Ở bài trước bạn đã hiểu rằng, lợi nhuận trong đầu tư chứng khoán được quyết định bởi trình độ và trạng thái thị trường. Chúng tôi cũng đã yêu cầu bạn xác định lợi nhuận mong muốn của cá nhân mình. Đối chiếu với danh sách dưới đây để chuẩn bị các kiến thức cần thiết.
Nó tương tự như việc bạn muốn đi biển, leo núi hay cắm trại thì phải xác định rõ. Từ đó có thể tư vấn chính xác đồ dùng, kỹ năng cần thiết.
Nội dung
Danh sách các kiến thức cần thiết khi đầu tư chứng khoán
- Nền tảng về tư duy đầu tư
- Kiến thức lõi về chứng khoán
- Phân tích vĩ mô, tổng quan
- Phân tích doanh nghiệp
- Phân tích kỹ thuật
- Kỹ năng quản trị rủi ro và xây dựng kế hoạch giao dịch
- Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán
- Các thao tác giao dịch thuật ngữ
- Thông tin thị trường
- Khuyến nghị, phân tích tham khảo từ cá nhân, tổ chức có chuyên môn
Ở đây chỉ bao gồm danh sách các kiến thức, công cụ cần thiết. Bạn chưa nhất thiết cần biết mình sẽ phải học gì. Hãy đến với mục tiêu của bạn đã. Trong đó 4 kiến thức lõi cần thiết cho hầu hết các hoạt động là:
- Nền tảng về tư duy đầu tư
- Kiến thức lõi về chứng khoán
- Các thao tác giao dịch
- Quản trị rủi ro và xây dựng kế hoạch giao dịch.
Việc đầu tư chứng khoán cụ thể là làm gì?
Chúng ta có 2 việc khi đầu tư chứng khoán mà thôi:
- Chọn cổ phiếu chất lượng, uy tín
- Xác định điểm mua và bán
Cả 10 kiến thức đã liệt kê cũng chỉ nhằm 2 mục tiêu này. Càng đầy đủ dữ liệu thì chất lượng của 2 luận điểm càng cao. Bạn càng chọn được cổ phiếu chất lượng, an toàn. Càng nhiều kiến thức, bạn tính toán được điểm mua và bán càng hiệu quả. Ví dụ chỉ PTKT đơn thuần cũng có thể tính toán được giá mua và bán, nhưng nó không đủ hiệu quả và vững chắc như khi được lọc bởi toàn bộ thông tin.
Danh sách kiến thức cần thiết, phương pháp phân loại theo lợi nhuận
Với lãi suất ngân hàng khoảng 8 – 10%/năm, do đó đương nhiên chúng ta phải đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn số đó.
Lợi nhuận 12 – 15%/ năm
Đây là mức chỉ cao hơn lợi nhuận ngân hàng không nhiều. Do vậy cũng không khó và phức tạp để thực hiện. Nó cũng cần được đảm bảo bởi sự an toàn. Bạn không thể có lợi nhuận vừa phải nhưng rủi ro lại lớn. Có tới 3 cách để giải quyết việc này của bạn.
Nắm giữ chỉ số chính
Đó có thể là nhóm 30, 50 hay 100 cổ phiếu hàng đầu của thị trường (VN30, VN50, VN100). Đương nhiên bạn không cần mua tất cả cả các cổ phiều. Chúng ta có sẵn các quỹ ETF mô phỏng các chỉ số này. Bạn chỉ cần mua chứng chỉ quỹ (cổ phần) các quỹ đó. Các quỹ đó sẽ luôn mô phỏng chỉ số bạn muốn đầu tư với cùng tỉ lệ lên xuống. Nó sẽ có mức lợi nhuận trung bình đạt 12 – 15%/năm.
Ưu điểm: Gần như không có rủi ro bởi bạn không cần lo lắng về sự sụp đổ, đi xuống của 1, 2 công ty riêng biệt. Trong dài hạn, 50 – 100 công ty hàng đầu sẽ luôn phát triển. Từ đó giá trị của khoản đầu tư của bạn sẽ liên tục gia tăng. Rủi ro là rất thấp.
Kiến thức yêu cầu: Kiến thức sơ bộ về chứng khoán, cách chứng chỉ quỹ vận hành là đủ. Ngoài ra, bạn cũng cần một chút ít kiến thức, phân tích để đánh giá để tránh mua ngay vào thời điểm bong bóng. Còn lại, không cần quân tâm lắm tới việc mua tại đáy, ở vùng giá không quá cao là được. Rất dễ và đơn giản, bởi lẽ bạn yêu cầu lợi nhuận vừa phải.
Mua một cổ phiếu phòng thủ
Những cổ phiếu này có tính ổn định và an toàn rất cao. Chúng ít có sự đột phá về giá cả trong uptrend, nhưng cũng không giảm thảm họa trong downtrend. Ví dụ như cổ phiếu VNM.
So với cách mua chỉ số, cách này cũng khá an toàn và dễ. Các cổ phiếu thuộc nhóm an toàn cao này đều dễ dàng xác định. Bạn cần một chút kiến thức về hiểu doanh nghiệp là đủ. Bạn cũng cần thêm chút đánh giá để không mua ngay tại bong bóng tài chính, việc này cũng không khó.
Mua một cổ phiếu tốt tại thời điểm thông thường
Một cổ phiếu tốt có thể cho lợi nhuận tới 25 30% mỗi năm. Nhưng nó chỉ khi bạn có thể xác định được điểm mua và bán tốt. Bạn chỉ yêu cầu lợi nhuận 12 – 15% mỗi năm. Do vậy gần như không cần tính toán quá nhiều về điểm mua và bán. Thỏa mãn 2 điều kiện: Doanh nghiệp tốt và không trong bong bóng, bạn sẽ có mức lợi nhuận này.
Nhìn chung nếu theo phương pháp “dễ”, đương nhiên lợi nhuận nó chỉ vừa phải. Ngoài ra, các phương pháp trên cũng ưu tiên sự an toàn đáng kể, do đó khó đòi hỏi lợi nhuận đột phá. Cơ bản bạn vẫn gần như chưa cần học gì ở lựa chọn này
Lợi nhuận 20%+ mỗi năm
Đây là lợi nhuận có thể coi là đáng kể nếu đi kèm yêu cầu an toàn. Bạn bắt đầu phải biết tính toán về điểm mua và bán.
Bạn cần tính toán được:
- Cổ phiếu một công ty uy tín, đàng hoàng
- Điểm mua tốt hoặc điểm bán tốt, 1 trong 2 là đủ.
Như vậy bạn chỉ cần học:
- 4 kiến thức lõi đã liệt kê
- Phân tích doanh nghiệp cấp độ sơ bộ
- Phân tích kỹ thuật: Cấp độ sơ bộ
- Kinh nghiệm giao dịch: Cấp độ sơ bộ
Lượng kiến thức lúc này bạn cần học đã nhiều hơn đáng kể. Nhưng chúng vẫn chưa yêu cầu sự phức tạp, khó khăn hay đạt trình độ cao cấp. Chỉ cần sơ bộ là có thể đạt được mục tiêu trên. Do chỉ cần một công ty đủ tốt và tốt hơn một chút về điểm mua bán, do vậy các kiến thức không yêu cầu siêu chuyên sâu.
Trường hợp bạn muốn đơn giản hơn một chút, có thể bỏ qua khâu chọn doanh nghiệp và chỉ sử dụng PTKT. Nhàn hơn, học ít hơn nhưng đương nhiên rủi ro hơn. Đó là cái giá của sử nhàn hạ.
Lợi nhuận 30%+ mỗi năm
Chúng ta tiếp tục chia ra giải pháp cho người muốn an toàn và có thể chấp nhận rủi ro cơ bản. Trường hợp có thể chấp nhận rủi ro, lượng kiến thức bạn cần tiếp tục thu hẹp:
Chỉ cần học duy nhất PTKT.
Khi kèm với yêu cầu an toàn cao, lượng kiến thức bạn cần học tăng rất nhanh. Tuy vậy đây vẫn là tỉ lệ bạn chưa cần phải tính “nát óc” để có được. Chúng ta có tới 4 con đường thực hiện mục tiêu 30%/năm, trong đó có những con đường không tới mức quá khó. Nó là khả thi sau khi bạn học, còn không được nhiên nó rất khó.
Các kiến thức yêu cầu: Tất cả các kiến thức đã liệt kê. Tối thiểu là 4 kiến thức lõi về đầu tư chứng khoán, phân tích vĩ mô và phân tích doanh nghiệp.
Lợi nhuận trên 50%+ mỗi năm
Đây được coi là giao dịch siêu đẳng. Nó thậm chí vượt qua tỉ lệ của các huyền thoại đầu tư chứng khoán. Chúng ta vẫn có 2 cách để thực hiện: Có trình độ rất cao hoặc tăng độ mạo hiểm để đạt được.
Đối với có trình độ, nó yêu cầu tất cả các kiến thức đã kể trên ở mức độ chuyên gia. Tương đương am hiểu toàn bộ các kiến thức tài chính phía trên. Trình độ của bạn lúc đó ít nhất tương đương một Thạc sĩ kinh tế có năng lực thật.
Sự tính toán xuất sắc trong điểm mua, điểm bán, chọn cổ phiếu sẽ giúp bạn đạt được lợi nhuận này. Nó phải chính xác ở mọi thứ, hoặc ít nhất tương đối: Cổ phiếu tốt, điểm mua tốt, điểm bán tốt.
Con đường tăng độ rủi ro để đạt được mục tiêu không được khuyến nghị. Nhưng nó vẫn được đề cập ở đây:
Giao dịch các cổ phiếu có độ rủi ro cao hơn (Mid Cap, Penny v.v) hoặc chỉ sử dụng phân tích kỹ thuật, sử dụng đòn bẩy trong giao dịch cổ phiếu.
Người có trình độ thường khá ít. Người có lòng tham lại quá nhiều. Do vậy hầu hết họ lựa chọn con đường thứ 2: Tăng rủi ro để có được lợi nhuận. Kết quả là thường thua lỗ khá sâu.
Các kiến thức giúp xác định điểm mua bán
Đầu tư chứng khoán theo phương pháp này là rất dễ dàng. Bạn chỉ cần mua thấp bán cao là sẽ thắng. Dưới đây là danh sách phương pháp hiệu quả nhất để có thể xác định mua – bán thành công. Tất nhiên chỉ liệt kê phương pháp để bạn lựa chọn, nội dung từng phương pháp phải là “chuỗi” bài học.
Đầu tư chứng khoán bằng phương pháp xác định xu hướng thị trường
Ở phương pháp này người ta sẽ tập trung vào xác định xu hướng là ưu tiên. Thị trường giao dịch tài chính chia làm 3 loại:
- Tăng trưởng hay Bullish (Bò) hay Uptrend
- Suy thoái hay Bearish (Gấu) hay Downtrend
- Đi ngang – Tích lũy hay Sideway
Sau khi xác định được xu hướng, họ mới đưa ra chiến lược đầu tư. Việc xác định xu hướng thông thường dựa trên:
- Phân tích kinh tế vĩ mô
- Phân tích chính sách tài chính
Phương pháp này mang lại hiệu quả rất cao khi bạn xác định chính xác xu hướng. Nhược điểm của nó là không thể xác định các diễn biến ngắn trong một giai đoạn.
Việc phân tích và đánh giá kinh tế vĩ mô cũng đòi hỏi một trình độ tương đối cao. Tất nhiên bạn không hẳn sẽ phải tự phân tích, bạn có thể nghiên cứu nó từ các nguồn chất lượng. DautuX.vn có sẵn nó cho bạn tại mục: Phân tích tổng quan. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có 1 số “tips” để bạn có thể giao dịch dựa trên xu hướng lớn. Toàn bộ hướng dẫn cho phương pháp này nằm ở: Kinh tế vĩ mô và xu hướng trong đầu tư chứng khoán
Phân tích vĩ mô giúp bạn xác định điểm mua bán và cả độ rủi ro, an toàn của thị trường.
Ví dụ: Bạn phân tích được 1 xu hướng tăng của thị trường. Nó là đủ mang tới cho bạn một chiến thắng. Tuy vậy không có kiến thức về công ty, do đó bạn chọn một cổ phiếu không tăng nhanh lắm. Bạn vẫn chiến thắng, nhưng không đủ siêu mạnh mẽ.
Đầu tư chứng khoán bằng phương pháp định giá
Định giá là phương pháp phổ biến và khoa học bậc nhất trong đầu tư chứng khoán. Nó dựa vào các dữ liệu tài chính và kinh doanh của công ty để xác định mức giá của CP là đắt hay rẻ. Nó cũng có thể xác định vùng giá mục tiêu, từ đó tính toán lợi nhuận ước tính khi đầu tư.
Phương pháp định giá cũng giúp tìm ra các công ty tốt hoặc kém. Chúng cũng phù hợp cho mục tiêu nắm giữ dài hạn nhiều năm. Để có thể định giá được một cổ phiếu đòi hỏi bạn cần biết 3 kiến thức cơ bản:
- Đọc các chỉ số tài chính của một cổ phiếu (P/E, P/B, EPS, BVPS, ROE, ROA, DAR v.v)
- Đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp: Báo cáo tổng quát, KD XSKD, Bảng cân đối kế toán
- Hiểu biết nhất định về lĩnh vực, ngành nghề mà doanh nghiệp kinh doanh
Phương pháp này giúp bạn “hiểu” doanh nghiệp nhất. Từ đó tính ra được giá trị của điểm mua và bán phù hợp. Bạn cũng đánh giá được luôn là CP A, CP B có tốt hay không, điều mà PTKT và PT vĩ mô không thể xác định rõ.
Ví dụ: Bạn phân tích được một công ty tốt, nhưng lại không xác định được hoàn cảnh vĩ mô. Bạn vẫn sẽ thắng về lâu dài, nhưng chúng kém hiệu quả hơn đáng kể.
Những kiến thức về định giá chứng khoán và cổ phiếu được đề cập chi tiết ở link này: Phương pháp định giá chứng khoán.
Đầu tư chứng khoán bằng phân tích kỹ thuật thuần túy
Ở phương pháp này bạn sử dụng duy nhất đồ thị kỹ thuật để đánh giá về cơ hội của cổ phiếu. Các diễn biến của cổ phiếu trong quá khứ được thể hiện trên đồ thị. Từ đó bạn có thể đánh giá về tính cơ hội, mức tăng giảm. Việc tìm kiếm điểm mua, bán được sử dụng bằng các phương pháp phân tích kỹ thuật.
Các diễn biến tâm lý giống nhau sẽ tạo ra các biến động giá giống nhau. Từ đó có những quy luật nhất định về tương quan giữa diễn biến giá quá khứ và tương lai.
Ưu điểm của phương pháp này là bạn có thể dễ dàng phân tích và đánh giá cơ hội của hàng trăm cổ phiếu ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Chúng đều dùng chung quy tắc phân tích kỹ thuật, bạn không cần hiểu về các kiến thức khác. Ví dụ cách đọc báo cáo tài chính, nghiên cứu triển vọng kinh doanh, phân tích hiệu quả doanh nghiệp.
Nhược điểm của phương pháp này: Bạn khó tìm kiếm những cổ phiếu có tiềm năng rất lớn do không đi sâu vào chi tiết doanh nghiệp. Ngoài ra, bạn có nguy cơ gặp phải khoản lỗ hoặc không kiếm được lợi nhuận trong tình huống bất thường của PTKT. Chúng có thể đến từ những tin tức thị trường, báo cáo tài chính, tin tức kinh tế v.v
Ngoài ra ở một số thời điểm, xác suất xảy ra của PTKT không đủ áp đảo. Ví dụ bạn chỉ có thể tính toán được tỉ lệ tăng lên là 60%, giảm xuống là 40%.
Ví dụ: Bạn chọn được một công ty có đồ thị kỹ thuật tốt và quyết định mua vào. Bạn không biết rằng công ty đó hoàn toàn rỗng ruột và có nguy cơ phá sản. Giao dịch bằng đồ thị kỹ thuật bạn sẽ gắn với một lệnh cắt lỗ. Đương nhiên rồi, khi bạn hoàn toàn không hiểu về nội tại cổ phiếu đó.
Nhìn chung, phân tích kỹ thuật không phải chén thánh trong đầu tư chứng khoán. Nhưng chúng có thể là công cụ hỗ trợ đắc lực cho kế hoạch đầu tư. Mời bạn theo dõi mục phân tích kỹ thuật chứng khoán để có những kỹ năng sử dụng đồ thị trong đầu tư.
Lựa chọn phương pháp cho cá nhân
Với lợi nhuận vừa phải, bạn không cần học quá nhiều và làm theo các khuyến nghị phía trên là đủ. Tôi khuyến nghị lựa chọn định hướng theo đuổi đầu tư với mục tiêu lợi nhuận cao.
Bạn không thể nào trở thành nhà đầu tư tốt với duy nhất một phương pháp xác định điểm mua bán. Dùng thuần túy PTKT, chỉ đọc triển vọng và tình hình doanh nghiệp hay chỉ phân tích kinh tế vĩ mô đều chưa đủ để đầu tư hiệu quả.
Sẽ là hợp lý nhất nếu bạn nghiên cứu phân tích vĩ mô để quyết định chiến lược dài hạn. Phân tích và định giá doanh nghiệp để tìm ra những doanh nghiệp tốt, những vùng giá mua hợp lý. Tiếp tục dùng dữ liệu này để tính toán giá bán và mục tiêu. Kiểm tra lại chúng một lần nữa bằng phân tích kỹ thuật để hiệu chỉnh cho phù hợp nhất.
Ở bài viết này bạn mới chỉ được hình dung về từng phương pháp và kiến thức cần cho đầu tư. Hãy duyệt menu bên trái của chuyên mục: Học đầu tư chứng khoán để đi tới kiến thức chi tiết cho hành trình của bạn.