Trong số các nhà đầu tư nổi tiếng, có nhiều cái tên tuổi lẫy lừng với nhiều kinh nghiệm quỹ báu, là kim chỉ nam cho con đường đầu tư của nhiều người. Mặc dù vậy, cũng không thiếu những trường hợp thú vị – Điển hình là Jim Cramer. Vốn là một chuyên gia tài chính đáng ngưỡng mộ, nhưng hiện nay tên tuổi ông lại được gắn liền với meme “Inverse Cramer” – Đầu tư ngược lại những gì Cramer nói. Vậy cụ thể Jim Cramer là ai? Tại sao mọi người lại thích đi ngược lại dự đoán của ông? Hãy cùng chúng mình đi tìm hiểu chi tiết ở nội dung bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
Tìm hiểu Jim Cramer là ai?
Jim Cramer là ai?
Jim Cramer vốn nổi tiếng là một chuyên gia tài chính và thường xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông Mỹ. Chương trình dài tập “Mad Money” của ông đã thu hút nhiều người xem nhất trên CNBC. Trong suốt sự nghiệp của mình, Jim Cramer đã tạo dựng tên tuổi như một nhà đầu tư tài ba.
Nhưng hiện tại, Jim Cramer lại trở nên nổi tiếng với những dự đoán thị trường và lựa chọn cổ phiếu không mấy suôn sẻ của ông. Mục đích của chương trình “Mad Money” là “không nói cho bạn biết phải nghĩ gì, mà dạy bạn cách suy nghĩ về thị trường như một người chuyên nghiệp”, thì trớ trêu thay, Jim Cramer rất hay đưa các khuyến nghị, dự đoán và sau đó, chúng hầu như là sai hoàn toàn.
Người dùng Twitter Algod nổi tiếng đã nhân đôi tài khoản giao dịch chỉ bằng cách giao dịch ngược lại những gì Cramer nói. Điều này đã sinh ra meme “Inverse Jim Cramer”, và nó càng trở nên phổ biến trong thời gian gần đây.
Officially doubled the inverse @jimcramer account, for those who are not aware i started the account with 50k
honestly mind blowing how wrong one man can be pic.twitter.com/mH3DhEdJFs
— Algod(τ, τ) (@AlgodTrading) August 22, 2022
Thông tin chính về Jim Cramer:
- Jim Cramer nhà một nhà đầu tư nổi tiếng, và cũng là người dẫn chương trình “Mad Money” trên CNBC.
- Jim Cramer theo học Đại học Harvard , nơi ông lấy bằng Cử nhân chính trị năm 1977, tốt nghiệp loại xuất sắc. Jim Cramer cũng có bằng tiếng sĩ Luật tại Trường Luật Harvard năm 1984.
- Thay vì lựa chọn làm luật sư, ông đã lựa chọn làm môi giới chứng khoán ở ngân hàng Goldman Sachs và khởi nghiệp từ đây.
- Jim Cramer thành lập quỹ đầu cơ của riêng mình, tên là Cramer & Co. Ông điều hành quỹ của mình từ năm 1987 đến năm 2000 trước khi nghỉ hưu vào năm 2001. Chỉ có một năm lợi nhuận âm, còn trung bình là lãi 24%, thu nhập mỗi năm khoảng 10 triệu đô.
- Jim Cramer hiện nay càng nổi tiếng hơn khi đưa ra các dự đoán hay gợi ý cổ phiếu không mấy chính xác. Hầu hết thị trường đều đi ngược lại những gì ông ấy dự đoán.
- Meme “Inverse Cramer” đã xuất hiện, và thật thú vị là việc đầu tư ngược lại với Jim Cramer đều đem lại hiệu suất lợi nhuận rất tốt.
- Một quỹ ETF là Inverse Cramer Tracker ETF (SJIM) đã được ra mắt vào 2/3 – Chuyên hành động ngược với phán đoán của Jim Cramer.
Tiểu sử, thành tựu của Jim Cramer
Jim Cramer sinh ngày 10/2/1955, tại thành phố Wyndmoor, Pennsylvania, một vùng ngoại ô gần Philadelphia, Hoa Kỳ trong một gia đình có mẹ là nghệ sĩ, bố ông là một doanh nhân sở hữu công ty cung cấp bao bì. Thừa hưởng sự chăm chỉ và sáng tạo từ bố mẹ, thời niên thiếu, chàng trai trẻ Jim Cramer đã “khởi nghiệp” bằng công việc bán kem tại sân vận động Veterans trong các trận Phillies ở địa phương.
Mặc dù Cramer hiện nay được biết đến với việc dự đoán thị trường đại đa số là sai, nhưng thực ra ông đã tốt nghiệp xuất sắc tại Đại học Harvard với bằng Cử nhân chính trị khi đang là tổng biên tập cho tờ báo sinh viên của họ. Khi còn học luật, Cramer bắt đầu đầu tư vào thị trường chứng khoán. Những thành công trong phân tích và đầu tư cổ phiếu nổi bật đã giúp ông trở thành nhà môi giới chứng khoán tại ngân hàng Goldman Sachs.. Từ đó, ông quyết định chọn làm việc trong lĩnh vực bán hàng và giao dịch tại Goldman Sachs thay vì theo đuổi sự nghiệp luật sư.
Sau đó, ông ấy tiếp tục thành lập quỹ đầu cơ của riêng mình, tên là Cramer & Co. Ông điều hành quỹ của mình từ năm 1987 đến năm 2000 trước khi nghỉ hưu vào năm 2001. Trong suốt quãng thời gian đó, quỹ chỉ ghi nhận duy nhất một năm lợi nhuận âm. Tại thời gian Jim Cramer còn nắm quyền điều hành, quỹ công bố mức lợi nhuận trung bình hàng năm là 24% và thu về trung bình hơn 10 triệu USD mỗi năm. Điều này đã khiến Jim Cramer trở thành một trong những nhà đầu tư nổi tiếng bậc nhất phố Wall thời điểm đó.
Khi vẫn làm việc tại quỹ đầu tư do bản thân sáng lập, vào năm 1996, ông Cramer còn đồng sáng lập TheStreet.com, một trang web cung cấp khuyến nghị về thị trường chứng khoán. Cramer là cổ đông lớn thứ hai của công ty và có thời điểm, công ty đạt giá trị vốn hóa thị trường 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, kể từ tháng 8/2019, Maven đã mua lại TheStreet.
Mặc dù có một sự nghiệp có vẻ thành công trong lĩnh vực tài chính, nhưng cuối cùng Jim đã nghỉ việc tại quỹ phòng hộ vào năm 2001, quay trở lại với tình yêu đầu tiên của mình – truyền thông. Dấu ấn trong sự nghiệp của Jim Cramer được biết đến nhiều nhất là vai trò dẫn chương trình trong “Mad Money” của CNBC kể từ năm 2005. Đây là chương trình hướng dẫn khán giả cách suy nghĩ như các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chương trình dài tập “Mad Money” này đã thu hút nhiều người xem nhất trên CNBC.
Thành công của Cramer trên “Mad Money” đã giúp ông trở thành người dẫn chương trình và khách mời nhiều chương trình đầu tư khác nhau. Ngoài lĩnh vực đầu tư, Cramer cũng là khách mời trong các chương trình như “Arrested Development”, “The Tonight Show” và “The Daily Show.”
Tính đến năm 2022, Jim Cramer sở hữu tổng giá trị tài sản ròng ước tính là 150 triệu USD. Phần lớn tài sản ròng của ông đến từ quỹ đầu cơ do ông sáng lập. Không dừng lại ở đó, sử dụng kinh nghiệm của mình với tư cách là nhà quản lý quỹ đầu cơ, Cramer đã gia tăng giá trị tài sản ròng của mình thông qua chiến lược đa dạng hóa nhiều dòng thu nhập. Cùng với đó, sự nổi tiếng và thành công của ông trong vai trò người dẫn chương trình “Mad Money” đã duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ của ông trong lĩnh vực tài chính đầu tư với tư cách là một nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn thị trường chứng khoán.
Inverse Cramer – Trào lưu đầu tư ngược lại những gì Cramer nói
Mặc dù Cramer chỉ mới nổi lên trên các phương tiện truyền thông chính thống trong thập kỷ qua, nhưng những lựa chọn cổ phiếu đại chúng của ông rõ ràng là rất tệ kể từ những ngày đầu tiên tham gia thị trường của ông. Từ năm 2007, đã có những bài báo được xuất bản cho biết rằng giao dịch ngược lại với lựa chọn của Jim Cramer có thể đem đến lợi nhuận 25% trong một tháng.
Ví dụ về những lần Jim Cramer dự báo ngược:
- Năm 2000, trong khi Jim Cramer khoe rằng ông có lợi nhuận cá nhân là 36%, rồi khuyến nghị 10 cổ phiếu cho mọi người. Ngay sau đó, những cổ phiếu này đều bị giảm giá trị trầm trọng bởi bong bóng dot-com.
- Mùa xuân năm 2007, Jim Cramer đã vui vẻ hô hào chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones hướng tới 15.000 mà không có vấn đề gì trước mắt. Sau đó vài tháng, chỉ số Dow giảm xuống mức 13.000. Sau khi Fed cắt giảm lãi suất chiết khấu, ông nói rằng chỉ số Dow sẽ lên 14.500. Cuối cùng, thế giới chứng kiến khủng hoảng tài chính 2008 diễn ra.
- Sau đại dịch Covid-19, Cramer ngày càng đưa ra nhiều khuyến nghị về một số lựa chọn cổ phiếu, bao gồm Netflix, Qualcomm và Disney. Ông cho rằng, đại dịch sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng của các cổ phiếu công nghệ bởi nó sẽ tạo điều kiện cho người dùng ở nhà. Đáng thương thay, bất kỳ ai theo lệnh mua Netflix của ông ấy sẽ giảm 38% chỉ sau vài ngày hoặc 65% sau 3 tháng.
- Tương tự, dòng tweet của ông ấy “Coinbase to $475” cũng không khả quan là bao nhiều. Mặc dù cổ phiếu ban đầu tăng lên 342 đô la sau khi giá tham chiếu IPO là 250 đô la, nhưng nó đã nhanh chóng giảm 34% trong vòng chưa đầy một tuần và không thể lấy lại đáng kể mức cao đó. Kể từ đó, cổ phiếu của Coinbase đã giảm 76%.
We like Coinbase to $475
— Jim Cramer (@jimcramer) April 14, 2021
Không chỉ sai lầm trên thị trường chứng khoán, mà những dự đoán của Jim Cramer cũng cực kỳ kém trên thị trường tiền điện tử, và điều này đã nhanh chóng trở thành một cơ hội giao dịch ngược cho các nhà đầu tư tiền điện tử.
- Lục tung tài khoản Twitter của Jim Cramer, chúng ta chỉ thấy một khuyến nghị chính xác duy nhất của Jim Cramer là khi Cramer khuyến nghị bán ở đỉnh thị trường tăng giá 2021, đối với Ethereum. NHƯNG – Cramer cho biết ông ấy chỉ chốt lời 1 phần, còn lại vẫn kỳ vọng vào đợt tăng giá tiếp theo. Và rồi 20 ngày sau, thị trường tiền điện tử bắt đầu đợt thoái lui lớn, với việc Bitcoin giảm từ mức cao nhất 69.000 đô la xuống còn 30.000 đô la trong vòng chưa đầy 2 tháng.
- Khi thị trường tiếp tục sụp đổ, Jim Cramer đã đăng các dòng tweet mâu thuẫn, trong đó hầu hết kêu gọi các nhà đầu tư bán tiền điện tử của họ. Mặc dù xu hướng chung là giảm, nhưng trớ trêu thay, các dòng tweet giảm giá của ông ấy hầu như luôn trùng với một đợt phục hồi ngay lập tức và các dòng tweet tăng giá của ông ấy thường khiến giá tiền điện tử giảm nhẹ.
- Hay gần đây hơn, Jim Cramer đã lựa chọn cổ phiếu FRC – của ngân hàng First Republic vào ngày 10 tháng 3. Ngân hàng đã ghi nhận sự sụt giảm giá trị kể từ đó. Giá cổ phiếu FRC đã mất hơn 75% kể từ tuần trước.
Another legendary call pic.twitter.com/5VfDPfwM6M
— Inverse Cramer (Not Jim Cramer) (@CramerTracker) March 13, 2023
- Trước đó, Jim Cramer cũng khuyên mọi người mua cổ phiếu của ngân hàng SVB. Trong 4/2022, ông ấy cũng đưa ra lời khuyên rằng ngân hàng Signature là một khoản đầu tư tốt dựa trên mức tăng trưởng thu nhập. Và kết cục của Signature và SVB ra sao, có lẽ chúng ta đều biết.
- Mới ngày hôm qua (14/3/2023), Jim Cramer cũng thề sẽ bán Bitcoin của ông trong đợt phục hồi này. Nhưng ngay lập tức, Bitcoin đã hồi sinh sau cuộc khủng hoảng ngân hàng, tăng vượt cả mốc 26.000 USD.
Jim: "I would sell my bitcoin right into this rally"
Congrats crypto investors
— Inverse Cramer (Not Jim Cramer) (@CramerTracker) March 13, 2023
Inverse Cramer ETF – Quỹ đầu tư ngược với Jim Cramer đã ra mắt
Sở trường “Đoán gì trật đấy” của Jim Cramer đã khiến Unusual Whales , một trang web theo dõi tin tức thị trường cho cả thị trường chứng khoán và tiền điện tử, có một “ETF Inverse Cramer” hư cấu. Bạn có thể tham khảo hiệu suất của nó TẠI ĐÂY.
- Pro Cramer: Là đầu tư theo những gì Jim Cramer khuyến nghị, và hiệu suất hiện tại là – 23,91%.
- Short Cramer: Là Bán những gì Cramer bảo mua, và mua những gì Cramer bảo bán, hiệu suất lợi nhuận đang dương 18,38%.
Điều thú vị là các vị thế của Short Cramer luôn được giữ trong suốt thời gian tồn tại của nó, trong khi nhiều vị thế của Pro Cramer đã bị đóng (thanh lý) chỉ sau 6 tháng. Tất nhiên, Cramer đã nhiều lần tuyên bố rằng nhiều giao dịch theo khuyến nghị của ông ấy nên dành cho một chặng đường dài. Tuy nhiên, khả năng liên tục bị thanh lý trong ngắn hạn (khi vốn không đủ lớn) nếu đầu tư theo Cramer – quả thực là một trải nghiệm không dễ dàng chút nào.
Nhưng không chỉ dừng ở hư cấu. Nếu bạn đã từng nghĩ về việc đặt cược chống lại các lựa chọn cổ phiếu đang phát sóng của Jim Cramer, thì giờ đây đã có một quỹ ETF cho phép bạn làm điều đó. Đó chính là Inverse Cramer Tracker ETF (SJIM). Mục tiêu đầu tư của SJIM là tham gia vào các giao dịch được thiết kế để thực hiện ngược lại với những gì nhân vật truyền hình Jim Cramer đề xuất. Vào ngày 2 tháng 3, Inverse Cramer Tracker ETF bắt đầu giao dịch trên Sàn giao dịch quyền chọn Chicago Board. Nó được phát hành cùng với Long Cramer Tracker ETF (đầu tư vào những gì Cramer đề xuất)
- Bạn có thể tham khảo quỹ này tại: https://www.crameretfs.com/sjim
Nhà đầu tư và người sáng lập Uinvst, Gurgavin Chandhoke, đã lên Twitter để tuyên bố rằng quỹ này đang hoạt động tốt hơn thị trường 5%. Ông đã so sánh hiệu suất của Inverse Cramer Tracker ETF với SPDR S&P 500 ETF Trust.
ITS BEEN A WEEK SINCE THE INVERSE JIM CRAMER ETF WENT LIVE ITS ALREADY OUT PERFORMING THE MARKET BY 5%
INVERSE CRAMER NEVER FAILS pic.twitter.com/FSpynZoHi3
— GURGAVIN (@gurgavin) March 14, 2023
Chúng ta có nên giao dịch ngược lại với Jim Cramer?
Ngay cả với nhiều năm kinh nghiệm giao dịch trên thị trường chứng khoán, các khuyến nghị của Jim Cramer cũng rất mờ nhạt và nhiều khi thiếu sự tin tưởng. Hơn nữa, ông ấy có xu hướng hay thay đổi quan điểm của mình về thị trường, liên tục chuyển từ tăng sang giảm tùy thuộc vào cách giá di chuyển.
Thay vì cố gắng hướng đến mục tiêu kiếm lợi nhuận, có vẻ như Cramer dường như đang làm một việc khác – thu hút truyền thông. Bằng cách đưa ra lời khuyên tài chính khủng khiếp một cách trắng trợn, Cramer đã có thể xuất hiện trên trang nhất của các phương tiện truyền thông, điều này đã mang lại cho anh ta mức lương hàng năm là 5 triệu đô la từ CNBC.
Đối với các nhà giao dịch đang tìm cách giao dịch ngược lại với Jim Cramer, hầu hết đó chỉ là sự FOMO hoặc FUD nhất thời, chứ không có căn cứ nào cả. Vì vậy, chúng ta chỉ nên dừng ở việc biết – hiểu Jim Cramer là ai, tại sao lại trở thành “meme”. Còn những quyết định đầu tư nào vẫn nên cân nhắc thật kỹ lưỡng.
Đọc thêm:
- Nick Leeson là ai – Trader “lỗ đậm” nhất lịch sử, làm sụp đổ cả một ngân hàng
- Masayoshi Son là ai? 5 thương vụ đầu tư gây “shock” của tỷ phú này
DautuX.vn