Tam Quốc Diễn Nghĩa là tác phẩm kinh điển bất cứ ai cũng nên đọc. Tất nhiên La Quán Trung đã tô vẽ nên nhiều thứ để tác phẩm trở nên hấp dẫn như vậy. Chúng ta thấy được diễn biến về tranh chấp của các chư hầu trước khi hình thành đại cục 3 nước nhỏ. Giai đoạn sau đó càng rõ nét hơn nữa việc các quốc gia bề ngoài hợp tác nhưng trong lòng chỉ luôn tìm cách bá chủ.
Trong thế giới hiện đại này cũng như vậy, chúng ta cũng có nhiều cường quốc có thể coi như các chư hầu lớn. Họ cũng liên kết, chống phá lẫn nhau. Nó diễn biến liên tục suốt cả thế kỷ nay, và cho tới hiện tại. Nếu liệt kê ra thì cũng hấp dẫn không kém diễn biến của Tam Quốc khi xưa.
Xuyên suốt hành trình đó, các quốc gia thay nhau lên xuống khác nhau. Nhưng chúng vẫn chung những phương pháp của 2000 năm trước. Chúng ta sẽ xoay quanh các quốc gia hiện vẫn còn tồn tại hiện nay, nổi trội nhất. Gần như không có đạo lý, không có sự tử tế. Chỉ có quyền lợi là thứ duy nhất tồn tại.
Hãy quan sát kỹ bức ảnh này, nó giúp bạn có nhiều góc nhìn quan trọng về diễn biến và những sự kiện phía dưới.
Nội dung
Độc lập và sự hình thành của nước Mỹ
Mâu thuẫn quyền lời từ các tầng lớp lãnh đạo tại nước Mỹ và các tầng lớp tại bản địa Anh ngày càng sâu sắc.
Các nước ở châu Âu cũng không ưa gì sự bành trướng của Anh. Họ cũng nhau liên kết lại và hỗ trợ Washington rất mạnh mẽ cả về tiền và vũ khí. 3 nước hỗ trợ nổi bật là Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan. Đặc biệt là Pháp khi đó rất “cay cú” Anh nên hỗ trợ cực mạnh. Mục tiêu khi đó chỉ đơn giản là làm suy yếu nước Anh. Rất không may, với tất cả mọi thứ thuận lợi: Nhân tài, tài nguyên, vị trí, nền tảng thế chể, tư pháp xuất sắc, nước Mỹ non trẻ lại trở thành bá chủ thế giới. Nó nằm ngoài dự kiến của cả Anh và Pháp. Năm 1776, nước Mỹ ra đời.
Chiến tranh thế giới thứ nhất
Chiến tranh thế giới thứ nhất là một mớ bòng bong trong cuộc chiến tranh giành thuộc địa để chiếm lĩnh tài nguyên, thị trường và lao động.
Các quốc gia liên kết với nhau thành từng phe và đánh lẫn nhau. Tất cả các nước tham chiến đều vì quyền lợi riêng của mình. Hoa Kỳ tham chiến không phải khi thế trận đã an bài. Họ tham chiến khi phe Anh Pháp có nguy cơ thua ngày càng cao. Lúc đó quyền lợi và vị thế của của Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh. Họ quyết định tham gia liên minh để diệt đi nước Đức có khả năng bá chủ.
Nước Đức bị áp đặt những điều kiện vô cùng ngặt nghèo sau WW1. Gần như không còn khả năng ngóc lên, bạn có biết tại sao nước Đức có thể vực dậy mạnh mẽ như vậy và gây ra WW2?
Chiến tranh thế giới thứ hai
Sau WW1, Mỹ đã trở thành bá chủ. So với từng quốc gia đơn lẻ bất kỳ như Anh, Pháp, Đức hay Nga thì Mỹ hoàn toàn vượt trội. Nhưng tổng quan về quy mô, Mỹ vẫn chưa đủ áp đảo khi các nước này liên kết lại với nhau. Việc cần làm lúc này có 2 mục tiêu rõ ràng:
- Ngăn 1 trong các quốc gia này bành trướng, trở nên mạnh mẽ
- Gây chia rẽ nội bộ, không cho các quốc gia này liên kết lại.
Nước Đức bị kìm hãm đủ thứ vực dậy mạnh mẽ như vậy là có sự hỗ trợ rất lớn từ Hoa Kỳ. Với tố chất và nền tảng mạnh mẽ, nước Đức sau khi được bơm đồ nhanh chóng “giúp” nước Mỹ đạt 2 mục tiêu:
- Gây bất ổn khu vực
- Khiến nước Anh, Pháp suy yếu và mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh với Mỹ
Rất tiếc, câu chuyện nước Mỹ ra đời có thể lặp lại khi nước Đức ngày một mạnh mẽ. Nó đã vượt ngoài tầm kiểm soát của nước Mỹ khi Đức làm cỏ cả châu Âu. Mục tiêu lúc này chuyển sang kiểm soát nước Đức. Trước khi trực tiếp tham chiến, nước Mỹ đã bơm đồ tất tay cho Liên Xô. Không có những đợt bơm đồ mạnh (19.000 máy bay, 20.000 xe tăng…) như vậy Liên Xô không có bất cứ cửa nào thủ trước Đức và cuộc phản công sau đó.
Liên Xô suy yếu, Trung Quốc trỗi dậy
Nước Đức bị đánh bại, Phe phát xít bị đánh bại. Nhưng lại có một sự trỗi dậy sau đó: Khối Cộng Sản và Liên Xô. Khi mà Đức, Anh, Pháp đã không còn đáng lo thì lại nổi lên mội khối Cộng Sản đủ cân sức cân tài. Về quy mô cả khối Liên Xô và Trung Quốc khi đó là 1 thế lực. Mục tiêu lúc này là phải chia rẽ liên minh Tôn – Lưu này.
Vẫn sử dụng chiêu bài cũ, bơm đồ cho nước yếu và gây chia rẽ hai nước. Mỹ đã hỗ trợ Trung Quốc như cha hộ trợ con, anh bơm đồ cho em. Thực sự lúc này Trung Quốc chưa có tuổi trên bản đồ. Sự qua lại với nước Mỹ đã nhanh chóng khiến Liên Xô và Trung Quốc rơi vào mâu thuẫn. Chính sự việc này và việc ép Việt Nam chọn phe giữa 2 người anh cùng giúp đỡ mình. Kết quả nó đã gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
Mục tiêu làm suy yếu Liên Xô và cả việc chia rẽ hai quốc gia lớn cùng định hướng thành công. Tuy vậy chúng lại tạo ra một kết quả ngoài dự kiến là Trung Quốc trỗi dậy quá nhanh.
Liên minh châu Âu ra đời
Sau WW2, các quốc gia Châu Âu đã trở nên yếu ớt và mất hoàn toàn sức sống. Khi so với Mỹ, Liên Xô thì các quốc gia đang ngày một nhỏ bé. Bé thì phải liên kết lại, để thành một thực thể có thể cạnh tranh mạnh mẽ. CIA nhanh chóng nghiên cứu về liên minh mới ra đời này. Chúng là các quốc gia độc lập nhưng mức độ chặt chẽ là đặc biệt cao. Nó có thể tạo ra các sản phẩm cạnh tranh với Mỹ như câu chuyện Boeing và Airbus. Cả nhân tài và quy mô dân số của cả châu Âu khi gộp lại đều đáng gờm. Mỹ chính thức coi Châu Âu là một đối thủ cần xem xét.
Ở thời điểm EU ra đời, mục tiêu cấp thiết lúc này vẫn phải là làm suy yếu Liên Xô. Do vậy việc “không có tay chân” để quản lý Châu Âu và Trung Quốc là bình thường. Sau khi Liên Xô cơ bản đã không còn là mối nguy, mục tiêu tiếp theo là: Kiểm soát – làm suy yếu châu Âu.
Việc này rất đơn giản, tập trung vào chia rẽ mối quan hệ giữa Nga và Châu Âu. Càng khoét sâu nó càng khiến châu Âu bị chìm trong rắc rối và đi chậm lại. Có vẻ như chúng vẫn không đủ, khi 2 khối này mâu thuẫn không đủ lớn. Có thể tạo ra các bất ổn nội bộ bằng việc tạo ra dòng người Hồi Giáo nhập cư.
Trung Quốc bùng nổ
Sau khi nhận hỗ trợ rất mạnh từ Mỹ. Thêm sự chủ quan từ cả làng, Trung Quốc đã phát triển một cách bùng nổ. Tới khi nhận thức được và chuyển hướng sang đối thủ mới là Trung Quốc thì mọi thứ đã quá trễ. Nhưng trễ thì vẫn phải làm, mục tiêu là làm TQ chậm lại. Chúng bao gồm việc cố gắng dùng quyền lực mềm hạn chế sự phát triển của TQ. Xa hơn, đó là tạo ra các bất ổn hoặc kéo Trung Quốc vào một cuộc chiến tranh với các nước láng giềng và sa lầy ở đó. Chúng chủ yếu là việc rủ rê các quốc gia lân cận với Trung Quốc trở thành đồng minh chiến lược. Đồng thời, kích động các quốc gia này chống Trung Quốc. Nếu sa vào một cuộc chiến tranh, bất cứ quốc gia nào cũng bị kéo lùi hàng chục năm.
Nhật Bản bùng nổ và đi ngang
Nhật Bản sau chiến tranh thế giới 2 lại nhận đồ bơm từ Mỹ. Kèm theo nền tảng vững chắc, tinh thần con người tuyệt vời, Nhật Bản nhanh chóng vươn lên ở vị trí thứ 2 thế giới. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền, cứ nhiều tiền quá ắt khó bảo. Thỏa ước Plaza được ký kết, sau đó kinh tế Nhật đi vào trì trệ hơn 10 năm sau đó. Tuy vậy nó chỉ kìm hãm sự bùng nổ của Nhật Bản. Họ vẫn giữ được vị thế của mình trong suốt thời gian dài. Ngay cả tới hiện tại, Nhật Bản vẫn là một thế lực trên bản đồ thế giới.
Lời bình
Nhìn nhận lại bản chất ngàn năm
Hầu như việc quyết định chính sách đối ngoại của nước lớn chỉ bao gồm việc:
- Xác định các đối thủ, nó thay đổi liên tục.
- Gây mâu thuẫn giữa các đối thủ để mình ngư ông đắc lợi
- Liên kết với đối thủ này để diệt đối thủ khác.
- Tạo ra các sự bất ổn trong chính đối thủ để mình đi xa hơn. Bên cạnh việc mình cố gắng chạy nhanh, đừng quên thọc gậy vào bánh xe của đối thủ.
Về cơ bản những việc này không hề khác thời Tam Quốc. Giữa các quốc gia luôn trong tình trạng vừa là bạn, vừa là thù. Mỹ vừa bơm đồ tất tay cho Đức, khi Đức lớn mạnh thì trở thành kẻ thù. Vừa hỗ trợ Liên Xô hết mức có thể, Liên Xô mạnh thì trở thành đối thủ. Hỗ trợ TQ nhiệt tình, TQ mạnh nên thì trong danh sách phải diệt. Nếu nhìn vào diễn biến tổng kinh tế thì khá tiếc cho nước Mỹ. Họ đã có thời điểm áp đảo toàn bộ các “chư hầu”. Khi so sánh với từng quốc gia, Mỹ thậm chí có thể trở thành bá chủ toàn cầu. Tiếc là cứ dập chỗ này lại bùng lên chỗ khác, ngoảnh đi ngoảnh lại việc cân toàn bản đồ đã trở nên không hi vọng. Dù như thế nào thì việc đẩy quân 5 6 nhà một chỗ chưa bao giờ dễ dàng, nhất là khi chúng còn liên minh với nhau.
Cuộc chiến đế vương?
Không có vinh quang nào không xây bằng máu. Liệu có hay không cuộc chiến đế vương? Ở đó mọi thứ sẽ được sắp xếp lại theo trật tự mới. Sau sự kiện Ukraina, Đức và Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng mạnh mẽ. Cả 2 quốc gia này đã làm gì trong quá khứ có lẽ không cần nhắc lại. Họ vẫn đang bị kiềm chế bởi những thỏa thuận với Mỹ. Nhưng đây có lẽ là một cơ hội trời ban để “tự chủ”. Một cớ không thể tốt hơn để chiêu binh mãi mã. Nhưng lúc này họ không phải các “chư hầu” lớn để lo lắng. Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc mới là 2 thế lực quyết định. Cả khối Châu Âu cũng đáng nể, nhưng vẫn tiếp tục quá trình suy yếu của mình. Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu, Khối châu Á chữ Vuông (Nhật Bản – Hàn Quốc – Đài Loan) sẽ là các thế lực trong giai đoạn tiếp theo. Thế giới sẽ thực sự trở nên đa cực, khi không quốc gia nào nắm được vị thế áp đảo hoàn toàn.
Để quan sát sự chiến thắng này, hãy quan sát về văn hóa. Khi nào văn hóa chiến thắng, có nghĩa là quốc gia đó sẽ trở thành bá chủ.
Canh bạc cuối cùng
Nước Mỹ vẫn là bá chủ hiện tại. Nhưng nhìn trên chart bạn dễ dàng thấy nó sẽ ngày càng thê thảm. Nhiệm vụ đánh gục cùng lúc 4 – 5 đối thủ có vẻ ngày một xa vời, nếu không muốn nói là đã hoàn toàn bất khả thi. Nhưng nhắc lại hiện tại, Mỹ vẫn có vị thế số 1. Nhìn nó ngày một tụt dần, có nên làm cú chót trước khi muốn làm cũng không được?
Một quyền lợi của nhà nước chính là phát hành tiền. Nước Mỹ có quyền phát hành (in) USD cho cả thế giới chịu lạm phát chung và dùng USD đó mua hàng. Liệu có thêm một đợt in tiền siêu mạnh mẽ, in vô tội vạ, in nhanh trước khi đồng USD mất đi vị thế?
Duy trì bá chủ để đảm bảo các lợi ích, không có lợi ích thì việc cố gắng bá chủ là vô nghĩa.
Câu chuyện Việt Nam
Chiến tranh trên giấy là hiện tượng sau cứ mấy chục năm lại lặp lại. Kinh nghiệm từ hàng ngàn năm, chiến tranh không chỉ dựa vào vũ khí hiện đại, quân số đông mà còn dựa vào sự thiện chiến, tâm lý tinh thần lẫn yếu tố con người. Đó là lí do mọi cuộc chiến, việc tuyên truyền đều vô cùng quan trọng. Sau mỗi mấy chục năm, người ta thường quên điều này và cho rằng kết quả của cuộc chiến đến từ quân số đông và vũ khí nhiều. Đó là một lợi thế rất lớn, nhưng không đủ tạo ra kết quả chắc thắng.
Người TQ đương nhiên biết lịch sử các cuộc xâm lược VN với quân số áp đảo sau đó thất bại. Nhưng qua các triều đại, cứ đủ thời gian là quy tắc chiến tranh trên giấy lặp lại. Sẽ lại xuất hiện lãnh đạo cho rằng quân đông vũ khí mạnh là thắng rồi. Đó là lí do dù có bài học lịch sử, nhưng đủ lâu chiến tranh vẫn diễn ra.
Khi nước Nga và Ukraina xảy ra chiến sự, VN may mắn có được bài học lớn:
- Chủ trương không liên minh quân sự, không liên kết với nước này chống nước khác hoàn toàn chính xác. Chúng ta đã có bài học về điều này, nên tôn chỉ này đã được ghi nhớ sâu sắc.
- Phía Trung Quốc có một nhắc nhở về “chiến tranh trên giấy”. Họ nhận thức được rằng dù khoa học kỹ thuật, vũ khí đã rất hiện đại nhưng “ăn” một quốc gia bé hơn không hề dễ. Nó nhắc nhở họ, giúp họ quên đi ý tưởng làm thịt nước khác khi bây giờ quân đội đang áp đảo mọi thông số.
Lời kết
Trái đất đủ rộng để 2, 3, 5 quốc gia cùng phát triển. Nếu một quốc gia có khả năng thống nhất toàn cầu, đương nhiên tốt. Bởi đó là những bộ óc tinh hoa nhất. Đa cực, cũng rất tốt bởi việc các quốc gia thay nhau trở thành top ảnh hưởng đã phản ánh rằng: Người tài giỏi có ở mọi nơi, rất nhiều dân tộc có đủ tố chất để trở thành top.
Ở thời đại nào cũng vậy, Nhất tướng công thành vạn cốt khô. Vinh quang của mỗi quốc gia, mỗi vị vua, mỗi vị tướng là xương máu của hàng vạn người cả 2 bên. Cứ đủ lâu, nó sẽ lại xảy ra, bởi lại có người tham vọng đưa quốc gia mình được nhiều quyền lợi hơn nữa. Cả kẻ đi công lẫn kẻ đấu tranh đều đúng, đều có lý tưởng của họ. Mạnh được, yếu thua vốn là lẽ đời. Có thịnh thì có suy, có lên phải có xuống. Chỉ mong dùng một con dao thật bén, để cảm giác đau đớn và xương máu đổ xuống là ít nhất.
Hoài Phong