Chỉ số P/B cũng là một chỉ số cơ bản và thông dụng trong đầu tư chứng khoán. Nó cũng có thể hỗ trợ bạn trong vấn đề tránh mua một cổ phiếu quá ảo hay tìm kiếm cổ phiếu giá rẻ. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu trọn vẹn về chỉ số P/B trong chứng khoán.
Nội dung
Chỉ số P/B là gì trong chứng khoán?
P/B là viết tắt của Price to Book Value Ratio (PBR), có nghĩa là tỷ lệ giá thị trường trên giá trị sổ sách. Nó giúp bạn biết rằng giá thị trường gấp mấy lần tài sản công ty đang có theo báo cáo tài chính.
Tại sao có chỉ số P/B này? Trước hết cần nhắc lại cho bạn khái niệm BVPS là gì?
Khi chúng ta mua cổ phiếu, có thể ví như chúng ta mua vào:
- Một cỗ máy tạo ra tiền hàng tháng, hàng quý
- Một cái cây đã trồng và cho thu hoạch hàng năm đều đặn
- Một cửa hàng đang hoạt động
Bạn không thể tới một quán phở hàng trăm khách mỗi ngày và trả giá mua lại quán đó chỉ là bàn ghế, bát đĩa, xoong nồi. Chúng còn giá trị từ sự vận hành sinh ra tiền, thương hiệu, công nghệ và nhiều thứ khác.
Điều đó khiến giá thị trường, giá trị được giao dịch (Price) khác với tài sản có thể thống kê được bằng kế toán (BV). Để làm rõ khoảng chênh lệch này, người ta đã tạo ra tỉ lệ P/B, để xem nó gấp mấy lần. Bạn sẽ hình dung được sự chênh lệch giữa giá và tài sản mà công ty đang có.
Công thức tính chỉ số P/B
Công thức tính chỉ số P/B thể hiện ngay ở tên của nó. Dùng Price (P) chia cho B (Book Value).
- Giá thị trường của cổ phiếu (Price – P): chính là giá của cổ phiếu ở trên sàn giao dịch chứng khoán.
- Giá trị sổ sách của một cổ phiếu (Book Value per Share – BVPS): bằng tổng vốn chủ sở hữu chia bình quân cho tổng lượng cổ phiếu đang phát hành.
Giá cổ phiếu (P) thì có sẵn trên sàn. Giá trị sổ sách của một cổ phiếu (BVPS) có sẵn trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Tỉ lệ P/B dễ dàng có thể xem ở mọi công ty chứng khoán hay các công cụ theo dõi chứng khoán bất kỳ, không cần tự tính toán.
Bạn có thể lấy giá 1 cổ phiếu / BV 1 cổ phiếu (Tức BV Per Share – BVPS). Hoặc giá tất cả cổ phiếu (Tức vốn hóa) chia cho BV tất cả cổ phiếu (vốn chủ sở hữu). Chúng đều là một giá trị.
Ví dụ:
Công ty A có tổng tài sản là 100 triệu đô, nợ phải trả là 75 triệu đô, đang lưu hành 10 triệu cổ phiếu, và giá mỗi cổ phiếu là 5 đô la.
=> Giá trị sổ sách của công ty A = 100 triệu – 75 triệu = 25 triệu đô. Đây là vốn chủ sở hữu hay tài sản ròng.
=> Giá trị sổ sách của một cổ phiếu của A (BVPS) = 25 triệu đô/10 triệu = 2,5 đô la/cổ phiếu.
- Cách tính thứ nhất: P/B = 5/2,5 = 2.
- Cách tính thứ hai: P/B = (10 tr * 5) / 25 tr = 2
Ở cách tính thứ nhất, bạn thấy rằng sổ sách mỗi CP tương đương $2.5 trong khi đó thị trường gấp 2 là $5. Ở cách thứ 2, vốn hóa là 50 triệu trong khi sổ sách tài sản chỉ có 25 triệu, cũng là 2 lần.
Chỉ số P/B có ý nghĩa gì?
Về cơ bản chỉ số này sinh ra nhằm mục đích tìm kiếm, đánh giá xem giá thị trường có quá ảo hay quá rẻ không. Trên giả định doanh nghiệp tốt ta có:
Không chỉ như vậy, chỉ số P/B còn giúp bạn đánh giá nhanh về mức lợi nhuận thực tế thu được. Giả sử doanh nghiệp có lợi nhuận 30% mỗi năm. Ở P/B 2 lần, bạn nhanh chóng tính được rằng phần lợi nhuận thực tế bạn thu về chỉ đạt 15%. Đương nhiên nó chỉ còn một nửa, khi bạn đã bỏ gấp đôi số tiền vốn thực tế của công ty.
Một ví dụ khác, khi doanh nghiệp của bạn đầu tư báo cáo lợi nhuận 40% và P/B 1.5. Bạn biết rằng lợi nhuận trên số tiền đầu tư của bạn sẽ giảm đi 1.5 lần, tức 40/1.5 = 26.7%.
Hạn chế của chỉ số P/B
P/B là chỉ số đơn giản, hiệu quả. Nhưng nó cũng có nhiều hạn chế đáng kể như:
- P/B khó sử dụng độc lập, không thể nhìn vào duy nhất chỉ số P/B để kết luận CP đắt rẻ và mua
- P/B dễ bị làm giả do nhiều tài sản của các doanh nghiệp là ảo, thao túng bằng sở hữu chéo.
- Khó đánh giá ở các công ty có tài sản vô hình lớn như thương hiệu, bằng sáng chế, trí tuệ. Ví dụ: Microsoft được xác định bởi tài sản trí tuệ chứ không phải tài sản vật chất. Giá cổ phiếu của họ ít liên quan đến giá trị sổ sách của nó. Bạn cũng không thể đánh giá tài sản của Google, Apple thông qua giá trị các server (phần cứng) mà quên đi thương hiệu, phần mềm của họ.
- P/B không cung cấp được cái nhìn về tình hình làm ăn của công ty. P/B rất thấp nhưng nếu doanh nghiệp đó làm ăn thua lỗ hoặc không làm ăn thì đương nhiên nó chẳng có ích gì cả. Bạn không thể đánh giá tình hình làm ăn của công ty chỉ với chỉ số P/B. Đó là lí do P/B không thể sử dụng độc lập ở phía trên.
Chỉ số P/B chỉ có ý nghĩa nếu Book Value đó có ý nghĩa. Tức là chất lượng tài sản của doanh nghiệp tốt: Tài sản thực, dễ thanh khoản & hạch toán.
Bây giờ bạn đã biết P/B là gì rồi chứ. Nó rất đơn giản và dễ hiểu phải không. Tiếp theo mời bạn theo dõi bài: Cách sử dụng chỉ số P/B trong đầu tư cổ phiếu để có cách vận dụng chi tiết.