Nếu tham gia thị trường chứng khoán, chắc hẳn bạn sẽ bắt gặp thuật ngữ “margin” rất nhiều lần. Vậy bạn có thắc mắc margin là gì , sử dụng thế nào cho hợp lý nhất hay không? Bài viết dưới đây của chúng mình sẽ gửi đến các bạn những thông tin đầy đủ về vay margin trong chứng khoán nhé.
Nội dung
- 1 Vay margin là gì là trong chứng khoán?
- 1.1 Vay margin là gì?
- 1.2 Ví dụ về margin trong chứng khoán
- 1.3 Tỷ lệ ký quỹ margin (hay tỷ lệ đòn bẩy) là gì?
- 1.4 Có thể vay margin tối đa bao nhiêu tiền?
- 1.5 Lãi suất vay margin của các công ty chứng khoán 2024
- 1.6 Vậy margin call là gì?
- 1.7 Nên sử dụng vay margin khi nào?
- 1.8 Những lưu ý khi dùng margin trong chứng khoán
Vay margin là gì là trong chứng khoán?
Vay margin là gì?
Margin cũng được gọi là đòn bẩy tài chính. Khi sử dụng dịch vụ vay margin (giao dịch ký quỹ), bạn có thể mua được nhiều cổ phiếu hơn số tiền bạn hiện có, bởi vì công ty chứng khoán sẽ cho bạn vay tiền mua. Nhiệm vụ của bạn là phải trả tiền lãi vay margin cho họ.
Ví dụ về margin trong chứng khoán
Để các bạn có thể hiểu rõ hơn vay margin là gì, chúng mình sẽ đưa ra một số ví dụ cho bạn tham khảo:
– A sử dụng 2 tỷ của mình để mua một số lượng cổ phiếu FTS có tổng trị giá 2 tỷ đồng. => A ko sử dụng vay margin.
– B sử dụng 2 tỷ của mình nhưng lại mua số lượng cổ phiếu FTS có tổng trị giá lên tới 4 tỷ đồng. => B có sử dụng margin, trong đó tiền vốn thật của B là 2 tỷ, tiền vay công ty chứng khoán là 2 tỷ, và B được nắm giữ 4 tỷ đồng cổ phiếu FTS.
Sau đó thị trường chứng khoán sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
- Nếu giá cổ phiếu của FTS tăng 20%, như vậy A sẽ lãi được 20% *2 tỷ = 400 triệu đồng. Trong khi đó B sẽ lãi được 20% *4 tỷ = 800 triệu đồng.
- Nếu giá cổ phiếu FTS giảm 20%, khi đó A sẽ lỗ 400 triệu đồng, còn B sẽ lỗ 800 triệu đồng.
=> Sử dụng đòn bẩy tài chính – Margin sẽ làm phần lời hoặc phần lỗ của nhà đầu tư tăng lên rất nhiều.
Tỷ lệ ký quỹ margin (hay tỷ lệ đòn bẩy) là gì?
Tỷ lệ ký quỹ là tỷ lệ giữa giá trị tài sản thực có so với tổng tài sản trên tài khoản giao dịch margin. Hay hiểu đơn giản hơn, nó là yêu cầu tối thiểu về % số tiền bạn có trong tổng số tiền bạn dùng để giao dịch mua cổ phiếu.
Công thức tính tỷ lệ ký quỹ margin:
Tỷ lệ ký quỹ margin: Tài sản ròng / Giá trị danh mục
Trong đó:
- Tài sản ròng là tổng giá trị của lượng cổ phiếu đã mua sau khi đã trừ đi khoản nợ vay margin.
- Giá trị danh mục: giá trị của lượng cổ phiếu bạn đã mua từ tiền thực có và tiền nợ vay margin.
Ví dụ:
Nếu tổng tài sản của bạn là 100 triệu, công ty chứng khoán cho bạn vay thêm tiền để có thể mua tối đa 150 triệu tiền cổ phiếu, thì tỷ lệ ký quỹ margin sẽ là 1:1,5 (tương đương 67%).
Nếu công ty chứng khoán cho phép bạn vay để mua đến tối đa 200 triệu tiền cổ phiếu, thì tỷ lệ kỹ quỹ margin là 1:2 (tương đương 50%).
Lưu ý về tỷ lệ ký quỹ margin:
– Giá cổ phiếu trên thị trường luôn biến động mỗi ngày, dẫn tới giá trị danh mục và giá trị tài sản ròng của bạn cũng bị biến động theo.
– Ngoài phần nợ gốc từ vay margin, mỗi ngày bạn sẽ phải trả lãi vay margin, tương ứng với mức lãi suất khoảng 12 – 14%/năm (tùy theo từng công ty chứng khoán quy định). Vì vậy giá trị tài sản ròng của bạn sẽ biến đổi liên tục mỗi ngày, làm thay đổi tỷ lệ ký quỹ margin.
Lưu ý, tỷ lệ ký quỹ margin càng thấp thì càng rủi ro. Đặc biệt, khi tỷ lệ ký quỹ nhỏ hơn 50% nghĩa là tài sản ròng của bạn đang thấp hơn số nợ margin mà bạn phải trả.
Hiện nay, đối với những loại cổ phiếu tốt, thì Ủy ban chứng khoán cũng chỉ cho phép công ty chứng khoán cho vay margin với tỷ lệ tối đa 50%, tức là tối đa 1:2. Nhưng cũng có một số công ty lách luật cho nhà đầu tư dùng tỷ lệ đòn bẩy lên tới 1:3, nhiều lúc còn 1:4 khi mua những cổ phiếu mà công ty chứng khoán có thể kiểm soát được rủi ro.
Có thể vay margin tối đa bao nhiêu tiền?
Công thức tính tỷ lệ cho vay margin tối đa:
Tỷ lệ cho vay = 100% – Tỷ lệ ký quỹ Margin
Ví dụ: Tiếp tục ví dụ ở mục trên. Tài sản bạn có cả tiền lẫn cổ phiếu là 100 triệu đồng. Công ty cho bạn vay với tỷ lệ ký quỹ là 67% (tương đương 1:1,5), nghĩa là bạn có thể mua đến tổng 150 triệu đồng tiền cổ phiếu.
=> Tỷ lệ cho vay tối đa = 100 – 67% = 33%.
Lãi suất vay margin của các công ty chứng khoán 2024
Bởi vì khi quyết định vay margin, bạn buộc phải trả tiền lãi cho công ty chứng khoán. Mỗi một công ty lại có một mức phí vay margin khác nhau. Nếu bạn thường xuyên dùng đòn bẩy tài chính này thì hãy ưu tiên lựa chọn những công ty nào có lãi suất vay margin càng thấp càng tốt.
Dưới đây là bảng tổng hợp lãi suất margin của các công ty hàng đầu Việt Nam:
STT | Công ty chứng khoán | Lãi vay margin (%/ngày) | Lãi vay margin (%/năm) |
---|---|---|---|
1 | CTCP Chứng khoán SSI | Khoảng 0,033% | 12% |
2 | CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC) | 0,040% | 14,4% |
3 | CTCP Chứng khoán Bản Việt | 0,0329% | 12% |
4 | CTCP Chứng khoán VNDIRECT | 0,0342% | 12,5% |
5 | CTCP Chứng khoán VPS | 0,038889% | 14% |
6 | CTCP Chứng khoán MB (MBS) | 0,0375% | 13,7% |
7 | Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) | Khoảng 0,033% | 12% |
8 | CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) | Khoảng 0,036% | 13% |
9 | CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) | Khoảng 0,027% | 9,9% |
10 | CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) | Khoảng 0,0315% | 11,5% |
11 | Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) | Khoảng 0,033% | 12% |
12 | CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) | Khoảng 0,0285% | 10,4% |
13 | Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng | 0,0361% | 13% |
14 | CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) | 0,033% | 12% |
15 | CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBS) | Khoảng 0,033% | 12% |
16 | CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) | 0,034% | 12,41% |
17 | Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam | 0,0328%, | 12% |
18 | CTCP Chứng khoán Pinetree | Khoảng 0,025% | 9% |
Vậy margin call là gì?
Nếu đã hiểu vay margin là gì trong chứng khoán, vậy bạn đã từng nghe đến “margin call” chưa?
Đầu tiên, khi sử dụng margin, bạn có thắc mắc rằng hành động này có ảnh hưởng đến thị trường như thế nào không? Hãy cùng chúng mình phân tích:
-
Ở thị trường bò (xu hướng tăng): nhà đầu tư dùng margin và cổ phiếu tăng giá, thì đồng nghĩa sẽ có lợi nhuận nhiều, và tài sản ròng tăng lên. Nếu có thêm tài sản, nhà đầu tư có thể tiếp tục mua thêm cổ phiếu để tăng lợi nhuận, làm thị trường càng thêm khởi sắc.
-
Ở thị trường gấu (xu hướng giảm): Nếu nhà đầu tư sử dụng margin mà cổ phiếu giảm giá thì lúc này giá trị tài sản ròng sẽ giảm. Ví dụ, nếu dùng tỉ lệ đòn bẩy 1:2 thì sẽ lỗ gấp 2 lần bình thường, dùng tỉ lệ đòn bẩy 1:3 thì sẽ lỗ gấp 3 lần bình thường.
Khi tài sản bị giảm, công ty chứng khoán sẽ yêu cầu nhà đầu tư phải nộp thêm tài sản vào. Còn nếu không nộp thêm thì sẽ phải bán bớt cổ phiếu đi để giảm tiền vay, nhằm đưa về đúng tỷ lệ vay margin của công ty chứng khoán. Và đây cũng chính là khái niệm margin call.
Công thức tính:
Giá trị chứng khoán ký quỹ bổ sung = (Tỷ lệ ký quỹ – Tỷ lệ ký quỹ duy trì) / (1 – Tỷ lệ ký quỹ duy trì) x Tổng giá trị tài sản trên tài khoản giao dịch ký quỹ tính theo giá thị trường.
Trong đó: Tỷ lệ ký quỹ duy trì là mức tỷ lệ ký quỹ tối thiểu được quy định bởi công ty chứng khoán. Ở Việt Nam, tỷ lệ này thường là khoảng 40%.
Lưu ý, khi ngưỡng margin call xảy ra, công ty chứng khoán có thể bắt đầu bán bất kỳ chứng khoán nào trong danh mục đầu tư của bạn mà không phải hỏi ý kiến của bạn trước.
Nên sử dụng vay margin khi nào?
Có nên sử dụng đòn bẩy tài chính trong chứng khoán không? Có nên vay margin để đầu tư không có lẽ là thắc mắc của không ít bạn.
Việc dùng margin trong đầu tư chứng khoán như một con dao hai lưỡi, nên chúng mình khuyên rằng chỉ sử dụng margin trong những trường hợp sau:
- Chỉ sử dụng margin khi bạn là một nhà đầu tư lâu năm, có nhiều kinh nghiệm chinh chiến trên thị trường chứng khoán.
- Chỉ sử dụng margin khi thị trường có dấu hiệu tăng trưởng rõ ràng, còn ở giai đoạn thị trường đi xuống thì không nên dùng.
- Chỉ sử dụng margin với những giao dịch ngắn hạn, còn nếu đầu tư lâu dài thì không nên dùng margin, vì sẽ phải chịu lãi suất từ vay margin rất cao.
- Chỉ sử dụng margin với các cổ phiếu thanh khoản tốt, như cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu blue chip…, còn những cổ phiếu lợi nhuận thấp thì không nên dùng margin.
Những lưu ý khi dùng margin trong chứng khoán
Nếu bạn đã hiểu được margin là gì và quyết định sử dụng margin, vậy thì đừng bỏ qua một số lưu ý sau nhằm tối đa lợi nhuận và hạn chế rủi ro mức thấp nhất:
- Lãi suất vay margin hiện nay vào khoảng 11 – 14%/năm. Nếu lợi nhuận trên vốn đầu tư của bạn không lớn hơn con số này, thì chắc chắn bạn sẽ bị thua lỗ. Vì vậy sử dụng margin có hiệu quả hay không là phải tính lợi nhuận sau khi đã trừ đi các khoản chi phí lãi vay ký quỹ.
- Nên sử dụng margin ngay từ đầu sóng và thoát dần margin khi thị trường vào chu kỳ tăng cuối, đừng lạc quan quá mức.
- Hạn chế việc liên tục chơi lướt sóng bằng margin. Xác định rõ bạn là người đi săn cơ hội, cơ hội đến thì mới dùng margin, chứ ko phải dùng margin để tìm cơ hội, nếu không vốn của bạn sẽ hao hụt nhanh chóng bởi vì ko ai có thể đảm bảo luôn đoán đúng xu hướng của cổ phiếu.
- Luôn sử dụng tỷ lệ margin ở mức an toàn, chỉ 1:0,5 hoặc 1:1, và dùng 1:1 khi thị trường thật bùng nổ, vĩ mô tốt, kỳ vọng nhà đầu tư cao. Còn tỷ lệ margin cao từ 1:1,5 chỉ dành cho những ai thực sự am hiểu thị trường.
- Đối với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường, cách tốt nhất là hạn chế dùng margin trong mỗi lần giao dịch, khi “tồn tại” ở thị trường được từ 3-5 năm thì mới nên sử dụng với tỷ lệ nhỏ và phải có chiến lược quản lý vốn hợp lý trước khi vào lệnh.
Bài học tổng kết:
-
Margin là vay thêm tiền của công ty chứng khoán để đầu tư.
-
Tỷ lệ vay margin là mức cho vay tối đa của công ty chứng khoán.
-
Margin là con dao 2 lưỡi, có thể tăng lợi nhuận nhưng cũng đồng nghĩa với tăng rủi ro.
-
Nếu vay margin và bạn bị thua lỗ, công ty chứng khoán có quyền thanh lý một số cổ phiếu của bạn mà không cần báo trước (call margin).
-
Sử dụng margin sẽ phải chịu lãi suất, dao động khoảng 12 – 14%/năm.
-
Margin phù hợp với đầu tư lướt sóng ngắn hạn, còn nhà đầu tư mới không nên sử dụng margin.’
Có thể bạn quan tâm: Bán khống là gì & Kinh nghiệm bán khống chứng khoán
Trên đây là những thông tin về margin là gì trong chứng khoán, có nên dùng margin không, dùng thế nào cho hiệu quả… Có thể thấy, margin là công cụ giúp nhà đầu tư có thể gia tăng lợi nhuận một cách nhanh chóng nhưng cũng đi liền với rất nhiều rủi ro. Vì vậy, nếu muốn dùng margin thì bạn cần phải tính toán kỹ về thời điểm sử dụng cũng như phân tích chi tiết để lựa chọn được cổ phiếu tiềm năng nhất. Chúc bạn thành công.