Chính sách tiền tệ là một loại chính sách của nhà nước. Chúng tác động tới mọi ngành nghề lĩnh vực, thay vì một số lĩnh vực như các chính sách khác. Bài viết này giúp bạn tìm hiểu về chính sách tiền tệ và những tác động của nó tới TTCK.
Nội dung
Chính sách tiền tệ là gì?
Bộ 6 công cụ phổ biến được các ngân hàng trung ương sử dụng là:
- Lãi suất: Điều hành thông qua việc tăng giảm lãi suất khiến lượng tiền đưa vào lưu thông thay đổi. Từ đó kiểm soát giá cả hay lạm phát.
- Tỷ giá: Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ khiến cung cầu ngoại tệ thay đổi. Nó cũng tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Qua đó tác động toàn diện tới nền kinh tế.
- Hạn mức tín dụng: Số tiền tối đa mà NHTW cho phép các NHTM cấp tín dụng cho nền kinh tế. Nó quyết định số tiền cung cho hoạt động tín dụng.
- Dự trữ bắt buộc: Đây là khoản tiền bị khóa cố định của các ngân hàng và không được phép cho vay hay kinh doanh. Tăng giảm tỉ lệ này cũng ảnh hưởng tới số tiền đưa ra hay thu về. Từ đó tác động tới hoạt động tín dụng sau đó là nền kinh tế.
- Thị trường mở: NHTW mua bán trái phiếu, tài sản với NHTM để cung cấp (hoặc giảm) thanh khoản
- Tái cấp vốn: Là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng.
2 loại định hướng chính sách tiền tệ cơ bản
Bao gồm 06 loại công cụ, nhưng chính sách tiền tệ chỉ chia làm 2 nhóm định hướng:
- Chính sách nới lỏng tiền tệ: Sử dụng các công cụ trên để tăng nguồn cung tiền, tín dụng. Mục tiêu là tăng trưởng, hỗ trợ nền kinh tế gặp khó khăn.
- Chính sách thắt chặt tiền tệ: Hạn chế nguồn cung tiền, điều chỉnh hành vi sử dụng tiền. Mục đích thường là kiểm soát lạm phát, tăng trưởng nóng hay bong bóng.
Thị trường chứng khoán nói riêng, và thị trường hàng hóa nói chung đều có xu hướng tăng khi chính sách tiền tệ nới lỏng. Nó có xu hướng giảm khi chính sách thắt chặt được đưa ra.
Việc này rất dễ hiểu, ở chính sách nới lỏng, nguồn tiền là dễ dàng hơn để tiếp cận. Ngược lại, tiền trở nên khan hiếm trong chính sách thắt chặt. Nguồn cung tiền sẽ giảm xuống. Các hành vi tiêu dùng cá nhân cũng chuyển đổi sang hướng thắt lưng buộc bụng, các khoản tiền đầu tư sẽ chuyển hướng sang gửi tiết kiệm do lãi suất hấp dẫn. Từ đó giá cả các mặt hàng, bao gồm cả TTCK đều hạ nhiệt.
3 cấp độ của chính sách tiền tệ
Cường độ của chính sách thường đựa chia thành 03 mức. Chúng gắn liền với mục tiêu của các nhà điều hành:
- Hỗ trợ nền kinh tế – Thường là mức độ nhẹ nhàng của chính sách khi nền kinh tế gặp những khó khăn vừa phải.
- Cứu trợ nền kinh tế – Thường là mức độ rất mạnh mẽ gay gắt, tạo ra sự đảo chiều ngay lập tức của thị trường. Chúng có thể là xử ký khủng hoảng lớn hoặc xử lý một bong bóng quá rõ ràng.
- Điều chỉnh nền kinh tế – Khi kinh tế diễn biến có nhiều dấu hiệu rủi ro nhưng chưa xảy ra, nhưng việc điều chỉnh này giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn.
Ứng dụng chính sách tiền tệ trong đầu tư chứng khoán
Mọi chính sách đều có thể ứng dụng hiệu quả trong đầu tư. Chính sách tiền tệ càng hiệu quả hơn trong đầu tư mọi lĩnh vực, bao gồm TTCK. Một số nguyên tắc dưới đây được xây dựng giúp bạn ứng dụng chính sách tiền tệ hiểu quả.
Định hướng của nghiệp vụ chính sách tiền tệ
Trong 06 loại hình nghiệp vụ trên, bạn phải phân tích xem đó là quyết định thuộc định hướng: Nới lỏng hay thắt chặt.
Nới lỏng thì tăng – Thắt chặt thì giảm. Quy tắc này cơ bản đúng trong hầu hết các trường hợp. Việc ghi nhớ nó sẽ khiến bạn có dự định về vĩ mô chính xác hơn. Nguồn cung tiền dồi dào (bao gồm nhờ tín dụng) luôn khiến giá cả dễ dàng tăng hơn. Ngược lại với tình huống khan hiếm tiền, mọi thứ có giá thấp hơn là tất yếu.
Có hay không tình huống nới lỏng nhưng xu hướng vẫn là giảm? Và thắt chặt nhưng thị trường vẫn tăng trưởng? Câu trả lời là có. Bạn cần ghi nhớ điều này, tránh học máy móc rằng cứ lãi suất tăng là TTCK giảm, LS giảm thì TTCK tăng (Chi tiết ở ảnh dưới)
Ví dụ 1:
Trong hình huống kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng. NHTW quyết định hạ lãi suất và bơm một lượng tiền vào nền kinh tế. Nó là liều thuốc để hỗ trợ nền kinh tế khỏi việc tiếp tục sụp đổ trong giai đoạn khó khăn đó. Nhưng chưa chắc nó giải quyết ngay lập tức các vấn đề đang tồn tại. Đà giảm có thể chậm lại, nhưng một số vấn đề không thể giải quyết tiếp tục gây ra hậu quả. Ngoài ra, chính sách cần thời gian để có tác động tới doanh nghiệp. Như vậy phải tận tới khi sự tích lũy về chính sách nới lỏng ở mức độ tương đối, nó mới phát huy hiệu quả và chặn đứt xu hướng giảm. Trong suốt thời gian trước đó, chính sách nới lỏng đã có thể bắt đầu, nhưng thị trường vẫn duy trì xu hướng giảm.
Ví dụ 2:
Nền kinh tế tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ. Các hoạt động sản xuất kinh doanh đều đạt những thông số tích cực. NHTW sử dụng chính sách tăng lãi suất một cách chậm rãi để kiếm soát dòng vốn nóng. Kinh tế vẫn tăng trưởng và thị trường tiếp tục đi lên dù chính sách thắt chặt trước đó. Việc thắt chặt này chỉ giúp thị trường tăng trưởng bền vững hoặc chậm lại thay vì quá nóng.
Như vậy một cách chính xác nhất, chính sách tiền tệ là xúc tác quan trọng cho một quá trình tăng giảm của thị trường. Nhưng nó không phải lúc nào cũng hoàn toàn quyết định chính xác và ngay lập tức diễn biến thị trường. Bạn vẫn cần xem xét sức khỏe thị trường lúc đó thay vì chỉ nhìn vào chính sách.
Tại sao có sự khác nhau về diễn biến khi cùng nới lỏng hay thắt chặt?
Tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn tại sao lúc nới lỏng (ví dụ hạ lãi suất) thì uptrend. Ngược lại có lúc nới lỏng lại down rất sâu như ảnh trên?
Cùng một lúc, giá cổ phiếu được chi phối bởi:
- BVPS hiện tại
- EPS
- Kỳ vọng nội tại
- Kỳ vọng tổng quan
- 1 số yếu tố khác. Xem đầy đủ tại bài: Cấu trúc giá của cổ phiếu.
Khi tình hình kinh doanh là quá bết bát, lỗ tới 60% hay nguy cơ phá sản cận kề. Lúc này sự kỳ vọng về chính sách không đủ để thay đổi cục diện. Khi tất cả các thông tin khác đều kéo xuống. Hãy tưởng tượng doanh nghiệp của bạn định đầu tư đã lỗ 70%, nếu ngày mai lãi suất hạ 1%, có bao nhiêu khả năng doanh nghiệp của bạn thoát khỏi thảm họa?
Cũng tương tự như vậy, khi doanh nghiệp của bạn vừa lãi kỷ lục. Lãi suất tăng 0.5%/năm không thể khiến bạn “chết run” mà bán sạch cổ phiếu.
Tình huống doanh nghiệp của bạn chỉ sụt giảm 10% doanh thu. Nay chính sách nới lỏng được đưa ra, bạn hoàn toàn có thể kỳ vọng về việc tăng trưởng trở lại.
Nếu tình hình thực tế vẫn tạm ổn, chính sách có hiệu quả rõ rệt. Trường hợp mọi thứ mất kiểm soát, chính sách cần thời gian để có tác dụng. Nó cũng là lúc thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém khỏi thị trường. Chính sách cũng không thể cứu được một doanh nghiệp đã “hết thuốc chữa”. Sau giai đoạn này, một giai đoạn tăng trưởng lành mạnh sẽ bắt đầu.
Câu chuyện liên tưởng
Câu chuyện liên tưởng này sẽ giúp bạn hình dung về chính sách tiền tệ đơn giản nhất. Nếu như nền kinh tế là một cơ thể, thì chính sách nới lỏng có thể ví như thuốc bổ. Còn chính sách thắt chặt có thể so sánh với rượu.
Chúng ta có thể thấy rõ ràng: Thuốc bổ thì tốt cho cơ thể và rượu thì có hại hơn. Trong điều kiện thông thường, thuốc bổ tốt và rượu thường xuyên có hại. Nhưng nếu kết luận cứ uống thuốc bổ sẽ tốt lên hay uống rượu tuổi thọ sẽ giảm ngay là không chính xác.
Thực trạng nền kinh tế cũng là tình trạng cơ thể cũng là phần quan trọng trong kết quả. Khi cơ thể đang khỏe mạnh hoặc chỉ hơi ốm, thuốc bổ đương nhiên hỗ trợ tốt. Nhưng khi bạn phát hiện ra căn bệnh ung thư giai đoạn muộn, thuốc bổ không thể đảo ngược kết quả. Đó cũng là lúc hạ lãi suất nhưng thị trường vẫn đi xuống, bởi quá nhiều doanh nghiệp đã “ung thư giai đoạn cuối”.
Thuốc bổ quá nhiều dẫn tới béo phì (bong bóng). Nó cũng lại không tốt và sau đó sẽ là sự sụp đổ, cơ thể cũng vậy.
Điều tương tự với rượu cũng vậy. Một lượng rượu được đưa vào cơ thể khỏe mạnh sẽ gây ra tác động vừa phải. Ngược lại, khi cơ thể đang yếu còn phải hấp thụ lượng rượu lớn đương nhiên suy yếu là rất nhanh. Và rượu ở mức độ nhẹ, đều đặn thậm chí còn tốt cho cơ thể đang khỏe mạnh.
Xem xét chính sách tài chính đơn giản là nhận biết 03 việc:
- Bạn sắp uống rượu hay thuốc bổ
- Liều lượng phải uống thế nào, liều cao thì tác dụng tức thì
- Hiện nay bạn ổn không, lục phủ ngũ tạng ra sao?
Chỉ như vậy bạn đã đánh giá được bản thân mình sau khi dùng thuốc rồi.
Thời gian của chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ luôn được định hướng để các doanh nghiệp có thể thích nghi. Nó đồng nghĩa với các nghiệp vụ được đưa ra là có thể dự đoán. Phía các nhà điều hành cũng luôn công bố định hướng chính sách của họ. Từ đó thời gian của một chính sách thường kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Đây là một đặc điểm quan trọng giúp chính sách tiền tệ dễ nắm bắt và ứng dụng. Việc duy nhất bạn cần làm là theo dõi chính sách tiền tệ hiện tại và đánh giá các hoạt động đầu tư của mình có thuận lợi với chính sách?
Ví dụ:
Chính sách tăng lãi suất của Fed được định hình từ rất sớm. Nó được công bố trên tất cả các phương tiện truyền thông. Nhưng chỉ một bộ phận nhỏ các nhà đầu tư có thể quan tâm, nắm bắt và chốt lời khỏi thị trường. Chính sách này không phải bí mật, cũng không phải ngay một ngày lên được mức lãi suất 5%/năm. Nó gồm nhiều cuộc họp định hướng trước đó, các kỳ tăng kéo dài nhiều tháng.
Cường độ của chính sách tiền tệ
Sau khi biết các nghiệp vụ của NHTW được xếp vào nhóm thắt chặt hay nới lỏng ta cần đánh giá tới cường độ của nó. Cường độ của chính sách sẽ gắn liền với hoàn cảnh kinh tế vĩ mô khi đó. Tất nhiên bạn không phải tìm kiếm mức độ gay gắt của chính sách. Nó được công bố bởi các NHTW, các nhà điều hành. Nó chính là “liều dùng” trong câu chuyện liên tưởng phía trên.
Đối với các chính sách chậm rãi, nhẹ nhàng bạn cũng hành động chậm rãi. Thông thường nó có thể kéo dài thêm 1 – 2 năm trước khi xảy ra sự kiện đảo chính sách tiền tệ mới.
Đối với chính sách quyết liệt, bạn cần theo định hướng của chính sách luôn và ngay. Bao gồm mua vào trong nới lỏng, bán ra khi thắt chặt.
Sự tất yếu của chính sách tiền tệ
Sự thay đổi chính sách tiền tệ luôn dẫn theo sự thay đổi của nền kinh tế và TTCK. Có những chính sách luôn được hướng về một cách tất yếu. Có thể kể tới:
- Lãi suất dần duy trì ở mức thấp
- Tín dụng tăng trưởng ổn định, có kiểm soát
Như vậy các chính sách đi ngược với tính tất yếu thường chỉ là tạm thời. Chính sách có tính tất yếu thường kéo dài được thời gian duy trì hơn. Luôn có định hướng về thời điểm đảo chiều của chính sách, khi những chính sách tạm thời được đưa ra. Việc này có vẻ hơi “cao siêu” khi bạn mới chỉ tập nghiên cứu vĩ mô. Nhưng nó là cần thiết khi bạn đã tham gia thị trường đủ lâu. Nó được sử dụng để tính toán thời điểm cho một kế hoạch đầu tư.
Hiểu rõ chính sách tiền tệ sẽ giúp bạn có một quyết định đầu tư đúng chính sách. Một con thuyền buồm cần đi thuận gió thay vì ngược gió. Nó giúp bạn hạn chế thua lỗ và tăng lợi nhuận khi thị trường có cơ hội cao. Đừng quên đọc những phân tích vĩ mô tại mục tổng quan. Ở đó bạn sẽ có được định hướng cơ bản về chính sách tiền tệ tại thời điểm hiện tại.