Có thể bạn là một scalper, trader chuyên lướt sóng, hay thậm chí là một nhà đầu tư dài hạn thì giao dịch đa khung thời gian luôn là một yếu tố không thể bỏ qua trong phân tích kỹ thuật. Giao dịch đa khung thời gian sẽ giúp bạn có được cái nhìn tổng quát nhất về những diễn biến của giá trên thị trường, từ đó có thể đưa ra quyết định giao dịch chính xác, hiệu quả nhất. Nhưng cụ thể giao dịch đa khung thời gian là gì, nên kết hợp và vận dụng ra sao? Hãy cùng chúng mình đi tìm hiểu chi tiết ở nội dung bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
- 1 Cách giao dịch đa khung thời gian trong PTKT
- 1.1 Khung thời gian là gì?
- 1.2 Giao dịch đa khung thời gian là gì?
- 1.3 Tại sao lại cần phân tích đa khung thời gian?
- 1.4 Sai lầm khi giao dịch đa khung thời gian cần tránh
- 1.5 Kết hợp đa khung thời gian như thế nào?
- 1.6 Hướng dẫn giao dịch đa khung thời gian trong PTKT
- 1.7 Lưu ý khi phân tích đa khung thời gian
Cách giao dịch đa khung thời gian trong PTKT
Khung thời gian là gì?
Khi bạn mở một biểu đồ biến động giá bất kỳ của một cổ phiếu hoặc đồng coin nào đó, bạn sẽ thấy có nhiều lựa chọn khung thời gian xem biểu đồ khác nhau, từ 1 phút cho đến 1 tháng.
Mỗi một khoảng thời gian đó sẽ tương ứng với một dữ liệu để hình thành nên biểu đồ giá. Ví dụ:
- Với khung thời gian 1 phút, thì cứ sau 1 phút là hình thành một cây nến.
- Với khung thời gian 1 giờ, thì cứ sau 1 giờ là hình thành một cây nến.
Những dữ liệu này sẽ được kết hợp với nhau, tạo thành một đồ thị biến động giá theo khung phút, giờ, tuần…, tùy theo lựa chọn của bạn.
(Hoặc với đồ thị hình line, thì mỗi một khoảng thời gian = khung thời gian đó, sẽ hình thành 1 điểm. Nối các điểm với nhau tạo thành một đồ thị line).
Ở một số thị trường, ví dụ như Forex thì khung thời gian hay được viết tắt bằng các ký hiệu như: M1, M5, M15, M30, H1, H4, D1, W1 và MN. Trong đó:
- M1, M5, M15 và M30 ứng với khung thời gian trong 1 phút, 5 phút, 15 phút và 30 phút.
- H1 và H4 ứng với khung thời gian giá trong 1 giờ và 4 giờ.
- D1 ứng với khung thời gian trong 1 ngày.
- W1 ứng với khung thời gian trong 1 tuần.
- MN ứng với khung thời gian trong 1 tháng.
Giao dịch đa khung thời gian là gì?
Giao dịch đa khung thời gian là việc thay vì bạn xem xét bến động giá ở một khung thời gian duy nhất, thì bạn kết hợp nhiều khung thời gian khác nhau để có nhiều dữ liệu hơn về xu hướng và biến động của thị trường. Mỗi khung thời gian sẽ mang một giá trị thông tin khác nhau, dựa vào đó sẽ làm căn cứ để ra được quyết định đầu tư phù hợp nhất.
Phân tích đa khung thời gian, có thể sử dụng từ 2 đến 3 khung thời gian, nhưng chủ yếu là khung thời gian khác nhau, với mục đích:
- Khung thời gian lớn để xem xét xu hướng dài hạn.
- Khung thời gian nhỏ để xác định điểm vào lệnh.
Tại sao lại cần phân tích đa khung thời gian?
Khi tiến hành bất cứ giao dịch nào, đừng cắm mặt vào duy nhất một đồ thị giá, mà hãy “nhìn xa trông rộng” ra.
Bởi vì:
- Thứ nhất: Nếu chỉ nhìn duy nhất một khung thời gian, bạn không thể biết chính xác thị trường đang trong xu hướng nào.
Ví dụ như hình bên dưới, nếu xem khung thời gian 1H (1 giờ) của giá Bitcoin, thì “có vẻ” như thị trường đang trong xu hướng tăng và đang điều chỉnh nhẹ.
Tuy nhiên nếu bạn chỉnh sang khung thời sang 1D (1 ngày), thì nó cho biết thị trường đang ở trong một xu hướng giảm sâu và rõ rệt.
- Thứ 2: Phân tích đa khung thời gian cho bạn nhiều tín hiệu và dữ kiện để giao dịch hơn.
Mình lại đưa ra một ví dụ khác, ví dụ bạn đang xem một biểu đồ 4H (4 giờ) của cặp tiền tệ EUR/USD, bạn sẽ thấy một xu hướng tăng rõ rệt.
Sau đó, bạn chỉnh về khung thời gian 1H (1 giờ), thị trường đang điều chỉnh mạnh ở khung thời gian này, nhưng đã xuất hiện 1 cây nến Doji (chứng tỏ áp lực bán không còn mạnh nữa), và RSI đã chỉ về mức quá bán.
=> Khung thời gian lớn (4H) đã giúp bạn xác định được xu hướng tăng, nên MUA vào. Còn khung thời gian nhỏ (1H) báo hiệu cho bạn thấy giá đang ở điểm vào lệnh rất tốt.
Nếu bạn quyết định đặt lệnh MUA/LONG sau khi phân tích kết hợp 2 khung thời gian này. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra:
Tóm lại, bạn đã thấy được tầm quan trọng của việc phân tích và giao dịch đa khung thời gian chưa?
– Nếu chỉ xem duy nhất khung 4H, bạn sẽ không biết được có nên mua vào lúc đó hay không.
– Nếu chỉ xem duy nhất khung 1H, bạn sẽ nghĩ rằng thị trường đang dần chuyển sang xu hướng giảm (trong khi đó xu hướng chính của nó là tăng giá).
Vì vậy, việc giao dịch đa khung thời gian là vô cùng cần thiết nếu bạn muốn thành công trong hành trình trở thành “trader chuyên nghiệp”.
Sai lầm khi giao dịch đa khung thời gian cần tránh
Nhiều bạn nghe đến việc phân tích và giao địch đa khung thời gian đã nghĩ rằng nó rất đơn giản, tuy nhiên vì không tìm hiểu kỹ nên thường hay mắc phải 2 sai lầm sau:
Sai lầm 1: Đi từ khung thời gian thấp ⇒ cao
Sai lầm lớn nhất mà các trader mắc phải khi họ giao dịch đa khung thời gian, đó là bắt đầu phân tích ở khung thời gian thấp nhất, sau đó chuyển dần lên các khung thời gian cao hơn.
Nhiều trader họ có thói quen chọn một khung thời gian rất nhỏ (thường là 5 phút, 15 phút), sau đó họ cố chấp với những tín hiệu có được trong khung thời gian này. Họ chỉ sử dụng khung thời gian lớn hơn để xác nhận lại phần nào quan điểm này. Điều này là KHÔNG ĐÚNG. Giao dịch đa khung thời gian từ thấp lên cao, sẽ tạo ra một cái nhìn sai về xu hướng.
Lý do:
-
Xu hướng ở khung thời gian dài quan trọng hơn, cần thời gian để hình và cần một động thái thị trường lớn mới có thể thay đổi được xu hướng.
-
Các mức hỗ trợ và kháng cự trên khung thời gian dài cũng hiệu quả hơn trên các khung thời gian thấp.
=> Bạn không thể nhìn giá dao động trong một vùng ở trên khung thời gian thấp, mà dự đoán đó là vùng kháng cự/hỗ trợ được. Bởi vì bạn chỉ cần chỉnh sang khung thời gian cao hơn, bạn sẽ thấy vùng biến động giá ở khung thời gian thấp nó chỉ như “muối bỏ bể”, gần như không thể ảnh hưởng tới xu hướng của thị trường.
Vì vậy, cách tiếp cận chính xác nhất là top – down (từ trên xuống), từ khung thời gian cao cho đến khung thời gian thấp.
Ví dụ:
Nhìn hình bên dưới, biểu đồ BTC ở khung thời gian 5 phút. Chắc hẳn nhìn vào đồ thị giá, một số bạn sẽ nhận định rằng vùng kháng cự sẽ ở khoảng giá ~ 22800 USD, còn hỗ trợ ~22600 USD.
Tuy nhiên, chỉ cần chỉnh về khung thời gian 1H, bạn sẽ thấy nhận định về kháng cự/hỗ trợ hoặc xu hướng của khung 15 phút là sai hết. Bởi những biến động giá trong khoản 22500USD -> 22800USD là rất nhỏ trong một biểu đồ lớn hơn.
=> Nếu giữ tư duy đi từ Thấp ⇒ Cao sẽ rất mất thời gian, không hiệu quả và hay gặp sai lầm trong giao dịch.
Sai lầm 2: Kết hợp quá nhiều khung thời gian
Ngoài sai lầm mình vừa nói trên, thì còn một sai lầm khác mà nhiều bạn bỏ qua khi giao dịch đa khung thời gian, đó là:
Sử dụng quá nhiều khung thời gian khác nhau.
Việc sử dụng kết hợp nhiều khung thời gian, không sai, nhưng nó dễ làm bạn bị nhiễu tín hiệu và khó đưa ra được quyết định giao dịch đúng đắn.
Kết hợp đa khung thời gian như thế nào?
Khi đọc đến đây, có lẽ bạn đã hiểu được đa khung thời gian là gì và tầm quan trọng của nó trong phân tích kỹ thuật rồi đúng không?
Nhưng chắc hẳn bạn sẽ có nhiều thắc mắc:
– Nên kết hợp các khung thời gian với nhau như thế nào?
– Tôi thường giao dịch khung thời gian 5 phút, vậy nên chọn khung thời gian cao là 1 giờ, hay 4 giờ?
– Khung thời gian cao của tôi là 1 ngày, vậy khung thời gian thấp nên là bao nhiêu mới hợp lý?
Có một quy luật để lựa chọn hai/ba khung thời gian kết hợp với nhau, đó là: Đừng quá gần, nhưng cũng đừng quá xa. Có nghĩa:
- Nếu bạn đang xem khung thời gian 1 phút, bạn lựa chọn khung thời gian cao hơn là 3 phút hoặc 5 phút – nó không có ý nghĩa và không khác biệt nhiều.
- Nếu bạn giao dịch khung thời gian 5 phút, nhưng lại lựa chọn khung thời gian lớn là 1 ngày – nó quá xa để chúng có thể đồng bộ được với nhau.
Làm thế nào để tìm thấy sự cân bằng giữa 2 khung thời gian?
Hãy sử dụng hệ số 1:4 hoặc 1:6.
Không có nguyên tắc hay lý giải cụ thể, nhưng nó lại được nhiều trader chuyên nghiệp áp dụng và chứng minh là hiệu quả nhất. Ví dụ cụ thể:
– Giả sử khung thời gian thấp bạn lựa chọn là 1 giờ, bạn có thể lựa chọn khung thời gian cao bằng cách nhân với 4 hoặc 6 ⇒ Khung thời gian cao của bạn sẽ là 4 giờ hoặc 6 giờ (thậm chí có thể là 5 giờ).
– Giả sử khung thời gian thấp bạn lựa chọn là 5 phút, vậy khung thời gian cao phù hợp với bạn là 20 phút hoặc 30 phút.
Phong cách giao dịch | Thời gian nắm giữ vị thế | Khung thời gian cao (Xác định xu hướng) | Khung thời gian thấp (Tìm điểm vào lệnh) |
Scalping | Vài giờ | H1 | M15 |
Day Trading | Ít hơn 1 ngày | H4 | H1 |
Lướt sóng | 1 ngày - 3 ngày | D1 | H4 |
Dài hạn | Nhiều hơn 3 ngày | W1 | D1 |
*** Bạn có thể áp dụng tư duy này để xác định khung thời gian thấp hơn của mình (nếu bạn muốn), khi đã có khung thời gian cao, bằng cách chia cho 4 hoặc 6 ***
Tóm lại:
- Xác định khung thời gian thấp, tìm khung thời gian cao bằng cách nhân với 4 hoặc 6.
- Hoặc xác định khung thời gian cao, tìm khung thời gian thấp bằng cách chia cho 4 hoặc 6.
- Theo dõi xu hướng ở khung thời gian cao, chuyển qua khung thời gian thấp để tìm điểm vào lệnh.
- Hoặc nếu thấy tín hiệu giao dịch ở khung thời gian thấp, chuyển qua khung thời gian cao để xem nó có phù hợp với xu hướng của khung thời gian cao hay không.
Hướng dẫn giao dịch đa khung thời gian trong PTKT
Bạn đã biết cách kết hợp đa khung thời gian với nhau và có được 2 khung thời gian cho riêng mình. Vậy nên giao dịch như thế nào cho chuẩn xác, hạn chế thua lỗ?
Giao dịch khi 2 khung thời gian có cùng xu hướng
Hãy luôn nhớ rằng:
“Nếu khung thời gian giao dịch (khung thấp) của bạn đang trong xu hướng tăng, không có nghĩa là khung thời gian cao hơn của bạn cũng đang trong xu hướng tăng.
Ngược lại, đôi khi khung thời gian cao đang trong xu hướng tăng, nhưng khung thời gian thấp lại đang thể hiện xu hướng giảm”
Giao dịch khi tín hiệu ở 2 khung thời gian trái ngược nhau sẽ rất rủi ro, chính vì vậy mình khuyên bạn:
-
Hãy đảm bảo cả 2 khung thời gian đang ở cùng xu hướng với nhau.
Ví dụ:
Như bạn có thể thấy, với biểu đồ 4 giờ như hình bên dưới, thì giá đang trong xu hướng giảm:
Hãy kiểm tra khung thời gian hàng ngày và xem liệu nó có đang trong xu hướng giảm hay không, và kết quả:
=> Nếu cả 2 khung thời gian của bạn đều cho cùng một tín hiệu về xu hướng, lúc này bạn có thể cân nhắc vào lệnh theo xu hướng của thị trường.
Tuy nhiên mình cũng nói rằng cách giao dịch này chỉ dừng ở mức tương đối, độ chính xác không quá cao, nó chỉ hạn chế được rủi ro hơn so với việc bạn giao dịch khi xu hướng của 2 khung thời gian đối lập nhau. Còn nếu muốn chắc chắn hơn, hãy tiếp tục tìm hiểu thêm 2 cách giao dịch bên dưới.
Sử dụng kháng cự/hỗ trợ ở khung thời gian THẤP
– Hỗ trợ là một khu vực giá trên biểu đồ của bạn, nơi mà khi giá chạm đến vùng giá đó, sẽ có một lượng mua đẩy giá lên cao.
– Trong khi đó, kháng cự là khu vực giá mà khi giá chạm tới kháng cự, sẽ có áp lực bán khiến giá quay đầu giảm xuống.
Bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn ở bài viết: Vùng kháng cự và hỗ trợ & những sự thật không phải trader nào cũng hiểu
Và đây là cách dành cho bạn:
- Xác định hỗ trợ/kháng cự trên khung thời gian THẤP.
- Đảm bảo vùng kháng cự/hỗ trợ này vẫn đang nằm trong xu hướng lớn của khung thời gian CAO (có thể dựa vào hỗ trợ/kháng cự, đường trung bình động, đường xu hướng… để xác định)
Có thể hơi khó hiểu, nhưng mình sẽ đưa ra một ví dụ cho bạn dễ minh họa:
Đầu tiên, trong khung thời gian 4 giờ, giá đang trong xu hướng giảm và đã di chuyển về phía kháng cự.
Tiếp theo, bạn cũng thấy giá bị từ chối, không thể breakout qua khỏi kháng cự nên nó sẽ có xác suất cao sẽ quay đầu giảm.
Nhưng đó không phải là tất cả, vì vùng kháng cự trên khung thời gian 4 giờ vấn thuộc xu hướng giảm trong khung thời gian 1 ngày (nó đang nằm dưới đường trung bình động 20 ngày).
=> Cả 2 khung thời gian đều cho tín hiệu giảm giá rất lớn.
=> Căn cứ vào tín hiệu trên khung thời gian cao (1 ngày), bạn sẽ thấy vùng kháng cự trên khung thời gian thấp (4 giờ) nó có nhiều ý nghĩa hơn, khỏe hơn, cản giá tốt hơn nên xác suất giảm giá cũng cao hơn. Bạn có thể cân nhắc vào lệnh SHORT vì cả tín hiệu ngắn/dài hạn đều đang là giảm giá.
Lưu ý: Có thể bạn sẽ thắc mắc bởi ở mục trên, mình đã 1.4.1 – mình khuyên bạn nên đi từ khung CAO ⇒ THẤP, nhưng tại sao ở đây lại thấy mình xem khung THẤP trước?
Thật ra, vấn đề mình đề cập ở 1.4.1, chính là luôn tuân theo xu hướng trong khung CAO, chứ không phải là ưu tiên xem khung thời gian nào trước. Bạn có thể mở khung thòi gian THẤP để xem biến động hoặc tìm tín hiệu, nhưng phân tích thì luôn phải dựa vào khung thời CAO. Khi nào khung CAO cho đáp án đồng nhất với khung THẤP thì lúc đó hãy quyết định giao dịch.
Sử dụng kháng cự/hỗ trợ ở khung thời gian CAO
Ở 2 cách giao dịch trên, chúng có đặc điểm chung là cả 2 khung thời gian đều cùng xu hướng.
Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng giao dịch đa khung thời gian để kết hợp với các mô hình giá đảo chiều. Nó có thể làm căn cứ cho bạn lọc được các mô hình giá có độ chính xác cao nhất.
- Bước 1: Xem xét khung thời gian CAO, đợi giá xuất hiện ở vùng KHÁNG CỰ/HỖ TRỢ.
- Bước 2: Chuyển qua khung thời THẤP, tìm các mô hình hình giá xuất hiện để làm tín hiệu vào lệnh. Ví dụ: 2 đỉnh, 2 đáy, mô hình cái nêm…
Ví dụ: Nếu thấy giá di chuyển quanh khu vực hỗ trợ trong khung thời gian cao.
- Thì hãy chuyển qua khung thời gian thấp, ví dụ hình bên dưới bạn sẽ thấy một mô hình 2 đáy (tín hiệu đảo chiều tăng giá).
Lúc này:
- Khung thời gian cao cho tín hiệu tăng giá khi giá chạm hỗ trợ.
- Khung thời gian thấp cho tín hiệu tăng giá bằng một mô hình 2 đáy.
=> Xác suất giá sẽ tăng lên rất cao, bạn có thể cân nhắc đặt lệnh MUA/LONG.
*** Tư duy tương tự nếu giá xuất hiện ở vùng kháng cự trên khung thời gian CAO. Bạn có thể chuyển qua khung thời gian thấp để tìm tín hiệu bằng những mô hình đảo chiều giảm giá ***
Lưu ý khi phân tích đa khung thời gian
Dưới đây là những điều tổng kết cũng như lưu ý khi bạn giao dịch đa khung thời gian:
- Giao dịch đa khung thời gian là kết hợp nhiều khung thời gian để phân tích.
- Chỉ nên dùng 2 khung thời gian để giao dịch, nhiều nhất là 3.
- Khung thời gian cao để xác định xu hướng, khung thời gian thấp để tìm điểm vào lệnh.
- Lựa chọn khung thời gian CAO và THÂP theo tỷ lệ 1:4 hoặc 1:6.
- Hạn chế giao dịch khi 2 khung thời gian đi ngược xu hướng với nhau.
- Giao dịch khi giá xuất hiện ở kháng cự/hỗ trợ trên khung thời gian cao, còn khung thời gian thấp có những tín hiệu đảo chiều tăng giá (mô hình nến, mô hình giá…)
- Giao dịch khi giá xuất hiện ở kháng cự/hỗ trợ trên khung thời thấp, nhưng nó vẫn phải nằm trong xu hướng chính của khung thời cao.
- Nếu muốn chốt lời hoặc cắt lỗ, hãy sử dụng khung thời gian THẤP để làm điều này.
Trên đây là những hướng dẫn của chúng mình về giao dịch đa khung thời gian. Có thể thấy phân tích đa khung thời gian là một điều rất quan trọng đối với bất cứ trader nào, và khi làm quen với thị trường thì bạn sẽ phải vận dụng phương pháp này hàng ngày, hàng giờ. Vì vậy, điều quan trọng là hãy luôn luyện tập thường xuyên để có được kinh nghiệm giao dịch quý báu. Chúc bạn thành công.