Ở bài trước, bạn đã hiểu về tiền và tiền tệ là gì, ý nghĩa ra sao. Vui lòng đọc lại bài trước một lần nữa trước khi bắt đầu. Ở bài này, bạn sẽ được hiển hơn nữa về khái niệm: Cung ứng tiền tệ, thường viết tắt là cung tiền.
Nội dung
Cơ bản về cung ứng tiền tệ
Cung ứng tiền tệ chỉ lượng tiền được đưa ra nhằm phục vụ các nhu cầu trao đổi, thanh toán của nền kinh tế.
3 khái niệm phổ biến nhất trong cung ứng tiền tệ:
- Cung tiền H: Tổng lượng tiền mặt (tiền giấy, tiền xu)
- Cung tiền M1: Những khoản tiền ngắn hạn (Tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi ngắn hạn)
- Cung tiền M2: Bao gồm M1 và các khoản tiền gửi tiết kiệm dài hạn
Cung tiền cho nền kinh tế
Nói lại về mục đích của tiền: Thanh toán, dự trữ, làm thước đo giá cả. Có 2 mục đích (nhu cầu) thanh toán và dự trữ sẽ cần tới cung ứng tiền. Tiền tệ lúc này được coi như một hàng hóa thông thường, nó tuân thủ quy tắc cân bằng giữa cung và cầu. Tức là cung nhiều hơn cầu thì mất giá, cầu nhiều hơn cung thì lên giá.
Cần nhắc lại rằng bản thân tiền tệ không mang giá trị. Giá trị của nó bị tác động bởi các yếu tố:
- Quy mô kinh tế của tiền tệ đó (Cầu – Thanh toán)
- Nhu cầu dự trữ của các cá nhân hoặc quốc gia khác cho nhu cầu thương mại quốc tế (Cầu – Dự trữ)
- Tổng cung tiền của các NHTW
Dễ dàng thấy rằng nhu cầu tiền tệ là có thể tính toán. Sản lượng về sản phẩm, dịch vụ tạo ra mỗi năm hay nhu cầu ngoại hối đều có thể ước tính. Khi cầu đã có thể xác định, điều chỉnh cung sẽ điều chỉnh giá trị đồng tiền.
Cung tiền quá nhiều – In tiền cho nhanh “giàu”
Một câu hỏi muôn thủa rằng sao hết tiền không “in” ra, có nhà máy in tiền mà. In tiền ở đây chính là hoạt động tăng cung ứng tiền tệ, có thể là tiền mặt hay tiền tài khoản.
Hiểu đơn giản qua một ví dụ sau:
Có 100 người, cung tiền 1.000 đồng xu và hàng hóa sản xuất là 1.000 cái bánh.
Khi số bánh làm ra không tăng lên, nếu bạn tăng cung tiền lên 2.000 đồng xu, nó sẽ khiến nhiều người (hoặc tất cả) có nhiều tiền lên. Đương nhiên lúc này mọi người chấp nhận trả nhiều tiền hơn để mua bánh do nhu cầu, nguồn cung về bánh không đổi. Đó chính là lạm phát, bạn thấy tài khoản của mình từ 10 xu thành 20 xu, nhưng số bánh mua được thì vẫn thế.
Khi số bánh làm ra tăng lên 2.000 cái, vẫn cung tiền 1.000 đồng xu. Rõ ràng nhu cầu vẫn thế, tiền vẫn như vậy nhưng sản phẩm gấp 2, lúc này bạn chỉ cần mất nửa tiền đã mua được một cái bánh. Lúc này tiền của bạn đã tăng giá.
Khi số bánh tăng lên 1.200 cái và lượng tiền xu cũng tăng lên 1.200 đồng xu, lúc này giá cả sẽ ít biến động. Tiền nhiều hơn thì hàng cũng nhiều hơn.
Rõ ràng mục đích cuối cùng của chúng ta là có bánh để ăn (tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ). Tiền chỉ là công cụ phục vụ việc trao đổi, thanh toán. Việc in tiền không tạo ra bánh, chỉ có sản xuất kinh doanh mới tạo ra giá trị. Do đó chỉ in tiền không làm một quốc gia giàu lên.
Số lượng tiền lưu thông và số hàng hóa làm ra quyết định giá trị của đồng tiền đó.
Cung ứng tiền cố định
Hàng hóa làm ra gần như liên tục tăng theo thời gian. Nhờ sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Vậy cung tiền lúc này tác động ra sao? Cung tiền có thể giữa nguyên vẫn phục vụ được mục đích thanh toán, trao đổi không?
Tính thuận lợi (chia nhỏ) của tiền
Sản lượng 1.000 bánh, cung tiền là 1.000 xu => 1 xu được 1 bánh. Khi sản lượng 5.000 bánh thì 1 xu được 5 bánh. Chỉ có giá trị tiền thay đổi, sự lưu thông vẫn ổn. Sau đó sản lượng đạt 50.000 bánh, 1 xu lúc này được 50 bánh. Vấn đề đã xảy ra: Không phải ai cũng có nhu cầu mua một lần tới 50 cái bánh. Mà đơn vị tối thiểu lại là 1 xu. Lúc này tiền đã không đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán. Nó cần được phát hành thêm, hạ giá trị để thuận lợi trong thanh toán.
Ban đầu, người ta chỉ dùng vàng làm phương tiện thanh toán. Nguồn cung của nó tương đối cố định, câu chuyện 1 xu 50 bánh nhanh chóng xảy ra. Tiền hợp kim đồng buộc phải ra đời để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Chúng được cố định giá trị quy đổi thông qua: Bản vị vàng. Ví dụ cứ mỗi 1.000 đồng xu bằng đồng đúc ra, lại dữ trữ vào 1 lượng vàng. Tức là các đồng xu bằng đồng đúc ra chỉ nhằm mục đích thuận tiện cho thanh toán, thực chất tổng cung tiền vẫn cố định. Nó chỉ như xẻ nhỏ các phần của 1 thỏi vàng thành hàng ngàn phần để dễ dàng thanh toán.
Việc này đã giải quyết được tính chia nhỏ của đồng tiền, nguồn cung đồng, sắt nhôm là khá thoải mái để đúc tiền. Sau này là tiền giấy thì càng đơn giản. Tại sao chế độ cung tiền cố định (bản vị) bị loại bỏ?
Tính chống đầu cơ và khuyến khích sản xuất, kinh doanh
Trong câu chuyện trên, khi cung tiền cố định, giả sử cha ông bạn làm ra 200 xu và tích trữ nó. Bạn đã cầm 1/5 tổng giá trị của tài sản trong tương lai. Khi quy mô là 1.000 cái bánh, bạn có thể mua 200. Khi quy mô là 10.000 cái, bạn có thể mua 2.000. Khi quy mô là 100.000 bạn có thể mua 20.000. Nó sẽ khiến bạn ĐẦU CƠ. Việc nắm chắc trong tay 1 số tiền mà tổng cung cố định, bạn luôn được đảm bảo hưởng tỉ lệ % số sản phẩm mà toàn cộng đồng làm ra. Ban đầu bạn cũng sẽ làm việc, nhưng sau đó bạn nhận ra rằng cố gắng trữ vàng còn hiệu quả hơn nhiều lần (giai đoạn còn bản vị). Từ đó động lực sản xuất kinh doanh bị giảm xuống. Sự cố gắng của bạn là rất giảm sức mạnh, khi những người giàu luôn cầm phần lớn tổng sản phẩm xã hội (Tổng cung tiền tệ của 1 tỉ lệ cố định). Nếu nguồn cung mãi cố định như vậy, dù đất nước có phát triển tới đâu, con cháu các bạn trong ví dụ trên luôn nắm 1/5 sản lượng cả nước.
Như vậy việc chia nhỏ có thể giải quyết dễ dàng bằng các đơn vị thay thế và quy đổi. Nhưng việc chống đầu cơ và khuyến khích sản xuất kinh doanh chỉ có thể giải quyết bằng loại bỏ nguồn cung cố định.
Khi nguồn cung tăng đều đặn mỗi năm, giá trị đồng tiền sẽ sụt giảm dần. Vẫn là ví dụ cha ông bạn đã tích được 200 xu / 1000 xu tổng. Khi số lượng bánh lên tới 3.000, cung tiền cũng là 3.500 xu. Lúc này việc thừa kế từ cha ông 200 xu không còn mang lại cho bạn lợi thế áp đảo. Bạn nghèo đi đáng kể khi không chịu lao động hay sản xuất kinh doanh. Nó tạo điều kiện cho người mới phát triển. Đây chính là tác dụng của lạm phát.
Các quốc gia phát triển còn đánh thuế thừa kế rất cao, lên tới 50% với những giá trị thừa kế rất lớn. Nó khiến động lực làm việc trở nên mạnh mẽ. Nó cũng hạn chế các hoạt động tham nhũng và “hi sinh đời bố củng cố đời con”. Ví dụ ông của bạn có 4 căn nhà, tới đời bố bạn chỉ còn 2, và tới đời bạn chỉ còn 1 với thuế thừa kế. Từ đó ai cũng phải làm việc, phải suy nghĩ thay vì an tâm với số tiền cha ông để lại. Người ta cũng bớt các hành vi phạm pháp, bởi tiền này không thể giữ được lâu, nó liên tục bị chia nhỏ. Chỉ khi con cháu chúng ta lao động, sản xuất tiếp tục mới có tiền. Kinh tế từ đó mà phát triển.
Tăng cung tiền hợp lý
Như đã diễn giải ở trên, việc tăng cung tiền là cần thiết để thuận tiện hai mục đích:
- Giảm giá trị (để dễ trao đổi khi hàng hóa ngày một nhiều)
- Tạo ra lạm phát nhẹ thúc đầy việc sản xuất kinh doanh
Như vậy lợi ích của việc tăng cung tiền là rất dễ thấy. Nhưng nhiều lợi ích vậy tại sao chúng ta không tăng thật mạnh cung tiền lên?
Tốc độ sản xuất kinh doanh và dùng tiền cơ bản là hữu hạn. Việc tăng cung quá mức sẽ khiến lạm phát tăng quá cao. Lúc này lạm phát không phải giúp đỡ nền kinh tế, mà là giết chết nền kinh tế. Sẽ chẳng ai sản xuất kinh doanh mà cố gắng đầu cơ, tích trữ hàng hóa. Thứ mà bạn biết nó chắc chắn sẽ lên giá khi tiền tràn lan.
Như vậy: Cố định cung tiền (Bản vị) người ta sẽ tích trữ tiền. Hàng hóa sản xuất có hạn (trong ngắn hạn có thể coi là cố định), nhưng tiền quá nhiều người ta sẽ lại tích trữ hàng. Việc điều tiết kinh tế hiệu quả phải là: Có làm thì mới có ăn. Thực tế tương quan giữa cung tiền và cung hàng hóa thường không đồng nhất ở mọi thời điểm. Do đó luôn có những người “tinh tế” hơn. Họ không sản xuất kinh doanh mà chỉ tập trung vào 2 việc: Giữ hàng hóa (Các sản phẩm đầu tư nói chung) hay giữ tiền. Luân chuyển giữa 2 loại hình tạo ra cho họ lợi nhuận khổng lồ. Chênh lệch cung cầu tạo thành chênh lệch giá. Từ đó ta có hàng hóa đắt rẻ, tiền cũng “đắt”, “rẻ”.
Vòng quay tiền tệ (Vận tốc – Velocity of Money) và tương quan giá cả, giá trị
Ở các ví dụ phía trên, bạn đã thấy một cách đơn giản nhất về cung tiền. Thực tế việc cung tiền phức tạp hơn, chúng ta không cần nhiều tiền tới vậy cho nền kinh tế. Bởi tiền luôn vận động.
Công thức lượng tiền tệ cơ bản
MV = PQ
M là lượng tiền, V là vòng quay đồng tiền, P là mặt bằng giá và Q là sản lượng
Đây là công thức của kinh tế học cổ điển. Có thể bổ sung thêm cho bạn: MV = PQ = GDP
Rất đơn giản: Tổng giá trị sản lượng làm ra (GDP) bằng giá (P) nhân với sản lượng (Q). Mục tiêu của kinh tế là GDP càng nhiều càng tốt. Bạn bán được thật nhiều hàng hóa (Q) với giá càng cao (P) càng tạo ra nhiều GDP. Đương nhiên sẽ là tốt hơn nếu bạn tạo ra nhiều hàng hóa, thay vì chỉ tăng giá.
Ví dụ khi thống kê GDP 1000 tỷ, không có nghĩa nó luôn giống nhau. Đó có thể là 5 triệu * 200.000 Sản lượng, có thể là 10 triệu * 100.000 sản lượng. Khi giá sản phẩm tương đối ổn định, tăng trưởng sản lượng Q chính là tăng trưởng GDP.
3 luồng quan điểm về sự thay đổi của M, V, P và Q
- Kinh tế học cổ điển cho rằng: Khi sản lượng Q không tăng hay tăng chậm, nếu M tăng thì buộc P phải tăng theo với V cố định. Tức là cung tiền ra bao nhiêu thì giá sẽ tăng bấy nhiêu. Sản lượng Q là thứ phụ thuộc vào năng lực sản xuất kinh doanh, trình độ trí tuệ, không liên quan gì cung tiền.
- Có một thực tế là: Sản lượng Q chỉ được tính vào GDP khi nó được tiêu thụ. Việc sản xuất ra sau đó tự sử dụng (Ví dụ tự nuôi gà và ăn) hoặc chưa bán được sẽ không được tính vào GDP. Nhà kinh tế học Keynes (Chủ nghĩa) đã chỉ ra rằng: Q = Cầu + tồn kho. Ông cho rằng tồn kho liên quan tới sản lượng thực, mà cung tiền có thể tác động tới tồn kho. Từ đó cung tiền có thể tác động tiêu cực hay tích cực tới nền kinh tế.
- Nhà kinh tế học Friedman phát triển thêm rằng: V không phải là cố định. Giả sử cung tiền M tăng, nhưng V chậm lại, với sản lượng Q như cũ cũng có thể cân đối lại mặt bằng giá P. Hoặc M đứng yên, nhưng V tăng tốc cũng có thể tạo ra P hoặc Q tăng. M giảm nhưng V tăng trưởng vẫn có thể khiến P hay Q tăng.
Mục tiêu của nền kinh tế là tăng GDP. GDP này dựa trên ước tính giá trị P cố định, hay có nghĩa là tăng sản lượng hàng hóa dịch vụ Q. Việc gia tăng Q phụ thuộc vào:
- Tri thức, công nghệ, khoa học: Việc tăng sản lượng lúa từ 50kg lên 250kg/sào Bắc Bộ đương nhiên nhờ đổi mới quy trình canh tác, không phải nhờ in tiền.
- Thay đổi trực tiếp Q: Tăng sử dụng tồn kho qua đầu tư công, từ đó Q tăng (Keynes)
- Điều chỉnh M qua đó tác động tới P và V, từ đó tạo ra thay đổi ở Q. Rõ ràng P và V đều có thể điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Qua đó thay đổi sản lượng Q. Đây chính là hoạt động điều phối tiền tệ của các NHTW nói chung.
- Điều chỉnh chính sách tạo ra sự xoay chuyển của V. Ví dụ việc hạ lãi suất, giảm thuế, trợ cấp nghiên cứu khoa học, kích cầu, tổ chức hội chợ, sàn thương mại. Các hoạt động điều hành chính sách nhà nước nói chung đều có thể tác động tới V. Khi V tăng luôn tạo ra Q tăng.
Nếu bạn có xem 1 chút về các bản tinh kinh tế chính trị, sẽ đều thấy cả 4 hoạt động này luôn được các nhà điều hành vận dụng. Tăng được càng nhiều yếu tố, kinh tế càng mạnh.
Sự vận động của tiền không / ít tạo ra sản phẩm
Hãy cùng bắt đầu với 1 ví dụ
Ông A có 10 tỷ, ông A mua miếng đất của ông B giá 10 tỷ. Ông B dùng 10 tỷ này mua miếng đất của ông C. Ông C lặp lại như vậy tới ông D. Ông D mang 10 tỷ này gửi tiết kiệm.
Thực tế chỉ có 10 tỷ đồng, nhưng sự quay vòng của nó khiến cả: A, B, C, D đều thấy rằng mình sở hữu 10 tỷ. Cung tiền thực tế luôn nhỏ hơn nhiều so với tổng giá trị tài sản. Tiền chỉ cần chạy 1 vòng, tất cả A, B, C, D đều cảm thấy mình giàu có. Trong ví dụ này, nó không tạo ra bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào (Q).
MV = PQ
Trong ví dụ trên, ta có Q, M không đổi nên V đã tạo ra P. Sự xoay vòng mạnh mẽ của tiền đã tạo ra giá cả P tăng mạnh mẽ. Mọi chuyện nhanh chóng lộ ra vấn đề khi V giảm xuống, tức ông D đi gửi tiết kiệm. Lúc này ông A, B, C không thể nào bán được đất giá 10 tỷ, bởi người duy nhất có tiền là ông D không mua.
Như vậy trong tình huống vòng quay tiền tệ V không tạo ra sản lượng Q, nó khiến tất cả mọi người giàu lên do P tăng lên. Tài sản lúc này là thực, thanh khoản cũng là thực bởi V rất lớn. Nhưng giá trị của nó lại phần lớn là “ảo”. Nó nhanh chóng biến mất khi V chậm đi. Trong ví dụ trên, bạn có thể thấy không cần 40 tỷ để biến thành 4 người có tài sản ước tính 10 tỷ.
Vẫn ở ví dụ trên, có thêm 1 ông X tới vùng bỏ thêm 10 tỷ mua đất. Lúc này hiểu như tăng đồng thời cung M và V. Cung này có thể khiến mảnh đất trở thành 12 tỷ thay cho 10 tỷ, việc thanh khoản hay chống mất giá sốc đều tốt hơn. Nhưng nó đương nhiên sẽ tệ đi nếu tất cả các ông A, B, C, X đều đồng loạt muốn chuyển thành tiền.
Sự vận động của tiền tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ
Ví dụ này đơn giản hơn nhiều: Ông A cắt tóc cho ông B được 100K. Dùng 100K này mua rau về ăn, người bán rau có tiền đi mua quần áo. Người bán quần áo có tiền lại đi mua xe đạp…
Thực tế tiền vẫn chỉ từ 100K của ông A, nó chạy vòng qua tất cả mọi người khiến ai cũng “kiếm được tiền”. Đây đương nhiên là sự vận động lành mạnh, và rất tốt cho nền kinh tế.
Bất động sản không hay có tạo ra Q?
Mục tiêu là gia tăng Q, vậy BĐS có tạo ra Q không? Trước mắt cần hiểu rõ BĐS chia thành 2 loại:
- BĐS có xây dựng, phát triển, đầu tư hạ tầng: Xây khu đô thị, làm chung cư, hạ tầng đường xá. Loại này đương nhiên có tạo ra Q. Với việc tiêu thụ các sản phẩm, sử dụng lao động trực tiếp. Đây là loại hình BĐS cần được khuyến nghị phát triển. Sự phát triển thần kỳ của TQ không thể không kể đến vai trò của BĐS loại này.
- BĐS chỉ chuyển giao từ người này sang người khác, không xây dựng hay phát triển gì. Loại hình này giống với ví dụ về A, B, C, D phía trên. Không có Q trực tiếp được tạo ra. Nhưng nó vẫn tạo ra Q gián tiếp. Ví dụ một miếng đất định giá từ 7 tỷ thành 10 tỷ, bạn có thể vay một số tiền tốt hơn, sau đó sản xuất kinh doanh. Hoặc ông C bán đất được 10 tỷ, bỏ 2 tỷ xây nhà, 3 tỷ góp vốn làm ăn, đó chính là bước tạo ra Q. Bắt buộc phải có khâu sản xuất kinh doanh, dù là sau đó mới có giá trị. Loại hình này có bất ổn về giá, tài chính nên thường không được khuyến nghị và phải kiểm soát chặt ở mọi quốc gia. Thường các hệ lụy của nó lớn hơn tác dụng khi không kiểm soát được tín dụng.
Lời kết
Ý nghĩa của bài trên là gì?
Đối với nhà điều hành, hiểu rằng mục tiêu tăng Q là mấu chốt. Làm mọi cách để tăng được Q, từ chính sách tài chính tới khoa học, kỹ thuật. Từ đầu tư công, làm hạ tầng tới cung tiền, thay đổi thuế thừa kế v.v để người dân chăm chỉ lao động sxkd, từ đó tăng Q.
Đối với cá nhân, hiểu rõ tương quan của sự tăng giảm giá của tiền và hàng hóa. Từ đó chọn lọc về việc nắm giữ hàng hóa hay tiền. Đầu biết nghĩ thì cái tay đỡ mệt.
Điều chỉnh hành vi đầu tư. Hiểu được các nguyên nhân, giá trị bền vững của việc tăng giá: Ví dụ chỉ từ quay vòng đồng tiền như : Coin, lan đột biến. Hiểu được giá trị phải sinh ra có nguồn gốc từ sxkd. Việc tăng giá từ quay vòng đồng tiền, cung tiền là cơ hội tốt. Nhưng phải hiểu rằng nó không bền vững kẻo “chia tài khoản”.
Dự đoán kết quả kinh tế và giá cả thông qua chính sách điều hành. Từ đó đưa ra quyết định đầu tư hay sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Kết quả kinh tế luôn gắn rất chặt chẽ với chính sách nhà nước. Chúng không chỉ gồm chính sách tài chính, mà phải bao gồm phần lớn các chính sách khác.
PGS – Nguyễn Hoài Phong