Khi tham gia vào thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư thường sử dụng nhiều kỹ thuật và phương pháp khác nhau để đánh giá cổ phiếu, và một phương pháp rất được ưa chuộng đó chính là phương pháp CANSLIM. Vậy phương pháp CANSLIM là gì trong chứng khoán, xuất phát từ đâu, nó sử dụng như thế nào? Tất cả sẽ được gsphong.com giải đáp chi tiết ở nội dung bài viêt dưới đây.
Nội dung
- 1 Phương pháp CANSLIM trong chứng khoán là gì?
- 1.1 CANSLIM là gì?
- 1.2 Nguồn gốc của phương pháp CANSLIM
- 1.3 7 tiêu chí lọc cổ phiếu theo phương pháp CANSLIM
- 1.3.1 C – Current Quarterly Earnings (Thu thập hàng quý)
- 1.3.2 A – Annual Earnings (Thu nhập hàng năm)
- 1.3.3 N – New (sản phẩm mới, quản lý mới)
- 1.3.4 S – Supply and Demand (Cung và cầu)
- 1.3.5 L – Leader or Laggard (Dẫn đầu hay đội sổ)
- 1.3.6 I – Institutional Sponsorship (nhà đầu tư tổ chức)
- 1.3.7 M – Market Direction (Xu hướng thị trường)
- 1.4 Quy tắc giao dịch của phương pháp CANSLIM
- 1.5 Sai lầm khi sử dụng CANSLIM của nhà đầu tư
- 1.6 Phương pháp CANSLIM có hiệu quả không?
- 1.7 Cách áp dụng CANSLIM tại thị trường Việt Nam
Phương pháp CANSLIM trong chứng khoán là gì?
Lưu ý rằng nội dung bài viết có thể khá dài. Nếu bạn không có thời gian, bạn có thể kéo xuống và đọc những tóm tắt về CANSLIM ở cuối bài. Nhưng mình khuyên rằng, bạn nên đọc kỹ mọi thứ để có thể hiểu được phương pháp CANSLIM là gì và biết cách áp dụng chúng như một nhà đầu tư chuyên nghiệp.
CANSLIM là gì?
Giống như hầu hết các chiến lược giao dịch cổ phiếu, mục tiêu của CANSLIM là hỗ trợ các nhà giao dịch tìm kiếm các cổ phiếu có tiềm năng vượt trội so với thị trường chung và so với các cổ phiếu khác trong cùng ngành.
CANSLIM chỉ được áp dụng trong thị trường tăng giá. Bởi vì, CANSLIM được tạo để kiếm tiền từ cổ phiếu khi thị trường đang trong xu hướng tăng (thị trường bò).
Từ góc độ học thuật, sử dụng phương pháp CANSLIM trong thị trường tăng giá đồng nghĩa với việc bạn sẽ tìm mua các cổ phiếu có hệ số beta cao (thường tăng trưởng tốt khi thị trường cũng đang tăng).
Một điều khiến phương pháp CANSLIM nổi bật so với các phương pháp đầu tư chứng khoán khác là nó sử dụng cả phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản. CANSLIM sử dụng các chỉ số kỹ thuật để xác định các điểm mua và điểm bán của cổ phiếu, trong khi các chỉ số cơ bản được dùng để đánh giá hiệu quả và tiềm năng của doanh nghiệp.
Nguồn gốc của phương pháp CANSLIM
Sau khi đã hiểu được định nghĩa phương pháp CANSLIM là gì, bạn hãy cùng chúng mình tìm hiểu về người đã tạo ra nó: William J. O’Neil.
William J. O’Neil sinh năm 1933. Năm 1958, sau khi nhận bằng kinh doanh tại Đại học Southern Methodist, ông bắt đầu làm việc tại Hayden, Stone & Co. với tư cách là một nhà môi giới chứng khoán.
O’Neil bắt đầu sử dụng chiến lược giao dịch CANSLIM của mình để chọn cổ phiếu. Về cơ bản, chiến lược của ông vẫn giữ nguyên trong suốt nhiều năm qua, có nghĩa là phiên bản ông sử dụng vào những năm 1950 so với phiên bản hiện nay cũng không khác nhau quá nhiều.
Bằng cách dựa vào phương pháp CANSLIM, O’Neil nhanh chóng vượt trội so với các đồng nghiệp của mình. Không lâu sau kể từ khi ông gia nhập Hayden, Stone, & Co, O’Neil trở thành nhà môi giới chứng khoán hoạt động tốt nhất công ty. O’Neil đã đạt được thành công chỉ sau 5 năm sau làm việc với Hayden, Stone & Co., sau đó ông quyết định tách ra hoạt động độc lập.
Năm 1963, O’Neil thành lập William O’Neil & Co. Công ty tiếp tục thực hiện phương pháp giao dịch CANSLIM của O’Neil và đã đạt được nhiều thành công đáng kể.
O’Neil đã dựa vào nền tảng thống kê về lịch sử biến động của giá cổ phiếu, sau đó ông phát hiện ra một số điều hết sức thú vị, đã phá vỡ những nguyên tắc mà rất nhiều người thường coi là “kim chỉ nam” khi đầu tư. Ví dụ:
Mua thấp bán cao.Bắt đáy khi thị trường gặp ngưỡng hỗ trợ.Chỉ chọn mua cổ phiếu có P/E thấp.Áp dụng mua trung bình giá xuống
Để đưa ra một nghịch lý vô cùng vĩ đại:
Những cổ phiếu có vẻ giá đang quá cao và nhiều rủi ro đối số đông mọi người, thì thường có xu hướng lên cao hơn nữa. Trong khi đó, những cổ phiếu có vẻ rẻ và đang ở dưới thấp thì thường xuống thấp nữa.
7 tiêu chí lọc cổ phiếu theo phương pháp CANSLIM
Lợi thế đáng kể của CANSLIM là nó giúp quyết định xem cổ phiếu đó có đáng để đầu tư hay không. Áp dụng phương pháp này, bạn chỉ cần đối chiếu cổ phiếu với 7 tiêu chí CANSLIM sau đây:
C – Current Quarterly Earnings (Thu thập hàng quý)
Tiêu chí đầu tiên của phương pháp CANSLIM để lọc cổ phiếu là dựa vào chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu của quý hiện tại, và chỉ số này càng cao càng tốt. Để tính thu nhập trên mỗi cổ phiếu (tức EPS) bạn lấy lợi nhuận ròng chia cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Yêu cầu của tiêu chí C: các công ty phải có thu nhập trên mỗi cổ phiếu quý hiện tại tăng ít nhất từ 18% đến 20% so với cùng kỳ năm trước.
Lưu ý nhỏ, khoản thu nhập này phải đến từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp, chứ không phải là những khoản lợi nhuận bất thường, ví dụ như: thanh lý tài sản…
Ví dụ: Bạn đang xem xét công ty A, thì phải so sánh EPS trong quý 1 năm 2021 với quý 1 năm 2020 (bởi cùng kỳ thì sẽ loại bỏ được những yếu tố mang tính thời vụ). Nếu mức tăng trưởng chỉ là 16% thì sẽ không đáp ứng được tiêu chí C – CANSLIM, và bạn sẽ phải loại bỏ công ty này ra.
Dựa vào tăng trưởng thu nhập hàng quý, bạn có thể phán đoán được phần nào về lợi nhuận của công ty. Một công ty có mức tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu cao có nghĩa là công ty đó vừa có lợi nhuận vừa tăng trưởng nhanh.
A – Annual Earnings (Thu nhập hàng năm)
Cũng theo phương pháp CANSLIM, bạn nên tìm kiếm những cổ phiếu tăng trưởng cao trong 3 năm liên tiếp, có nghĩa là mỗi năm đều có sự tăng trưởng thu nhập.
Yêu cầu của tiêu chí A: tùy vào tình hình của công ty, lĩnh vực, nhưng cố gắng đạt được mức tăng trưởng thu nhập hàng năm từ 25% trở lên.
Tuy nhiên, ngay cả khi một công ty đáp ứng ngưỡng tăng trưởng thu nhập hàng năm, nó cũng có thể không đáp ứng đầy đủ yêu cầu này của CANSLIM.
Bởi vì, yêu cầu về thu nhập hàng năm không chỉ dùng để tìm kiếm những công ty tăng trưởng cao mà còn phải sử dụng tốt những khoản thu nhập đó. Một công ty có thể có khoảng thời gian thành công trong ngắn hạn và lợi nhuận tăng lên trong một vài năm. Nhưng nếu công ty không tái đầu tư thu nhập một cách thông minh, thì sự tăng trưởng này khó có thể kéo dài.
Mặc dù không có cách nào để đảm bảo một công ty sẽ sử dụng tốt tiền của mình, nhưng việc kết hợp xem xét tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) trong trường hợp này có thể giúp bạn đánh giá chính xác thêm phần nào.
Theo tiêu chí của CANSLIM, ROE nên đạt từ 17% trở lên.
Nhìn vào mức tăng trưởng thu nhập hàng năm và ROE , bạn sẽ biết được rằng một công ty đã có lãi trong vài năm qua, liệu có thể tiếp tục giữ mức tăng trưởng đó trong các năm tiếp theo hay không?
N – New (sản phẩm mới, quản lý mới)
Theo O’Neil phân tích trong chiến lược CANSLIM, các công ty cần một cái gì đó để thúc đẩy tăng trưởng, và điều đó chính là một thứ gì đó mới mẻ.
Mới ở đây có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, ví dụ: sản phẩm mới, công ty mới, ban giám đốc mới, chiến lược quảng bá mới…
Hầu hết các công ty trong thị trường chứng khoán luôn thay đổi và phát triển theo một cách nào đó. Thế nên tiêu chí này cũng không phải là quá khó để lựa chọn. Nhiều khi, chỉ cần công ty có một sự “điều chỉnh nhỏ” thì nó cũng có thể vượt qua tiêu chí CANSLIM này.
Nếu bạn không chắc liệu công ty được đề cập có đáp ứng yêu cầu MỚI hay không. Vậy thì câu hỏi bạn cần tự trả lời là liệu yếu tố mới này có đủ để tác động mạnh đến giá của cổ phiếu không? Nếu câu trả lời là KHÔNG hoặc KHÔNG BIẾT, thì hãy loại công ty này khỏi danh mục đầu tư CANSLIM của bạn.
S – Supply and Demand (Cung và cầu)
Lý thuyết cung và cầu là một trong những thành phần cơ bản của tài chính và kinh tế. Ở cấp độ cơ bản nhất, lý thuyết cho rằng khi có nhiều cầu hơn cung, giá cả sẽ tăng và khi có nhiều cầu hơn cung, giá sẽ giảm.
Áp dụng cung cầu vào trong phương pháp CANSLIM ở đây có nghĩa là đang đề cập đến nhu cầu mua cổ phiếu và số lượng cổ phiếu của công ty đang lưu hành trên thị trường.
Chiến lược CANSLIM khuyến nghị lựa chọn cổ phiếu có khối lượng lưu hành ít. Bởi vì khi doanh nghiệp phát triển trong tương lai, thì nhiều người sẽ muốn mua cổ phiếu hơn, mà nguồn cung ít sẽ khiến cho giá của những cổ phiếu này tăng vọt.
Bên cạnh đó, O’Neil cũng khuyến nghị:
-
Mua các cổ phiếu có khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày cao hơn mức trung bình của ba tháng qua.
-
Ưu tiên chọn những công ty mua lại cổ phiếu từ các cổ đông, bởi đó là dấu hiệu cho thấy công ty thấy tự tin về hướng đi của mình trong tương lai.
Tóm lại, quy luật cung và cầu trong CANSLIM là một sự hỗ trợ để bạn chọn cổ phiếu. Chỉ cần nắm rõ nguyên lý: khối lượng giao dịch tăng lên còn nguồn cung thì giảm đi.
L – Leader or Laggard (Dẫn đầu hay đội sổ)
Hãy xem xét công ty đó đang dẫn đầu hay tụt hậu trong ngành của mình?
Theo O’Neil, cách để đánh giá xem một công ty có đáp ứng yêu cầu này hay không là tham khảo bảng xếp hạng công ty trong ngành (thường được công bố ở một số website tài chính).
Việc đánh giá một cổ phiếu tiềm năng so với các đối thủ cạnh tranh và thị trường nói chung là điều cần thiết. Ví dụ, ngay cả khi lợi nhuận cao, nhưng cổ phiếu đó vẫn có thể tụt hậu so với những cổ phiếu khác trong ngành khi thị trường hoạt động tốt.
Khuyến nghị, hãy sử dụng chỉ số sức mạnh giá tương đối (RS) để đánh giá công ty so với phần còn lại của ngành. Mỗi một cổ phiếu được xếp hạng từ 1 – 99. 1 cổ phiếu có RS = 99, tức là cố phiếu đó ưu việt hơn 99% các cổ phiếu khác về thành tích giá cổ phiếu trong năm qua.
Yêu cầu tiêu chí L: lựa chọn cổ phiếu có chỉ số sức mạnh giá tương đối (RS) từ 80 trở lên.
I – Institutional Sponsorship (nhà đầu tư tổ chức)
Thêm một tiêu chí của phương pháp CANSLIM, đó là cổ phiếu phải có đủ số lượng cổ đông là tổ chức. Tổ chức ở đây có thể là quỹ tương hỗ, công ty bảo hiểm, ngân hàng, khối tự doanh của CTCK…
Tại sao lại cần cổ đông là nhà đầu tư tổ chức?
Các nhà đầu tư tổ chức có nhiều chuyên môn và nguồn lực hơn các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Có được sự đầu tư từ tổ chức sẽ đem lại điềm báo tốt cho một công ty, và công ty giống như đang được bỏ phiếu tín nhiệm vậy.
Trong các tiêu chí CANSLIM thì đây có lẽ là một trong những tiêu chí phức tạp nhất trong số bảy tiêu chí. Thường thì, các nhà đầu tư CANSLIM đều muốn đầu tư vào một công ty trước các tổ chức, bởi vì khi tổ chức tham gia đầu tư thì chắc chắn giá cổ phiếu đó sẽ bị đẩy lên cao.
Hơn nữa, không phải tất cả các tổ chức đầu tư đều là tốt, vì vậy cần phải xem xét kỹ chất lượng của các tổ chức đó. Có một bảng xếp hạng đánh giá hiệu suất của các quỹ tương hỗ trên Investor’s Business Daily dựa trên thành tích của các quỹ trong 36 tuần gần nhất. => O’Neil khuyến nghị chỉ xem xét khi quỹ đầu tư nhận được xếp hạng từ B + trở lên. (** BXH này áp dụng ở thị trường chứng khoán Mỹ).
M – Market Direction (Xu hướng thị trường)
Tiêu chí cuối cùng trong 7 tiêu chí CANSLIM chính là xu hướng của thị trường.
O’Neil tin rằng ngay cả khi một cổ phiếu đáp ứng sáu tiêu chí trên, nhưng nếu một nhà giao dịch đoán sai về hướng thị trường thì hoàn toàn có khả năng bị mất tiền. Ông cũng tuyên bố rằng việc nhận biết được khi nào thị trường đạt đỉnh hoặc rớt đáy là nằm chắc 50% phần thắng của trò chơi đầu tư chứng khoán.
Nếu bạn đầu tư chứng khoán quốc tế, hãy quan sát các chỉ số: S&P 500, NASDAQ, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones, bảng tổng hợp NYSE….
Còn ở thị trường Việt Nam, hãy quan sát và theo dõi biến động của chỉ sô VN-Index, VN30-Index, HNX-Index, VnAllShare-Index….
Theo dõi các chỉ số này giúp bạn có cái nhìn toàn diện về thị trường, và bạn sẽ thấy rất thú vị khi tò mò xem cổ phiếu bạn đang đánh giá có hướng đi như thế nào so với hướng đi của thị trường.
Nếu thị trường không tăng giá, hãy chờ đợi để áp dụng phương pháp CANSLIM, thay vì cố gắng thực hiện một giao dịch và mất tiền.
Quy tắc giao dịch của phương pháp CANSLIM
Sau khi đã hiểu phương pháp CANSLIM là gì cũng như những tiêu chí để tạo nên nó, thì bạn nên biết rằng CANSLIM cũng có một bộ quy tắc đi kèm để bạn thực hiện và tránh mất tiền trong giao dịch.
Xác định cắt lỗ ở mức 8%
Nếu như các nhà đầu tư tổ chức không thể mua và rút cổ phiếu khỏi thị trường một cách nhanh chóng, thì nhà đầu tư nhỏ lẻ lại có thể. Và đối với O’Neil, đây có thể bí quyết để trở nên giàu có đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Quy tắc bất thành văn ở đây là cắt tất cả các khoản lỗ ở mức 8%, đó là mức tối đa nhất có thể chấp nhận được.
O’Neil cũng nói rằng hầu hết các nhà đầu tư đều lạc hậu. Thay vì cắt lỗ nhanh chóng, hầu hết đều “nín thở” và hy vọng cổ phiếu quay trở lại mức hòa vốn để bán, và điều đó thường dẫn tới sai lầm.
Xác định mức chốt lời 20% – 25%
O’Neil cũng đề nghị nên chốt lời ở mức 20% – 25%. Chỉ có duy nhất một ngoại lệ cho nguyên tắc này, đó là nếu cổ phiếu tăng 20% trong vòng 2, 3 tuần, thì có thể giữ nó thêm 8 tuần trước khi trước khi chốt lời, và cân nhắc có thể giữ nó trong 6 tháng hay không.
O’Neil cũg nhận ra một xu hướng thường thấy là, các cổ phiếu tốt thường có xu hướng tăng 20 – 25%, sau đó sẽ giảm giá, rồi lại bắt đầu một xu hướng mới và tiếp tục tăng.
Áp dụng mua trung bình giá tăng
Áp dụng chiến thuật mua trung bình giá tăng, tức là mua thêm vào khi cổ phiếu tăng giá. William O’Neil cho biết, ông thường mua thêm cổ phiếu khi giá tăng 2 – 3% so với mức giá ban đầu. Nhưng nếu giá tăng trên 5% thì ông sẽ không mua để tránh rủi ro.
Không mua cổ phiếu giá quá rẻ
Hiếm hoi có trường hợp ngoại lệ, còn lại những cổ phiếu giá quá rẻ thì chắc chắn sẽ có nguyên nhân của nó. Và nguyên nhân chính đó là chúng không có nhiều tiềm năng tăng giá. Trong khi đó, các cổ phiếu EPS cao thì giá sẽ cao, và tương lai giá còn cao hơn nữa.
Hãy nhớ rằng: “Không có cổ phiếu nào quá đắt để mua, không có cổ phiếu nào quá rẻ để bán”.
Nếu bạn muốn hoc theo phương pháp CANSLIM, thì đừng mua cổ phiếu dựa theo P/E, bởi rất nhiều công ty có P/E cao nhưng tương lai giá vẫn còn tăng hơn nữa, và ngược lại.
Dùng kỹ thuật để xác định điểm mua
Sử dụng phân tích kỹ thuật để xác định điểm mua là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của chiến thuật CANSLIM.
O’Neil thường quyết định mua khi giá biến động theo mô hình “Cup and Handle” hoặc “Volatility Contraction” (mô hình VCP).
Sai lầm khi sử dụng CANSLIM của nhà đầu tư
Khi nghiên cứu về phương pháp CANSLIM là gì cũng như tìm hiểu cuốn sách của William O’Neil về phương pháp này, ở chương thứ 13, mình thấy O’Neil có đề cập một phần là “21 sai lầm đắt giá thường gặp mà hầu hết các nhà đầu tư mắc phải“.
- Luôn cố để lỗ mà không chịu cắt lỗ, vì niềm tin rằng cổ phiếu sẽ tăng giá.
- Mua cổ phiếu khi đang ở chiều hướng giảm giá. Ví dụ thấy cổ phiếu giảm xuống 20 đô, bạn sẽ mua. Sau đó lại thấy giảm xuống 15 đô bạn lại tiếp tục mua vào, bởi tâm lý của bạn cho rằng đang mua được rẻ hơn.
- Thích áp dụng chiến lược trung bình giá xuống (ví dụ tương tự như trên).
- Ngại học cách sử dụng biểu đồ và ngại mua các cổ phiếu đang đi lên.
- Đặt ra tiêu chí lựa chọn kém và không nắm rõ những gì cần phải tìm kiếm ở một doanh nghiệp tiềm năng. Ngoài ra, lại thường tập trung quá mức vào chứng khoán có tính đầu cơ cao, chất lượng thấp.
- Không có quy tắc cho thị trường cụ thể để biết được khi nào nên mua vào, khi nào nên bán ra.
- Thiếu kiên nhẫn, không chịu tuân thủ các quy tắc mua và bán đã đặt ra, khiến bạn mắc lỗi ngày càng nhiều.
- Chỉ tập trung vào việc mua cái gì. Sau đó, lại bỏ bê không chịu nghiên cứu về thời điểm nào bán ra là tốt nhất.
- Không hiểu được tầm quan trọng của việc mua công ty chất lượng, có nhiều nhà đầu tư tổ chức. Cũng không hiểu được tầm quan trọng của việc sử dụng biểu đồ sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian lựa chọn cổ phiếu.
- Thích mua nhiều cổ phiếu có giá thấp hơn là mua nhiều ít cổ phiếu có giá cao.
- Mua theo lời khuyên, tin đồn, các tin tức chia tách, sáp nhập hoặc các sự kiện khác…
- Thích lựa chọn “cổ phiếu hạng hai” bởi vì cổ tức hoặc vì P/E thấp.
- Luôn muốn kiếm tiền nhanh chóng và dễ dàng.
- Có xu hướng mua cổ phiếu của những cái tên quen thuộc.
- Không thể nhận biết được những thông tin/lời khuyên tốt để hành động theo.
- Thu lợi nhuận nhỏ, dễ kiếm trong khi giữ phần thua.
- Lo lắng quá nhiều về thuế và chi phí giao dịch.
- Đầu cơ quá nhiều vào các sản phẩm phái sinh vì coi chúng là cách làm giàu nhanh chóng.
- Hiếm khi giao dịch “tại thị trường”, thay vì đặt giới hạn giá cho các lệnh mua và bán.
- Không thể quyết định khi cần đưa ra quyết định.
- Không nhìn nhận cổ phiếu một cách khách quan.
Mình tin chắc rằng rất nhiều bạn sẽ phải đồng tình rằng, trong quá trình đầu tư, bạn đã từng mắc phải quá nửa số sai lầm này. Và đây cũng chính là lý do khiến bạn đạt được kết quả không khả quan trên thị trường chứng khoán trong thời gian qua.
“Hãy khắc phục điểm yếu của bạn cho đến khi chúng trở thành điểm mạnh” – William J.O’Neil
Phương pháp CANSLIM có hiệu quả không?
Như bạn đã thấy, mỗi tiêu chí trong số bảy tiêu chí CANSLIM tương đối đơn giản và dễ hiểu, và các quy tắc giao dịch cũng dễ thực hiện đối với hầu hết các nhà giao dịch. Điều này có thể khiến bạn tự hỏi, liệu một thứ đơn giản như vậy có thể thực sự hiệu quả trong việc giúp các nhà giao dịch chọn ra những cổ phiếu tốt không?
Về mặt lịch sử, CANSLIM tạo ra một danh mục đầu tư tốt hơn thị trường. Bản thân O’Neil là minh chứng để công nhận rằng phương pháp CANSLIM có hiệu quả. Chưa kể, nhiều nhà đầu tư khác cũng đã đi theo phương pháp này và đại đa số đạt được lợi nhuận rất tích cực.
Tuy nhiên, hạn chế nổi bật nhất của CANSLIM chính là hiệu quả của nó đối với thị trường mới nổi hoặc thị trường quốc tế còn kém. CANSLIM được sinh ra ở thị trường chứng khoán Mỹ, nên các tiêu chí, chỉ số phù hợp với thị trường Mỹ nhiều hơn. Nếu áp dụng ở thị trường khác thì có lẽ sẽ kém hiệu quả hơn một chút.
Mặc dù vậy, cũng không thể đánh giá thấp phương pháp CANSLIM này, bởi những tiêu chí và nguyên tắc của chúng đều có căn cứ, khoa học. Nếu bạn hiểu đúng về chúng và biết cách điều chỉnh phù hợp với thị trường hiện tại, thì chắc chắn đây sẽ là một chiến lược đầu tư hiệu quả.
Cách áp dụng CANSLIM tại thị trường Việt Nam
Thực tế, vì CANSLIM được xây dựng dựa vào thị trường chứng khoán Mỹ, và cũng có từ rất lâu đời nên nó không đảm bảo chính xác với nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể dựa vào những yếu tố cốt lõi của nó để làm chiến lược chọn lọc cổ phiếu cho mình.
Dưới đây là các bước căn bản nhất để thực hành phương pháp CANSLIM:
Bước 1: Xác định xu hướng của thị trường chứng khoán nói chung, nếu thị trường đang có chiều hướng tăng giá thì mới quyết định thực hành.
Bước 2: Lựa chọn các công ty có lợi nhuận tăng trưởng đều qua các năm, đặc biệt là lợi nhuận quý gần nhất tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Bước 3: Đánh giá kỹ lại các thông tin liên quan đến công ty: lợi nhuận đến từ đâu, có sản phẩm mới hay không, cổ đông như thế nào, có cổ đông tổ chức hoặc BQT doanh nghiệp nắm giữ cổ phiếu hay không….
Bước 4: Kiểm tra lại xem công ty đó đứng thứ bao nhiêu trong ngành, có phải đầu ngành hay không, so sánh với các công ty trong ngành, và đánh giá cung cầu thị trường cổ phiếu của nó ra sao.
Bước 5: Nếu qua 4 bước trên, bạn đã lựa chọn được được một cổ phiếu ưng ý. Thì việc bạn cần làm là nghiên cứu kỹ thuật để lựa chọn điểm mua hợp lý nhất.
CANSLIM là chiến lược lựa chọn cổ phiếu dựa vào 7 tiêu chí (C-A-N-S-L-I-M). Sau khi tìm hiểu về CANSLIM, chúng mình đã tổng kết được những điều quan trọng nhất của phương pháp này:
-
Chỉ quyết định mua khi thị trường ở xu hướng tăng, và luôn chuẩn bị sẵn hành động khi thị trường rơi vào xu thế giảm.
-
Đừng mua cổ phiếu giá quá rẻ, và cũng đừng mua cổ phiếu vì cổ tức hoặc P/E thấp.
-
Mua các cổ phiếu có ROE tối thiểu là 17% trở lên.
-
Cổ phiếu có sự tăng trưởng EPS quý gần đây nhất (so với cùng kỳ năm ngoái) lớn hơn 18%.
-
Mua cổ phiếu của các công ty có sự tăng trưởng về lợi nhuận hàng năm ít nhất 25%, thậm chí lên tới 40% đối với cổ phiếu dẫn đầu.
-
Chỉ mua cổ phiếu nằm ở trong trong phân khúc các doanh nghiệp dẫn đầu ngành.
-
Đảm bảo rằng cổ phiếu bạn mua phải có sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức.
-
Công ty phải có sản phẩm/dịch vụ bán chạy, và có nhiều yếu tố mới để đảm có được doanh thu nhảy vọt trong tương lai.
-
Mua cổ phiếu khi nó đạt mức giá cao mới, và có sự biến động đột biến về khối lượng giao dịch.
-
Luôn phải tập trung nghiên cứu và đánh giá thị trường, đặc biệt phải biết cách đọc hiểu biểu đồ và phân tích biến động giá.
-
Cắt lỗ 7 – 8% từ điểm mua, đừng tranh cãi với thị trường và an ủi bản thân rằng cổ phiếu sẽ sớm lên giá.
-
Mua cổ phiếu trung bình giá tăng, nhưng không mua thêm khi giá tăng 5% từ điểm mua, và chốt lời khi cổ phiếu tăng 20 – 25% tính từ điểm mua.
=> Tuy nhiên, sự thật là để tìm được một cổ phiếu hội tụ đầy đủ các yếu tố trên thì không đơn giản chút nào. Chính vì vậy, chỉ cần tìm ra cổ phiếu đáp ứng gần đủ là cũng có thể đảm bảo được đó là cổ phiếu tốt, nhiều tiềm năng và ít rủi ro so với hàng trăm cổ phiếu khác trên thị trường rồi.
Trên đây là những tất cả những thông tin về CANSLIM mà gsphong.com muốn chia sẻ cũng các bạn. Áp dụng CANSLIM vào trong đầu tư chứng khoán, bạn sẽ có được một công thức đầu tư khá hiệu quả và thông minh, bởi CANSLIM đã chứng minh được hiệu quả của nó qua nhiều năm tại thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu và cả Việt Nam. Chúc bạn sớm thành công.