích với doanh nghiệp:
- Thuận tiện cho cổ đông công ty trao đổi, mua bán cổ phần.
- Kênh tăng vốn hiệu quả
Nhiều doanh nghiệp có sự quan tâm thái quá tới giá cổ phiếu công ty mình, việc của họ có lẽ là nên tập trung vào pt sản xuất kinh doanh. Giao dịch cổ phiếu đơn giản là thuận mua vừa bán, hãy để lợi nhuận sau thuế lên tiếng thay cho những lời rao giảng về tiềm năng hay cơ hội.
Tổng kết & yêu cầu đạt được
- Hiểu được thị trường chứng khoán là gì, tại sao TTCK ra đời
- Hiểu được cơ bản về cổ phiếu, trái phiếu, quyền mua, chứng chỉ quỹ
- Hiểu rõ 2 loại mục đích khi đầu tư chứng khoán
- Tại sao giá chứng khoán có thể biến động nhanh?
- 3 loại hình “cổ đông” trong đầu tư chứng khoán
- Sự tác động ngược từ TTCK thứ cấp tới doanh nghiệp
- Xác định được cổ đông linh hoạt là phương pháp kiếm tiền từ CK tốt nhất
Hoài Phong