Kháng cự và hỗ trợ – hai thuật ngữ được nhắc đến nhiều và dễ gặp nhất trong phân tích kỹ thuật, nhưng bạn đã hiểu đúng về hai thuật ngữ này chưa? Bài viết này của gsphong.com sẽ giúp cho bạn hiểu vùng hỗ trợ và kháng cự là gì trong phân tích kỹ thuật, từ đó biết cách vận dụng nó sao cho hiệu quả nhé. Cùng tìm hiểu thôi nào !!!
Nội dung
Kháng cự và hỗ trợ là gì?
Hãy tưởng tượng, khi bạn đánh 1 quả tennis vào tường, nó sẽ nảy lại. Nhưng nếu bắn vào đó một phát đạn, bức tường có thể bị thủng. Đây chính là ví dụ tốt nhất để hình dung về kháng cự và hỗ trợ.
Kháng cự và hỗ trợ cũng hệt như bức tường vậy. Kháng cự là bức tường ngăn không cho giá tăng cao, còn hỗ trợ là bức tường ngăn không cho giá tụt xuống thấp. Chất lượng của bức tường và sức mạnh của chuyển động sẽ quyết định hỗ trợ kháng cự đó sẽ đứng vững hay bị phá vỡ.
Vậy kháng cự và hỗ trợ là gì?
Để hiểu rõ hơn về định nghĩa, hãy nhìn hình ảnh dưới đây:
Cách vẽ đường kháng cự và hỗ trợ
Kháng cự hỗ trợ rất dễ vẽ và dễ nhận biết, vì thế bạn đừng phức tạp hóa nó làm gì. Mình đã thấy nhiều biểu đồ vẽ vùng hỗ trợ & kháng cự chằng chịt như bảng điều khiển NASA, làm ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng đọc hiểu giá khi giao dịch.
Cách vẽ đường kháng cự và hỗ trợ đơn giản nhất, đó là nối những đỉnh lại với nhau để tạo đường kháng cự, và nối những đáy lại với nhau để tạo đường hỗ trợ.
Tuy nhiên, đối với những bạn chưa thuần thục, thì chắc hẳn khi vẽ bạn sẽ gặp những vấn đề sau:
- Biểu đồ giá có quá nhiều đỉnh và đáy, không biết vẽ chỗ nào mới đúng, vẽ hết thì quá rối.
- Có vùng kháng cự và hỗ trợ sau khi vẽ xong, nhưng giá vẫn nhảy qua và không cản gì hết.
- Có người nói rằng nên kẻ thành đường, nhưng có người lại khuyên nên kẻ thành vùng?
- Vẽ ở đuôi nến hay vẽ ở giá đóng cửa nến, có cần vẽ thật chính xác hay không?
- …v….v…
Nói chung là có rất nhiều. Nhưng để vẽ được vùng kháng cự và hỗ trợ chuẩn, bạn cần giữ tư duy về nó như sau:
-
Luôn nhớ rằng, kháng cự – hỗ trợ là nơi tập trung nhiều cung/cầu nhất. Nghĩa là có nhiều người muốn mua/bán ở vùng đó hơn là những vùng khác. Chính vì thế nó mới phản ứng với giá.
-
Những đỉnh đáy càng lớn là những đỉnh đáy có ý nghĩa. Vùng hỗ trợ và kháng cự được vẽ từ những đỉnh/đáy lớn mới hiệu quả và thường là đỉnh/đáy chuẩn.
-
Khung thời gian xem biểu đồ khác nhau thì vùng kháng cự và hỗ trợ cũng được xác định khác nhau.
-
Tuy nhiên, những đỉnh đáy nhỏ ở khung thời gian lớn, sẽ là những đỉnh/đáy lớn ở khung thời gian nhỏ. Và xét trong khung thời gian nhỏ, giá lại phản ứng tốt lại những vùng đó. => Vì vậy nếu đã xác định được vùng kháng cự và hỗ trợ, hãy chuyển qua khung thời gian lớn hơn để test lại.
-
Tránh những vùng giao dịch lộn xộn, chỉ nên tìm những vùng đỉnh đáy rõ ràng, breakout rõ ràng.
Ý nghĩa của ngưỡng hỗ trợ và kháng cự
Ý nghĩa lớn nhất của vùng hỗ trợ và kháng cự, đó chính là căn cứ cho bạn biết mức giá thấp nhất/cao nhất mà giá có thể biến động.
Tuy nhiên, nó thể hiện rất rõ tâm lý của nhà đầu tư đằng sau đó, điển hình là trí nhớ về nỗi đau và sự tiếc nuối.
Trí nhớ: Chúng ta sẽ thường có xu hướng nhớ về những lần đảo chiều, và nó sẽ thúc đẩy chúng ta mua/bán ở những vùng hỗ trợ/kháng cự, nơi mà giá từng đảo chiều.
Ví dụ: Cổ phiếu ABC cứ tụt xuống mức giá 50k lại tăng bật lên, bạn sẽ muốn mua nó ở mức giá 50k trong lần điều chỉnh tiếp theo. Hoặc cổ phiếu XYZ cứ tăng lên mốc 100k lại bị điều chỉm giảm xuống, vậy thì bạn sẽ muốn bán nó ở mức giá 100k trong lần tăng giá sắp tới đây.
Nỗi đau: Là những người bán cổ phiếu ABC ở mức giá 50k, rồi sau đó giá tăng bật lên. Hay là những người mua cổ phiếu XYZ ở mức 100k, rồi thị trường lại điều chỉnh giảm. => Đây chính là nỗi đau.
Tiếc nuối: Những người đang tăm tia sẵn cổ phiếu điều chỉnh nhưng lại không dám mua bởi vì lý do này lý do nọ, nhưng giá lại tăng. Hoặc người có lãi nhưng chưa kịp chốt lời bởi kỳ vọng lớn hơn, thì giá lại giảm xuống. => Đây chính là sự tiếc nuối.
Và chính những nỗi đau cùng sự tiếc nuối này đã khiến người ta nhớ đến mức hỗ trợ kháng cự lâu hơn và rõ hơn.
Khi giá nỗ lực vượt qua những vùng kháng cự và thành công, nó biến vùng kháng cự đó trở thành vùng hỗ trợ sau này, giống hệt như bạn bước lên một bậc thang mới. Giá vượt qua những vùng kháng cự mạnh thì chúng ta sẽ có một vùng hỗ trợ mạnh được sinh ra => và đây chính là vùng mua lý tưởng khi giá điều chỉnh.
Điều tương tự cũng xảy ra đối với vùng hỗ trợ khi chuyển thành vùng kháng cự khi giá xuyên xuống dưới.
Cách xác định kháng cự và hỗ trợ là mạnh hay yếu
Có nhiều trường hợp, giá chạm đến vùng kháng cự hỗ trợ, sau đó lại tiếp tục vượt qua chứ không đảo chiều. Trường hợp này chúng ta gọi là kháng cự/hỗ trợ yếu.
Còn nếu giá chạm kháng cự/hỗ trợ sau đó liên tục quay đầu, thì đó được coi là hỗ trợ/kháng cực mạnh. Sức mạnh của hỗ trợ và kháng cự giống như một bức tường, phụ thuộc vào chiều dài chiều cao và bề dày của nó.
– Chiều dài: thời gian để giá chạm vào vùng hỗ trợ hoặc kháng cự. Thời dan càng dài thì hỗ trợ/kháng cự càng bền. Chắc chắn rằng, một vùng hỗ trợ hoặc kháng cự diễn ra trong 1 tháng sẽ khó bị phá vỡ hơn vùng kháng cự/hỗ trợ diễn ra trong 2 tuần.
Tuy nhiên nếu ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự được hình thành quá lâu thì lại là chuyện khác. Bởi vì có lẽ tâm lý của những nhà đầu tư đã từng có “nỗi đau” và “tiếc nuối” trong giai đoạn này đã phần nào nguôi ngoai, thậm chí có những người còn rời bỏ thị trường. Còn người mới thì chắc chắn rằng họ không hề có chút cảm xúc nào ở ngưỡng hỗ trợ/kháng cự này.
– Chiều cao: chính là mức biến động giá mức biến động giá được tính từ vùng hỗ trợ cho đến vùng kháng cự, vùng này càng cao thì nó càng mạnh. Nếu chiều cao của vùng kháng cự và hỗ trợ chỉ ~ 1% giá trị thị trường, thì chúng sẽ cản giá rất yếu. Nhưng nếu nó cao từ 5% trở nên thì tỷ lệ cản giá sẽ khỏe hơn, và giá có xác suất cao sẽ đảo chiều khi chạm phải ngưỡng kháng cự/hỗ trợ này.
– Bề dày: chính là khối lượng giao dịch trong vùng hỗ trợ kháng cự. Khối lượng giao dịch càng lớn thì vùng hỗ trợ kháng cự càng mạnh. Khối lượng giao dịch cao cho thấy nhiều nhà giao dịch tham gia tại được dùng giá đó, đồng nghĩa với cảm xúc sẽ mạnh hơn.
Hướng dẫn giao dịch với vùng hỗ trợ và kháng cự
Thứ 1: Không mua ở vùng kháng cự và không bán ở vùng hỗ trợ: Bởi vì vùng kháng cự hỗ trợ là nơi mà xác suất điều chỉnh giá rất lớn, nếu bạn mắc phải cái lỗi này thì đúng là không xứng đáng để tham gia đầu tư.
Thứ 2: Hãy quan tâm đến xu hướng của thị trường: Chỉ nên sử dụng vùng hỗ trợ và kháng cự trong xu hướng uptrend, bởi nó sẽ mạnh và có nhiều ý nghĩa hơn là kháng cự/hỗ trợ trong xu hướng giảm.
Thứ 3: Chú ý đến điểm phá vỡ giả: (là giá có thể vượt qua kháng cự/hỗ trợ, nhưng rồi vẫn đảo ngược quay trở về vùng hỗ trợ và kháng cự chứ không phá vỡ được).
Điểm phá vỡ giả diễn ra tại mức đáy của những vùng hỗ trợ và đỉnh của vùng kháng cự. Đây là một trong những mẫu hình tốt nhất của phân tích kỹ thuật.
- Phá vỡ giả ở vùng đáy (hỗ trợ) là tín hiệu mua hiệu quả, bởi nó cho thấy người bán kiệt sức và giá khó có thể thấp xuống được nữa. Nếu một cây nến đảo chiều tăng xuất hiện ở khu vực này (ví dụ nến hammer) thì sẽ là cơ hội vô cùng tuyệt vời.
- Tương tự, nếu phá vỡ giả ở vùng đỉnh (kháng cự), thì nó cũng cho thấy người mua đã kiệt sức và giá khó tăng được thêm nữa. Đây sẽ là điểm bán tối ưu.
Lưu ý, bạn có thể quan sát thêm khối lượng để gia tăng tỷ lệ chiến thắng. Phá vỡ thực thường kèm khối lượng lớn, trong khi phá vỡ giả thường có khối lượng thấp.
Những sự thật về vùng hỗ trợ và kháng cự
Rất nhiều bạn khi nhắc đến vùng hỗ trợ và kháng cự, các bạn thường nghĩ nó rất đơn giản và dễ áp dụng. Tuy nhiên sau đó các bạn vẫn giao dịch sai với nó, bởi có một số điều không phải ai cũng biết. Điển hình là 3 sự thật dưới đây:
Sự thật 1: Giá chạm kháng cự, hỗ trợ nhiều lần, nó càng yếu
Bởi sự thật là: thị trường đảo chiều ở vùng hỗ trợ là do lực mua mạnh, khiến giá tăng cao. Nhưng áp lực mua có thể đến từ các tổ chức, ngân hàng hoặc tiền thông minh giao dịch theo đơn đặt hàng lớn.
Nhưng nếu nó chạm hỗ trợ nhiều lần, thì các lệnh mua từ các tổ chức lớn cũng dần dần được lấp đầy. Khi họ đã mua đủ, thì giá có chạm nữa thì cũng không còn người để mua.
Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với vùng kháng cự. Để dễ liên tưởng nhất, bạn có thể hình dung bạn đập một bức tường 1 vài lần, nó chưa đổ, nhưng nếu đập nhiều lần thì chắc chắn sẽ đổ.
Sự thật 2: Kháng cự và hỗ trợ là một vùng, không phải 1 đường
Nhiều bạn thường sai lầm khi coi hỗ trợ và kháng cự là một đường. Ví dụ bạn kẻ được một đường kháng cự ở mức giá 50k, và rồi bạn cứ mặc định đợi giá chạm đến 50k thì mới đặt lệnh bán. Hành động như thế, bạn sẽ phải đối mặt với 2 điều:
- Thứ nhất: Bỏ lỡ cơ hội bán tốt, khi giá chưa lên 50k mà đã quay đầu giảm xuống.
- Thứ 2: giá vượt lên trên 50k thì lại cho rằng đó kháng cự đã bị phá vỡ, giá sẽ tăng rồi lập tức mua vào, nhưng cuối cùng lại quay đầu giảm.
Chốt lại rất đơn giản, hãy luôn coi hỗ trợ và kháng cự là một khu vực trên biểu đồ, giá có thể dao động trong vùng đó, chứ không phải là 1 đường.
Sự thật 3: Hỗ trợ và kháng cự có thể thay đổi (động)
Bạn thường nghĩ hỗ trợ kháng cự là 1 đường/vùng nằm ngang, nơi các mức giá cố định đúng không?
Nhưng sự thật là chúng có thể thay đổi theo thời gian, và còn được gọi là hỗ trợ động và kháng cự động. Và có 2 cách để xác định chúng, đó là sử dụng:
- Đường trung bình động: có thể dùng MA20, MA50 hay MA100 để xác định vùng hỗ trợ động.
- Đường trendline (đường xu hướng), dùng để xác định vùng kháng cự động.
Tóm lại:
Qua những nội trung mình vừa chia sẻ, mình muốn bạn hiểu được một vài ý chính cũng như nắm rõ một số lưu ý sau:
-
Kháng cự và hỗ trợ và một vùng giá, có tác dụng giống như một bức tường cản giá, làm cho giá không thể tăng/giảm khi chạm vào vùng hỗ trợ này.
-
Vùng kháng cự và hỗ trợ có tác dụng trong việc tìm điểm mua, điểm bán phù hợp. Chỉ cần nhớ nguyên tắc: không bán ở vùng hỗ trợ, và không mua ở vùng kháng cự.
-
Đôi khi giá có thể phá vỡ vùng kháng cự hoặc vùng hỗ trợ, và giá sẽ tiếp tục đi theo xu hướng. Lúc này, hãy vận dụng các mô hình nến Nhật để xác định chính xác xem giá thực chất là đảo chiều hay tiếp diễn.
-
Kháng cự dễ bị phá vỡ ở trong xu hướng tăng, còn hỗ trợ dễ bị phá vỡ ở trong xu hướng giảm.
-
Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự tồn tại thời gian càng lâu, giá chạm vào đó càng nhiều lần), thì sức cản giá càng yếu, và rất có thể sẽ bị phá vỡ.
-
Hỗ trợ và kháng cự là một vùng chứ không phải một biểu đồ, vì vậy đặt lệnh chốt lời, dừng lỗ cần linh động, không nên quá cứng nhắc.
-
Khi đã kẻ được đường kháng cự/hỗ trợ, hãy mở khung thời gian đồ thị lớn hơn để kiểm tra lại cho chắc chắn, để tránh giao dịch sai lầm.
-
Hãy chọn mua khi giá điều chỉnh trong xu hướng tăng, còn hơn là đi tìm những mô hình đảo chiều để bắt đáy, nó rủi ro hơn rất nhiều.
Vùng hỗ trợ và kháng cự là một trong những công cụ vô cùng quan trọng trong phân tích kỹ thuật mà hầu như bất cứ chỉ báo, phương pháp nào cũng đều có thể ứng dụng kết hợp với nó. Nắm nõ về kháng cự và hỗ trợ sẽ giúp bạn hiểu được biến động giá và giao dịch trên thị trường thông thái, sáng suốt hơn. Chúc bạn thành công và thu về nhiều lợi nhuận.
Cảm ơn vì những chia sẻ rất hữu ích của tác giả