Kể từ khi bản thân mình biết về mô hình CỐC TAY CẦM – hay còn gói là mô hình Cup and Handle, mình đã nhận thấy rằng nó rất hữu ích trong việc dự báo những điểm đột phá trong đồ thị giá, nơi mà giá cổ phiếu có thể tăng cao nhiều lần hơn nữa. Vì vậy hôm nay, mình muốn chia sẻ thật kỹ với các bạn về mô hình CỐC TAY CẦM này để các bạn không bỏ lỡ bất cứ cơ hội giao dịch nào khi thấy CỐC TAY CẦM – Cup and Hande xuất hiện.
Nội dung
Hướng dẫn về mô hình CỐC TAY CẦM (Cup and Handle)
Mô hình CỐC TAY CẦM là gì?
Một mô hình CỐC TAY CẦM sẽ có 3 phần chính, đó là:
- Xu hướng: Trong một xu hướng tăng giá.
- Phần cốc: Thường có dạng hình chữ U hoặc chữ V, thể hiện giá cổ phiếu vừa trải qua một giai đoạn xuống dốc, sau đó tạo đáy và giờ đang có xu hướng đi lên.
- Phần tay cầm: Khi giá cổ phiếu tăng lên đến miệng chiếc cốc, nhiều trader sẽ bán ra để chốt lời. Do lượng cổ phiếu bán ra nhiều nên giá sẽ bị điều chỉnh giảm một phần. Khi cung giảm dần, lượng mua nhiều thì giá lại đi lên, tạo nên phần tay cầm của chiếc cốc.
Mô hình CỐC TAY CẦM này được rất nhiều trader yêu thích và coi nó như một chiến thuật để chọn điểm mua trong giao dịch, bởi vì:
– Dễ nhận biết, dễ vận dụng, cách giao dịch không quá phức tạp.
– Được ủng hộ bởi chiến lược giao dịch CANSLIM
– Các nhà đầu tư đang hào hứng trước xu hướng tăng giá, cộng thêm tâm lý sợ mất cơ hội.
– Là đợt tăng giá sau thời gian dài điều chỉnh cần thiết.
– Tâm lý giao dịch đã bị nén và bùng nổ trở lại (vùng quai cốc)
Ý nghĩa đằng sau mô hình CỐC TAY CẦM
Nhìn vào mô hình CỐC TAY CẦM, nhà đầu tư chứng khoán có thể nhận định được diễn biến giá thị trường thời gian qua như thế nào, cũng như có thể dự đoán được xu hướng giá sẽ tiếp diễn trong tương lai.
– Thị trường chứng khoán sau giai đoạn tăng giá cổ phiếu, thì sẽ có một đợt điều chỉnh giảm từ 20 – 35% so với mức cao cũ.
– Thời gian để hình thành cốc có thể 8 – 12 tuần tùy vào điều kiện thị trường chung.
– Khi cổ phiếu tăng giá trở lại, nó có thể chịu áp lực bán ra bởi những người đã mua bằng hoặc gần đỉnh trước đó, hoặc một số nhà đầu tư non gan cũng bán ra đợt này. Áp lực sẽ khiến giá cổ phiếu đi ngang, hoặc thiên về giảm trong giai đoạn này, khoảng từ 4 ngày – 3 tuần. Đây chính là giai đoạn hình thành tay cầm.
Thời điểm để mua cổ phiếu là khi giá tăng vọt lên tay cầm với sự gia tăng về khối lượng
Tay cầm nói chung thấp hơn khoảng 5% – 15% so với điểm cao cũ là tốt nhất. Tay cầm điều chỉnh quá sâu có thể là một mô hình lỗi và không đạt được kết quả tốt khi mô hình kết thúc.
Cách nhận diện mô hình CỐC TAY CẦM chuẩn, đẹp
CỐC TAY CẦM “chuẩn” và “đẹp” là mô hình phải đáp ứng được một số tiêu chí để đảm bảo chắc chắn được rằng giá sẽ chuẩn bị bước vào giai đoạn đột phá mạnh (Tránh gặp phải nhiều mô hình xấu, đến đoạn hình thành tay cầm thì giá lại đi xuống, không thể bứt phá để tạo xu hướng tăng được).
Theo kinh nghiệm giao dịch với mô hình Cup and Handle của mình, thì mình cho rằng nó nên đáp ứng các tiêu chí sau:
-
Độ sâu của cốc so với trend tăng giá thường là 20 – 35% nhiều trường hợp có thể đến 40 – 50%. Nhưng nếu mô hình có cốc càng sâu, thì tỷ lệ thất bại càng cao. Ví dụ cốc giảm tới 50% từ đỉnh tới đáy đồng nghĩa cổ phiếu này phải tăng gần 100% từ đáy để trở lại đỉnh cao của nó, rất khó, và tính từ điểm break out thì có lẽ chỉ tăng thêm được 5 – 15% là nhiều.
-
Phần cốc có hình chữ U sẽ uy tín hơn nhiều so với cốc nhìn giống chữ V. Như thế nó mới cho thấy giá đã có thời gian điều chỉnh và giờ đang hồi phục, đã loại bỏ được phần nào những nhà đầu tư yếu ớt và chỉ còn các nhà đầu tư mạnh (ít có xu hướng bán ra trong những đợt tăng giá tiếp theo).
-
Cốc có tay cầm nên dài ít nhất 7 tuần, còn nếu không có tay cầm thì nên là 6 tuần trở lên. Tay cầm phải được hình thành tối thiểu là 5 ngày,
-
Tay cầm phải có hình dạng giống mô hình cái nêm, có hướng dốc xuống, và mức giảm chỉ nên dao động khoảng 8 -12% là ổn. Nếu đang ở trong thị trường gấu, có thể chấp nhận giá xuống tầm 20%.
-
Tay cầm có hình dạng cái nêm, nhưng lại dốc lên trên sẽ là một mô hình CỐC TAY CẦM xấu, bởi nó cho thấy vẫn đang tồn tại nhiều nhà đầu tư yếu, nên khó có thể bật tăng mạnh trong tương lai. Cái nêm hướng lên trên thường hay xuất hiện ở cổ phiếu bị thị trường lãng quên, hoặc cổ phiếu dẫn dắt thị trường nhưng lại được quá nhiều người biết đến.
-
Đặc biệt quan tâm đến khối lượng giao dịch, bởi phần thoát khỏi phần tay cầm sẽ có khối lượng tăng đột biến (break out) – và cũng là điểm phù hợp để chọn điểm mua.
Ví dụ một mô hình CỐC TAY CẦM chuẩn trong thị trường chứng khoán Việt Nam:
Mô hình CỐC TAY CẦM và siêu cổ phiếu
Cốt lõi của CỐC TAY CẦM là sẽ báo hiệu một đợt tăng giá ĐỘT BIẾN. Chính vì thế những cổ phiếu tồn tại mô hình này thường được gọi là “siêu cổ phiếu” – cổ phiếu có thể đem lại lợi nhuận vượt trội.
Vậy làm cách nào để nhận diện ra siêu cổ phiếu?
Câu trả lời là hãy quan sát đồ thị giá của nó trong quá khứ. Vì sao?
Các mô hình giá thường có xu hướng lặp lại trong thời gian, và mô hình CỐC TAY CẦM cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy bạn hãy xem lịch sử biểu đồ giá của cổ phiếu, nếu nó từng tồn tại mô hình này – rất có thể nó sẽ xuất hiện lần nữa. Bằng chứng là William O’Neil – cha đẻ của CỐC TAY CẦM đã nghiên cứu rất nhiều siêu cổ phiếu của TTCK Mỹ từ năm 1880 đến 2009, và ông chỉ ra rằng mô hình CỐC TAY CẦM xuất hiện rất nhiều lần ở những cổ phiếu dạng này.
CỐC TAY CẦM thường xuất hiện ở nhiều ở nhóm cổ phiếu Mid-caps, và thiên về những cổ phiếu tăng trưởng. Vì vậy để săn cổ phiếu với mô hình này, hãy thường xuyên quan sát những diễn biến trên thị trường, xem nó có ảnh hưởng đến xu hướng tiếp theo dài hạn của cổ phiếu đó không. Sau đó hãy theo dõi nó để đợi mô hình xuất hiện thì vào lệnh mua kịp thời.
Mô hình CỐC TAY CẦM Ngược là gì?
Mô hình CỐC TAY CẦM NGƯỢC là biến thể của mô hình CỐC TAY CẦM. CỐC TAY CẦM NGƯỢC có thể xuất hiện ở xu hướng đi lên hoặc xu hướng đi xuống.
– Ban đầu giá cổ phiếu sẽ đi lên, tạo thành một đỉnh. Nhiều nhà đầu tư cảm thấy kịp chốt lời nên đã bán ra dần dần, khiến cho giá lại di chuyển theo chiều xuống, tạo thành hình mái vòm chữ n.
– Khi giá đã giảm xuống đến một mức độ (miệng cốc), lực bán yếu dần. Một số nhà đầu tư nghĩ rằng đây là thời điểm tốt để gom cổ phiếu, nên lại mua vào khiến giá cổ phiếu tăng lên một chút, tạo thành phần tay cầm.
– Lượng mua nhỏ giọt, không thể đẩy giá bật tăng trở lại nên nhiều nhà đầu tư chán nản muốn bán. Khi áp lực bán tăng đột biến sẽ đẩy giá vượt qua khỏi khu vực đáy của đỉnh bên phải cốc. Lúc này cần xả hàng gấp bởi tỷ lệ rất cao là cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm giá trong dài hạn.
Hạn chế của mô hình CỐC TAY CẦM
– Hạn chế lớn nhất của mô hình này chính là thời gian hình thành rất dài, ít nhất là vài tháng đến 1 năm, nhưng cũng có nhiều lúc bạn chỉ thấy khoảng 1 tháng là đã thấy biểu đồ có hình dạng na ná CỐC TAY CẦM rồi. Chính vì điều này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư trở nên mơ hồ, dẫn đến nhận định sai.
– Những tiêu chuẩn về CỐC TAY CẦM đẹp, chuẩn thường rất dễ hiểu, nhưng thực tế để tìm được một mô hình chuẩn chỉnh như vậy lại rất khó, hiếm có cái cốc nào hoàn hảo, cân bằng, nhiều lúc méo chỗ này, thụt chỗ kia.
– Giống như các mô hình khác, mô hình CỐC VÀ TAY CẦM nên được kết hợp cùng nhiều chỉ báo kỹ thuật khác để có thể đem đến tín hiệu đột phá chính xác nhất.
Như vậy là mình và các bạn vừa tìm hiểu xong về mô hình CỐC TAY CẦM – CUP AND HANDLE. Đây là mô hình có thể gặp thường xuyên trên thị trường, nhưng nó có khá nhiều biến thể nên hơi khó nhận ra, và đằng sau nó ẩn chứa rất nhiều logic. Nếu bạn nắm vững được về nó, dù nó có chuẩn là CỐC TAY CẦM hay không thì bạn cũng phần nào chủ động hơn trong giao dịch rất nhiều, Chúc bạn luôn thành công với những quyết định sáng suốt nhất.