Cán cân thương mại là một thuật ngữ kinh tế khá phổ biến mà chắc hẳn bạn đã từng nghe thấy nhiều lần. Tuy nhiên, là một nhà phân tích, đầu tư, giao dịch FOREX thì việc tìm hiểu về thuật ngữ này là vô cùng quan trọng. Vậy cụ thể cán cân thương mại là gì, tầm quan trọng của nó đối với nền kinh tế & tiền tệ ra sao? Hãy cùng chúng mình đi tìm hiểu chi tiết ở nội dung bài viết dưới đây nhé.
Tìm hiểu về cán cân thương mại (BOT)
Cán cân Thương mại là gì?
Cán cân thương mại (tiếng anh là Balance Of Trade – BOT) là thuật ngữ kinh tế chỉ sự chênh lệch giữa giá trị xuất khẩu và giá trị nhập khẩu của một quốc gia tại một thời điểm nhất định. còn được gọi với các cách gọi khác như xuất khẩu ròng hay thặng dư thương mại. Đây là thuật ngữ ghi lại sự chênh lệch giữa giá trị nhập khẩu và xuất khẩu tại một thời điểm xác định của một quốc gia.
Công thức tính cán cân thương mại là gì?
Cán cân thương mại được tính bằng cách trừ giá trị nhập khẩu của một quốc gia khỏi giá trị xuất khẩu của quốc gia đó.
Và khi đó chúng ta sẽ có 1 trong 3 trường hợp:
- Khi xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu, cán cân thương mại sẽ thặng dư (Dương).
- Khi nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu, cán cân thương mại bị thâm hụt (Âm).
- Khi nhập khẩu bằng xuất khẩu thì cán cân thương mại cân bằng.
Ví dụ: Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 336,31 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu đạt 332,23 tỷ USD.
=> Cán cân thương mại của Việt Nam năm 2021 là: 336,31 – 332,23 = 4,8 tỷ USD
Trong trường hợp này, cán cân thương mại đang có thặng dư.
Những yếu tố ảnh hưởng đến cán cân thương mại
Có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của cán cân thương mại, nhưng dưới đây là một số yếu tố chính:
- Nhập khẩu: nhập khẩu thường có xu hướng tăng khi GDP tăng. Sự gia tăng của nhập khẩu khi GDP tăng phụ thuộc xu hướng nhập khẩu biên (MPZ) – tức là phần GDP mà người dân muốn chi cho nhập khẩu. Ngoài ra, nhập khẩu phụ thuộc giá cả tương đối giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa sản xuất tại nước ngoài.Nếu giá cả trong nước tăng so với giá thị trường quốc tế thì nhập khẩu sẽ tăng lên và ngược lại. Ví dụ: nếu giá xe đạp được sản xuất tại Việt Nam tăng so với giá xe đạp Nhật Bản thì người dân có xu hướng tiêu thụ nhiều xe đạp Nhật Bản hơn, dẫn đến nhập khẩu mặt hàng này cũng tăng.
- Xuất khẩu: việc xuất khẩu khó đánh giá hơn một chút, vì chúng chủ yếu phụ thuộc vào những gì đang diễn biến tại các quốc gia khác vì xuất khẩu của nước này chính là nhập khẩu của nước khác. Vì vậy, đây là một yếu tố tự định. Tuy nhiên, nếu ở trong nước lạm phát thấp, giá cả hàng hóa thấp, thì phi phí nguyên vật liệu cũng thấp, dẫn đến tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, khiến xuất khẩu được lợi.
- Tỷ giá hối đoái: Đây là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến cán cân thương mại. Khi tỷ giá của đồng tiền của một quốc gia tăng lên thì giá cả của hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên rẻ hơn trong khi giá hàng xuất khẩu lại trở nên đắt đỏ hơn đối với người nước ngoài. Vì thế việc tỷ giá đồng nội tệ tăng lên sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu và thuận lợi cho nhập khẩu dẫn đến kết quả là xuất khẩu ròng giảm. Ngược lại, khi tỷ giá đồng nội tệ giảm xuống, xuất khẩu sẽ có lợi thế trong khi nhập khẩu gặp bất lợi và xuất khẩu ròng tăng lên. Ví dụ: sản phẩm A của Việt Nam có giá 200.000 VND và sản phẩm tương đương của Trung Quốc có giá 58 CNY. Với tỷ giá là 3.400 VND = 1 CNY thì sản phẩm của Trung Quốc sẽ được bán ở mức giá 197.200 VND, rẻ hơn so với sản phẩm Việt Nam. Nhưng nếu VND mất giá và tỷ giá hối đoái trở thành 3.600 VND = 1 CNY thì lúc này, sản phẩm A của Trung Quốc sẽ được bán với giá 208.800 VND và kém lợi thế cạnh tranh hơn so với sản phẩm của Việt Nam.
- Tăng trưởng kinh tế: Khi kinh tế tăng trưởng, thu nhập của người dân trong nước cũng phần nào đó tác động đến nhu cầu sử dụng hàng nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến cán cân thương mại. Ngoài ra, khi kinh tế nước ngoài tăng trưởng, họ cũng tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ nước khác và làm cho xuất khẩu của đối tác thương mại tăng theo.
- Các chính sách: Các chính sách của Nhà nước cũng tác động đến cán thương mại. Đó thường là các chính sách hỗ trợ hoặc hạn chế xuất/nhập khẩu đối với một mặt hàng/sản phẩm nào đó. Ví dụ, Chính phủ thực hiện trợ cấp nông nghiệp có thể làm giảm chi phí canh tác, khuyến khích sản xuất nhiều hơn để xuất khẩu. Từ đó, sản lượng xuất khẩu có thể được cải thiện.
- Thuế xuất nhập khẩu: Các quốc gia thường kiểm soát cán cân thương mại thông qua việc đặt các mức thuế. Tuy nhiên, nếu thiết lập mức thuế nhập khẩu quá cao có thể khiến thâm hụt thương mại trầm trọng hơn. Lý do là bởi điều này vô hình trung tạo nên rào cản đối với hoạt động giao thương tự do của các quốc gia. Vì thế tình hình xuất khẩu của các quốc gia cũng bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng đến cán cân thương mại.
Sử dụng cán cân thương mại trong phân tích thế nào?
Khi phân tích báo cáo cán cân thương mại, bạn cần xem xét các yếu tố sau:
- Thặng dư hoặc thâm hụt: Đánh giá xem cán cân thương mại có thặng dư, thâm hụt hay thương mại cân bằng hay không, vì điều này có thể cho thấy tình trạng chung của nền kinh tế.
- Xu hướng của cán cân thương mại: Kiểm tra dữ liệu lịch sử của báo cáo cán cân mại trong quá khứ, để xác định xu hướng thương mại của một quốc gia trong tương lai.
- Xem xét các đối tác thương mại: Điều tra sự phân bố theo địa lý của các đối tác thương mại (các quốc gia khác) để hiểu rõ hơn về mối quan hệ thương mại của đất nước và những rủi ro hoặc cơ hội tiềm ẩn.
- Phân tích cùng bối cảnh kinh tế: Các nhà đầu tư thường sử dụng chỉ số cán cân thương mại để xác định xem hoạt động kinh tế tổng thể của một quốc gia đã tăng trưởng hay đang chậm lại. Nhưng điều quan trọng nhất, là phải gắn nó vào bối cảnh nền kinh tế nói chung, để xem quốc gia đang ở giai đoạn nào. Ví dụ:
-
Một quốc gia đã có thặng dư thương mại trong hơn mười năm, nhưng do một số thiên tai, hoạt động xuất khẩu của quốc gia đó bị ảnh hưởng. Quốc gia có thể thâm hụt thương mại hoặc giảm thặng dư thương mại. So sánh tương đối như vậy có thể giúp các bạn xác định xem nền kinh tế của một quốc gia đang bùng nổ hay chậm lại.
-
Thặng dư thương mại hay Thâm hụt thương mại, không thể nói lên toàn bộ. Nhưng nó chắc chắn sẽ cho chúng ta một bức tranh kinh tế vĩ mô về sức khỏe của một nền kinh tế và những gì quốc gia đó đã trải qua trong chu kỳ kinh doanh hiện tại. Ví dụ một quốc gia là nhà xuất khẩu dầu lớn mà quốc gia đó nhận được phần lớn thu nhập. Nếu sản lượng dầu tăng gấp đôi, tự động sẽ có sự gia tăng nhu cầu về loại tiền tệ đó trên toàn thế giới. Điều này sẽ dẫn đến sự tăng giá của đồng tiền của quốc gia đó.
Nếu chỉ nhìn vào các con số cán cân thương mại, chúng ta không thể kết luận ngay một quốc gia đang tăng trưởng hay chậm lại. Bởi vì cán cân thương mại chỉ chiếu một phần bức tranh chứ không phải bức tranh toàn cảnh. Cán cân thương mại có thể chỉ ra nhiều điều, ví dụ như tăng việc làm hoặc mở rộng hoặc suy thoái sắp xảy ra, nhưng nhìn chung nó khá phức tạp, khó có thể phân tích riêng rẻ mà cần kết hợp với bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế mới có thể đưa ra được nhận định chính xác.
(1) Các quốc gia thích có thặng dư thương mại hơn, và điều đó là hiển nhiên. Về mặt ròng, một quốc gia nhận được lợi nhuận hoặc lợi nhuận từ hàng hóa và dịch vụ của họ có nghĩa là người dân của quốc gia đó sẽ có được sự giàu có cao hơn và điều đó sẽ tự động dẫn đến mức sống cao hơn. Ngoài ra, bằng cách liên tục xuất khẩu, họ sẽ phát triển lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Điều này cũng sẽ làm tăng việc làm trong nước, nói chung là thuận lợi cho quốc gia. Nhưng như đã nói, không phải lúc nào điều kiện này cũng đúng.
(2) Trường hợp khác, một số quốc gia đang phát triển có thể muốn nhập khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn từ nước ngoài, điều này làm tăng sự cạnh tranh trên thị trường tương ứng của họ. Qua đó họ giữ giá cả và lạm phát thấp. Trong những khoảng thời gian này, quốc gia đó sẽ có thâm hụt thương mại. Đối với người ngoài cuộc, nó sẽ chỉ giống như đất nước đang tiêu thụ nhiều hơn là sản xuất. Nhưng, chúng ta không thể nói rằng nền kinh tế của đất nước này đang chậm lại, đúng không? Và điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp, đất nước này nhập siêu 6 tháng đầu năm và xuất siêu 6 tháng tiếp theo thì sao?
Các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã trải qua thời gian dài thâm hụt thương mại, trong khi đó một số nền kinh tế như Trung Quốc và Nhật Bản lại duy trì thặng dư thương mại trong một thời gian dài. Vậy bạn đáng giá họ đang tăng trưởng hay phát triển chậm. Do đó, khung thời gian, chu kỳ kinh doanh, tình hình tương đối với các quốc gia khác, tất cả đều là những yếu tố cần thiết để đưa ra cách giải thích chính xác về BOT.
Như đã trình bày ngắn gọn ở trên, có hai loại cán cân thương mại – cán cân thương mại thặng dư/dương hoặc cán cân thương mại thâm hụt/âm. Nhưng ở phần này, mình sẽ chia chúng thành cán cân thương mại tích cực & cán cân thương mại tiêu cực.
Cán cân thương mại tích cực
Đại đa số, cán cân thương mại dương là điều tích cực, khi xuất khẩu của một nền kinh tế nhiều hơn nhập khẩu. Hầu hết các nước đều cố gắng để tạo một cán cân thương mại dương, vì họ cho rằng điều này sẽ giúp tạo ra lợi nhuận cho quốc gia của họ, từ đó làm nâng cao mức sống. Ngoài ra, các doanh nghiệp của quốc gia đó cũng sẽ có được nhiều lợi thế cạnh tranh hơn khi sản xuất hàng xuất khẩu. Điều đó dẫn đến nhiều việc làm hơn khi các công ty sử dụng nhiều công nhân hơn và tạo ra nhiều thu nhập hơn.
Một nền kinh tế có thặng dư thương mại sẽ cho các nước thâm hụt vay tiền, trong khi một nền kinh tế có thâm hụt thương mại lớn sẽ vay tiền để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ của mình. Ngoài ra, trong một số trường hợp, cán cân thương mại có thể tương quan với sự ổn định kinh tế và chính trị của một quốc gia, phản ánh lượng đầu tư nước ngoài. Do đó, hầu hết các quốc gia coi đây là một cán cân thương mại thuận lợi.
Nhưng trong một số điều kiện nhất định, thâm hụt thương mại cũng có thể là một cán cân thương mại tích cực, vì nó tùy thuộc vào giai đoạn của chu kỳ kinh doanh đất nước hiện đang ở.
-
Chúng ta hãy lấy một ví dụ khác về cán cân thương mại – Hồng Kông nói chung luôn có thâm hụt thương mại. Nhưng nó được coi là tích cực vì nhiều mặt hàng nhập khẩu của nó là nguyên liệu thô, nhưng lai được chuyển thành hàng hóa thành phẩm và cuối cùng là xuất khẩu. Điều đó mang lại cho nó lợi thế cạnh tranh trong sản xuất và tài chính, đồng thời tạo ra mức sống cao hơn cho người dân.
-
Một ví dụ khác về cán cân thương mại là Canada, nước có thâm hụt thương mại nhỏ do tăng trưởng kinh tế. Kết quả là, cư dân của nó tận hưởng một lối sống tốt hơn chỉ nhờ hàng nhập khẩu đa dạng.
Cán cân thương mại tiêu cực
Thường là tình huống phát sinh khi một quốc gia nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Cũng được gọi là thâm hụt thương mại. Như một tiêu chí, các quốc gia có thâm hụt thương mại chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô và nhập khẩu nhiều sản phẩm tiêu dùng. Các doanh nghiệp nội địa của các quốc gia này không có kinh nghiệm về thời gian cần thiết để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng trong thời gian dài vì họ là nước xuất khẩu nguyên liệu thô chính. Do đó, nền kinh tế của các quốc gia đó trở nên phụ thuộc vào giá cả hàng hóa toàn cầu.
Một số quốc gia phản đối thâm hụt thương mại đến mức họ áp dụng chủ nghĩa trọng thương để kiểm soát chúng. Biện pháp này là hạn chế nhập khẩu hết mức có thể, tăng cường xuất khẩu, và họ thường sử dụng thông qua các biện pháp liên quan đến thuế quan hoặc áp chỉ tiêu nhập khẩu. Mặc dù các biện pháp này có thể làm giảm thâm hụt trong trong ngắn hạn, nhung về lâu dài sẽ đối mặt với sự phản đối của nhiều đối tác thương mại khác.
Hiện tại, nhiều quốc gia đang áp dụng chính sách này để đạt được lợi thế cạnh tranh về địa chính trị và thương mại quốc tế. Ví dụ: Trung Quốc đã cấm tất cả các tổ chức và cơ quan chính phủ sử dụng máy tính và phần mềm nhập khẩu từ nước ngoài.
Ảnh hưởng của cán cân thương mại đối với tiền tệ
Theo lý thuyết, chỉ số cán cân Thương mại tăng lên đều tốt cho Tiền tệ. Chỉ số Cán cân thương mại thấp hơn hoặc âm so với các giai đoạn trước báo hiệu sự mất giá của đồng tiền và ngược lại.
-
Nếu một quốc gia xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, thì sẽ có nhu cầu cao đối với hàng hóa của quốc gia đó, dẫn đến nhu cầu đối với đồng tiền của quốc gia này cũng tăng lên, khiến giá trị đồng tiền tăng.
-
Ngược lại, nếu một quốc gia nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, thì nhu cầu đối với đồng tiền của quốc gia đó tương đối ít hơn, do đó giá trị đồng tiền sẽ giảm xuống.
Ví dụ: Giả sử kẹo là sản phẩm duy nhất trên thị trường, và A nhập khẩu nhiều kẹo từ B. Kết quả là A sẽ cần mua nhiều đồng tiền của nước B, hơn việc nước B phải mua đồng tiền của nước A. Điều này sẽ dẫn đến giá trị đồng tiền nước A sẽ giảm.
NHƯNG – khi đồng tiền của một đất nước mất giá, thì sức hấp dẫn đối với hàng hóa xuất khẩu của quốc gia đó cũng tăng lên, bởi cùng một lượng tiền, một đất nước nào đó có thể mua được nhiều hàng hóa hơn. Điều này sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến cán cân thương mại, từ đó giảm thâm hụt thương mại.
Ví dụ: Giả sử, tỷ giá giữa đồng tiền nước A và nước B là 11 (Tức là một đông vị tiền tệ nước B sẽ đổi được 15 đơn vị tiền tệ nước A). Sau khi mất giá, tỷ giá sẽ là 15. Tức là, ban đầu một người nước A có thể mua một thanh kẹo nước B với giá 11 đồng. Tuy nhiên sau khi tiền mất giá, thì họ cần phải bỏ ra 15 đồng mới mua được 1 thanh kẹo nước B. => Kẹo nước B trở nên đắt đỏ, kéo theo nhu cầu mua kẹo nước B từ người dân nước A giảm xuống. Trong khi đó, đồng tiền nước B đang có giá, họ có thể mua được nhiều kẹo nước A hơn với cùng một lượng tiền => Tăng nhu cầu mua kẹo sản xuất tại nước A đối với người nước B.
Đó là trên lý thuyết. Còn để áp dụng thực tế vào trong giao dịch, ví dụ trong thị trường Forex thì khá là khó, vì xét cho cùng Cán cân thương mại là một dữ liệu chỉ giúp chúng ta nhìn nhận, phán đoán nền kinh tế dài hạn hơn, và nó không có ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối trong ngắn hạn. Vì vậy, những thông tin BOT khi được công bố, mức độ quan trọng thường không quá cao.
Tóm lại:
- Cán cân thương mại là đo lường sự chênh lệch giữa giá trị xuất khẩu và giá trị nhập khẩu.
- Nhập khẩu > Xuất khẩu = Cán cân thương mại thâm hụt.
- Nhập khẩu < Xuất khẩu = Cán cân thương mại thặng dư.
- Một số yếu tố ảnh hưởng đến cán cân thương mại: tình hình xuất nhật khẩu, tỷ giá hối đoái, lạm phát, tăng trưởng GDP, chính sách chính phủ…
- Cán cân thương mại là một dữ liệu có thể giúp bạn xem xét nền kinh tế đang tăng trưởng hay chậm lại.
- Hầu hết thời gian, cán cân Thương mại tăng lên đều tốt cho Tiền tệ. Cán cân thương mại thấp hơn hoặc âm so với các giai đoạn trước báo hiệu sự mất giá của đồng tiền và ngược lại.
- Một số trường hợp, cán cân thương mại thâm hụt lại là tích cực cho nền kinh tế của một quốc gia đó.
- Quan trọng, xem xét cán cân thương mại phải kết hợp với bức tranh toàn cảnh, nền kinh tế chung, chu kỳ kinh doanh… để có được đánh giá chính xác.
Đọc thêm: Tỷ giá hối đoái là gì, có ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế?
Trên đây là những thông tin giúp bạn tìm hiểu về cán cân thương mại là gì. Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đã hiểu rõ hơn về cán cân thương mại, nắm được tầm quan trọng của nó đối với nền kinh tế và có thêm những kiến thức để đánh giá một nền kinh tế, một đồng tiền thông qua những dữ liệu có liên quan đến cán cân thương mại. Chúc bạn thành công.