Đầu tư tăng trưởng là một trong những phương pháp đầu tư chứng khoán phổ biến nhất hiện nay và có thể đem đến nhiều lợi nhuận vượt trội cho những nhà đầu tư. Nhưng cụ thể đầu tư tăng trưởng là gì? Nó có gì khác so với phương pháp đầu tư giá trị? Lọc cổ phiếu tăng trưởng như thế nào? Hãy cùng chúng mình đi tìm hiểu chi tiết ở nội dung bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
Phương pháp đầu tư tăng trưởng là gì?
Đầu tư tăng trưởng là gì?
Đầu tư tăng trưởng là phương pháp đầu tư vào những cổ phiếu có tiềm năng vượt trội so với thị trường tổng thể. Đó thường là cổ phiếu của những doanh nghiệp sắp có những dòng sản phẩm mới dự kiến sẽ bán chạy trong thời gian tới, vượt trội hơn so với đối thủ cạnh tranh, có nhiều lợi thế trên thị trường, hoặc cổ phiếu của những doanh nghiệp đang được hưởng lợi lớn từ những tín hiệu vĩ mô đem lại.
Tóm lại, với đầu tư tăng trưởng, bạn sẽ tìm mua những cổ phiếu có nhiều tiềm năng tăng giá trong tương lai ở vùng giá hấp dẫn, sau đó bán chúng ở vùng giá cao.
Có lẽ bạn sẽ thắc mắc: Đó không phải là mục đích đầu tư cổ phiếu nói chung hay sao?
Nó cũng giống như vậy, nhưng nó khác biệt so với đầu tư cổ phiếu thông thường, đó là ưu tiên tập trung vào những công ty và lĩnh vực sẽ có khả năng tăng trưởng vượt trội nhất và động lực tăng giá dựa vào kỳ vọng lợi nhuận trong tương lai.
Đặc điểm của đầu tư tăng trưởng là gì?
Để cụ thể hơn về phương pháp đầu tư tăng trưởng là gì, hãy cùng ghi nhớ 5 đặc điểm của những cổ phiếu tăng trưởng:
-
Thứ 1: Cổ phiếu tăng trưởng là cổ phiếu của các công ty có thể chưa có lịch sử tăng giá bùng nổ, nhưng có tiềm năng vượt xa mức tăng trưởng của những công ty khác trong ngành của họ.
-
Thứ 2: Cổ phiếu tăng trưởng thường được gắn với các công ty nhỏ hơn, mới hơn và tại các thị trường mới nổi và các ngành công nghiệp đổi mới, như công nghệ cao.
-
Thứ 3: Cổ phiếu tăng trưởng thậm chí có thể đang giao dịch với tỷ lệ giá trên thu nhập – P/E cao. Sở dĩ P/E cao là do cổ phiếu này đang được kỳ vọng có thể tạo ra nhiều lợi nhuận hơn nữa trong tương lai, nên nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền mua chúng về.
-
Thứ 4: Cổ phiếu tăng trưởng thường là cổ phiếu của các công ty tăng trưởng thường nắm giữ một số bằng sáng chế hoặc công nghệ tiên tiến nhất hoặc có thể có dấu hiệu trở thành người đột phá trong lĩnh vực của nó. Tiềm năng đổi mới này có thể là động lực khiến giá cổ phiếu của họ tăng cao.
-
Thứ 5: Cổ phiếu tăng trưởng thường không trả cổ tức. Thay vì phân phối một phần thu nhập cho các nhà đầu tư, cổ phiếu tăng trưởng sẽ chuyển bất kỳ khoản thu nhập nào trở lại công ty để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa.
Nhược điểm của đầu tư tăng trưởng là gì?
Mặc dù phương pháp đầu tư tăng trưởng có thể đem lại nhiều lợi nhuận cao nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có thể kể đến như:
- Đầu tư tăng trưởng chỉ phù hợp với những ai muốn đầu tư dài hạn, bởi quá trình tăng trưởng của công ty không phải một sớm một chiều.
- Cổ phiếu tăng trưởng thường đắt hơn so với mặt bằng chung, đôi phi P/E và P/B khá cao, nên nếu nhà đầu tư không có kinh nghiệm để chọn lựa thời điểm mua vào hợp lý thì rất dễ “đu đỉnh”.
- Đầu tư tăng trưởng thường khó nắm giữ cổ phiếu lâu dài, nên nó thực sự chỉ dành cho ai thực sự kiên nhẫn, có thể “gồng lời”. Bởi nhiều nhà đầu tư thường dao động khi giá cổ phiếu đã tăng lên một mức nào đó, mà họ quên mất rằng đối với cổ phiếu tăng trưởng thì: giá cổ phiếu đã tăng thì vẫn sẽ tiếp tục tăng. Ví dụ: Trong 20 năm, cổ phiếu của Monster Beverage đã tăng 105.000%, nhưng nó có 4 lần mất từ 50% giá trị trở lên.
- Rủi ro khi đầu tư tăng trưởng cao, nhất là những lúc thị trường điều chỉnh. Thường những cổ phiếu tăng nhanh thì khi điều chỉnh giảm cũng giảm nhanh, và cổ phiếu tăng trưởng cũng không ngoại lệ.
- Tìm kiếm cổ phiếu tăng trưởng không hề dễ dàng, nó đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức sâu rộng, biết phân tích nhìn nhận về nội tại, kinh tế cùng các yếu tố vĩ mô…
So sánh ĐẦU TƯ TĂNG TRƯỞNG và ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ
Song song với phương pháp đầu tư tăng trưởng thì còn có phương pháp đầu tư giá trị cũng khá phổ biến hiện nay. Cả hai đều tìm kiếm lợi nhuận cao trên vốn đầu tư, tuy nhiên chúng lại khác nhau rất nhiều ở quy tắc lựa chọn cổ phiếu.
Cụ thể bạn có thể tham khảo infographic dưới đây:
Chúng mình sẽ đi sâu hơn về từng tiêu chí:
Khác biệt về mục tiêu đầu tư
Đầu tư tăng trưởng: Các nhà đầu tư tăng trưởng mua cổ phiếu của các công ty đang mở rộng nhanh chóng và có (hoặc sẽ sớm có) lợi nhuận cao . Những công ty này có thể có một sản phẩm mới hoặc một mô hình kinh doanh độc đáo đang đột phá trong một ngành công nghiệp hiện tại. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư mong đợi lợi nhuận lớn.
Đầu tư giá trị: Các nhà đầu tư giá trị lại tìm kiếm những cổ phiếu đang được giao dịch với giá thấp hơn giá trị thực sự của chúng. Các công ty này về cơ bản vẫn mạnh nhưng đã gặp phải một trục trặc tạm thời, chẳng hạn như một vụ bê bối của công ty, nhưng trong tương lai chúng vẫn có khả năng thu được lợi nhuận trong tương lai vì về cơ bản, nội tại chúng rất mạnh.
Khác biệt về tiêu chí chọn cổ phiếu
Các nhà đầu tư theo cách tiếp cận này hay cách tiếp cận khác thường có một số tiêu chí cụ thể mà họ tìm kiếm ở một công ty trước khi đầu tư:
Các nhà đầu tư tăng trưởng thường tìm kiếm:
- Doanh số bán hàng tăng nhanh
- Lợi nhuận tăng nhanh
- Nhanh chóng mở rộng sang các khu vực địa lý mới hoặc sản phẩm mới
- Đang giành được nhiều thị phần
- Lĩnh vực đang được hưởng lợi lớn từ vĩ mô
=> Ưu tiên vào các doanh nghiệp trẻ trung, đang phát triển, những ngành nghề mới nổi hoặc đang được hưởng lợi trong một vài năm tới.
Các nhà đầu tư giá trị có thể tìm kiếm:
- Hệ số P/E thấp
- Thường trả cổ tức cao
- Các công ty bị “scandal” làm ảnh hưởng trong ngắn hạn
- Lợi nhuận chậm và những ổn định
=> Thường là các doanh nghiệp cũ, ít năng động hơn, thường hay tập trung vào những ngành nghề bền vững, ngành nghề thiết yếu.
Khác biệt về mức độ độ rủi ro
Cổ phiếu giá trị: nhà đầu tư phải đối mặt với ít rủi ro về sự sụp đổ giá mạnh khi gặp các yếu tố bất lợi từ thị trường, từ công ty bởi giá cổ phiếu đã ở vùng hấp dẫn, nên có giảm cũng không giảm nhiều. Rủi ro lớn nhất là phải “chờ đợi lâu”, vì không biết bao giờ giá của nhóm cổ phiếu này mới tăng trở lại.
Cổ phiếu tăng trưởng: Rủi ro nhiều hơn khi mua ở vùng giá cao, hoặc khi bất chợt đối mặt với những tin tức tiêu cực thì giá giảm cũng nhanh, thua lỗ nhiều hơn.
=> Những nhà đầu tư lâu năm cho rằng đầu tư tăng trưởng là rủi ro hơn đầu tư giá trị. Và khi các nhà đầu tư già đi, họ có xu hướng chuyển từ tăng trưởng sang giá trị.
Nên lựa chọn đầu tư giá trị hay đầu tư tăng trưởng
Về lợi nhuận, chưa có cơ sở nào khẳng định trường phái đầu tư nào sẽ vượt trội hơn.
Thông thường, một phương pháp đầu tư sẽ cho thấy lợi nhuận tốt hơn trong một vài năm liên tiếp. Nhưng chắc chắn sau đó, phương pháp đầu tư còn lại sẽ vượt lên và trải qua một thời kỳ thu lợi nhuận cao hơn.
Thay vì chỉ đầu tư theo một phong cách, bạn nên đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách nắm giữ cả 2 loại cổ phiếu tăng trưởng lẫn giá trị. Lúc đó, bạn có thể đầu tư vào nhiều loại hình công ty khác nhau, và nó cũng không khiến bạn phải lo lắng về phương pháp nào đem đến lợi nhuận cao hơn.
Cách chọn cổ phiếu tăng trưởng hiệu quả nhất
Bạn đã tìm hiểu về phương pháp đầu tư tăng trưởng là gì? Nhưng điều khó khăn nhất vẫn là làm sao để lọc được cổ phiếu tăng trưởng? Dưới đây là ba nguyên tắc quan trọng để phát hiện cổ phiếu tăng trưởng tốt:
- Tìm kiếm các ngành, lĩnh vực mới hoặc đột phá: Điều đầu tiên cần làm là tìm kiếm các ngành công nghiệp và lĩnh vực mới, đang thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn mức trung bình. Đầu tư tăng trưởng thường tập trung ở những ngành mới, nơi khách hàng của chúng đang tăng lên từ mức thấp nhất.
- Tìm kiếm các doanh nghiệp nổi trội: Nếu là ngành cũ, thì phải là ngành đang được hưởng lợi từ vĩ mô. Sau đó lựa chọn trong ngành những doanh nghiệp có những “câu chuyện” có thể đem lại lợi nhuận trong tương lai. Ví dụ: Nhà nước rót vốn cho đầu tư công, thì bạn có thể tìm những cổ phiếu đầu tư công, và lựa chọn những doanh nghiệp đang trúng thầu nhiều dự án và có thể tất toán trong một vài năm tới.
- Đánh giá sức mạnh tạo thu nhập trong tương lai: Tiêu chí tạo ra nhiều lợi nhuận nhất là tiêu chí quan trọng nhất. Điều này có thể được thực đánh giá thông qua một số chỉ số tài chính của doanh nghiệp: ROE, EPS, doanh thu hiện tại, tài sản và lợi nhuận dự kiến sẽ tăng trưởng tốt.
- Nghiên cứu, nghiên cứu và nghiên cứu: Nghiên cứu là cực kỳ quan trọng nếu bạn muốn có một ý tưởng sáng suốt về những gì mong đợi từ đầu tư tăng trưởng. Điều này có nghĩa là không chỉ nghiên cứu các nguyên tắc cơ bản của bất kỳ công ty nào mà còn theo dõi nền kinh tế rộng lớn hơn để biết các chỉ số về môi trường thuận lợi cho đầu tư tăng trưởng. Ví dụ: Lãi suất tăng ngành nào hưởng lợi, lạm phát tăng ngành nào được lợi? Giá xăng dầu tăng ngành nào được lợi… Có như vậy, bạn mới có thể tìm thấy được nhiều cơ hội nhất cho mình.
- Có kế hoạch đầu tư linh động: cổ phiếu tăng trưởng có xu hướng biến động lớn, vì vậy hãy có kế hoạch chốt lời cụ thể. Bạn có thể cân nhắc giảm tỷ trọng nếu chúng đã đạt được kỳ vọng của bạn, rồi dồn vốn sang những cổ phiếu tăng trưởng khác. Hoặc nếu công ty gặp phải một “lỗi” nào đó làm phá vỡ quan điểm đầu tư ban đầu của bạn hoặc lý do bạn mua cổ phiếu ngay từ đầu, bạn có thể bán chúng.
Đồng thời, bạn sẽ phải đề phòng một số doanh nghiệp có những dấu hiệu đỏ làm tăng tính rủi ro khi bạn đầu tư tăng trưởng. Một vài ví dụ:
- Công ty đã ghi nhận khoản lỗ ròng hàng năm trong ba năm qua. Đây không phải là yếu tố tiên quyết của đầu tư tăng trưởng. Nhưng nếu lỗ nhiều qua nhiều năm liên tiếp thì nó cho thấy công ty vẫn chưa xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững.
- Công ty có vốn hóa thị trường quá thấp. Các cổ phiếu nhỏ bé rất dễ bị ảnh hưởng bởi các đối thủ cạnh tranh lớn hơn và có thể đe dọa toàn bộ hoạt động kinh doanh của họ. Tốt nhất là nên tìm kiếm cổ phiếu “vốn hóa trung bình”.
- Công ty có sự thay đổi về quản lý, đặc biệt là ở vị trí Giám đốc điều hành, hoặc doanh số bán hàng/lợi nhuận đang giảm. Nó sẽ không đủ tiêu chuẩn là một cổ phiếu tăng trưởng nếu các chỉ số hoạt động cốt lõi này của nó thấp.
Tóm lại:
Trong khi đầu tư giá trị tìm kiếm các công ty được định giá thấp hơn so với giá trị nội tại của họ, thì đầu tư tăng trưởng tập trung vào các công ty hứa hẹn có tiềm năng vươn xa hơn nữa. Đầu tư tăng trưởng mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội vượt trội hơn so với thị trường. Chính vì vậy, việc tìm hiểu đầu tư tăng trưởng là gì là điều cần thiết để bạn không bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời nhất. Chúc bạn đầu tư sáng suốt và thành công.