Bài trước đó: #1 – Sự phù hợp và tầm quan trọng của nó trong đầu tư tài chính
Nội dung
Phân loại cơ bản về loại hình
Chúng ta có 3 mục tiêu của chuỗi bài viết này.
- Quản trị tài chính: Phân bổ tiền cho hợp lý
- Đầu tư tài chính: Đưa ra quyết định mua và các tài sản theo chiến lược để có lợi nhuận cao
- Giao dịch tài chính: Tham gia các giao dịch ngắn hạn để gia tăng nguồn vốn gốc
2 nhánh chính của nội dung cần học : Đầu tư (Investing) và giao dịch (Trading).
Chúng vừa giống vừa khác nhau, chúng là sự chuyển hóa hoặc một phần của nhau. Nó giống như vật chất chuyển biến giữa 3 hình thái rắn, lỏng, khí vậy. Đầu tư là một giao dịch, và giao dịch tốt sẽ trở thành đầu tư.
Giao dịch và đầu tư khác nhau gì?
Thông thường, giao dịch là khoản đầu tư lướt sóng, ngắn hạn. Ngược lại, đầu tư chính là các giao dịch dài hạn. Cả hai đều phải sử dụng phân tích, dữ liệu và nhận định để đưa ra quyết định.
Khác biệt lớn nhất để phân loại giữa đầu tư và giao dịch không chỉ ở thời gian ngắn hay dài, không phải cứ mua thật lâu sẽ là đầu tư. Khác biệt mấu chốt nằm ở mức độ rủi ro. Giao dịch được phép chấp nhận rủi ro lớn hơn cho lợi nhận cao hơn, đầu tư phải ưu tiên vào an toàn trong các tình huống xấu nhất.
Các yếu tố cấu thành nên một giao dịch
Một giao dịch được cấu thành bởi các yếu tố sau:
- Mức giá mua vào (Entry price)
- Mức giá bán ra (Take Profit)
- Khối lượng giao dịch (Volume – Số tiền/hàng hóa sử dụng)
- Mức giá cắt lỗ (Stop Loss)
- Tỉ lệ xảy ra của việc chốt lời
- Tỉ lệ xảy ra của việc cắt lỗ
- Tỉ lệ giữa lợi nhuận thu về và rủi ro khi thua lỗ
Phân loại cấp độ của 1 giao dịch
Bạn chỉ cần đặt lệnh mua 100 cổ phiếu Vietcombank (VCB) ở giá 80, đó đã là 1 giao dịch. Nhưng đây là giao dịch tự phát, hoàn toàn không có tính toán các yếu tố. Bạn chưa có giá bán, bạn chưa biết cắt lỗ tại đâu, bạn không có cơ sở cho việc tính tỉ lệ xảy ra của việc đạt mục tiêu hay không. Rất nhiều người vẫn giao dịch tự phát như vậy, nhưng họ vẫn nhầm tưởng họ đang đầu tư hay giao dịch, đó là đang cờ bạc.
Bạn nghe ngóng trên mạng, đọc tin tức và mua 100 cổ phiếu VCB ở giá 80, sau đó dự kiến bán ở 100 và cắt lỗ tại 72, đó chỉ là giao dịch ở mức độ sơ cấp. Bạn đã xác định được con số lỗ trong tình huống xấu, có giá mục tiêu bán ra ở mức độ cơ bản.
Bạn dùng phân tích kỹ thuật, xác định được vùng mua và bán của cổ phiếu VCB. Đưa ra quyết định mua 500 CP VCB ở giá 80, dự kiến bán 100 và cắt lỗ tại 72. Bạn ước tính được xác suất của việc chốt lời được là 75%, tỉ lệ giữa số tiền thua lỗ và ăn được là: (80 – 72) / (100 – 80), tức 8/20. Đây là giao dịch ở mức độ trung cấp.
Bạn dùng phân tích đồ thị kỹ thuật, đọc báo cáo tài chính, phân tích kế hoạch kinh doanh của công ty. Xác định xu hướng lớn của thị trường, sau đó đưa ra quyết định tương tự như trên. Lúc này bạn đã đạt mức độ giao dịch cao cấp, chúng đã tiệm cận mức độ đầu tư.
Giao dịch có thể coi là đầu tư khi nào?
Vậy bạn còn thiếu điều gì để chính thức đạt mức độ đầu tư?
Các thao tác như mức độ cao cấp là đủ. Nhưng để một giao dịch có thể phân loại thành đầu tư chúng phải thỏa mãn thêm các yếu tố sau:
- Tỉ lệ xảy ra của việc cắt lỗ nhỏ hơn 5%.
- Tỉ lệ đạt được giá mục tiêu phải lớn hơn 80%.
- Có thể giao dịch được với số vốn tương đối lớn.
- Trong tình huống bất khả kháng hoặc không thể lường trước (thường gọi là thiên nga đen tài chính), thiệt hại có thể kiểm soát hoặc có thể khắc phục được mà không cần thao tác gì khác sau đó. Hay nói dễ hiểu hơn là chỉ cần ngồi im cũng tối thiểu hòa.
Chính vì những tiêu chí khắt khe này, mỗi năm chúng ta chỉ có vài giao dịch được coi là đầu tư. Bạn chắc chắn sẽ nhận được những lời khuyên về việc kiên nhẫn trong cả giao dịch và đầu tư. Đó là bí quyết rất quan trọng của thành công trong đầu tư tài chính mà ai cũng sẽ khuyên bạn. Không phải chúng ta không muốn kiếm tiền, mà đơn giản các giao dịch có thể thỏa mãn điều kiện khắt khe là rất ít.
Bạn dùng 1 tờ giấy và ghi cả 7 yếu tố phía trên ra, trước khi định giao dịch gì đó nhất định phải điền tất cả. Sau đó bạn sẽ thấy số lệnh của mình giảm rất nhanh, vì đa số bạn đang giao dịch các lệnh chưa thực sự tốt. Chúng không đạt được tiêu chí về tính an toàn.
Như vậy đầu tư chính là đẳng cấp cao nhất của giao dịch, ở đó bạn chỉ thắng không thua. Hoặc số lần thua phải rất ít, và số tiền thua cũng nhỏ.
Tại sao phải phân chia 2 con đường rõ rệt như vậy?
Quay trở lại bài trước, H.P đã nói rằng mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Nếu bạn chỉ có 100 triệu, lợi nhuận 40%/năm chắc chắn không hấp dẫn bạn. Khi đạt mục tiêu, bạn vẫn không giàu có. Bạn sẽ quan tâm hơn tới các giao dịch ngắn hạn, ở đó bạn thậm chí có thể kiếm 20 triệu mỗi ngày từ số vốn 100 triệu. Ngược lại, khi bạn đang có trong tay 10 tỷ, bạn sẽ không thích các giao dịch có rủi ro lỗ lên tới 30% hàng ngày. Bạn chỉ cần 1 năm có thể đạt 40%, vậy là bạn có thêm 4 tỷ.
Do đó chúng ta cần thiết trong việc chia thành 2 con đường như sau:
Giao dịch – Trading
- Dùng để kiếm thêm thu nhập hàng ngày khi bạn có số vốn lớn. Ví dụ bạn có 10 tỷ, nhưng dùng 500 triệu để phục vụ giao dịch. Số tiền kiếm được, thua lỗ đều chỉ là một phần nhỏ trong nguồn vốn chính của bạn. Bạn sử dụng nó để tạo thêm thu nhập hàng ngày.
- Dùng để xây dựng, tích lũy để tiến tới số vốn lớn. Đây là dành cho những người chưa có số tiền lớn, họ cần tăng 1 phần rủi ro để đạt được thành quả trước khi tiến tới giai đoạn đầu tư.
Đầu tư – Investing
Dùng để lũy kế và gia tăng tổng giá trị tài sản hiện có, lấy an toàn làm gốc. Bằng sự tăng trưởng dài hạn, số tiền kiếm được do đầu tư sẽ nhanh hơn bất cứ thứ gì bạn có thể thấy. Không ai có thể kiếm được 40% một cách an toàn (đầu tư đúng nghĩa) mà không trở nên rất thành công cả. Bạn có thể xem bảng ước tính dưới đây từ số tiền 50.000 USD sau 20 năm.
Nói về con số 40% mỗi năm, nó vừa khả thi vừa bất khả thi. Đây chính là con số của cấp độ huyền thoại, khi đạt được nó chắc chắn bạn sẽ nằm trong top 0.05% những người giàu nhất thế giới. Mức độ 30%/năm có tính khả thi cao hơn, và vẫn là một mức rất ấn tượng.
Nếu chia theo số vốn, người vốn nhỏ bắt buộc phải giao dịch để tích lũy nên một số vốn tương đối ổn trước khi bắt đầu đầu tư. Người có vốn lớn có thể cắt một phần nhỏ ra để giao dịch thêm hàng ngày hoặc chỉ tập trung vào đầu tư.
Để nội dung được liền mạch, các bài tiếp theo trong series sẽ được viết phần giao dịch trước, đầu tư sau. Nếu bạn đã bước tới giai đoạn đầu tư, hoặc lựa chọn đầu tư như con đường riêng của mình xin chuyển thẳng tới phần sau. Những kiến thức nào có liên quan hoặc cần thiết H.P sẽ nhắc tại để bạn tiện tra cứu.
Bài tiếp theo: Chọn thị trường để giao dịch