Các chỉ số tài chính được sử dụng rất phổ biến trong định giá, đánh giá một cổ phiếu. Chúng giúp bạn rút ngắn thời gian lọc, xem xét sơ bộ cổ phiếu trước khi đầu tư. Để sử dụng các chỉ số tài chính hiệu quả, bạn cần biết những quy tắc sau.
Nội dung
Quy tắc 1: Diễn biến quan trọng hơn giá trị
Hãy nghĩ tới những ví dụ đơn giản nhất. 1 cửa hàng có doanh thu 2 tỷ, lợi nhuận 200 triệu là rất ổn. Nhưng trước đó nó có doanh thu 10 tỷ và lợi nhuận 800 triệu. Khi nhìn vào diễn biến, bạn sẽ thấy nó sụt giảm nghiêm trọng, có thể có “vấn đề” ở đây.
Một cửa hàng khác chỉ có doanh thu 1 tỷ và lợi nhuận 120 triệu. Nhưng nó đi lên từ mức 300 triệu hai tháng trước, 500 triệu tháng trước đó. Đây rõ ràng là một cửa hàng đang có cơ hội bùng nổ rất mạnh.
Mọi chỉ số: Doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận v.v đều cần so sánh diễn biến. Lợi nhuận trên tổng nguồn vốn 30% mỗi năm là khá ấn tượng. Nhưng nếu bạn biết rằng nó suy giảm từ 60% xuống 50% rồi 40% sau đó là 30% thì sao? Bạn sẽ đánh giá được rủi ro về sự thoái trào hoặc mất lợi thế của doanh nghiệp.
Lợi nhuận 26% nhưng duy trì đều qua 6 năm, bạn cũng có nhận định về cổ phiếu đó. Đó là loại doanh nghiệp ổn định và vận hành tốt.
Vì vậy khi xem xét 1 chỉ số, hãy luôn ghi nhớ quy tắc: Diễn biến quan trọng hơn giá trị hiện tại.
Các diễn biến thường gặp
Chúng ta có thể chia thành các nhóm diễn biến sau:
- Đột phá, bùng nổ: Các diễn biến tăng trưởng rất mạnh. Loại thứ nhất là các doanh nghiệp “thần đồng”: Thường gắn liền với một lãnh đạo cực giỏi, đi đầu ở một lĩnh vực mới. Loại thứ hai là doanh nghiệp tăng trưởng nhất thời do điều kiện lúc đó được hưởng lợi thế. Ví dụ các công ty dược phẩm lợi nhuận đột biến khi dịch bệnh bùng phát.
- Khủng hoảng: Trái ngược với nhóm phía trên. Chúng là các doanh nghiệp đã gặp vấn đề lớn rõ ràng. Có thể do chính sách kinh tế. Có thể do vấn đề với người lãnh đạo hay phương hướng của doanh nghiệp. Nhóm này có sự suy giảm gấp, và là rủi ro rất lớn khi đầu tư.
- Ổn định: Rất dễ hiểu, duy trì một tỉ lệ khá tốt qua nhiều kỳ so sánh.
- Suy yếu: Nhóm này giữ được tỉ lệ tăng trưởng dương. Nếu đánh giá về giá trị, vẫn xoay quanh mức ổn định. Nhưng tăng trưởng năm sau vẫn thấp hơn năm trước theo tỉ lệ. Ví dụ lợi nhuận từ 30 -> 29 -> 28 -> 26%.
- Tăng trưởng: Nhóm này có chỉ số đạt trên mức ổn định. Ở các kỳ so sánh, chúng có tỉ lệ tăng nhưng không quá mạnh.
- Nhạt nhòa: Ở nhóm này, mọi thứ đạt dưới mức ổn định và gần như ít biến động mạnh
Đột phá, tăng trưởng, ổn định chính là 3 mục tiêu khi xét diễn biến các chỉ số. Chúng là cốt lõi để chọn các doanh nghiệp mạnh, cổ phiếu tốt.
Quy tắc 2: Tương lai quan trọng hơn diễn biến
Ở quy tắc thứ nhất, có thể hiểu qua ví dụ 1 kỳ thi. Điểm số tại một kỳ thi không phản ánh hết năng lực của một người. Chúng ta cần học bạ để theo dõi quá trình học tập.
Ở quy tắc thứ 2, chúng ta có mọi thứ giống như câu chuyện ngôn tình: Hôm nay người ta nghèo nhưng ngày sau chưa chắc đã thế. Hôm nay bạn giàu nhưng ngày mai có thể tụt khỏi đỉnh cao. Cũng khá phũ phàng mà nói rằng diễn biến phải quyết định 80 – 85% tương lai. Nên diễn biến vẫn có tầm quan trọng bậc nhất. Bậc nhất là bởi nó giúp định hình về tương lai rõ nhất.
Như vậy khi có một cơ sở khác đáng tin cậy để tính toán về tương lai, nó thậm chí quan trọng hơn mọi diễn biến hiện tại. Ví dụ doanh số xe chạy xăng của một doanh nghiệp đang liên tục đạt đỉnh. Nhưng tương lai của nó nhanh chóng bị mờ mịt bởi xe điện, lúc này diễn biến tốt chưa chắc đi kèm một tương lai tốt.
Diễn biến tốt giống như một quá trình nỗ lực và có thành tích. Nhưng nó không đảm bảo mọi sự sẽ luôn tốt như vậy trong tương lai. Điều tương tự cũng xảy ra với diễn biến xấu.
Quy tắc 3: Tham chiếu chỉ số hợp lý chỉ dùng khi ổn định
Sự hợp lý của chỉ số thường chỉ đánh giá duy nhất giá trị của chỉ số. Các tham chiếu chỉ số “hợp lý” đều xây dựng trên các doanh nghiệp ổn định.
Ví dụ:
- Chỉ số hòa vốn ở mức 7 – 8 năm được coi là hợp lý, chúng chỉ hợp lý nếu đó là một doanh nghiệp ổn định.
- Lợi nhuận 20% mỗi năm là ổn, nếu đó là doanh nghiệp ổn định.
Sự hợp lý cũng cần linh động, thay đổi. Nó không nên cố định, bởi hoàn cảnh lúc đó sẽ điều chỉnh một chút về con số được cho là hợp lý.
Quy tắc 4: Không phải chỉ số nào cũng “thật”
Chúng ta có nhiều mánh khóe trong gian lận báo cáo tài chính. Nó khiến các chỉ số đẹp như mơ về mọi thứ nhưng chỉ là lớp vỏ rỗng. Bạn cần mở rộng hơn thông tin qua việc:
- Tìm hiểu doanh nghiệp qua báo cáo tài chính chi tiết, báo cáo thường niên
- Tìm hiểu thông qua người lao động, các đối tác của doanh nghiệp
- Uy tín của lãnh đạo chủ chốt, của thương hiệu doanh nghiệp
Nó giúp bạn thoát khỏi cạm bẫy của những doanh nghiệp rác. Đòi hỏi cả một chút kiến thức chuyên sâu về “ngành” đó. Đương nhiên rồi, bởi nếu mọi thứ quá đơn giản, ai cũng giàu từ chứng khoán rồi.
5 quy tắc này sẽ giúp bạn không bị phiến diện khi nhìn vào chỉ số. Sự ngộ nhận vấn đề khi nhìn vào chỉ số với nhà đầu tư mới có thể khiến bạn mắc sai lầm đáng kể. Cùng bắt đầu với những chỉ số tài chính đầu tiên khi định giá cổ phiếu tại mục học đầu tư chứng khoán.