Đầu tư vào bản thân mình là gì?
Đầu tư vào bản thân mình ở đây có thể bóc tách thành 2 phần:
- Rót tiền cho mình: Giao tiền cho chính mình tự làm ăn, phát triển các công việc kinh doanh
- Đầu tư cho học tập: Nâng cấp, cải thiện bản thân thành phiên bản tốt hơn
Trong thế giới đầu tư, người ta hay mơ tới mức lãi 30%/năm như một kỳ tích. Nhưng nếu bạn từng trực tiếp vận hành một mô hình kinh doanh của chính mình, dù là bán hàng online, mở quán cà phê, tư vấn dịch vụ, hay startup nhỏ – bạn sẽ thấy con số đó không hề xa vời. Nó chỉ có 2 giai đoạn: Không biết làm thì lỗ, làm thành công thì mức lợi nhuận vượt xa con số kia.
Cần nhắc lại rằng, mức lợi nhuận 30%/năm mà giới đầu tư mơ ước, lại rất bình thường với người tự kinh doanh. Vấn đề mấu chốt có lẽ là bạn sẽ rất nhanh chóng đạt giới hạn của số vốn. Tức là mô hình của bạn thậm chí đạt mức 65 – 70%/năm nhưng lại không thể scale up – gia tăng quy mô.
Lúc này, vẫn chưa nên đi đầu tư chứng khoán hay bitcoin gì đó. Bạn cần đi học, thật đấy. Bạn đang nắm giữ 1 quy trình vận hành rất ngon rồi, hãy thử đi học, tìm kiểm giải pháp phát triển nó thêm đã. Hình thành quy mô to hơn, hình thành chuỗi. Ngay cả khi đầu tư sang lĩnh vực khác: Đầu tư tài chính, bạn vẫn phải học bình thường mà. Nếu không, ngưỡng tài chính của bạn đã tới tối đa. Số tiền bạn kiếm được từ kinh doanh sẽ chính thức mất từ lúc bạn quyết định đi đầu tư ngoài ngành.
Đầu tư bên ngoài không hề dễ ăn như bạn tưởng
Phần lớn mọi người nhìn đầu tư với ánh mắt lấp lánh: cổ phiếu tăng giá, coin x10, bất động sản lời cả tỷ. Nghe qua tưởng như chỉ cần rót tiền vào là tiền đẻ tiền. Nhưng sự thật thì khác xa.
Chưa kể, tiền của bạn – khi đầu tư ra ngoài – là giao cho người khác vận hành, chứ không còn nằm trong tầm tay. Và chính điều này mới là ranh giới: bạn đang bị động. Bạn không kiểm soát kết quả.
Vậy nên, khi còn khả năng chủ động vận hành một mô hình kinh doanh lời 30%/năm hoặc hơn, thì lựa chọn đi đầu tư ra ngoài là một bước lùi – không phải nâng cấp.
Tổng kết
Đầu tư chỉ nên bắt đầu khi bạn đã hết khả năng kinh doanh.
Khi bạn không thể dùng thêm vốn để mở rộng việc mình đang làm, khi năng lực quản lý, vận hành, thời gian, sức lực đều đã tới giới hạn. Đó mới là lúc đem tiền đi đầu tư nơi khác.
Lúc đó, đầu tư mới thực sự có ý nghĩa: nó là giai đoạn chuyển lãi suất chủ động → lãi suất thụ động. Còn trước đó, tỷ suất sinh lời cao nhất vẫn luôn nằm trong chính mình.
Cái hay của việc này là: nếu biết giới hạn của bản thân, bạn sẽ biết lúc nào cần dừng lại để học thêm. Nâng cấp năng lực, mở rộng giới hạn, rồi lại tiếp tục đầu tư vào chính mình. Đó chính là vòng quay lãi kép đích thực – lãi kép của một người làm chủ. Nó thỏa mãn hoàn toàn các tiêu chuẩn của lãi kép: Sinh lợi nhuận cao, an toàn, trên toàn bộ số vốn.
- Khi mô hình kinh doanh đang hiệu quả, đừng vội đầu tư bên ngoài.
- Tập trung quay vòng vốn trong chính mô hình đó, vì lợi suất thực tế vượt xa đầu tư trung bình.
- Chỉ đầu tư ra ngoài khi đã chạm trần tăng trưởng, sau khi bạn đi học.
- Và khi đó, hãy đầu tư như một người hiểu giá trị của từng đồng vốn, chứ không phải chạy theo thị trường.
Thực tế, có người từng hỏi H.P: Đợt này chứng cháo sao, có nên mua ít cổ phiếu không? H.P chỉ hỏi rằng, công việc kinh doanh có tốt không, còn đang cần vốn không? Họ nói kinh doanh ổn, còn đang phải vay thêm tiền để làm. H.P kết luận ngay, quên luôn chứng khoán và chưa tới lúc.
Không có một hình thức nào có thể tốt hơn khi mình có thể tự làm. Đương nhiên khả năng tự làm của mỗi người là khác nhau. Học để gia tăng cái khả năng đó, hết giới hạn thì vẫn phải lũy kế. Lúc này chúng ta chuyển sang phương pháp lũy kế tốt thứ 2: Đầu tư chứng khoán.
Hoài Phong