Chỉ số ROE là một trong những chỉ số mà các nhà phân tích cũng như các cổ đông sử dung nó để đánh giá hoạt động lợi nhuận của một doanh nghiệp cũng như tiềm năng phát triển của nó trong tương lai. Tuy nhiên, để có thể xem xét ý nghĩa chỉ số ROE chuẩn xác nhất, hãy cùng tìm hiểu sâu về tất cả các thông tin về ROE ở nội dung bài viết dưới đây.
Nội dung
ROE là gì?
ROE là viết tắt của Return On Equity, có nghĩa là tỷ suất của lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Hiểu đơn giản, đây là một chỉ số đo lường khả năng sinh lời của một khoản đầu tư trên mỗi đồng vốn bỏ ra, và cũng là chỉ số giúp đo lường được khả năng sử dụng vốn hiệu quả của một doanh nghiệp.
Ví dụ: Bạn bỏ tiền túi của chính mình ra kinh doanh quán cà phê (không vay mượn từ những nguồn khác). Sau khi kinh doanh 12 tháng thì bắt đầu có tiền lời. ROE chính là tỷ số của tiền lãi/tiền vốn bạn bỏ ra.
ROE là một chỉ số quan trọng để giúp các nhà đầu tư tiềm năng có thể phán đoán được doanh nghiệp sẽ sử dụng tiền của họ để tạo ra lợi nhuận như thế nào.
Công thức tính ROE
ROE được tính bằng cách lấy lợi nhuận sau thuế chia cho tổng giá trị của vốn chủ sở hữu dựa trên bảng cân đối kế toán hoặc bảng báo cáo tài chính của doanh nghiệp cuối kỳ (thường là 6 tháng đầu năm hoặc 6 tháng cuối năm).
ROE = Lợi nhuận ròng sau thuế trong kỳ/ Tổng giá trị vốn chủ sở hữu đầu kỳ * 100%
Ví dụ:
- Lợi nhuận ròng sau thuế kỳ này là: 10.000.000 đồng.
- Tổng giá trị vốn chủ sở hữu đầu kỳ là: 100.000.000 đồng.
=> ROE = 10.000.000/100.000.000 = 0,1 hay 10%
Có nghĩa rằng, cứ 1 đồng vốn kinh doanh mà doanh nghiệp bỏ ra, sẽ thu về được 0,1 đồng lợi nhuận ròng.
ROE khác gì ROA?
Một số bạn thường dễ nhầm lẫn giữa khái niệm ROA và ROE, bởi vì công thức tính và ý nghĩa của chúng na ná nhau.
Đơn giản nhất, bạn chỉ cần hiểu:
Tổng tài sản = Vốn chủ sở hữu + Nợ phải trả
Thì trong công thức tính, ROA là lấy tỷ suất của lợi nhuận ròng/tổng tài sản. Còn ROE là lấy tỷ suất của lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu.
*** Nợ phải trả: Là các khoản đi vay bên ngoài để đầu tư vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Nếu một công ty không đi vay nợ, thì đồng nghĩa với việc ROA = ROE.
=> Có thể bạn quan tâm: ROA là gì? Công thức tính ROA & ROA bao nhiêu là tốt?
Ý nghĩa của chỉ số ROE
Chỉ số ROE này là thước đo chính xác để đánh giá một đồng vốn bỏ ra sẽ tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận. Các doanh nghiệp thường dùng chỉ số này để so sánh mức sinh lời của từng quý trong một doanh nghiệp, hoặc so sánh giữa các doanh nghiệp với nhau, từ đó mới quyết định mua cổ phiếu của công ty nào.
ROE có thể được tính cho bất kỳ doanh nghiệp nào nếu thu nhập ròng và vốn chủ sở hữu đều là số dương. Còn nếu một doanh nghiệp có lợi nhuận âm (lỗ) thì ROE thường sẽ không được tính.
Sau khi biết được chỉ số ROE, nhà đầu tư có thể đánh giá ở các góc độ cụ thể:
- ROE nhỏ hơn hoặc bằng lãi vay ngân hàng, vậy nếu công ty có vốn cổ đông thấp hơn các khoản vay ngân hàng, vậy lợi nhuận thu được cũng chỉ đủ để trả lãi ngân hàng.
- ROE cao hơn lãi vay ngân hàng thì phải xem xem rằng công ty đã vay ngân hàng và khai thác hết lợi thế cạnh tranh trên thị trường chưa, từ đó có thể đánh giá được công ty này có thể tăng tỷ lệ ROE trong tương lai hay không.
ROE bao nhiêu là tốt?
Về mặt lý thuyết, ROE cao thì sẽ là một dấu hiệu tốt. ROE cao chứng tỏ doanh nghiệp đang sử dụng hiệu qủa đồng vốn của cổ đông. Vì vậy các loại cổ phiếu có hệ số ROE cao thường hấp dẫn các nhà đầu tư hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên để có thể đánh giá chính xác được ROE bao nhiêu là tốt, thì bạn phải so sánh chỉ ROE của công ty đó với chỉ số ROE trung bình của ngành. Bởi một số ngành thường có ROE cao hơn những ngành khác, do đó khi so sánh ROE “cao” hoặc “thấp”, thường chỉ có ý nghĩa nhất giữa các công ty trong cùng ngành.
Ví dụ: Đối với ngành hàng tiêu dùng, yêu cầu nguồn vốn phải bỏ ra nhiều, nên ROE thường phải đạt ở mức 16% trở lên mới là tạm ổn. Nhưng đối với ngành công nghệ, ROE phải đạt mức 22% thì mới được coi là hiệu quả.
Và khi xem xét đánh giá chỉ số ROE của một công ty, các nhà phân tích thường không đánh giá theo một năm lẻ, mà tính trong khoảng thời gian ít nhất là 3 năm. Một doanh nghiệp có ROE trong 3 năm liên tiếp >20% thì có thể được xem là có sức cạnh tranh tốt.
Chỉ số ROE cao quá mức thì sao?
Vốn dĩ, ROE cao là điều rất tốt, chứng tỏ rằng thu nhập ròng lớn, và hoạt động của công ty đang rất mạnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì ROE cực cao thì lại ẩn chứa nhiều vấn đề của công ty, bao gồm những vấn đề như:
- Dư nợ quá lớn
Vấn đề tiềm ẩn đầu tiên khi ROE cao là công ty có dư nợ quá nhiều (đi vay bên ngoài nhiều, còn vốn chủ sở hữu thì lại ít). ROE được tính bằng lợi nhuận/vốn chủ sợ hữu, chính vì vậy công ty càng vay nợ nhiều, vốn chủ sở hữu càng ít, và đồng nghĩa với việc công ty có thể dễ gặp rủi ro.
- Lợi nhuận không nhất quán
ROE cao thì vấn đề tiềm ẩn tiếp theo là lợi nhuận ròng không nhất quán. Ví dụ đơn giản, một công ty A kinh doanh không có lãi trong vài năm, các khoản lỗ đều được ghi nhận trên bảng cân đối kế đoán dưới dạng “lỗ giữ lại”. Khoản lỗ này là giá trị âm và sẽ làm giảm vốn cổ đông. Sau đó công ty A này làm ăn thuận lợi trong năm này và có lỗ trở lại, và dẫn đến ROE cao một cách bất thường.
- Thu nhập ròng âm
Cuối cùng, trong trường hợp lợi nhuận ròng ròng âm, và vốn chủ sở hữu âm thì có thể tạo ra một ROE giả có chỉ số rất cao. Vì vậy thực tế, nếu một công ty có lỗ ròng hoặc âm vốn chủ sở hữu thì không nên tính ROE.
=> Tóm lại, trong mọi trường hợp, chỉ số ROE cực cao sẽ là một dấu hiệu cảnh báo phải điều tra.
Hạn chế khi tính toán chỉ số ROE
Dù chỉ số ROE có thể giúp nhà đầu tư so sánh hiệu suất của các khoản đầu tư cổ phiếu khác nhau, nhưng nó cũng có nhiều hạn chế như:
- Gây hiểu lầm đối với các công ty mới, bởi những công ty mới hoạt động thì thời gian đầu thường có yêu cầu vốn cao, dẫn đến ROE thấp.
- ROE có thể dễ dàng điều chỉnh bằng cách sử dụng các nghiệp vụ kế toán như: tăng tuổi thọ dự án, giảm tỷ lệ khấu hao, v.v.
- Chỉ số ROE có thể bị bóp méo khi công ty giảm vốn chủ sở hữu bằng cách mua lại cổ phiếu quỹ. Lúc này lợi nhuận không đổi và vốn chủ sở hữu sẽ giảm, dẫn tới chỉ số ROE tăng.
Chính vì vậy, chúng ta không nên căn cứ vào duy nhất chỉ số ROE mà cần có sự phân tích, so sánh, đánh giá, đồng thời với các chỉ số tài chính khác cũng như đánh giá bản thân các doanh nghiệp cùng ngành để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Chúc các bạn sáng suốt và có chiến lược đầu tư thông minh trong tương lai.