Một trong những cuốn sách về đầu tư chứng khoán nổi tiếng nhất mọi thời đại, đó là cuốn “Trên đỉnh phố Wall” của nhà đầu tư kinh điển – Peter Lynch. Trong cuốn sách dài hơn 200 trang này, Peter Lynch đã chia sẻ nhiều quan điểm về việc lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư cổ phiếu, và theo mình đánh giá thì nội dung này là vô cùng đắt giá. Chính vì vậy, chúng mình đã tổng kết lại 6 loại doanh nghiệp điển hình, thường gặp nhất đối với các nhà đầu tư dài hạn dưới góc nhìn của Peter Lynch, cũng như trích dẫn một số mẹo lựa chọn cổ phiếu theo thời khuyên của ông.
Đọc thêm:
6 loại doanh nghiệp điển hình trên TTCK
Đầu tư vào bất cứ cổ phiếu của một doanh nghiệp nào, điều quan trọng là phải hiểu được doanh nghiệp đó thuộc loại nào. Bởi mỗi một loại hình doanh nghiệp sẽ có những bước tăng trưởng, hoạt động khác nhau, và mục tiêu đầu tư khác nhau.
Dưới đây là 6 loại doanh nghiệp phổ biến nhất bạn cần biết:

Những doanh nghiệp tăng trưởng chậm
Thường thì người ta cho rằng những công ty lớn và gạo cội sẽ tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc dân. Nhưng mọi chuyện lại không diễn biến như vậy. Những công ty này ban đầu sẽ tăng trưởng rất nhanh nhưng rút cuộc chúng sẽ trở nên kiệt quệ và rã rời, bởi một trong hai lý do: hoặc là chúng đã phát triển đến mức giới hạn, hoặc là chúng đã quá mệt mỏi với việc gồng lên để nắm lấy mọi cơ hội. Khi một ngành công nghiệp đã hoàn toàn trì trệ thì mọi công ty trong ngành cũng sẽ đi mất động năng tăng trưởng.
Những ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh chẳng chóng thì chày cũng sẽ biến thành những ngành tăng trưởng chậm. Người ta luôn có xu hướng cho rằng mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi, nhưng chắc chắn là thay đổi sẽ diễn ra. Những doanh nghiệp điển hình cho loại này thường là điện, sau đó là thép, hóa chất, rồi cả công nghệ…
Một biểu hiện rõ ràng của công ty dạng này là họ trả cổ tức rất hào phóng và đều đặn. Một công ty sẽ trả cổ tức hào phóng khi họ không nghĩ ra cách thức mở rộng quy mô kinh doanh. Đối với giám đốc các tập đoàn, mở rộng quy mô được xem là nỗ lực nhằm khuếch trương thanh thế, còn trả cổ tức chỉ là một biện pháp máy móc không cần động não. (Điều này không có nghĩa rằng việc các giám đốc tập đoàn trả cổ tức là sai lầm).
Nếu bạn tìm mua cổ phiếu của những công ty tăng trưởng chậm, hãy tự hỏi?
-
Lý do bạn mua cổ phiếu của các công ty này là mức lãi cổ tức (nếu không phải là mức lãi cổ tức thì bạn mua nó làm gì?), bạn muốn kiểm tra xem cổ tức có đảm bảo trả đủ không hoặc có thể tăng đều đặn hay không?
-
Nếu có thể, hãy tìm hiểu xem bao nhiêu phần trăm lợi nhuận đang được dùng để trả cổ tức. Nếu nó thấp thì điều đó chứng tỏ công ty đó có khả năng chèo chống trong thời kỳ làm ăn khó khăn. Nó có thể kiếm được ít tiền hơn nhưng vẫn duy trì mức cổ tức để trả đầy đủ cho bạn. Còn nếu số phần trăm đó cao, mức cổ tức sẽ bấp bênh hơn đấy.
-
Bạn cũng nên tránh những cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng chỉ hai hay ba phần trăm. Bởi vì những công ty tăng trưởng chậm như thế thì giá cổ phiếu cũng không khá hơn là mấy. Thu nhập tăng là yếu tố làm giàu thêm cho các công ty, vậy thì tại sao bạn lại phí phạm thời gian đầu tư vào những công ty dậm chân tại chỗ?
Những doanh nghiệp vững mạnh
Những công ty vững mạnh điển hình là những công ty có tiếng, là những tập toàn lớn, giá trị vốn hóa thường đứng top đầu thị trường, ví dụ như Coca-Cola, Bristol-Myers. Những gã khổng lồ trị giá này không phải là những nhà leo núi thần tốc, nhưng họ tăng trưởng nhanh hơn những gã chậm chạp. Để ý, bạn có thể thấy chúng tăng trưởng doanh thu hàng năm từ 10 đến 12%, và kéo dài nhiều năm.
Tùy thuộc vào việc bạn lựa chọn thời điểm và chi phí đầu tư, bạn có thể thu được lợi nhuận khá lớn với những công ty loại này. Cổ phiếu vững mạnh là những cổ phiếu mà bạn có thể mua vào, chờ giá tăng một chút rồi bán. Sau đó lặp lại quá trình này mà không cần quan tâm nhiều lắm. Chúng thường là một trong những loại cổ phiếu luôn có trong bất cứ danh mục đầu tư của bất cứ ai, được coi như blue-chip. Và đặc biệt, chúng là công cụ bảo vệ tốt nhất trong thời điểm khủng hoảng/khó khăn – bởi công ty đủ mạnh mới có sức vượt qua khó khăn, thâu tóm đối thủ.
Lựa chọn cổ phiếu của những doanh nghiệp vững mạnh, cần nhớ rằng:
-
Đây là những công ty lớn khó có khả năng lâm vào khủng hoảng hay phá sản. Điểm mấu chốt ở đây là giá cả, và chỉ số P/E sẽ cho bạn biết liệu bạn có đang trả giá quá cao hay không?
-
Kiểm tra khả năng đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh có nguy cơ làm giảm lợi nhuận tương lai không?
-
Kiểm tra tốc độ tăng trưởng của công ty trong dài hạn và thống kê xem liệu nó có duy trì được mức tăng trưởng như vậy trong vài năm gần đây không?
-
Nếu bạn có ý định nắm giữ cổ phiếu của một công ty vĩnh viễn, hãy xem cách mà công đó xoay sở trong những cơn khủng hoảng hay những cú rớt giá của thị trường trước đây.
Những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh
Đây là loại cổ phiếu được rất nhiều nhà đầu tư ưa thích. Những doanh nghiệp mới, quy mô nhỏ và rất năng động, thường tăng trưởng từ 20 đến 30% một năm. Nếu bạn biết lựa chọn sáng suốt, thì đây là mảnh đất béo bở. Với một danh mục đầu tư nhỏ, thì một hay hai cổ phiếu loại này cũng có thể tạo dựng cả một cơ đồ.
Một công ty tăng trưởng nhanh không nhất thiết phải nằm trong một ngành công nghiệp tăng trưởng. Tất cả những gì mà các công ty này cần là một chỗ trống nhỏ trong các ngành công nghiệp chậm phát triển. Nhưng họ biết cách tạo lên thành công ở một vị trí nhỏ rồi sau đó biết cách vận dụng nhiều lần công thức chiến thắng ở nhiều vị trí khác. Sự mở rộng thị trường khiến cho doanh thu tăng không ngừng, giá cổ phiếu theo đó cũng tăng cao chóng mặt.
Tất nhiên, cũng tồn tại một vài rủi ro đối với những công ty phát triển quá nóng này, nhất là khi những công ty non trẻ hăng hái quá mức trong khi không đủ tiềm lực tài chính. Khi một công ty không đủ tiềm lực tài chính gặp phải khó khăn, thì kết quả kinh doanh sẽ sụt giảm nhanh chóng, và giá cổ phiếu sẽ giảm rất nhanh.
Lưu ý là những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, đến một giai đoạn nào đó – ngành trưởng thành, chúng sẽ trở thành doanh nghiệp tăng trưởng chậm (như mình đã nói ở phần trên). Nhưng nếu nó đủ sức để hoạt động, thì về sau cổ phiếu của chúng sẽ vẫn là kẻ chiến thắng trên thị trường chứng khoán. Vì thế, hãy tìm kiếm những công ty có bảng cân đối kế toán tốt và lợi nhuận tăng ổn định. Bí quyết ở đây là bạn phải xác định được thời điểm chúng dừng phát triển, và cái giá mà bạn trả cho sự phát triển đó.
Lựa chọn cổ phiếu của các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, cần đặt câu hỏi:
-
Hãy tìm hiểu xem loại sản phẩm đang đem về nhiều lợi nhuận cho công ty có được xem là sản phẩm chiến lược của họ không?
-
Tốc độ tăng lợi nhuận trong vài năm gần đây của công ty là bao nhiêu? (Tôi thì cho là tốc độ phù hợp khoảng 20 25%. Còn với những công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 25% thì bạn nên thận trọng. Các công ty có tốc độ tăng khoảng 50% thường là kinh doanh trong các ngành đang phát triển quá nóng, mà điều này thì bạn cũng biết đấy, rủi ro khá cao).
-
Công ty đó có đang hướng tới kế hoạch mở rộng địa bàn kinh doanh không?
-
Liệu cổ phiếu đó đang được bán ngang bằng mức P/E hay gần với tỷ lệ tăng trưởng?
-
Tốc độ mở rộng quy mô thị trường của công ty đang tăng lên hay là ngược lại, đang giảm xuống?
Những doanh nghiệp phát triển theo chu kỳ
Công ty phát triển theo chu kỳ có nghĩa là sự tăng hay giảm trong doanh thu và lợi nhuận công ty tuân theo những quy luật ổn định, nếu không muốn nói là hoàn toàn có thể dự đoán được. Trong một ngành tăng trưởng thì hoạt động kinh doanh sẽ liên tục mở rộng, nhưng trong một ngành công nghiệp tuần hoàn thì nó sẽ mở rộng rồi lại thu hẹp, sau đó lại mở rộng.
Ví dụ: Các hãng xe hơi và hàng không, các công ty kinh doanh lốp xe, các công ty thép, và các công ty hóa chất là những công ty có chu kỳ phát triển tuần hoàn. Bạn có thể đọc thêm: Cổ phiếu chu kỳ là gì?
Thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng và bước vào một nền kinh tế phồn vinh, các công ty này rất phát đạt và giá cổ phiếu của chúng có xu hướng tăng nhanh hơn giá những cổ phiếu vững mạnh. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì mọi người thích mua xe hơi mới và đi du lịch nhiều hơn khi họ sống trong một nền kinh tế thịnh vượng, và cầu về thép, hóa chất v.v… cũng nhiều hơn. Nhưng, nếu bạn lựa chọn sai thời điểm trong chu kỳ tuần hoàn để mua cổ phiếu thì bạn sẽ nhanh chóng đánh mất 50% số tiền đầu tư của mình, trước khi bạn có thể thấy một dấu hiệu khởi sắc nào đó.
Cổ phiếu phát triển theo chu kỳ là loại dễ gây nhầm lẫn nhất. Những nhà đầu tư không thận trọng sẽ tưởng đây là loại cổ phiếu an toàn, và dễ dàng đầu tư vào đó. Bởi vì hầu hết những công ty thuộc loại này đều rất lớn.
Việc tính toán thời gian là điều tối quan trọng khi đầu tư vào những cổ phiếu phát triển chu kỳ, và bạn phải có đầu óc phát hiện ra những dấu hiệu sớm của việc cổ phiếu tăng hay rớt giá. Nếu bạn làm việc trong những ngành nghề có quan hệ mật thiết với thép, nhôm, hàng không, tự động hóa, thì bạn đã có một lợi thế rất lớn so với các nhà đầu tư khác.
Điều cần xem xét khi đầu tư vào công ty phát triển theo chu kỳ:
-
Phải liên tục để mắt tới lượng hàng tồn kho và quan hệ Cung – Cầu. Quan sát những cái tên gia nhập thị trường mới, vì đó thông thường là mối đe dọa với thị trường.
-
Dự đoán sự giảm sút nhanh chóng chỉ số P/E sau thời kỳ doanh nghiệp hồi phục, khi lợi nhuận đạt được cực đại.
-
Nếu bạn hiểu được công ty biến động theo chu kỳ mà bạn đang theo dõi, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định các chu kỳ, và biết được mình đang ở giai đoạn nào của chu kỳ (Ví dụ: Trong lĩnh vực chế tạo ô tô. Cứ sau 3 tới 4 năm đi xuống lại có 3 tới 4 năm đi lên. Thật vậy, ô tô nào rồi cũng cũ đi và người ta phải thay cái mới. Mọi người có thể không thay ngay trong một,hai năm nhưng sớm hay muộn thì họ cũng phải thay thôi.)
-
Có vẻ như tình trạng ế ẩm của ngành kinh doanh càng trầm trọng bao nhiêu thì khả năng phục hồi càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Vì vậy, đừng lo ngại vì một năm kết quả kinh doanh giảm sút, vì chắc chắn nhóm cổ phiếu loại này sẽ có một sự tăng trưởng trở lại ổn định và lâu dài hơn.
Những doanh nghiệp đột biến
Những công ty thuộc danh mục này có chung nhiều đặc điểm như hoạt động rệu rã, nhiều bê bối, thua lỗ lớn, nhiều scandal…. Chúng không phải là những công ty tăng trưởng chậm mà chúng là những công ty không hề tăng trưởng. Chúng khó mà phục hồi lại sau khó khăn như những công ty phát triển theo chu kỳ; và luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm tàng.
Thật khó có thể liệt kê một danh sách đầy đủ những công ty thất bại trừ phi bạn có thể nhớ được hết chúng. Có khi, người ta không bao giờ còn nhắc đến những công ty này nữa. Nhưng xét trên tổng thể thì việc đầu tư vào những công ty đột biến vẫn rất thú vị và đáng quan tâm bởi những nó – ĐÔI KHI – có thể đem lại lợi nhuận đáng kể vào những thời cơ đặc biệt. Tuy nhiên, rủi ro đi kèm cũng khá lớn.
Ví dụ: Cổ phiếu của Con Edison. Ai mà có thể tin nổi vào năm 1974 bạn có thể bị thua lỗ khi đầu tư vào những công ty điện lực khi giá cổ phiếu tụt từ 10 đô la xuống còn 3 đô la; và ai có thể tin được đến năm 1987, bạn lại có thể lãi nhiều như thế khi giá cổ phiếu tăng vọt từ 3 đô la lên 52 đô la.
Khi xem xét cổ phiếu của các doanh nghiệp đột biến, hãy thử tìm hiểu:
-
Cổ phiếu của công ty đó có thể bị các chủ nợ làm mất giá không? Lượng tiền mặt hiện có của công ty là bao nhiêu? Nợ là bao nhiêu?
-
Cơ cấu nợ ra sao? Và công ty có thể hoạt động cầm chừng hay thua lỗ trong bao lâu khi giải quyết các rắc rối để thoát khỏi nguy cơ phá sản?
-
Nếu công ty bị phá sản, các cổ đông sẽ còn lại những gì?
-
Các công ty được kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển mới như thế nào? Nó có tự thoát khỏi tìnhtrạng làm ăn thua lỗ không?
-
Liệu công ty có thể hồi sinh không?
-
Chi phí sản xuất có bị cắt giảm không? Nếu có thì nó có những ảnh hưởng gì?
Những doanh nghiệp có tài sản ngầm
Đây là nhóm các công ty có sở hữu tài sản nào đó rất giá trị nhưng chúng ta lại không hề biết đến. Ở những công ty này thì những thông tin nội bộ là lợi thế lớn nhất. Tài sản có thể chỉ đơn giản là một két tiền mặt. Đôi khi nó là bất động sản.
Ví dụ: Pebble Beach là một công ty có tài sản ngầm. Vào cuối năm 1976 cổ phiếu được bán với giá 14,50 đô la, cộng thêm với 1,7 triệu cổ phiếu hiện thời, hai điều này có nghĩa là tổng giá trị của công ty chỉ là 25 triệu đô la. Chỉ chưa đầy ba năm sau (tháng 5 năm 1979), Twenty Century-Fox mua lại Pebble Beach với giá 72 triệu đô la, hay giá trị cổ phiếu lúc này là 42,50 đô la. Còn nữa, một ngày sau vụ mua bán này, Twenty Century-Fox bán ngay mỏ chứa cát vàng của Pebble Beach với giá 30 triệu đô la, và đây chỉ là một trong số rất nhiều tài sản của Peble Beach. Nói cách khác chỉ riêng mỏ cát vàng này đã có giá hơn những gì mà các nhà đầu tư trả cho toàn bộ công ty vào năm 1976.
Cơ hội đầu tư vào những công ty thuộc danh mục này tồn tại ở khắp mọi nơi. Chắc chắn bạn buộc phải có những kiến thức về công ty để nhận ra những tài sản ngầm mà nó đang sở hữu, và sau đó tất cả những gì bạn cần là sự kiên nhẫn.
Khi xem xét các công ty dạng này, hãy thử hỏi:
-
Tổng giá trị của số tài sản của công ty là bao nhiêu? Công ty có tài sản ngầm không?
-
Số nợ có thể khấu trừ vào giá trị tài sản là bao nhiêu?
-
Liệu công ty này có khả năng mắc nợ mới, làm giảm giá trị tài sản hay không?
-
Liệu có cứu cánh nào giúp cho các cổ đông thu được lợi nhuận nhờ tài sản của công ty không?
Lưu ý khi chọn cổ phiếu để đầu tư dài hạn
Một công ty không bao giờ đứng mãi ở một vị trí nào đó. Có lúc, chúng phù hợp với quy chuẩn này lúc lại thích hợp với quy chuẩn khác. Những công ty tăng trưởng nhanh ban đầu sẽ hoạt động rất sôi nổi, nhưng rồi cũng đến ngày tiêu tan, như quy luật cuộc đời một con người vậy thôi. Chúng không thể mãi duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số, không sớm thì muộn chúng sẽ già nua chậm chạp rồi hài lòng với một vị trị khiêm tốn trên thương trường đầy cạnh tranh.
Những công ty tăng trưởng nhanh thường không hay bằng lòng với địa vị của mình nên thường đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh thiếu sáng suốt. Điều này biến chúng thành những công ty có nhiều biến động. Những công ty phát triển nóng chắc chắc rồi sẽ tăng trưởng chậm lại, và giá cổ phiếu sẽ giảm cho đến khi một nhà đầu tư thông thái nào đó phát hiện ra công ty này sở hữu nhiều bất động sản có giá trị và nó trở thành công ty có tài sản ngầm.
Trước khi đầu tư vào bất cứ một công ty nào, hãy hỏi xem nó thuộc loại nào, bởi vì bạn cần phải biết bạn đang tìm kiếm cái gì? Bạn đang tìm kiếm một công ty tăng trưởng chậm, tăng trưởng nhanh, đột biến, theo chu kỳ hay có nhiều tài sản ngầm?
Sau đó, hãy lựa chọn khái quát cổ phiếu theo các tiêu chí:
- Chỉ số P/E. Chỉ số này cao hay thấp phụ thuộc vào từng công ty cụ thể, nhưng phải so sánh những công ty tương tự nhau trong cùng một lĩnh vực kinh doanh.
- Các thành viên nội bộ công ty mua cổ phiếu hay chính công ty đó mua lại cổ phần. Đây đều là những dấu hiệu tích cực.
- Số liệu về tốc độ tăng lợi nhuận và liệu đó là lợi nhuận bất thường hay đều đặn. (Loại công ty duy nhất trong đó vai trò của lợi nhuận không quan trọng là công ty có nhiều tài sản ngầm).
- Công ty đó có bảng cân đối tài chính vững vàng hay yếu kém (tỷ lệ nợ trên tài sản) và nó có ảnh hưởng như thế nào đối với sức mạnh tài chính của công ty.
Đặc biệt, đừng bỏ qua những lưu ý vô cùng quan trọng:
- Hiểu rõ bản chất của công ty mà bạn đang sở hữu cổ phiếu và những lý do cụ thể khiến bạn quyết định đầu tư vào cổ phiếu của công ty này. (Chỉ có như vậy bạn mới đủ niềm tin nắm giữ dài hạn).
- Nhìn chung thì các công ty lớn chuyển mình khá chậm chạp, ngược lại các công ty nhỏ lại thay đổi dễ dàng hơn.
- Hãy cảnh giác với các công ty có tốc độ tăng trưởng 50 – 100% một năm.
- Tránh xa cổ phiếu của những ngành đang phát triển quá nóng.
- Không nên đặt quá nhiều niềm tin vào những công ty kinh doanh ở quá nhiều lĩnh vực khác nhau.
- Những khoản vay nóng dài hạn thường khó trả.
- Các công ty có tốc độ tăng trưởng vừa phải (khoảng 20 – 25%) trong các ngành không tăng.
- Tìm kiếm những công ty có vị trí tương đối vững chắc trên thị trường.
- Khi bạn muốn đầu tư vào những cổ phiếu đang xuống giá của các công ty gặp rắc rối, hãy chọn lấy những công ty có tiềm lực tài chính tốt, tránh xa công ty có số nợ ngân lớn.
- Công ty càng nợ ít thì nguy cơ phá sản càng ít.
- Khả năng quản lý quả là rất quan trọng, nhưng rất khó đánh giá chính xác. Tốt hơn hết hãy mua cổ phiếu căn cứ vào triển vọng kinh doanh của công ty chứ không nên cả tin vào những giá hay hứa hẹn của ban lãnh đạo.
- Một công ty đang gặp rắc rối có thể đảo ngược tình thế sẽ tạo ra lợi nhuận khổng lồ.
- Luôn cẩn thận theo dõi chỉ số P/E. Nếu cổ phiếu bị định giá quá cao thì dù cho mọi thứ vẫn diễn ra suôn sẻ, chắc chắn bạn vẫn chẳng kiếm được xu nào.
- Tìm kiếm những công ty có khả năng vững chắc mua lại cổ phiếu của chính mình.
- Mua cổ phiếu nội bộ là một dấu hiệu tích cực, ngay cả khi có một vài cá nhân đồng loạt mua.
- Mua cổ phiếu mà chỉ căn cứ vào giá trị ghi sổ kế toán thì thật là nguy hiểm và viển vông. Giá trị thực tế mới là yếu tố quyết định.
- Khi vẫn còn nghi ngờ thì tốt nhất đừng vội đầu tư.
Đặc biệt, việc xác định chiến lược dựa vào những nguyên tắc đại khái như: “Bán khi giá tăng gấp đôi”, “bán sau hai năm”, hay “giảm thiểu thua lỗ bằng cách bán ngay khi giá giảm 10%” thực là dại dột. Tìm ra được công thức đầu tư chung nhất có thể áp dụng hợp lý cho tất cả các loại cổ phiếu khác nhau là điều không thể. Chính vì vậy, hãy linh động đối với từng loại doanh nghiệp khác nhau để có thể xây dựng được chiến lược đầu tư phù hợp nhất.
Chúc bạn thành công.