Ở bài trước, bạn đã hiểu được tầm quan trọng của kinh tế vĩ mô. Có tới hàng chục chỉ tiêu để đánh giá tình hình vĩ mô. Nhưng điều gì sẽ quyết định tất cả các chỉ số đó: Chính sách. Ở bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu tầm quan trọng của chính sách trong đầu tư.
Nội dung
Chính sách bao gồm những gì?
Chính sách ở đây nói tới chính sách của các quốc gia. Mặc dù từ “chính sách” có thể dùng cho chiến lược của các công ty, doanh nghiệp. Nhưng quyết định về chính sách của các quốc gia mang tính chất sống còn trong đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Một số chính sách tiêu biểu
Mọi chính sách đều tác động tới đầu tư, kinh doanh. Có thể hình dung qua một số liệt kê dưới đây:
- Chính sách ngoại giao: Tạo thuận lợi hay hạn chế xuất nhập khẩu
- Chính sách môi trường: Tăng / Giảm chi phí doanh nghiệp, hạn chế các ngành nghề
- Chính sách thuế: Tạo điều kiện hay khó khăn cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Ví dụ một ngành được ưu đãi thuế sẽ có lợi thế.
- Chính sách phát triển hạ tầng: Nó quyết định tới giá bất động sản khu vực, tương lai một khu vực. Nó cũng tạo tiền để cho việc phát triển sản xuất và thương mại 1 vùng.
- Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh hành vi đầu tư, dòng tiền dẫn tới sự lên xuống khác nhau của các lĩnh vực. Ví dụ như việc tăng lãi suất của Fed trong năm 2022.
Ví dụ về sự ảnh hưởng của chính sách
Như vậy có thể hiểu rằng, chính sách nhà nước thậm chí có thể quyết định một doanh nghiệp sống hay chết. Còn ở mức độ nhẹ nhất là khiến một doanh nghiệp tăng trưởng hay suy yếu.
- Một nhà máy điện than có thể phải đóng cửa ngay sau khi chính sách môi trường mới được ra đời.
- Một doanh nghiệp vận tải có lợi nhuận tăng gấp 2 sau khi con đường mới mở làm rút ngắn 1/2 quãng đường trước đó.
- Một công ty dệt vải giảm 75% lợi nhuận khi phải đầu tư hệ thống nước thải đạt chuẩn mới, an toàn, sạch sẽ hơn.
Vô cùng dễ dàng để thấy tác động của chính sách. Nó không gián tiếp mà trực tiếp tới doanh nghiệp. Do đó việc nắm bắt chính sách là rất quan trọng với nhà đầu tư.
Ứng dụng chính sách
Tầm quan trọng của chính sách là không thể bàn cãi. Nhưng chúng ta ứng dụng chính sách ra sao? Mời bạn tham khảo các nguyên tắc khi ứng dụng chính sách vào đầu tư.
Bám sát chính sách
Không phải chính sách nào cũng hợp lý và đúng đắn. Chúng liên tục được sửa đổi theo thời gian, theo ý chí của giai cấp lãnh đạo. Ví dụ như chính sách: “Bế quan tỏa cảng” giai đoạn phong kiến sau đó đã được thừa nhận là một sai lầm.
Bạn không nên đi ngược một chính sách, bất kể việc nó có hợp lý hay không. Việc đó gây cản trở rất lớn cho kế hoạch đầu tư của bạn. Nếu một chính sách thuận lợi cho kế hoạch của bạn thì rất tốt, ngược lại hãy chuyển hướng. Ghi nhớ một lần nữa, không được chống lại chính sách.
Tính tất yếu của chính sách
Tính tất yếu là một đặc tính chúng ta có thể sử dụng trong nghiên cứu, áp dụng chính sách. Nó là những chính sách chưa diễn ra, nhưng sẽ diễn ra như một sự tất yếu. Chúng có thể được rút ra từ 2 cách:
- Quy tắc lịch sử trong nhiều năm
- Theo dòng phát triển, ví dụ chính sách đã phổ biến ở hầu hết các quốc gia phát triển
Mục tiêu của các quốc gia đều là đi tới phát triển và văn minh. Do vậy các chính sách sẽ có xu hướng dịch chuyển theo hướng:
- Bảo vệ môi trường
- Tăng bình đẳng, phúc lợi xã hội
- Ưu tiên cho công nghệ, nghiên cứu
Như vậy các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc được lợi theo hướng này luôn là ưu tiên đầu tư. Bởi sự thay đổi chính sách là tất yếu, bạn không thể nắm giữ một doanh nghiệp không có lợi thế.
Thời điểm của chính sách
Câu chuyện đúng người sai thời điểm rất dễ gặp trong dự báo chính sách. Nhiều nhà đầu tư đã dự đoán ra một chính sách tất yếu sau khi nghiên cứu lịch sử, xem xét các nước phát triển. Họ mạnh mẽ đầu tư và chờ sự thay đổi chính sách. Tuy vậy thất bại nặng nề khi không thể chờ tới giai đoạn chính sách thay đổi.
Chính sách có thể thay đổi chậm (do lãnh đạo) hoặc cần phù hợp với từng thời điểm. Ví dụ chính sách hợp tác xã tập trung đất nông nghiệp thiếu hiệu quả được đổi lại bằng chính sách giao đất riêng lẻ cho nông dân (khoán 10). Tới một giai đoạn phát triển, việc canh tác nhỏ lẻ trở nên thiếu hiệu quả, chính sách đất đai nông nghiệp sẽ lại được quy về một mối với cách điều hành mới.
Việc dự báo trước chính sách mang lại cho bạn lợi thế. Nhưng đi kèm với nó là rủi ro rất cao. Khuyến nghị rằng không nên đi trước chính sách quá nhiều, dù tất yếu nó sẽ xảy ra.
Thời gian của chính sách
Hầu hết chính sách là công khai và có thời gian khá dài. Như vậy nó là thứ bạn có thể tìm hiểu, nắm được chứ không chỉ là dự đoán. Các chính sách cũng nhất quán cho tới giai đoạn tiếp theo. Đặc điểm này khiến việc nghiên cứu về chính sách hiệu quả hơn đáng kể.
Do thời gian của chính sách kéo dài, chúng ta nên tận dụng ngay khi một chính sách được nghiên cứu và công bố dần trên truyền thông. Tới khi chính sách bắt đầu chính thức, mọi chuyện vẫn là quá sớm để bắt đầu. Chỉ cần nhận thức nghiêm túc và chuyển hướng là được.
Câu chuyện ứng dụng chính sách
Tham nhũng chính sách
Tham nhũng chính sách là một kiểu tham nhũng cấp độ cao. Nó thường xảy ra ở các nước phát triển và rất khó phát hiện hay kết tội. So với kiểu tham nhũng truyền thống, đây là cấp độ khó và “đẳng cấp” hơn. Bạn có thể hình dung qua một ví dụ sau:
Chi tiền cho một nghiên cứu khoa học nói về tác hại của chất ABC.
Truyền thông liên tục về kết quả nghiên cứu khoa học trên
Tạo ra các tác động chính trị, điều chỉnh chính sách để phòng tránh tác hại của chất ABC
Hưởng lợi từ việc công ty A được tăng lợi thế sau chính sách mới, công ty B bị mất khả năng cạnh tranh.
Chúng thường dựa trên các mục tiêu “chính đáng”. Ở cấp độ thấp nhất, ít phức tạp nhất có thể là quyết định quy hoạch. Đương nhiên quy hoạch để phát triển 1 khu vực, rất chính đáng. Nhưng chúng hoàn toàn có thể giúp 1 doanh nghiệp “lợi thế” hơn.
Tham nhũng chính sách có thể chia làm 2 cấp độ: Tận dụng (lợi dụng) chính sách khi việc đó không gây hại. Và thực sự tham nhũng chính sách khi bóp méo một sự thật nhằm lợi dụng chính sách.
Câu chuyện thực tế
Tận dụng, tuân thủ chính sách
Một câu chuyện điển hình nhất đó là câu chuyện nhóm tỷ phú Đông Âu. Những cái tên nổi bật bao gồm: Phạm Nhật Vượng (Vingroup), Hồ Hùng Anh (Techcombank), Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), Nguyễn Đăng Quang v.v.
Việc thành lập các doanh nghiệp và chiến lược của các doanh nhân này đều đi liền với sự thay đổi của chính sách. Ví dụ Techcombank thành lập năm 1993. Đó là dấu mốc của giai đoạn chính sách ngoại giao và kinh tế. Nó bảo gồm chính sách đổi mới cho phép kinh tế tư nhân phát triển. Cũng đồng thời là giai đoạn ngoại giao bình thường hóa quan hệ với 2 nước rất quan trọng là Trung Quốc và Mỹ. Ở Liên Xô (Ukraina / Nga hiện nay), cũng là lúc những bất ổn chính trị xuất hiện khi Liên Xô tan rã (1991).
Như vậy sự chuyển hướng này bao gồm dời bỏ bất ổn (1). Chuyển tới vùng chính sách mới thuận lợi (2) và đúng thời điểm (3). Những điều này đã tạo thuận lợi rất lớn cho nhóm tỷ phú này đột phá. Họ đã chọn rất đúng thời điểm khi nào nên làm, khi nào nên rút để có được thành công.
Tầm nhìn, lòng tham và chính sách
Câu chuyện thứ 2 cũng rất nổi tiếng đó là câu chuyện Tăng Minh Phụng. Ông đã đầu tư đất đai, ôm BĐS số lượng rất lớn. Rõ ràng khi nhìn giá đất hiện nay, đó là một quyết định rất chính xác. Tuy vậy kết quả của ông lại không được êm đẹp như tầm nhìn của ông khi đó. Thời điểm của ông ty Minh Phụng hoạt động và bùng nổ cũng là giai đoạn 1993 – 1996, tức là giai đoạn những người có tầm nhìn tốt nhất mới có thể nhìn ra. Ông cũng đầu tư địa ông mạnh mẽ từ năm 1992. Chưa thấy bất cứ sai lầm nào ở đây, tại sao kết quả lại như vậy?
- Đầu tiên là lí do sử dụng đòn bẩy quá mức. Nguồn vốn vay quá lớn dẫn tới mất khả năng trả nợ khi khủng hoảng diễn ra.
- Thứ 2 là vấn đề chính sách: Doanh nghiệp tư nhân không được nhận vốn từ nước ngoài (nhất là Singpaore và Đài Loan). Nó khiến ông không có nguồn tiền trả nợ mặc dù rất nhiều người sẵn lòng rót tiền cứu công ty của ông (để sỡ hữu cổ phần số BĐS khổng lồ). Hay quy định về số tiền vay tối đa khi đó, một doanh nghiệp chỉ được vay vốn không quá 10% vốn tự có. Cả 2 chính sách này hiện tại đã không còn.
Bài học rút ra
Chính sách có ý nghĩa mấu chốt. Sự thay đổi chính sách chúng ta cũng phải thay đổi theo. Nó bao gồm việc cắt đứt những việc không thuận lợi, chuyển hướng sang nhưng việc thuận lợi.
Dự báo chính sách phải tuân theo tính tất yếu của thời cuộc. Đoán chính sách là có thể, nhưng nên kiểm soát lòng tham tham của mình. Thời gian diễn ra khi chính sách bắt đầu thường không ngắn, do vậy khi không đoán trước được chính sách, thay đổi khi nó xuất hiện là đủ.
Khi chính sách chung (ngoại giao, đường lối kinh tế, thuế v.v) ở mức ổn định, chính sách tiền tệ (lãi suất, tỉ giá, ngân sách) là chính sách cần quan tâm nhất. Xem bài: Chính sách tiền tệ và ảnh hưởng của nó tới thị trường chứng khoán.