Nếu tìm hiểu về các nhà đầu tư nổi tiếng nhất trong lịch sử, thì ngoài những nhân vật tầm cỡ với các phương pháp đầu tư đầy hiệu quả, thì người ta còn nhớ tới một nhân vật – vốn từng được coi là thiên tài trader, nhưng rồi kết cục vẫn thua lỗ đậm và làm bay cả tài sản của một ngân hàng lâu đời nhất của nước Anh. Người đó chính là Nick Leeson. Nhưng cụ thể Nick Leeson là ai? Anh ấy đã làm những gì? Tại sao một mình Nick Leeson lại có thể làm cả một ngân hàng sụp đổ? Hãy cùng chúng mình đi tìm hiểu chi tiết ở nội dung bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
- 1 Tìm hiểu Nick Leeson là ai?
- 1.1 Nick Leeson là ai?
- 1.2 Nick Leeson và sự sụp đổ của ngân hàng Barings
- 1.3 Chúng ta học được gì từ sai lầm của Nick Leeson?
- 1.3.1 Thứ 1: Đừng nhầm lẫn may mắn với kỹ năng
- 1.3.2 Thứ 2: Đừng cố gắng trung bình giá bất chấp
- 1.3.3 Thứ 3: Đôi khi, chấp nhận thua và cắt lỗ là tốt nhất.
- 1.3.4 Thứ 4: Đừng quá tự tin về bản thân mình
- 1.3.5 Thứ 5: Đầu tư hay giao dịch gì, cũng cần chiến lược
- 1.3.6 Thứ 6: Yêu cầu giúp đỡ, nếu có thể
- 1.3.7 Thứ 7: Phân biệt được giữa cờ bạc và đầu tư
- 1.3.8 Thứ 8: Ngừng thần tượng hóa cái gọi là “ngôi sao”
Tìm hiểu Nick Leeson là ai?
Nick Leeson là ai?
Nick Leeson là một nhà giao dịch người Anh rất nổi tiếng vì thương vụ thua lỗ đậm, đã làm phá sản cả một ngân hàng nổi tiếng của vương quốc Anh vào năm 1995. Sau khi gây ra vụ thua lỗ kỷ lục này, Nick Leeson bị tòa án Singapore kết tội phạm tội tài chính và thụ án hơn 4 năm trong Nhà tù Changi.
Khi ở trong tù, ông đã viết cuốn tự truyện “Rouge Trader”, trong đó mô tả chi tiết những hành động của ông dẫn đến việc phá sản của ngân hàng Barings. Cuốn sách sau đó được chuyển thể thành phim với sự tham gia của diễn viên Ewan McGregor vào vai Leeson.
Thông tin chính:
- Nick Leeson là một nhà giao dịch phái sinh nổi tiếng ở tuổi 27 tại văn phòng Singapore của Ngân hàng Barings.
- Nick Leeson chuyên mua và bán các hợp đồng tương lai của chỉ số Nikkei 225, và có thời gian kiếm được rất nhiều lợi nhuận, khiến anh ta trở thành ngôi sao sáng của ngân hàng.
- Nhưng về sau, Nick Leeson đã làm thua lỗ mất 1,3 tỷ đô la tiền ngân hàng Baring, do thực hiện các giao dịch rủi ro, đặc biệt là khi trận động đất Kobe ở Nhật Bản diễn ra, làm Nikkei 225 sụt hơn 1,500 điểm.
- Số tiền thua lỗ đã gấp đôi cả vốn điều lệ của ngân hàng Barings. Tội ác của Nick Leeson đã khiến Barings phá sản, khiến nó sụp đổ sau 230 năm kinh doanh.
- Khoản lỗ giao dịch kỷ lục của Leeson được duy trì cho đến năm 2008 khi một thương nhân người Pháp đánh bại với mức lỗ 8 tỷ USD.
- Hành động của ông buộc các ngân hàng phải đánh giá lại các biện pháp kiểm soát nội bộ và các thủ tục kiểm toán giao dịch.
- Nick Leeson nhận tội vào năm 1995 và bị tòa án Singapore kết án 6 năm rưỡi nhưng được trả tự do vào năm 1999.
Nick Leeson và sự sụp đổ của ngân hàng Barings
Để hiểu rõ được Nick Leeson là ai và sự sụp đổ của ngân hàng Barings, chúng mình sẽ thuật lại tóm tắt sự việc khi Nick Leeson tham gia làm việc tại Barings.
Từ nhân viên bình thường trở thành “ngôi sao” của ngân hàng
Barings Banks được thành lập vào năm 1762 bởi Francis Baring, đây là ngân hàng thương mại lâu đời thứ hai và là ngân hàng lớn nhất và ổn định trên toàn thế giới. Ngân hàng này được xem là một phần lịch sử của Anh, được Nữ hoàng Elizabeth gửi tiền và từng tài trợ cho cuộc chiến của Napoleon vào thế kỷ 19.
Tại ngân hàng Barings, có một bộ phận được thành lập để giao dịch các hợp đồng trên thị trường kỳ hạn tại SIMEX (Sở giao dịch tiền tệ quốc tế Singapore) thuộc công ty mẹ, tập đoàn Barings. Lợi nhuận của bộ phận này thu được thời gian đầu cũng khá ổn định, vừa phải, nhưng phải đến khi Nick Leeson tham gia vào, Barings mới thu về được một khoản lợi nhuận đáng kinh ngạc, và Nick Leeson nghiễm nhiên trở thành một nhà giao dịch phái sinh hàng đầu.
Nick Leeson xuất thân không có gì là thuận lợi bởi cha ông chỉ là một thợ hồ. Ông không có điều kiện để học bằng này cấp nọ. Tuy nhiên, đó không phải là một yếu tố quan trọng để có việc làm ở ngân hàng khi đó. Leeson theo học trường cấp 3 tại Watford, cũng là nơi ông bắt đầu làm việc tại Coutts & Company. 2 năm sau, Leeson làm cho Morgan Stanley ở vị trí trợ lý kinh doanh. Điều này đã giúp ông có nền tảng kiến thức về thị trường tài chính khi nó bắt đầu lớn dần tới cuối những năm 1980.
Nick Leeson gia nhập ngân hàng Barings ở London vào năm 1989 khi 22 tuổi. Một năm sau đó, Leeson được cử đến Jakarta để giải quyết các hợp đồng chưa đáo hạn trị giá 100 triệu bảng Anh đang có nhiều rắc rối. Nhờ hoàn thành tốt công việc, danh tiếng của Leeson tăng cao. Năm 1992, ngân hàng Barings Bank đã cử Nick Leeson đến làm việc tại chi nhánh của họ ở Singapore, giao cho Leeson điều hành các hoạt động giao dịch hợp đồng tương lai trên sàn SIMEX. Với tinh thần làm việc hăng say, Nick Leeson đã nhanh chóng trở thành một người nổi trội trên sàn SIMEX với các sản phẩm phái sinh. Ông được xem như một trong những người có ảnh hưởng lớn tới thị trường.
Nick Leeson được các đồng nghiệp của ông tại Ngân hàng Barings coi là một thiên tài giao dịch. Từ năm 1992, sự ham thích rủi ro và kỹ năng thực hiện các giao dịch đầu cơ của Leeson đã mang lại cho ngân hàng Barings lợi nhuận lên tới 10 triệu đô la (16 triệu đô la ngày nay), chiếm gần 10% thu nhập của ngân hàng thương mại. Leeson trở thành một ngôi sao trong tổ chức, chiếm được niềm tin tuyệt đối từ giới lãnh đạo ở London. Họ đánh giá Leeson là một nhân vật gần như hoàn hảo. Leeson lúc bấy giờ tuy mới 25 tuổi nhưng đã có trong tay sự nghiệp ông chưa từng dám mơ tới mặc dù đã đi làm gần 10 năm.
Từ thiên tài giao dịch trở thành “tội đồ” và cái kết tù ngục
Tuy nhiên, những người chủ của anh ta ít biết rằng hành vi liều lĩnh của Leeson sẽ khiến họ phải trả giá đắt. Mặc dù được coi là cậu bé vàng ở Barings, nhưng vận may của Leeson cuối cùng cũng cạn kiệt với anh. Leeson đã sớm thua lỗ trong các giao dịch và buộc phải che đậy những khoản lỗ trong một tài khoản kế toán lỗi, 88888. Anh giải thích rằng tài khoản trên được mở với mục đích sửa lỗi sai do một nhân viên thiếu kinh nghiệm trong nhóm gây ra. Cùng thời điểm đó, Leeson đã giấu hết những chứng từ khỏi kiểm toán pháp định của ngân hàng và biến hoạt động kiểm soát nội bộ của Barings trở nên vô dụng.. Nhờ danh tiếng là một thiên tài giao dịch tại ngân hàng, Leeson có thể trưng dụng lượng tiền mặt ngày càng tăng mà không cần bất kỳ sự giám sát nào.
Chiến lược chính của Nick Leeson bao gồm bán các quyền chọn (option) dựa trên tài sản cơ sở là các hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225. Và tại một vài thời điểm trong năm 1994, ông Leeson đã bắt đầu bán một lượng lớn các quyền chọn “straddles” – một chiến lược bao gồm bán đồng thời cả quyền chọn mua lẫn quyền chọn bán dựa trên tài sản cơ sở là hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225. Cuối năm 1994, tổng các khoản lỗ của ông đã lên đến 208 triệu bảng Anh, gần bằng 50% vốn của Barings.
Ngày 16/1/1995, với mục đích “gỡ gạc” các khoản thua lỗ, Leeson đã mở một hợp đồng chứng khoán hai chiều short straddle (bán các hợp đồng quyền chọn và kỳ vọng giá ổn định, nếu giá biến động tăng hoặc giảm mạnh thì lỗ càng nhiều và lỗ không giới hạn) trên sàn chứng khoán Singapore và sàn chứng khoán Nikkei (Nhật Bản) với kỳ vọng rằng thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ không thay đổi nhiều trong ngắn hạn.
- Ngày 01/01/1995, Nick Leeson đã mở đồng thời 37,925 quyền chọn mua Nikkei 225 và 32,967 quyền chọn bán Nikkei 225. Ngoài ra, ông còn nắm giữ vị thế mua 1,000 hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 – một chiến lược đem lại lợi nhuận nếu thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng cao.
- Ngày 17/01/1995, một cơn động đất kinh hoàng đã diễn ra ở Kobe (Nhật Bản), đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản tụt dốc không phanh. Chỉ trong vòng 5 ngày sau khi cơn động đất xảy ra, chỉ số Nikkei 225 sụt hơn 1,500 điểm – các vị thế quyền chọn của ông Leeson bị thua lỗ gần 68 triệu bảng Anh và các hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 của ông cũng lỗ nặng.
- Khi giá cổ phiếu giảm, Nick Leeson lại bắt đầu mua thêm vào một lượng lớn các hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225. Đồng thời, ông cũng thực hiện vụ đặt cược nhỏ về lãi suất Nhật Bản, bằng cách bán hàng ngàn các hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ Nhật Bản với kỳ vọng lãi suất sẽ tăng lên.
- Ngày 06/02/1995, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục hơn 1,000 điểm, qua đó giúp ông bù đắp phần lớn khoản lỗ do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Nhật Bản trong những ngày xảy ra trận động đất ở Kobe. Có vẻ như chiến lược của Nick Leeson có vẻ ỏ ra hiệu quả trong một khoản thời gian ngắn.
- Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày kế tiếp, thị trường lại bắt đầu sụt giảm, khoản lỗ của ông Leeson lại tăng theo cấp số nhân. Ông tiếp tục mua vào hợp đồng tương lai khi thị trường giảm sút.
- Ngày 23/02, Nick Leeson đã mua hơn 61,000 hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225. Đồng thời, Leeson còn nắm giữ vị thế bán 26,000 hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ Nhật Bản. Ngoài ra, anh còn mở vị thế vào các hợp đồng Euroyen tương lai. Trong năm 1995, anh đã bắt đầu mở vị thế mua hợp đồng Euroyen tương lai (với kỳ vọng lãi suất Nhật Bản sẽ giảm) nhưng sau đó lại chuyển sang vị thế bán hợp đồng này. Tuy nhiên, mọi thứ đều không diễn ra đúng như những gì Leeson phán đoán.
Biểu đồ dưới đây cho thấy các khoản lỗ từ hoạt động giao dịch của Nick Leeson từ năm 1992 tới hết tháng 2/1995. Vào cuối năm 1992 – một vài tháng sau khi Leeson bắt đầu giao dịch – anh đã có khoản lỗ tích lũy là 2 triệu bảng Anh. Con số này vẫn không thay đổi và cho tới tháng 10/1993 thì khoản thua lỗ tăng mạnh. Nick Leeson đã mất thêm 21 triệu bảng Anh trong năm 1993 và 185 triệu bảng Anh trong năm 1994. Tổng khoản lỗ tích lũy cho tới cuối năm 1994 là 208 triệu bảng Anh. Và trong năm 1995, ông lại thua lỗ thêm 619 triệu bảng Anh. Và con số tổng cộng cuối cùng là 827 triệu bảng, lớn hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu của Barings là 440 triệu bảng Anh.
Nhận thấy khoản lỗ đã quá lớn và ngân hàng đang trên bờ vực khủng hoảng, Leeson quyết định chạy trốn, chỉ để lại một lời nhắn “Tôi xin lỗi”. Nick Leeson quyết định trốn tới Malaysia, Thái Lan và cuối cùng là Đức. Tại Đức, Leeson đã bị bắt ngay khi xuống sân bay và bị dẫn độ về Singapore vào ngày 2/3/1995. Leeson bị tuyên án 6 năm rưỡi tù nhưng được phóng thích năm 1999 do cải tạo tốt. Năm 1996, anh cho ra mắt cuốn tự truyện “Rouge Trader”, trong đó mô tả chi tiết những hành động của anh ấy dẫn đến việc phá sản của ngân hàng Barings. Cuốn sách sau đó được chuyển thể thành phim với sự tham gia của diễn viên Ewan McGregor vào vai Leeson.
Do không thể bù đắp nổi khoản thua lỗ do ông Leeson gây ra, Barings đã phải cầu cứu tới Bank of England. Nhưng đến ngày 26/02/1995, Bank of England đã buộc phải thực hiện tiến trình tương tự với chương 11 (tái cấu trúc) của bộ luật phá sản Mỹ. Cuối cùng, Barings đã được Internationale Nederlanden Groep (IGN) – một tập đoàn tài chính của Hà Lan – mua lại.
Khi xem xét lại khoản lỗ cũng như chiến lược của Leeson, khó ai có thể ngờ một ngân hàng lớn như ngân hàng Barings lại để cho chuyện này xảy ra. Vụ việc Nick Leeson không chỉ là bài học cho những nhà đầu tư, mà còn cho cả hệ thống tài chính lúc đó. Có nhiều yếu tố thuận lợi để khiến Nick Leeson “trở thành tội đồ”, bao gồm:
- Leeson khi làm việc ở Singapore khá là thoải mái tự do, chứng tỏ đã có những sự thiếu kiểm soát hoạt động cũng như không có biện pháp ngăn ngừa rủi ro.
- Leeson được phép hoạt động trên cả 2 vị trí – sàn giao dịch và văn phòng hỗ trợ. Thế nên ông “vừa đánh trống vừa thổi kèn” – tự thực hiện những giao dịch do chính ông duyệt. Đó là lý do chính khiến Leeson có thể che đậy những gì mình muốn.
- Lợi nhuận Leeson đem lại đã tạo ra niềm tin từ ban lãnh đạo, những người thiếu kinh nghiệm trong thị trường tài chính cũng như thiếu hiểu biết về những thủ thuật giao dịch tinh vi. Do đó họ không hề nghi ngờ Leeson và dường như không nhận thấy rủi ro cho ngân hàng.
- Barings hưởng ưu đãi đặc biệt từ Ngân hàng Trung ương Anh. Thông thường, một ngân hàng không thể cho vay quá 25% vốn điều lệ đối với một thực thể – nhưng Barings là một ngoại lệ.
Chúng ta học được gì từ sai lầm của Nick Leeson?
Nick Leeson trên danh nghĩa là một trader – nhà giao dịch, nhưng hành động của Leeson giống hệt như một con bạc. Nhìn vào thất bại của Leeson, thật trùng hợp là những sai lầm ông mắc phải – chúng ta vẫn thường gặp ở một số trader hiện nay. Vì vậy, dưới đây là những cách mà các nhà đầu tư có thể học được những điều không nên làm từ anh ấy.
Thứ 1: Đừng nhầm lẫn may mắn với kỹ năng
Nick Leeson khởi đầu là một nhà giao dịch rất thành công, đó là lý do tại sao anh ấy được thăng chức khi còn khá trẻ. Năm 1992, số tiềm mà anh ấy kiếm được chiếm 10% tổng lợi nhuận của Barings. Nhờ thành công này, Nick Leeson và Barings bắt đầu nghĩ rằng anh ta có năng khiếu giao dịch. Vì vậy, Leeson được giao nhiều trách nhiệm hơn và dồn nhiều thời gian hơn trong việc thực hiện các giao dịch.
Nhưng thành công ban đầu của Leeson có thể là kết quả của sự may mắn ngu ngốc hơn là kỹ năng đầu tư thực sự. Bạn có thể thấy ngưỡng mộ khi Leeson kiếm được cho Barings 10% doanh thu? Nhưng bạn lại bỏ qua chi tiết là Leeson mới có hơn 20 tuổi, kinh nghiệm quá ít và có vẻ CHƯA bị thị trường đánh bại. Hãy chấp nhận rằng, nếu tham gia “trade”, việc chiến thắng trong một khoảng thời gian, không khiến bạn trở thành một trader giỏi.
Thứ 2: Đừng cố gắng trung bình giá bất chấp
Trung bình giá có nghĩa là thêm vào một giao dịch thua lỗ bằng cách nhân đôi số tiền, để giảm giá vốn đầu tư vào, với mục đích là nếu giá phục hồi lại, có thể dễ dàng gỡ gạc lại khi entry thấp hơn.
Khi giá phục hồi, hầu hết các trader đều nghĩ rằng mình rất thông minh, như một người biết mình đang làm gì.
Nhưng nếu giá tiếp tục giảm và nó không phục hồi thì làm sao? Lại tiếp tục trung bình giá? Rồi giá lại tiếp tục giảm? Kết quả sẽ ra sao? Nó có biến bạn thành một kẻ trông rất ngu ngốc không?
Đó là những gì đã xảy ra với Leeson. Anh ấy tiếp tục nhân đôi số tiền đầu tư để đặt cược vào sự tăng giá của Nikkei 225, nhưng kết cục là giá không tăng, và Leeson đã trở thành người thất bại.
Thứ 3: Đôi khi, chấp nhận thua và cắt lỗ là tốt nhất.
Đến năm 1995, khoản lỗ của Leeson và Barings đã lên tới 352 triệu đô la Mỹ, và anh ấy quyết tâm kiếm lại số tiền đó. Thế nên. vào tháng 1 năm 1995, ông nghĩ rằng chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản đang tăng cao hơn, Leeson đã đầu tư một số tiền lớn vào hợp đồng tương lai chứng khoán Nikkei để tận dụng lợi thế của thị trường đang lên (hy vọng). Nhưng ngay sau đó, trận động đất ở Kobe xảy ra, một sự kiện thiên nga đen kinh điển mà không ai lường trước được.
Kết quả là chỉ số Nikkei giảm mạnh. Nhưng ngay cả khi điều này có nghĩa là Leeson hiện đang phải đối mặt với những khoản lỗ có tổng cộng lớn hơn giá trị của toàn bộ công ty, ông vẫn không bỏ cuộc. Anh ấy đã mua thêm hợp đồng tương lai Nikkei cho đến khi số tiền anh ấy đầu tư lên tới 7 tỷ đô la. Leeson hy vọng rằng chỉ số Nikkei sẽ bắt đầu tăng và ông sẽ kiếm lại được tất cả số tiền đã mất.
Nhưng chỉ số Nikkei vẫn tiếp tục giảm và khoản lỗ của anh ấy cứ tăng lên. Lẽ ra Leeson nên chấp nhận khoản lỗ sớm hơn trước khi nó phình to đến mức gây thiệt hại vĩnh viễn cho công ty của ông. Các nhà đầu tư cũng nên làm như vậy. Có một chiến lược dừng lỗ để ngăn chặn tổn thất trở nên không thể quản lý được.
Thứ 4: Đừng quá tự tin về bản thân mình
Một trong những lý do tại sao Nick Leeson có thể chấp nhận rủi ro lớn như vậy là do hai yếu tố. Đầu tiên là sự thiếu giám sát hoàn toàn từ phía những người chủ của anh ta và sự kiêu ngạo của anh ta.
Tự tin và tin tưởng vào bản thân là một chuyện, nhưng trở nên kiêu ngạo và quá tự tin thường dẫn đến những sai lầm đắt giá. Khi đảm nhận một vị trí hoặc đầu cơ, bạn không bao giờ nên phạm sai lầm khi tin vào sự cường điệu của chính mình. Tất cả các phân tích và biểu đồ của bạn sẽ không thể dự đoán thị trường sẽ phản ứng như thế nào. Do đó, tốt nhất là luôn sử dụng lệnh cắt lỗ để giúp giảm thiểu tổn thất của bạn. Cố gắng bù đắp cho khoản lỗ khó hơn nhiều so với việc tạo ra lợi nhuận, tức là lãi 10% không thể bù đắp cho khoản lỗ 10%.
Thứ 5: Đầu tư hay giao dịch gì, cũng cần chiến lược
Leeson có lẽ đã nghĩ rằng mình có một chiến lược tuyệt vời: tiếp tục nhân đôi số tiền và sử dụng đòn bẩy để thực hiện điều đó. Nhưng lẽ ra anh ta nên biết rằng điều đó không được thận trọng cho lắm. Và Barings lẽ ra phải có sẵn các hệ thống để ngăn Leeson làm như vậy.
Anh ấy cũng nên có một kế hoạch tại chỗ để cắt lỗ. Nhưng sau đó Leeson có thể nghĩ rằng anh ta không thể làm gì sai. Tóm lại, các nhà đầu tư cá nhân nên có sẵn kế hoạch không chỉ về việc mua gì và khi nào mua, mà còn cả thời điểm cắt lỗ và mức đòn bẩy mà họ sẽ sử dụng. Nếu Leeson có loại kế hoạch này, Barings có thể đã không phá sản.
Thứ 6: Yêu cầu giúp đỡ, nếu có thể
Vào thời điểm mà Nick Leeson mạo hiểm tất cả số tiền này, về cơ bản, anh ấy đang làm việc một mình. Anh ấy không có ai để nói chuyện về những gì đang xảy ra. Mọi người, kể cả vợ của Leeson, đều nghĩ rằng mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp và rằng anh ta đang kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Anh ấy còn khá trẻ, được chiều chuộng bởi thành công sớm, làm việc mà không có nhiều sự giám sát và chấp nhận rủi ro lớn với tiền của công ty mình. Nếu Leeson có ai đó để nói chuyện về tình huống này, có lẽ mọi chuyện đã khác. Vì vậy, bài học cho các nhà đầu tư nên đảm bảo rằng họ có ai đó để đưa ra ý tưởng, tư vấn cho họ những lúc họ bế tắc. Hoặc có một nguồn thông tin chi tiết về đầu tư để giúp họ đi đúng hướng.
Thứ 7: Phân biệt được giữa cờ bạc và đầu tư
Các nhà đầu tư gửi tiền mặt của họ vào một tài sản để kiếm được tiền lãi từ khoản đầu tư ban đầu của họ. Trong khi đó, những người đánh bạc đặt cược tiền của họ vào một khoản dự phòng với hy vọng thắng lớn.
Cờ bạc giống như đặt cược vào đội thể thao và mong họ thắng giải, dù tỷ lệ thắng khó có thể đoán chính xác. Còn đầu tư là bạn bỏ tiền của mình vào tài sản của đội thể thao, và cố gắng tận dụng thu nhập của họ.
Nick Leeson không đầu tư, anh ấy đã đánh cược khi đặt cược tiền của ngân hàng với hy vọng rằng chỉ số Nikkei của Nhật Bản sẽ không giảm. Hành động của anh ấy giống đánh bạc nhiều hơn. Khi đánh canh bạc khi về hướng còn lại, Leeson đã gánh chịu những tổn thất to lớn không thể lấy lại được. Sau đó, Leeson một lần nữa thực hiện một loạt canh bạc mà cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của Ngân hàng Barings.
Thứ 8: Ngừng thần tượng hóa cái gọi là “ngôi sao”
Bạn có thể gặp một số nhà đầu tư, trader tài giỏi ở bên ngoài. Hãy tham khảo, học hỏi, nhưng đừng thần tượng quá mức. Leeson được các đồng nghiệp và cả những người quản lý của anh ấy kính trọng, những người đã thuyết phục bản thân rằng họ đã tìm ra một cỗ máy kiếm tiền. Họ thường xuyên bay từ khắp nơi trên thế giới đến một bữa tiệc rượu sâm panh để ăn mừng giải thưởng ngành mới nhất của Leeson. Bản chất của con người là tìm kiếm những anh hùng và trong đó, phương tiện truyền thông là thủ phạm lớn nhất. Nhưng thực tế là có rất ít ngôi sao thực sự trên thị trường tài chính. Tất nhiên là có những ngoại lệ, nhưng phần lớn hiệu suất mà chúng ta gán cho kỹ năng thực tế là kết quả của sự ngẫu nhiên. Và trong những trường hợp như trường hợp của Leeson hoặc Bernie Madoff, nơi mà các số liệu có vẻ quá tốt để trở thành sự thật, chúng thường là như vậy.
Có thể bạn quan tâm:
- Bill Ackman – Thiên tài đầu cơ đẹp trai nhất phố Wall & những thương vụ đầy tranh cãi
- Sói già phố Wall Jordan Belfort là ai? Bài học “đắt giá” về đầu tư của ông
Tóm lại:
Hiện tại, Nick Leeson một trong những diễn giả được ngưỡng mộ nhất trên mạng diễn thuyết toàn cầu vì những gì anh ấy đã trải qua. Leeson đã để lại một câu chuyện đáng kinh ngạc và một số bài học quý giá cho các tập đoàn và nhà đầu tư cá nhân như chúng ta. Bằng cách tìm hiểu Nick Leeson là ai và học hỏi từ những sai lầm của Leeson, chúng ta có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm trên hành trình trở thành một nhà đầu tư giỏi. Chúc bạn thành công.