Chúng ta hối tiếc hoặc sai lầm đôi khi chỉ bởi “đời người quá ngắn ngủi” – Hoài Phong
Tư duy kinh tế, tài chính là hai thứ có được nhờ: Học tập & kinh nghiệm. Nói một cách chính xác, tư duy nào cũng hình thành từ kiến thức và dữ liệu. Chỉ có điều phần lớn tư duy của mọi người trở nên không thật chính xác bởi dữ liệu họ có được là “chưa đầy đủ“.
Chỉ một phần rất nhỏ trong dân số học về kinh tế, tài chính. Nhưng phần lớn ai cũng có những quan điểm về kinh tế & tài chính như: Lạm phát, đầu tư, lãi suất, tiết kiệm, bất động sản v.v.
Hoài Phong gọi đó là sự định kiến trong tư duy, nó không đến từ kiến thức & dữ liệu mà chủ yếu đến từ “kinh nghiệm” và những chứng kiến của họ trong cuộc đời hoặc một phần suy luận logic.
Tiếc thay, đời người khá ngắn so với một chu kỳ kinh tế. Chúng ta mất 25 năm từ lúc sinh ra để thực sự biết thế nào là “cuộc đời”. Chúng ta cũng mất thêm 25 năm ở giai đoạn 60 tuổi trở lên trong trạng thái “lực bất tòng tâm”. Như vậy chúng ta có khoảng 35 năm năm để thực hành.
Xin kể cho bạn một vài câu chuyện có thực để bạn hình dung mọi thứ rõ ràng hơn.
Nội dung
1, Câu chuyện lạm phát và tư duy về “vàng”
Khoảng 30 năm trước, nước ta đã trải qua một giai đoạn lạm phát rất thường xuyên. Nó là 3 chữ số vào giai đoạn bắt đầu đổi mới (700% – 1986, 400% – 1988, 34% năm 1989 và 67% năm 1990). Khi kinh tế dần ổn định hơn, lạm phát được kéo về mức quanh 10% cho tới khoảng năm 1996.
Đó là một mức lạm phát khá “kinh dị”, nếu ai từng phải trải qua khó lòng không khắc cốt ghi tâm. Vàng đã mang lại hiệu suất tuyệt vời trong việc “bảo toàn và gia tăng” giá trị lưu trữ. Quá trình kéo dài hơn 10 năm này đã khiến người ta “tin vào vàng” hơn rất nhiều. Trong 10 năm này, giá vàng thế giới không hề tăng mà thậm chí còn giảm.
Sau năm 1996, lạm phát đi vào ổn định nhưng chỉ sang năm 2000 vàng đi vào chu kỳ tăng giá mới. Giá vàng đã leo một mạch từ $250/oz lên mức $1800/oz vào năm 2011.
*** Chú thích ảnh: Vàng có gần 20 năm “tệ” vô cùng trước khi đột biến và “tầm thường trở lại”, vàng không luôn tốt như bạn nhỉ.
Nếu bạn là một người Mỹ, bạn chỉ thấy được rằng vàng đã tăng rất mạnh trong 10 năm. Nhưng ở góc nhìn một người Việt Nam, bạn sẽ thấy giá vàng tăng rất mạnh gần 35 năm. 1 quy luật đã duy trì 35 năm chẳng lẽ còn chưa đủ tin cậy? Nó bắt đầu từ khi 1 chàng thanh niên mới 18 tuổi bước ra đời tới tận khi đầu đã 2 màu tóc.
Từ đó dễ dàng thấy những quy tắc như:
- Quy đổi mọi thứ ra vàng (Ví dụ 500K ngày xưa 1 chỉ vàng thì giờ tương đương 5.5 triệu, nó không đúng)
- Vàng không bao giờ mất giá…
Có lẽ không nhà đầu tư vàng nào có thể ngờ rằng “cứ có tiền là mua vàng” có thể thành khoản đầu tư tồi nhất. Vào năm 2011 vàng đạt hơn 1800$/oz (Giá ở VN là hơn 50 triệu/lượng) thì sau đúng 10 năm mới chỉ “về bờ” giữa lúc không thứ gì không tăng quá nhanh sau 10 năm.
Mất hơn 10 năm diễn biến vô cùng kém hấp dẫn, vàng mới dần mờ đi và xóa từ từ được định kiến trong một số người. Và với một số người, vàng vẫn là số 1.
Vàng ít có tác động tới giới trẻ hiện nay, họ không trải qua cho mình giai đoạn lạm phát, ko chứng kiến giai đoạn thăng hoa của vàng để hình thành định kiến.
Nhìn lại diễn biến trong hơn 100 năm qua, vàng rõ ràng không hề tăng liên tục mà nó cũng rất “bong bóng”. Mỗi chu kỳ của nó thậm chí kéo dài tới 20 – 25 năm. Bạn lại chỉ có 35 năm ở độ tuổi “làm ăn”. Một tư duy sau thì mất gần 1/3 đời người.
Sâu hơn nữa về câu chuyện giá vàng, mời bạn đọc bài này: Phân tích chiến lược đầu tư vàng trong suy thoái khủng hoảng.
2, Câu chuyện về tỉ giá USD/VND.
Lại là câu chuyện lạm phát. Chúng ta đã chứng kiến tỉ giá USD/VND tăng phi mã từ 15K6 (năm 2008) lên 21K (năm 2011). Lùi về sâu hơn một chút, chúng ta cũng có một đợt tăng mạnh là từ 11K lên 14K chỉ từ đầu năm 1997 sang năm 1999. Suốt các thời gian khác, tỉ giá diễn biến ổn định tăng nhẹ.
Vào những năm 2011, phong trào hold “đô” nổi lên mạnh mẽ. Người người giữ vàng, nhà nhà giữ đô. H.P đã trò chuyện với nhiều người đã kiếm được rất nhiều tiền ở thời điểm đó (hàng triệu đô mỗi năm), hầu hết đều khuyến nghị giữ đô và vàng. Thậm chí chính H.P cũng từng theo phong trào, khi nhận tiền thanh toán thì rút USD về cất tủ hoặc gửi tiết kiệm với lãi suất 0.5%/năm (Lúc đó gửi tiết kiệm USD vẫn có lãi suất).
Nếu như ở câu chuyện vàng, những người đã biết nắm giữ vàng khi lạm phát và có vàng để trữ tất nhiên không phải “gà”. Tuy vậy quan điểm của họ sau này đã trở nên không còn phù hợp. Tương tự với câu chuyện tỉ giá, những người biết kiếm ra USD và nhiều USD cũng có trình độ cao. Cũng như ví dụ trên, tư duy của họ về kinh tế cũng không phải là “chân lý”.
Sau 10 năm, USD tăng từ 21k lên cao điểm nhất khoảng 24K, hiện tại ở mức 22K6. Đấy có phải khoản đầu tư “sáng suốt” không có lẽ bạn đã có câu trả lời.
Ngoài lề về câu chuyện tỉ giá: Cuối năm 2020 khi có những phát ngôn chính thức từ phía Hoa Kỳ về việc Việt Nam thao túng tiền tệ. Hầu hết những người không hiểu biết cho rằng: Việt Nam đã thao túng để giữ giá VND ở mức cao (23 – 24k), thực tế nó phải 27 – 30K. Thậm chí tới thời điểm này, nhiều người vẫn nhầm lẫn như vậy.
Việt Nam đã vi phạm vào “barem” thao túng tiền tệ:
- Thặng dư thương mại với Mỹ đạt 58 tỷ USD (vượt ngưỡng cho phép 20 tỷ USD)
- Thặng dư cán cân vãng lai đạt 15 tỷ USD, tương đương 4,6% GDP (lớn hơn ngưỡng 2% cho phép)
- Mua ròng ngoại tệ giá trị 17 tỷ USD, tương đương 5,1% GDP (vượt ngưỡng 2% cho phép
Tức là cứ đủ 2/3 tiêu chuẩn là sẽ bị kết luận vi phạm thôi. Thang điểm này được công bố rất rõ ràng, và chúng ta có thể tìm cách để giảm thang điểm xuống (Tăng giá VND lên, nhập khẩu nhiều hàng Mỹ để hạ thặng dự cán cân vãng lai, thặng dư thương mại).
Như vậy khi thông tin “Việt Nam bị kết luận thao túng tiền tệ” được đưa ra, khi bạn có thông tin và kiến thức, bạn sẽ hiểu rằng USD/VND sẽ giảm xuống (Do VND tăng giá). Trường hợp hơi “phỏng đoán”, bạn sẽ nghĩ rằng USD/VND tăng lên cao. H.P đã nghe rất nhiều thông tin trái chiều rằng USD sẽ lên 27K, chỉ là do nhà nước đang “kìm giá”.
3, Câu chuyện về BĐS
Bất động sản thực sự có giá trị rất cao lúc này. Không nói về bong bóng hoặc giá ảo, chỉ nói rằng BĐS đã có mức tăng quá ấn tượng tới thời điểm này.
Cũng như vàng và USD, BDS đang dần hình thành một định kiến rõ nét:
- Bất động sản chỉ có tăng giá
- Hiệu quả đầu tư vào BĐS là rất lớn.
- Có tiền chỉ mua đất là lành.
Hiện giờ nó chưa sai, nhưng nhớ rằng nó chỉ là “chưa” chứ không phải là “không”. Hiểu rằng nó có thể giống như USD hay vàng đã từng làm, giảm thì không nhưng hiệu suất ấn tượng thì không đảm bảo.
Gần hơn nữa bạn có thể thấy như sau: Đất nhìn chung đã đang và sẽ tăng giá ở mức độ ít hay nhiều ở mọi quốc gia. Tuy vậy việc sai thời điểm có thể khiến bạn “kẹt” tầm 10 – 15 năm là rất bình thường. Bạn có thể hỏi những người đã từng đầu tư đất ngoại thành tại đỉnh để biết về câu chuyện này.
4, Câu chuyện Bitcoin
…
Tổng kết
Xã hội luôn biến động, mọi thứ thay đổi từng phút từng giây. Chúng ta lại mất quá nhiều thời gian cho mỗi chu kỳ, mỗi quy tắc.
- Giai đoạn chưa biết gì (25 năm)
- Giai đoạn chưa quan tâm (3 năm)
- Giai đoạn hình thành định kiến (7 – 15 năm)
- Giai đoạn suy yếu của quy luật
- Giai đoạn khởi đầu và lên ngôi của một quy luật, định kiến mới.
- Giai đoạn lực bất tòng tâm (già đi)
Vàng, Đô, Đất đai hay CK, Bitcoin mỗi chu kỳ lớn đều kéo dàng hàng chục năm. Nó khiến người ta trải qua rất nhiều cảm giác từ không quan tâm, tới hối tiếc, tới tin tưởng và hình thành định kiến. Chúng ta không thể sống lâu hơn để chứng kiến nhiều điều, chúng ta chỉ có thể dựa vào lịch sử để tìm cho mình một tư duy hay quan điểm.
Đừng tranh luận với ai đó về 1 xu hướng tài chính. Điều đó là vô nghĩa bởi đúng hay sai nó là động, không phải tĩnh. Tại sao lại mất thì giờ để tranh luận về vàng với một người đã nhờ vàng mà đổi đời 20 năm về trước? Và cũng rất khó để nói về BĐS với người đang mua 15 20 mảnh đất trong tay. Có một câu nói rất kinh điển:
Không ai tắm 2 lần trên một dòng sông.
Hãy giữ cho mình một sự cầu thị. Bởi điều đúng đắn hôm nay không chắc sẽ duy trì trong tương lai. Mọi thứ, mọi chu kỳ thì rất chậm chạm và tuổi đời chúng ta thì có hạn. Nhớ rằng, nó chỉ chậm chứ chu kỳ luôn tồn tại.
Hoài Phong