Tài sản tốt là một tài sản có thể tăng giá, sẽ tăng giá. Và xác định động cơ tăng giá, hiểu về động cơ tăng giá chính là cách để chọn một tài sản tốt. Chúng cũng giúp bạn phân biệt giữa “phong độ nhất thời” và “đẳng cấp là mãi mãi”
Nội dung
Động cơ tăng giá là gì?
Giá tăng là điều ai cũng thấy. Nhưng hiểu vì sao nó tăng – mới là điều quyết định sống còn. Tài sản không tự tăng giá được. Nó phải được kích hoạt bởi một hoặc nhiều động cơ cụ thể. Và nếu bạn không thấy được động cơ đó, hoặc đánh giá sai mức độ của nó: Việc đầu tư sẽ rơi vào rất kém hiệu quả, gần như mù đường.
Động cơ tăng giá là các lý do giá có thể tăng và đã tăng. Giá tăng là kết quả, động cơ là nguyên nhân. Tìm nguyên nhân ta sẽ có được kết quả. Trước khi chọn tài sản đầu tư, nhất định phải nghiên cứu động cơ tăng giá.
Tầm quan trọng của việc hiểu động cơ tăng giá
Không phải tài sản nào tăng cũng đáng mua. Và cũng không phải tài sản nào tốt cũng sẽ tăng hoặc tăng hiệu quả. Hiểu rõ động cơ tăng giá không chỉ giúp bạn chọn đúng tài sản, mà còn giúp bạn tránh sai lầm chết người. Ở dưới, bạn sẽ rõ các ý nghĩa của nó, từng bước một.
Ba nhóm động cơ chính thúc đẩy giá tăng
Hấp thụ lạm phát dài hạn (tăng giá âm thầm)
Đây là loại tăng giá không cần kỳ vọng, không cần làm ăn gì thêm. Chỉ cần thời gian và sự mất giá của tiền mỗi năm. Vàng, đất đai, một số cổ phiếu cơ bản… đều tăng đều qua các chu kỳ dài hạn chỉ nhờ giữ giá trị trước lạm phát.
Tăng đều, ít gây chú ý, nhưng rất bền và mạnh về dài hạn. Bạn có tin, các tài sản nếu loại trừ đi phần lạm phát tích tụ, chúng chẳng còn tăng giá bao nhiêu. Thậm chí có những thứ, về giá trị tuyệt đối theo tiền thì tăng, chứ thực sự còn giảm giá.
Ở mục này, bạn chỉ cần ghi nhớ: Tài sản đầu tư tốt là 1 tài sản hấp thụ lạm phát dài hạn.
Chuyên sâu hơn, bạn sẽ được hướng dẫn qua 2 bài viết:
- Sử dụng thước đo chuẩn để đánh giá đúng mức độ tăng giá thực
- So sánh mức độ hấp thụ lạm phát của các tài sản phổ biến, thứ nào tốt nhất
Tự gia tăng giá trị nội tại
Rất dễ hình dung, qua các ý cơ bản như sau:
- Doanh thu – lợi nhuận tăng, giá trị tài sản tăng thực
- Người dùng tăng, thương hiệu lớn mạnh
- Hiệu suất hoạt động và quản trị tốt lên
Đây là kiểu tăng giá “có thật”, có thể đo lường, có thể dự phóng. Nó thông thường nhất là:
- Cổ phiếu một công ty làm ăn có hiệu quả, tạo ra tiền.
- Gia tăng mật độ dân số và nhu cầu làm gia tăng giá trị sử dụng 1 BĐS
Giá tăng do kỳ vọng (chiếm tỉ trọng lớn nhất)
Tăng do thị trường nghĩ rằng tương lai tài sản sẽ tốt lên – bất kể hiện tại đã tốt hay chưa. Ngay cả hấp thụ lạm phát hay tự gia tăng giá trị nội tại, cũng tiếp tục tác động tới kỳ vọng. Như vậy, kỳ vọng áp đạo trong động cơ tăng giá. Bên cạnh việc tăng giá tự nhiên (Lạm phát & làm ăn).
Kỳ vọng có thể chia làm 2 loại
- Kỳ vọng hợp lý: Có dữ kiện, logic rõ ràng, định giá chưa phản ánh hết tiềm năng.
- Kỳ vọng vô lý: Những động cơ mà bạn vẽ ra để tăng giá hoàn toàn trên mây, ảo tưởng.
Bạn có thể xem bảng so sánh dưới đây:

Kỳ vọng là hiện thân của nguyên lý “ăn cướp nhanh hơn đi làm”:
- Giúp giàu nhanh nhất
- Nhưng là con dao hai lưỡi, khi không rút kịp thì chết nhanh vô cùng.
Ví dụ:
- TTCK: giá biến động 10%/ngày, doanh nghiệp hoàn toàn không thay đổi lời lỗ trong ngày đó, chỉ có kỳ vọng thay đổi.
- Coin: gần như thuần kỳ vọng → x100 hoặc chia 100 là chuyện thường
- Nhóm ngành: cùng lợi nhuận nhưng kỳ vọng khác → định giá khác
Cả 3 nhóm động cơ trên có thể xuất hiện đồng thời hoặc độc lập. Càng có nhiều động cơ cùng lúc – tài sản càng tăng mạnh và tăng bền.
Nguyên tắc sử dụng kỳ vọng
Nhắc lại, phần chi phối lớn nhất trong cấu trúc giá
- 2 phần tăng do làm ra
- 2 phần tăng do lạm phát
- 6 phần – thậm chí 10–15 phần – là do kỳ vọng
Kỳ vọng là thứ chi phối phần lớn quyết định tăng giá. Nó vượt xa kết quả kinh doanh hay lợi nhuận công ty. Tâm lý thị trường về tương lai rất quan trọng. Do vậy trong đầu tư, phải sống chết sử dụng kỳ vọng cho hiệu quả.
Người ta đúc kết như sau:
Tài sản tốt là tài sản tăng giá. Cổ phiếu tốt là CP tăng giá. Coin tốt là coin tăng giá.
Câu nói đó đúng, nhưng nếu hiểu không đủ sẽ giết chết bạn ngay lập tức. Bạn sẽ bỏ toàn bộ quản trị rủi ro, lao vào cả những kỳ vọng có tính nguy hiểm rất cao, các kỳ vọng vô căn cứ. Cứ tìm thứ gì có khả năng tăng giá, cho nó là tốt và mua mà không hề phân loại khả năng đó thuộc nhóm nào, bạn chắc chắn chết mất xác.
Để sử dụng kỳ vọng hợp lý, ta tuân thủ nguyên tắc sau:
- Ưu tiên kỳ vọng hợp lý, tin cậy cao
- Tránh xa kỳ vọng cảm tính, tin cậy thấp
- Không chống lại kỳ vọng vô lý
Vấn đề với kỳ vọng vô lý (và cách phòng tránh)
- Ưu điểm: có thể tạo ra cú tăng giá rất nhanh, rất mạnh – x2, x10 chỉ trong vài ngày
- Nhược điểm: không có giá đỡ. Khi kỳ vọng biến mất, giá sập thẳng đứng.
- Sai lầm phổ biến: Nhìn thấy vô lý → short → bị thị trường ép chết (short squeeze)
Nhiệm vụ của nhà đầu tư: Giải cấu trúc giá
- Giá này bao nhiêu phần là giá trị thật?
- Bao nhiêu phần là kỳ vọng?
- Kỳ vọng đang tăng hay đang rút?
3 yếu tố cần tính rất cụ thể: Giá trị thực, giá trị kỳ vọng. Xu hướng tăng giảm của kỳ vọng ra sao. Trả lời được 3 câu này, các quyết định đầu tư của bạn sẽ nhanh chóng cực kỳ tỉnh táo, sắc nét.
Nó có một tác dụng rất rõ rệt, trong việc tính toán giá mua và giá bán. Một ví dụ rất đơn giản để bạn hình dung:
Cổ phiếu A có P/E hiện tại bằng 6. Về cơ bản công ty làm ăn ổn định, phần làm ăn hay lạm phát không có gì để bàn. Nhưng đo độ “ấm” của thị trường, ta có các mức sau:
- Thị trường tích cực: P/E hợp lý có thể lên tới 8
- Thị trường bùng nổ: Kỳ vọng quá đà, P/E tiến tới 14 – 15
- Thị trường bình thường: Kỳ vọng cơ bản: P/E: 7
- Thị trường tiêu cực: P/E: 4 – 5.
Như vậy, công ty hoàn toàn không thay đổi kết quả kinh doanh. Xác định trạng thái thị trường, từ đó xác định mức kỳ vọng hợp lý. Cuối cùng, bạn có thể định giá được và xác định giá mua / bán cho phù hợp, khả thi. Đây là ví dụ về áp dụng kỳ vọng tổng quan. Bạn có thể kết hợp với những kỳ vọng chỉ dành riêng cho tài sản đầu tư đó.
Tại sao thị trường chứng khoán lý tưởng?
Trong tất cả các loại tài sản, TTCK là nơi duy nhất hội tụ đầy đủ và vận hành mượt mà cả 3 động cơ tăng giá:
- Hấp thụ lạm phát: Dòng tiền luôn chảy vào thị trường chứng khoán trong các chu kỳ lạm phát – doanh nghiệp tăng giá bán, lợi nhuận tăng theo lạm phát, và thị trường định giá lại.
- Tự gia tăng giá trị nội tại: Doanh nghiệp niêm yết liên tục mở rộng sản phẩm, thị phần, tối ưu chi phí và tạo ra dòng tiền – khiến giá trị cổ phiếu tăng trưởng theo thời gian.
- Kỳ vọng: TTCK chính là nơi kỳ vọng được thể hiện rõ ràng nhất – mỗi con sóng, mỗi tin tức, mỗi chu kỳ đều phản ánh mức kỳ vọng thị trường vào tương lai doanh nghiệp hoặc nền kinh tế.
Không nhiều thị trường tài sản vừa có giá trị nội tại thật, vừa hưởng lợi từ lạm phát, lại vừa được vận hành dựa trên kỳ vọng rõ ràng như chứng khoán.
Vì vậy, nếu đầu tư bài bản – TTCK là kênh có cấu trúc động cơ tăng giá mạnh và bền vững bậc nhất. Đó cũng là lí do H.P xếp TTCK đứng đầu trong các kênh đầu tư, phía sau tự bản thân mình sản xuất, kinh doanh.
Tổng kết
Khi đầu tư, bạn không chỉ nên hỏi: “Nó tăng bao nhiêu?”, mà cần hỏi: “Nó tăng bằng gì?”.
Tăng do làm ra thì chậm. Tăng do lạm phát thì chắc. Nhưng tăng do kỳ vọng – tuy nhanh – lại là con dao hai lưỡi.
- Khi đầu tư, nhiệm vụ sống còn là xác định rõ động cơ tăng giá của tài sản.
- Tài sản tốt mà không có động cơ – vẫn có thể không tăng. Tài sản trung bình mà đúng động cơ – vẫn có thể nhân vài lần.
- Trong mọi động cơ, kỳ vọng thường chiếm phần lớn nhất. Nó là chất xúc tác để giàu nhanh, nhưng cũng là lý do vỡ mộng nhanh nhất.
- Đừng bao giờ đầu tư vào tài sản chỉ thuần kỳ vọng. Giàu nhanh thì được – nhưng phải tỉnh táo rút nhanh hơn thị trường sụp.
- Lợi dụng được kỳ vọng là đòn bẩy mạnh nhất. Nhưng chơi với kỳ vọng – hãy nhớ: ăn cướp thì nhanh hơn làm, và sai một bước là chết ngược.
- Phân tích, đánh giá kỳ vọng một cách chính xác sẽ phân loại: Bạn đang thực tế hay ảo tưởng. Đầu tư hay chơi xổ số. Đầu tư hay đánh bạc.
Hoài Phong