Nếu bạn là người mới, có lẽ sẽ rất khó khăn khi phải nhìn vào biểu đồ rắc rối để thực hiện các giao dịch. Bạn không thể đoán trước được rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng/giảm hay sẽ đảo chiều? Mình hiểu vấn đề này, và đó là lý do trong bài viết này, mình sẽ đi sâu vào hướng dẫn về chỉ số MFI là gì và cách sử dụng nó hiệu quả nhất. Chắc hẳn, sau khi tìm hiểu, bạn có thể dễ dàng dự đoán xu hướng và giao dịch nó như một nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Nội dung
Hướng dẫn về Money Flow Index (MFI)
Chỉ số Money Flow Index – MFI là gì?
Chỉ số dòng tiền (MFI), hay còn gọi là Money Flow Index là một chỉ số đo lường động lượng. Nó cho bạn biết khi giá được mua quá mức hoặc bán quá mức trong một thị trường cụ thể.
Nếu bạn có TradingView, đây là giao diện của Chỉ số dòng tiền (MFI) với cài đặt mặc định:

Và nếu bạn nhìn kỹ vào biểu đồ MFI ở hình trên, thì sẽ thấy nó có 3 phần:
- Vùng quá mua nằm ở phía trên MFI 80
- Điểm giữa tại MFI 50
- Vùng quá bán nằm ở bên dưới MFI 20
Công thức tính MFI là gì?
Để giúp bạn hiểu rõ chỉ số MFI là gì, hãy cùng “mổ xẻ” công thức tính của nó. Dĩ nhiên, khi sử dụng bạn sẽ không cần phải ghi nhớ cách tính toán phức tạp này. Nhưng mình khuyên bạn nên đọc qua để hiểu bản chất của nó.
Và đây là các MFI được hình thành:
- Mức giá đại diện trong một khoảng thời gian = (Giá đóng + cao + thấp) / 3
- Khối lượng trong một khoảng thời gian: Khối lượng mua – Khối lượng bán
- Dòng tiền trong một khoảng thời gian = Giá đại diện của một khoảng thời gian x Khối lượng của một khoảng thời gian
- Tỷ lệ dòng tiền = Dòng tiền dương trong 14 kỳ / Dòng tiền âm trong 14 kỳ
- Chỉ số dòng tiền MFI = 100 – [100 / (1 + Tỷ lệ dòng tiền)]
Sự khác nhau giữa RSI và MFI là gì?
Có thể bây giờ, bạn sẽ nhận ra, chỉ số MFI rất giống với chỉ báo sức mạnh tương đối RSI.
Nếu bạn xếp chồng cả MFI và RSI lên nhau trong TradingView, chúng sẽ trông như thế này:
Khác biệt giữa MFI và RSIBạn khó có thể chỉ ra sự khác biệt. Cả 2, đều đo lường “tốc độ” tăng/giảm giá của tài sản. Nhưng đây là cách chúng khác nhau:
- RSI chỉ tính đến dữ liệu giá.
- MFI tính đến cả dữ liệu giá và cả khối lượng giao dịch.
Điều này có nghĩa là nếu bạn là một nhà giao dịch thường đưa khối lượng vào phân tích giao dịch của mình, thì chỉ báo MFI là thứ bạn sẽ thực sự thích.
Mặt khác, nếu bạn là một nhà giao dịch chỉ thích nhìn vào giá chứ không quan tâm đến khối lượng, thì chỉ báo RSI sẽ phù hợp với bạn hơn.
Thành thật mà nói, không ai có thể khẳng định được chỉ báo nào tốt hơn, hiệu quả hơn. Nhưng việc sử dụng MFI được nhiều người cho rằng sẽ “hiệu quả” hơn phần nào, vì ít nhất, nó dựa vào nhiều dữ liệu hơn, và sẽ khiến người ta có thêm niềm tin giao dịch hơn.
Những sai lầm cần tránh khi sử dụng chỉ báo MFI
Bạn đã hiểu về chỉ số MFI là gì? Bạn cũng đã hiểu và biết cách sử dụng RSI. Tuy nhiên nhiều trader lại đang mắc sai lầm với nó.
Chỉ vì MFI tính đến khối lượng và có cách tính phức tạp hơn một chút, không làm cho nó trở thành “phiên bản tốt hơn” của RSI.
Một sai lầm phổ biến mà các trader mới mắc phải là họ quá “thần thánh hóa” MFI vì nó có dữ liệu khối lượng. Họ mù quáng mua khi MFI = 10 (bán quá mức) và mù quáng bán khi MFI = 90 (mua quá mức).
NHƯNG – Bạn không thể chỉ sử dụng một chỉ báo một cách liều lĩnh như vậy, coi nó như “tín hiệu giao dịch” với suy nghĩ rằng bạn sẽ có lãi liên tục . Bạn sẽ cần một vài yếu tố khác trước khi tham gia giao dịch. (Mình sẽ nói kỹ hơn ở phần dưới).
Một sai lầm phổ biến khác mà các nhà giao dịch mới làm quen mắc phải là họ đọc quá kỹ biến động của chỉ số MFI. Mắt của họ tập trung vào các khu vực ngẫu nhiên của biểu đồ và chỉ báo MFI, tìm kiếm tất cả các loại phân kỳ giữa giá và MFI.
Bạn không cần phải làm điều đó. Để có một giao dịch mà Risk:Reward tốt nhất, bạn chỉ cần nheo mắt, và chỉ nên tập trung vào những đỉnh/đáy rõ ràng, gần các vùng quá bán và quá mua để phân tích.

Và đừng tốn thời gian phân tích những khu vực này:

Đơn giản đúng không?
Sử dụng Money Flow Index – MFI sao cho đúng?
Giờ là bước quan trọng nhất để bạn vận dụng chỉ số MFI. Nói chung, có 2 cách chính mà mình thường áp dụng đối với MFI, đó là:
Sử dụng điểm giữa MFI để giao dịch trong xu hướng mạnh
Một thị trường trong xu hướng mạnh thường có mức thoái lui nông không vượt quá 20MA.
Và trong điều kiện thị trường tăng giá mạnh, chỉ số MFI dường như không thể đạt đến các vùng quá bán tại MFI dưới 20. Thay vào đó, những gì bạn có thể làm là đợi MFI kiểm tra lại điểm giữa 50, trong khi giá giảm nhẹ trở lại, và chờ hình thành mô hình cờ tăng giá.
Nếu mô hình bullflag được xác nhận, bạn hãy chờ đợi để vào lệnh ở nến tiếp theo, như hình bên dưới:

Sau đó, bạn có thể đặt mức dừng lỗ 1 ATR của mình bên dưới mức thấp nhất của mô hình bullflag.
Sử dụng vùng quá mua/quá bán của MFI để giao dịch trong xu hướng yếu hơn
Trong một xu hướng bình thường hoặc yếu, giá thường có những đợt thoái lui dốc trở lại đường MA 50 hoặc thậm chí mức kháng cự trước đó đã trở thành hỗ trợ.
Trong điều kiện thị trường tăng giá ít như vậy, bạn có thể mong đợi chỉ số dòng tiền MFI đạt đến vùng quá bán tại MFI nhỏ hơn 20.
Sau đó, bạn có thể tìm kiếm một điểm vào lệnh hợp lý, chẳng hạn như mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự trước đó đã trở thành hỗ trợ hoặc đường MA 50.

Tương tự, điểm dừng lỗ của bạn có thể thấp hơn 1 ATR so với mức thấp nhất gần đây.

TÓM LẠI:
- MFI là viết tắt của Money Flow Index, hay còn gọi là chỉ số dòng tiền.
- Nó là một chỉ số động lượng, đo lường tốc độc của giá, giống như RSI.
- RSI chỉ tính đến dữ liệu giá, trong khi MFI tính đến cả khối lượng và giá.
- Tránh giao dịch mù quáng khi MFI chạm đến mức quá mua/quá bán.
- Sử dụng MFI phải phù hợp với xu hướng thị trường, xem xu hướng đó là mạnh hay yếu.
Trên đây là những hướng dẫn về cách sử dụng chỉ số dòng tiền MFI. Mong rằng qua bài viết này, bạn đã phần nào hiểu được MFI là gì, và biết cách vận dụng nó trong giao dịch. Bạn đã từng sử dụng chỉ báo này chưa? Bạn còn có gì vướng mắc thì hãy cứ để lại bình luận để mình giải đáp nhé. Cảm ơn bạn đã đọc bài và chúc bạn giao dịch thành công.