Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 là một trong sai lầm trong việc điều hành kinh tế mà thế giới không bao giờ muốn lặp lại. Gần đây khi tình hình kinh tế có sự bất ổn bởi lạm phát và nguy cơ suy thoái, vỡ nợ của Chính phủ một số nước đã làm cho từ khóa “khủng hoảng kinh tế 2008” hot trở lại. Vậy cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 có nguyên nhân là gì, hậu quả của nó ra sao và ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào thì các bạn hãy xem thông tin chi tiết ngay sau đây.
Nội dung
Toàn cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế 2008
Nguyên nhân cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 là gì?
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009 còn được gọi là cuộc “Đại suy thoái” khi phải mất hàng chục năm mới có thể phục hồi và có những vết thương còn chưa thể lành lại.
Có nhiều phân tích, tranh cãi về nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoàng này. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết 10 năm được thực hiện bởi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009 như sau:
Thứ 1: Vay vốn mua nhà tràn lan & sử dụng đòn bẩy cao
Khởi nguồn từ việc các ngân hàng được phép đầu tư vào các sản phẩm phái sinh liên quan đến nhà ở. Lợi nhuận ở mảng này khá cao, chính vì vậy họ thường xuyên “mời chào” khách hàng bằng những khoản vay dưới chuẩn (tức là đòn bẩy rất cao, tài sản thế chấp thấp hơn mức chuẩn). Họ không còn quan tâm đến khả năng chi trả của người đi vay.
Sau đó, những người vay tiền với đòn bẩy cao này bắt đầu vỡ nợ khi bong bóng nhà đất vỡ, cùng lúc đó Fed cũng tăng lãi suất trong năm 2006. Nhiều ngân hàng bắt bầu cảm nhận được các khoản cho vay và đầu tư của họ nắm giữ đang dần trở nên vô giá trị.
Thứ 2: các ngân hàng thiếu nguồn vốn dự phòng rủi ro
Chính vì cho vay nhiều mà thế chấp ít, nên hầu hết các ngân hàng bị rơi vào khủng hoảng khi cạn kiệt nguồn vốn và không đủ nguồn vốn dự phòng rủi ro.
Đến năm 2007, các ngân hàng bắt đầu hoảng loạn, và họ đã ngừng cho vay lẫn nhau. Chi phí vay liên ngân hàng tăng mạnh. FED bắt đầu bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng, nhưng điều đó lại không đủ.
Thứ 3: Sử dụng những tài sản phức tạp làm thế chấp
Bên cạnh đó, một số tài sản được chấp nhận để làm tài sản thể chấp cho các khoản vay lại bao gồm gồm chứng khoán cầm cố và những tài sản phức tạp khác. Khi mà giá nhà ở giảm mạnh khiến cho giá trị của các tài sản cầm cố giảm theo cùng sự phức tạp, nhưng sự mập mờ của những loại tài sản này đã gây nhầm lẫn cho việc định giá tài sản. Cuối cùng là khiến cho những ngân hàng hoặc công ty tài chính trung gian lệ thuộc vào những loại tài sản này bị gặp khó khăn về thanh khoản.
Các công ty bảo hiểm phải bán chứng khoán của mình để không bị vỡ nợ, cùng với đó là bị thua lỗ nặng nề. Dần dần, thiệt hại tín dụng chồng chất khiến khả năng thanh toán của các công ty bảo hiểm và ngân hàng bị đe dọa nghiêm trọng.
Thứ 4: Sai lệch về tỷ giá tiền tệ
Rủi ro liên quan tới tỷ giá tiền tệ cũng đã góp phần vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cụ thể rủi ro này chủ yếu đến từ Mỹ và các nước Châu Âu với một vài nguyên do như:
+ Tại Trung Âu: tài sản được cầm cố để vay tiền lãi suất thấp bằng đồng EURO và Frank Thụy Sỹ tăng nhanh bởi các ngân hàng duy trì bảng cân đối tài sản hạn chế. Trong khi đó những nước này lại phòng ngừa rủi ro bằng đồng USD là chủ yếu.
+ Tại Pháp, Anh và Đức: các ngân hàng của những nước này chấp nhận chứng khoán cầm cố tại Mỹ làm tài sản thế chấp để nhận nguồn vốn hỗ trợ dưới dạng USD.
+ Tại Iceland: hệ thống ngân hàng của nước này phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn bên ngoài, trở thành đất nước khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong cuộc đại suy thoái 2008 và khiến cho cả 3 ngân hàng lớn của Iceland đều bị phá sản.
=> Khủng hoảng làm cho đồng USD của Mỹ bị suy yếu khiến rủi ro tiền tệ tăng cao khi tỷ giá thay đổi. Những sai lệch về tỷ giá tiền tệ từ những người đi vay cuối cùng đã gây tổn thương đến danh mục cho vay của nhiều ngân hàng lớn của các nước trên thế giới chứ không chỉ Mỹ.
Thứ 5: Sự liên kết chằng chéo giữa các ngân hàng và tổ chức tài chính toàn cầu
Sự liên kết của các ngân hàng và các định chế lớn được cho là gây tổn thương chủ yếu cho nền kinh tế thế giới vào năm 2008. Việc các ngân hàng ngày càng mở rộng quy mô ra khắp nơi trên thế giới với các loại hình kinh doanh phức tạp, các mối liên kết chằng chéo đã khiến rắc rối tại một ngân hàng của nước này lan rộng sang nước khác và làm hệ thống tài chính toàn cầu bị lung lay.
Từ hoạt động kinh doanh liều lĩnh, tâm lý chủ quan vì cho rằng những định chế tài chính lớn và phức tạp được cho là “quá lớn không thể đổ vỡ” cho thấy sự lạc quan thái quá.
Bên cạnh đó thì các định chế tài chính lớn như công ty bảo hiểm AIG (Tập đoàn Quốc tế Mỹ) và những công ty bảo hiểm lớn khác đang đóng vai trò chủ chốt trên thị trường chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản bằng cách bán bảo hiểm vỡ nợ với kỳ vọng lạc quan thái quá. Khi mà thị trường vốn ngắn hạn không thể hoạt động trơn tru thì những thành viên trung tâm sẽ cạn kiệt thanh khoản, một số tập đoàn đã phải đối diện với nguy cơ vỡ nợ.
Việc các định chế tài chính cùng các ngân hàng lớn cho nhau vay qua lại để đáp ứng nhu cầu thanh khoản ngắn hạn về thanh khoản dựa trên nợ có thế chấp và nợ không có bảo đảm đã tạo ra những mạng lưới rộng lớn và vượt quá phạm vi điều chỉnh, giám sát.
Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008
Những con số thống kê về hậu quả của khủng hoảng tài chính 2008
Những con số này được thống kê tại Mỹ chứ không phải trên toàn thế giới. Nếu thống kê trên toàn thế giới thì chắc chắn con số này còn lớn hơn rất nhiều.
-
Khoảng 10.000 tỷ USD bị cuốn trôi
-
Khoảng 30 triệu người mất việc với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 10% vào 2009
-
Khoảng 50 triệu người quay lại chuẩn dưới nghèo
-
Khoảng 3,8 triệu người Mỹ mất nhà cửa vì bị tịch thu nhà và 8 triệu ngôi nhà bị tịch thu
-
Giá nhà giảm trung bình 40% — thậm chí còn giảm mạnh hơn ở một số thành phố của Mỹ
-
S&P 500 giảm 38,5% trong năm 2008
-
Tỷ lệ quá hạn đối với các khoản thế chấp có lãi suất có thể điều chỉnh (ARM) đã tăng lên gần 30% vào năm 2010
Sự sụp đổ của Bear Stearns vào tháng 3/2018
Nền kinh tế Mỹ lúc này đã rơi vào tình trạng suy thoái toàn diện và khi các cuộc đấu tranh về tính thanh khoản của các tổ chức tài chính tiếp tục diễn ra, thị trường chứng khoán trên toàn thế giới đã sụt giảm mạnh nhất kể từ vụ khủng bố ngày 11/9.
Trước đó thì vào tháng 1/2008, Fed đã cắt giảm lãi suất chuẩn của mình xuống 3/4 điểm phần trăm – mức cắt giảm lớn nhất trong một phần tư thế kỷ nhằm tìm cách làm chậm đà trượt dốc của nền kinh tế. Tin xấu liên tục đổ về từ mọi phía khi vào tháng 2, chính phủ Anh buộc phải quốc hữu hóa Northern Rock.
=> Cuối cùng thì đến tháng 3/2018, ngân hàng đầu tư toàn cầu Bear Stearns, một trụ cột của Phố Wall thành lập từ năm 1923 đã sụp đổ và sau đó được JPMorgan Chase mua lại với giá rẻ.
Sự sụp đổ của Lehman Brothers vào tháng 9/2008
Đến tháng 9/2008 thì sự sụp đổ của Lehman Brothers – ngân hàng đáng kính ở Phố Wall đã làm trầm trọng hơn cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đánh dấu vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử của Mỹ.
Cùng tháng đó, thị trường tài chính rơi vào tình trạng rơi tự do, với các chỉ số chính của Mỹ phải chịu một số tổn thất tồi tệ nhất được ghi nhận. Fed, Bộ Tài chính, Nhà Trắng và Quốc hội đã phải vật lộn để đưa ra một kế hoạch toàn diện nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu và khôi phục niềm tin vào nền kinh tế.
Lehman Brothers đã bị Chính phủ Mỹ từ chối cấp gói cứu trợ và cuối cùng phải đóng cửa.
Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế 2008 đến Việt Nam
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009 cũng đã khiến cho kinh tế của Việt Nam chịu những tác động đáng kể đó là:
+ Đối với hệ thống tài chính – ngân hàng
Trong giai đoạn 2008 – 2009, các ngân hàng và hệ thống tài chính của Việt Nam chưa có nhiều liên kết với các ngân hàng lớn trên toàn cầu nên chưa chịu nhiều tác động của khủng hoảng tài chính Mỹ. Tuy nhiên trong ngắn hạn, các ngân hàng cũng đã bị giảm lợi nhuận và một số ngân hàng nhỏ bị thua lỗ, nợ xấu tăng lên.
+ Đối với hoạt động xuất khẩu
Vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với tỷ lệ 20 – 21% kim ngạch xuất khẩu nên khi Mỹ rơi vào khủng hoảng làm nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ giảm mạnh, khiến tốc độ xuất khẩu của Việt Nam bị giảm sút.
Tiếp đó thì khi khủng hoảng tài chính Mỹ xảy ra cũng làm cho khu vực EU và Nhật Bản bị ảnh hưởng tiêu cực mà 2 thị trường này cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam nên hoạt động xuất khẩu cũng gặp khó khăn.
Trong quý 4/2008, kim ngạch xuất nhập khẩu vào 2 thị truờng Nhật Bản và EU tháng sau đều giảm so với tháng trước.
+ Đối với nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài
Năm 2008 là năm nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam cao nhất so với những năm trước đó tuy nhiên số dự án được thực hiện chỉ chiếm 16% so với số vốn đăng ký. Trong khi trung bình số dự án thực hiện của các năm trước đó là 58%, số vốn FDI đăng ký trong năm 2009 thì đã giảm mạnh rõ rệt từ mức trên 70 tỷ USD xuống chỉ còn hơn 20 tỷ USD.
Bên cạnh đó thì nguồn kiều hối gửi về Việt Nam trong giai đoạn 2008 – 2009 cũng giảm một cách đáng kể.
+ Đối với hoạt động của Thị trường chứng khoán
Khủng hoảng tài chính tác động mạnh mẽ đến tâm lý của các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam khiến cho Vn-Index giảm mạnh từ mức đỉnh là 1.170,67 vào 12/3/2007 xuống chỉ 235 điểm vào tháng 2/2009 với mức giảm tới 80% sau 2 năm.
+ Đối với thị trường BĐS
Thị trường BĐS của Việt Nam trong năm 2007 đã lên cơn sốt đất ảo, tình trạng đầu cơ BĐS khiến cho giá BĐS lên quá cao so với giá trị thực nên khủng hoảng 2008 đã khiến cho BĐS của Việt Nam bị đóng băng. Giá BĐS giảm trung bình 40%, thậm chí có nơi giảm tới 60 – 70%, người dân không dám đầu tư vào bất động sản và các doanh nghiệp BĐS của Việt Nam đã vô cùng khó khăn để vượt qua, thậm chí cũng có một số doanh nghiệp phải phá sản.
Vì BĐS có mối liên quan mật thiết đến tài chính – ngân hàng nên khi giá BĐS giảm mạnh cũng khiến cho tài sản của ngân hàng giảm theo và nợ xấu tăng cao khiến cơ cấu vốn của các ngân hàng thương mại gặp bất lợi.
+ Đối với thị trường hàng hoá và dịch vụ
Lạm phát tăng cao khiến lãi suất ngân hàng tăng nhằm kiềm chế lạm phát đã khiến cho người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và nhiều công ty cũng thu hẹp hoạt động sản xuất của mình. Chi phí sản xuất tăng lên trong khi doanh nghiệp phải vay ngân hàng với lãi cao nên khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn.
Thêm vào đó, vì người dân phải thắt chặt chi tiêu nên hoạt động du lịch cũng không được tốt, lượng khách du lịch và doanh thu, lợi nhuận từ ngành này giảm đáng kể.
Nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng CPI của Việt Nam trong giai đoạn 2008 – 2009 có thể thấy rõ ràng sự sụt giảm này khi từ mức 22,97 vào 2008 xuống chỉ còn 6,88 vào 2009.
Thế giới đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 như thế nào?
+ Với Mỹ: Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) bắt đầu hành động và tiến hành cắt giảm lãi suất. Theo đó, lãi suất đã được đưa xuống 0% vào năm 2008 từ 5,25% vào năm 2007. Tuy nhiên, đây không phải là cách duy nhất để giảm thiểu tác động của suy thoái. Vào tháng 2/2008, Tổng thống George W Bush đã ký Quyết định kích thích kinh tế thành Luật. Tổng thống Hoa Kỳ cũng đã phê duyệt Chương trình Cứu trợ Tài sản Gặp khó khăn (TARP) vào tháng 10/2008. TARP đã cung cấp 700 tỷ USD tiền quỹ để mua lại tài sản của các công ty đang gặp khó khăn.
+ Với Đức: Vào tháng 10/2008, Chính phủ Đức hứa sẽ bảo lãnh cho tất cả các ngân hàng tư nhân trị giá 568 tỷ EURO và chính phủ đã thông qua kế hoạch bơm 500 tỷ Euro vào thị trường tín dụng. Chính phủ cũng đầu tư 10 tỷ Euro để chiếm 25% cổ phần của công ty cho vay lớn thứ 2 của đất nước.
+ Với Pháp: Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cam kết hỗ trợ 360 tỷ Euro cho các ngân hàng, đồng thời tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về khủng hoảng tài chính toàn cầu tại Paris. Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng tuyên bố sẽ bơm 10,5 tỷ Euro vào 6 ngân hàng lớn nhất của Pháp.
+ Với Nhật Bản: Cường quốc kinh tế châu Á đã hạ lãi suất xuống mức danh nghĩa để tăng tính thanh khoản trên thị trường và chính phủ cũng công bố một loạt các gói trị giá 16,7 tỷ USD, đồng thời bơm 1,2 tỷ USD vào các ngân hàng trong khu vực và nhiều hành động khác nữa.
+ Với Việt Nam: Chính Phủ Việt Nam đã đưa ra những chính sách nhanh chóng và mạnh mẽ để giúp nền kinh tế của Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng 2008 – 2009 như:
- Gói kích thích trị giá 147.000 tỷ đồng (8,6 tỷ USD)
- Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực tự do hóa nền kinh tế như việc thực hiện những cam kết với WTO của mình.
- Dỡ bỏ nhiều quy định, chính sách không hợp lý để giúp người dân có động lực phát triển kinh doanh
- Phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
- Nới rộng biên độ tỷ giá giữa đồng nội tệ (VND) với đồng USD
Sự ra đời của Bitcoin sau cuộc Đại suy thoái 2008
Có lẽ Bitcoin không còn quá xa lạ đối với những nhà đầu tư trên toàn cầu nhưng chưa chắc bạn đã biết, Bitcoin được tạo ra sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 với mục đích ngăn chặn sự suy thoái xảy ra lần nữa.
Satoshi Nakamoto – một người ẩn danh được biết đến là cha đẻ của Bitcoin đã nói rằng:
Các ngân hàng vốn phải là nơi đáng tin cậy để giữ tiền của chúng tôi, nhưng họ lại đem tiền cho vay tràn lan trong bối cảnh bong bóng tín dụng, và chỉ dự trữ một phần rất nhỏ.
Chính vì vậy, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 diễn ra, tiền điện tử kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới (Bitcoin) đã được đề xuất, và chính thức ra đời vào 1/2009. Với Bitcoin, các giao dịch sẽ được thực hiện ngang hàng (P2P), do đó sẽ loại bỏ sự cần thiết của các cơ quan tài chính trung gian như ngân hàng. Tóm lại là Bitcoin là hoàn toàn phi tập trung, nên sẽ tránh được “hệ lụy” hay “đổ vỡ dây chuyền” do những tổ chức tài chính tập trung gây ra.
Tuy nhiên, hiện tại thì Bitcoin dường như không đi đúng với mục đích ban đầu của người tạo ra nó là dùng cho việc thanh toán kỹ thuật số nữa mà bị lựa chọn để đầu cơ thì nhiều hơn. Khi dịch bệnh covid 19 nổ ra vào 2020, Bitcoin đích thực đã có sự đột phá nhưng khi lạm phát tăng cao vào 2022 thì Bitcoin lại không thể làm nơi trú ẩn an toàn. Giá của Bitcoin đã giảm tới trên 50% từ đỉnh cao nhất mọi thời đại vào tháng 11/2021, khi lạm phát tăng cao thì Bitcoin cũng giảm một cách nhanh chóng.
=> Có phân tích cho rằng: “Bitcoin hiện tại không còn là nơi trú ẩn an toàn” nữa vì dao động giá của Bitcoin rất tương đồng với chỉ số Nasdaq – chỉ số cho thấy biến động giá cổ phiếu của các công ty công nghệ hàng đầu. Thực tế cũng đang cho thấy Bitcoin không thể được xem là vàng kỹ thuật số được bởi rủi ro của nó lớn hơn vàng rất nhiều.
Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều nhà đầu tư tin vào tiềm năng của Bitcoin trong tương lai khi lịch sử đã chứng minh, Bitcoin đều vượt qua được đỉnh của nó sau những lần ngủ đông kéo dài. Ví dụ điển hình như Michael Saylor (CEO của công ty nghiên cứu thị trường MicroStrategy) hay Elon Musk (Chủ tịch của Tesla), Changpeng Zhao (CEO của Binance) và cả tổng thống Nayib Bukele của El Salvador…
Cũng không thể phủ nhận Bitcoin đã làm nên lịch sử khi giá của 1 Bitcoin khi mới ra đời chỉ là 0,00076 USD nhưng hiện tại đã là [mcrypto coin=”BTC”]. Tương lai của Bitcoin ra sao thì chưa ai có thể đoán trước được, tuy nhiên đây là tài sản có rủi ro cao nên nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định đầu tư vào Bitcoin và chỉ nên dùng số vốn rất nhỏ mà thôi.
Qua đây, mong rằng bạn đã hiểu khủng hoảng kinh tế 2008 đã diễn ra như thế nào, nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục ra sao? Nếu như bạn còn bất kỳ câu hỏi gì liên quan tới khủng hoảng tài chính thế giới 2008, bạn có thể để lại comment để được giải đáp trong vòng 24h. Chúc các nhà đầu tư có sự lựa chọn đầu tư chính xác và thành công!