Phân tích kỹ thuật là việc đưa toàn bộ các diễn biến giá lên một đồ thị trực quan. Sau đó dựa vào các diễn biến trước đó để dự đoán các diễn biến trong tương lai. Từ dự báo về các diễn biến, có thể tạo ra các giao dịch và kiếm về lợi nhuận.
Nội dung
Ưu điểm của phân tích kỹ thuật
Biểu đồ, đồ thị là rất phổ biến trong mọi ngành nghề nghiên cứu và phân tích. Nó giúp dữ liệu được hiển thị trực quan, dễ hình dung diễn biến hơn cả. Không chỉ là diễn biến giá cả lên xuống, bất cứ dữ liệu thống kê gì được thể hiện trên đồ thị hay biểu đồ đều dễ hiểu hơn.
Khi nhìn vào được bối cảnh tổng quan rõ nét nhất, nhận định của bạn sẽ dễ dàng chính xác hơn. Việc hình dung ra diễn biến tổng thể cả quá trình cũng giúp bạn kiểm soát lòng tham, sự sợ hãi và đưa ra quyết định mua bán.
Nó cũng giúp bạn tính toán được vùng mua, vùng bán hợp lý dựa trên lịch sử diễn biến trước đó.
Một ưu điểm không thể phủ nhận của PTKT là giúp bạn tiết kiệm thời gian tiếp cận vấn đề. Hãy tưởng tượng có rất nhiều thị trường (Chứng khoán, CryptoCurrency, Forex, Hàng hóa v.v), bạn không thể cùng lúc am hiểu toàn bộ chúng. Nhưng khi đưa lên đồ thị kỹ thuật, bạn có thể xác định hoặc đánh giá xu hướng rất nhanh, mà không nhất thiết hiểu rõ chủ thể định phân tích. Ví dụ với chứng khoán, hiểu được một công ty bạn cần ít nhất 1 tuần nghiên cứu và tìm hiểu. Nhưng với PTKT, chỉ trong 1 tiếng bạn đã đánh giá được sơ bộ và thậm chí có thể kết luận được xu hướng hay vùng mua, vùng bán.
Nhưng chính điều này cũng là nhược điểm của PTKT. Bạn chỉ thấy được diễn biến, không hiểu rõ nội tình để đưa ra một quyết định đủ tự tin hoặc an toàn.
2 tác dụng của phân tích kỹ thuật
3 loại diễn biến của thị trường
Về cơ bản, thị trường chỉ có 3 loại diễn biến:
- Diễn biến thông thường, phù hợp các quy tắc.
- Diễn biến rất bất thường, với cường độ rất mạnh.
- Diễn biến nhỏ, không rõ ràng
Phân tích kỹ thuật sẽ dự đoán, đưa ra giải pháp cho loại diễn biến 1 và 2.
Dự báo sớm
Dự báo sớm là chức năng cơ bản nhất của PTKT. Trong các diễn biến thông thường, hầu như có thể dự báo được trên 80% diễn biến tiếp theo với PTKT. Chúng ta dựa trên các dữ liệu quá khứ, so sánh với các diễn biến thường xảy ra trước đó và suy luận ra diễn biến tiếp theo.
Mặc dù có thể dự báo với xác suất chính xác lên tới 80%, nhưng thị trường không chỉ là những diễn biến thông thường. Nó còn bao gồm cả những diễn biến bất thường. Từ đó việc dự báo sớm đơn thuần không đủ để thành công hoàn toàn trong giao dịch.
Điều này là tất yếu, không ai có thể dự báo sớm được tất cả (bao gồm các diễn biến bất thường) với PTKT. Nếu có, họ chỉ việc lặp lại nó 50 lần, và trở thành người giàu nhất hành tinh này. Bạn có thể quay lại mục lãi kép để thấy sức mạnh của việc dự đoán đúng liên tiếp hàng chục lần chứ đừng nói vài chục lần.
Xử lý diễn biến giá bất thường
Xử lý diễn biến giá bất thường là việc sử dụng phân tích kỹ thuật hoặc theo dõi diễn biến thị trường để phát hiện các giao dịch có biến động “ảo”. Các giao dịch này cơ bản cũng có những quy tắc nhất định. Chúng cũng có thể áp dụng như giao dịch dự báo sớm. Tuy nhiên có sự khác biệt với giao dịch thông thường ở chỗ:
- Xác suất xảy ra của các tình huống là khó tính toán hơn. Bạn vẫn có thể chia ra các diễn biến, nhưng khó tính chính xác khả năng của các tình huống.
- Biên độ rất mạnh, giàu nghèo nhanh và dễ mắc sai lầm. Sai lầm sẽ phải trả giá đắt.
So sánh trực quan
Hãy tưởng tượng bạn là 1 thủy thủ trên chiếc thuyền đánh cá. Thông thường, bạn sẽ nắm được quy tắc lên xuống của dòng nước, hướng gió v.v. Đó chính là giai đoạn thông thường, phổ biến hàng ngày mà PTKT có thể dự đoán lên tới 80% chính xác.
Nhưng việc đón những cơn bão là việc đương nhiên của một thủy thủ. Vẫn sẽ dự đoán được nó ít nhiều, thậm chí là dự đoán trước. Nhưng diễn biến chính xác và cụ thể, thậm chí các biến động trong cơn bão thì rất khó để tự tin khẳng định. Chỉ có bám sát tình hình và điều chỉnh kế hoạch. Thậm chí là khi đã xác nhận cơn gió đủ lớn, rất nhiều thuyền trưởng thường chọn cách không ra khơi.
Biển động luôn là ngày lắm cá nhất, dễ đánh bắt nhất. Nhưng nó cũng là ngày dễ bỏ mạng nhất, có tới 95% các trader bị cuốn vào những ngày biển động. Dễ ăn thì cũng dễ chết, và phần lớn là họ nhận cái chết trong 1 vài lần sai lầm.
Học phân tích kỹ thuật là học gì?
Như vậy học phân tích kỹ thuật bạn sẽ phải học 2 thứ:
- Hệ thống quy luật, quy tắc để vận dụng trong các diễn biến thông thường. Dựa vào quá khứ để suy ra diễn biến tương lai.
- Nhận biết các diễn biến bất thường. Chia làm 3 nội dung: Nhận biết, Xử lý các tình huống cơ bản và né tránh rủi ro.
Sau đó bạn có thể kiếm cơm từ các quy luật. Né tránh và hạn chế rủi ro trong các diễn biến bất thường. Thậm chí lâu lâu có thể kiếm lời ngay cả khi biển động, dù là hạn chế.
Nhược điểm của Phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật có ưu điểm và tác dụng rõ rệt. Bên cạnh đó, nó cũng có một số nhược điểm:
- Tạo ra góc nhìn thiển cận, duy ý chí khi kiến thức của người phân tích chưa đủ sâu.
- Người phân tích chỉ có góc nhìn của diễn biến giá mà không có được cái nhìn sâu sắc về chủ thể phân tích. Từ đó đánh giá chỉ có thể chính xác trong 1 giai đoạn nhất định. Nó bắt buộc cần kết hợp “HIỂU” thứ bạn đang phân tích: Cổ phiếu, coin, mã tiền tệ mới có được xác suất chi tiết. Cùng một đồ thị y hệt giống nhau các diễn biến trước đó hàng chục năm hoàn toàn có thể tạo ra diễn biến tương lai khác biệt.
Các nguyên tắc của phân tích kỹ thuật
Để sử dụng PTKT một cách hiệu quả, cần ghi nhớ những nguyên tắc đặc biệt quan trọng sau đây:
Tính lặp lại của đồ thị
Tâm lý tạo ra giá, và giá lại tạo ra tâm lý. Do vậy diễn biến giá giống nhau luôn tạo ra các tâm lý tương tự. Từ đó thúc đẩy hành động tương tự, kết quả là diễn biến giá có tính chất lặp lại.
Chúng tạo nên bộ quy tắc có xác suất xảy ra cao (mô hình). Từ các mô hình này, chúng ta có thể áp dụng để dự báo tương lai. Các diễn biến phản ánh tâm lý càng rõ rệt, thì càng dễ dự đoán, xác suất chính xác càng cao.
Ước tính xác suất xảy ra
Chúng ta không bao giờ có xác suất 100% trong PTKT. Cao lắm cũng chỉ là 99%. Khi sử dụng PTKT, có 2 lưu ý đặc biệt quan trọng về xác suất:
- Không gì là không thể, không gì là có xác suất 100% xảy ra.
- Các phân tích chỉ có giá trị nếu khả năng xảy ra của nó lớn hơn 80%.
- Không phải khi nào cũng có thể phân tích và dự đoán dựa trên đồ thị kỹ thuật với xác suất xảy ra cao. Nhiều giai đoạn không thể đưa ra kết luận về xu hướng.
Tính cân bằng của giá và thị trường
Trong thời gian đủ dài, giá luôn trở về cân bằng. Ở mức mà cả cung và cầu cân bằng, ổn định với ít cảm giác đắt hay rẻ quá, thấp hay cao quá. Xu hướng của giá là luôn trở về mức cân bằng trước khi có thể bắt đầu một xu hướng mới.
Sự cân bằng được xác định theo quy tắc diện tích hình chữ nhật. Với chiều rộng là thời gian của diễn biến giá, chiều cao là tổng biên độ diễn biến. Nếu diễn biến với biên độ quá nhanh thì thời gian sẽ ngắn lại. Nếu diễn biến chậm thì thường trong thời gian dài hơn. Tổng diện tích hình chữ nhật kia ít thay đổi. Nó biểu hiện sự cân bằng cơ bản, nhanh quá thì khó bền. Bền bỉ thì không thể nhanh được. Khi cả biên độ và thời gian đều quá lớn cho cùng 1 xu hướng, chúng ta sẽ có phản ứng giá chạy ngược chiều để đưa mọi thứ về điểm cân bằng.
Xác định sóng và vị trí
Đây cũng là nguyên tắc quan trọng khi PTKT. Luôn phải xác định con sóng hiện tại là gì? Tức cần xác định bản chất của xu hướng hiện tại. Có thể là tăng trưởng, phục hồi, bán tháo, suy giảm hay đi ngang. Nhưng còn quan trọng hơn nữa là ước tính vị trí. Đầu sóng, giữa sóng, hay là bữa tiệc sắp tàn nhưng chưa kết thúc? Việc này đặc biệt quan trọng. Nguyên tắc không bao giờ tham lam ở cuối sóng là cần đặc biệt ghi nhớ.
Các diễn biến dài hạn mới có tính tin cậy
Phân tích kỹ thuật có thể sử dụng trong bất cứ khung thời gian nào. 1 phút, 5 phút, 15 phút hay 3 ngày, 1 năm v.v. Nhưng các diễn biến ở quy mô 1 ngày hoặc xa hơn, tốt nhất là khoảng 3 ngày+ sẽ có độ chính xác cao. Ít nhiễu và việc tính toán xác suất cũng hiệu quả hơn. Chỉ các khung thời gian đủ dài bạn mới tìm ra được các phân tích có xác suất xảy ra lớn hơn 80%. Nếu ngắn hạn bạn cũng tìm được các phân tích có xác suất tốt như vậy, chỉ 1 tháng là bạn đã bằng Warrent Buffet làm cả đời mình.
Lời kết
Bài viết này chỉ giới thiệu cho bạn Phân tích kỹ thuật là gì. Nó cũng giải thích vì sao PTKT có thể sử dụng một cách hiệu quả. Nó là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho đầu tư. Về cơ bản PTKT là thứ có thể học như một kiến thức nền. Sau thời gian đủ dài trải nghiệm để có được cảm giác về tâm lý, diễn biến thị trường thì bạn sẽ đưa ra được dự đoán thị trường một cách nhanh chóng. Phần lý thuyết PTKT có thể học rất nhanh, nhưng việc áp dụng thì phải dựa trên cảm nhận thị trường. Nó được tích lũy theo thời gian, sau khi giao dịch đủ dài. Ngoài ra năng khiếu quan sát của mỗi cá nhân cũng quyết định đến cảm nhận này.
Hiểu nguyên tắc của đầu tư (1), hiểu sâu về đối tượng đầu tư (2) và có kiến thức phân tích kỹ thuật (3) mới là tương đối đủ để đầu tư thành công.
Hiểu rằng đầu tư, giao dịch là để kiếm tiền. Do vậy việc nó không đơn giản, phức tạp là đương nhiên. Nếu bạn thấy nó đơn giản, đồng nghĩa không phải bạn giỏi. Nó đơn giản là bạn chẳng hiểu gì cả, mới chỉ tiếp cận được những gì bế ngoài nhất.
Cùng theo dõi những bài tiếp theo về chuỗi series học phân tích kỹ thuật bạn nhé.