Song song với áp lực lạm phát tăng cao, mặt bằng tỷ giá USD/VND cũng đang có dấu hiệu rục rịch tăng do sự lên giá của đồng USD. Chỉ số đại diện cho sức mạnh của đồng USD – US Dollar Index so với 6 đồng tiền chủ chốt khác đã ghi nhận mức tăng 10%, vượt cả mức đỉnh 2020.
Nội dung
Đồng USD đã mạnh lên như thế nào?
Chỉ số US Dollar Index (DXY) thể hiện sức mạnh của đồng USD và các đồng tiền chủ chốt khác đã ghi nhận mức tăng 10,7% tính từ đầu năm. Đồng EUR hiện đang mất giá so với USD khoảng 10%, thậm chí có nhiều thời điểm EUR mất giá tới hơn 12%. Nguyên nhân là do các chính sách kiềm chế lạm phát gần đây của FED làm đồng USD mạnh lên rất nhiều.
So với cặp USD/JPY thì kết quả còn chênh lệch lớn hơn khi đồng USD đã mạnh hơn khoảng 15% so với JPY (Yên Nhật). Bên cạnh nguyên nhân là FED tăng lãi suất, thì việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đang duy trì chính sách tiền tệ kết hợp tài khóa nới lỏng cũng là lý do khiến đồng JPY mất giá tới hơn 45% so với đồng USD sau 10 năm, kể từ khi thi hành chính sách này.
Tuy nhiên đồng VNĐ lại tích cực hơn so với EUR và JPY. VNĐ chỉ giảm khoảng 2,5% – 2,7% so với USD. So với 2 đồng tiền tệ quan trọng là EUR và JPY, cặp EUR/VND đã giảm 8% và cặp JPY/VND đã giảm 12% kể từ đầu năm. Kết quả này phụ thuộc vào 2 nguyên nhân chính:
-
Việt Nam có nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, nên Ngân hàng Nhà nước dễ dàng điều tiết tỷ giá. Dự trữ ngoại hối của Việt Namđạt đỉnh trong tháng 1/2022 với giá trị 110 tỷ USD, tương đương 16 tuần nhập khẩu – cao hơn mức khuyến nghị của IMF là 12-14 tuần nhập khẩu.
-
Việt Nam đang duy trì chính sách tỷ giá trung tâm (neo giá theo các đồng tiền chủ chốt) thay vì neo theo USD từ năm 2016 tới nay. Việc áp dụng chính sách này đã giúp tỷ giá giao dịch ổn định hơn và không bị phụ thuộc vào đồng tiền tệ nào.
USD mạnh lên cổ phiếu nào được lợi?
Sự tăng lên của tỷ giá USD/VND và sự giảm giá của cặp tỷ giá JPY/VND ảnh hưởng đến nhiều cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu của những doanh nghiệp thanh toán bằng đồng USD, bởi USD thường chiếm tới 90% trong giao dịch xuất nhập khẩu. Mặc dù vậy, mức độ ảnh hưởng lại phụ thuộc nhiều vào cơ cấu doanh thu, nguồn vốn của cụ thể doanh nghiệp đó.
Ví dụ: Các giao dịch bằng đồng EUR tại Việt Nam lại chiếm tỷ trọng thấp, nên tỷ giá EUR/VND giảm sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới cổ phiếu các doanh nghiệp đang niêm yết.
Nếu để tìm nhóm cổ phiếu được lợi khi USD/VNĐ tăng thì chắc chắn là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi. Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, hàng giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ hiện đang là nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với tổng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt 36% và 26%.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành này, có nền tảng doanh nghiệp tốt bao gồm:
- MSH: CTCP May Sông Hồng
- GIL: CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh
- PTB: CTCP Phú Tài
- FMC: CTCP Thực phẩm Sao Ta
- VHC: CTCP Thực phẩm Vĩnh Hoàn
- MPC: CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú
Ngoài ra, khi tỷ giá USD/VND tăng, các doanh nghiệp khu công nghiệp có lợi thế về thu hút dòng vốn FDI, giá cho thuê sẽ được hưởng lợi khi đồng USD tăng. Một số mã cổ phiếu tiêu biểu bao gồm:
- KBC: Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc
- BCM: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp
- VGC: Tổng Công ty Viglacera
Mặc khác, cổ phiếu của các doanh nghiệp đang vay nợ bằng đồng JPY cũng sẽ được hưởng lợi, bởi nó sẽ giúp các doanh nghiệp này giảm bớt chi phí tài chính do ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá. Một số doanh nghiệp vay nợ nhiều:
- ACV: Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam
- GE2: Tổng Công ty Phát điện 2
- PHP: CTCP Cảng Hải Phòng
- TMS: Công ty Cổ phần Transimex
USD mạnh lên cần tránh cổ phiếu nhóm nào?
Ngược lại, có một số doanh nghiệp sẽ gặp bất lợi trước diễn biến tỷ giá, điển hình là những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu Mỹ. Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Hải Quan, các mặt hàng được Việt Nam nhập siêu nhiều nhất từ Mỹ bao gồm bông (0,7 tỷ USD), chất dẻo nguyên liệu (0,34 tỷ USD); hóa chất (0,28 tỷ USD); thức ăn chăn nuôi (0,25 tỷ USD) và dược phẩm (0,22 tỷ USD).
Đối với việc nhập khẩu từ các thị trường khác như Nhật hoặc châu Âu, mặc dù phần lớn các giao dịch xuất nhập khẩu hiện nay vẫn được thanh toán bằng USD, nhưng khi USD tăng giá thì các đồng nội tệ bản địa cũng bị mất giá và bù trừ cho sự giảm giá của VND, do đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng lớn.
Bên cạnh đó, các DN nội địa đang bị cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Nhật, châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng phần nào, bởi giá vốn hàng hóa từ khu vực này sẽ rẻ hơn, nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức cầu tiêu thụ mặt hàng nội địa. Một số ngành có giá trị nhập siêu từ EU, Nhật Bản lớn bao gồm: thức ăn chăn luôi, sắt thép, dược phẩm, nhựa, hóa chất….
Một nhóm cổ phiếu khác cũng bị ảnh hưởng, đó là các doanh nghiệp có tỷ trọng vay nợ USD cao trên tổng tài sản. Việc vay nợ USD sẽ khiến họ chịu lỗ tỷ giá, từ đó làm tăng chi phí tài chính và làm lợi nhuận sau thuế giảm.
TÓM LẠI:
Việc đồng USD tăng giá cùng với EU, JPY giảm giá, thì các bạn có thể cân nhắc đầu tư như sau:
-
Đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu (MSH, GIL, PTB, FMC, VHC, MPC…); các doanh nghiệp thu hút dòng vốn FDI (KBC, BCM, VGC…)…
-
Tránh đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ, và những doanh nghiệp có tỷ lệ vốn vay USD cao.
Chúc bạn đầu tư sáng suốt và thành công.