Chắc hẳn bạn đã nghe đến thuật ngữ mô hình hai đỉnh rất nhiều lần đúng không? Hoặc bạn đã từng cố gắng giao dịch khi thấy xuất hiện mô hình này, nhưng rồi phát hiện ra rằng nó không đơn giản như bạn nghĩ.
Bạn có từng thắc mắc:
– Nên giao dịch khi giá vừa breakout ra khỏi đường viền cổ của mô hình, hay đợi giá test tại lần nữa?
– Nên đặt lệnh cắt lỗ ở đâu với mô hình 2 đỉnh này?
– Có nên đợi xuất hiện một số mô hình nến để xác nhận mô hình này?
Trong bài viết này, chúng mình sẽ chia sẻ với bạn cách giao dịch với mô hình 2 đỉnh, hay còn gọi là mô hình đỉnh kép, hoặc Double Top, để bạn biết cách vận dụng chúng nhuần nhuyễn nhất nhé.
Hướng dẫn về mô hình hai đỉnh (Double Top)
Mô hình hai đỉnh là gì?
Mô hình 2 đỉnh là một mô hình giá có hình dạng giống chữ M, báo hiệu tín hiệu đảo chiều từ xu hướng tăng thành xu hướng giảm.
Đặc điểm của mô hình 2 đỉnh là gì:
-
Hai đỉnh của mô hình nổi lên rõ ràng, có thể ngang bằng nhau hoặc chênh nhau một chút. Khi nối 2 đỉnh lại với nhau sẽ thành đường kháng cự.
-
Ở giữa hai đỉnh xuất hiện một đáy tạm thời được gọi là đáy trung tâm
-
Đường ngang đi qua đáy trung tâm được gọi là đường viền cổ (neckline) và mang tính chất là đường hỗ trợ.
Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý một điều rằng, mô hình 2 đỉnh chỉ được hình thành khi giá breakout ra khỏi đường viền cổ. Còn nếu nó tạo hình dạng chữ M, nhưng giá chưa bearkout thì mô hình chưa hoàn thiện.
Ý nghĩa của mô hình 2 đỉnh là gì?
Muốn giao dịch được với mô hình hai đỉnh, bạn cần phải hiểu được BẢN CHẤT của nó.
Có nghĩa, nhìn vào mô hình, bạn có hiểu được tâm lý giữa các nhà đầu tư như thế nào, bên mua hay bên bán đang lấn áp? Để mình giải thích cho bạn:
- Đỉnh đầu tiên: Giá bắt đầu giảm. Nhưng lúc này, chắc hẳn bạn sẽ không thể biết được rằng đó là sự đảo chiều xu hướng không, hay chỉ là một đợt điều chỉnh nhẹ.
- Đỉnh thứ hai: Sau khi điều chỉnh, giá tăng lại mức ở đỉnh đầu tiên, nhưng không thể tăng cao hơn nữa, thì lúc này nó mới thể hiện rõ rằng thị trường sắp chuẩn bị đảo chiều giảm giá.
- Phá vỡ đường viền cổ: Bên bán đang kiểm soát thị trường, và giá có thể đi xuống mạnh.
Về bản chất, mô hình hai đỉnh – Double Top báo hiệu một sự đảo ngược xu hướng, cho bạn biết rằng giá khó có thể tăng cao hơn nữa, có lẽ đã đạt đỉnh và tỷ lệ cao là sẽ chuyển sang xu hướng giảm.
Sai lầm khi giao dịch với mô hình hai đỉnh
Nếu bạn đã hiểu được mô hình hai đỉnh là gì, thì tiếp theo hãy lưu ý một sai lầm mà mình thấy 90% các bạn thường mắc phải.
Đó là, thấy mô hình 2 đỉnh xuất hiện, bạn lập tức nghĩ rằng chúng sắp đảo chiều giảm giá, và bạn bắt đầu bán ra, hoặc đánh Short (bán khống). Nhưng, mình muốn nhắc bạn rằng:
Không phải mô hình hai đỉnh nào cũng giống nhau. Bởi vì:
Nếu bạn phát hiện mô hình 2 đỉnh xuất hiện ở một xu hướng tăng mạnh, thì rất có thể giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn.
Vậy làm thế nào để tránh được sai lầm này?
Mẹo dành cho bạn:
Nếu đồ thị giá luôn nằm trên MA20, thì đừng giao dịch khi xuất hiện mô hình Double Top.
Cách giao dịch với mô hình hai đỉnh
Nếu bạn tìm kiếm các thông tin về hướng dẫn giao dịch với mô hình hai đỉnh trên Google, bạn sẽ phải đồng ý với mình rằng, hầu hết các tài liệu đều sẽ hướng dẫn bạn phương pháp giao dịch rất cơ bản như sau:
Thứ 1: Đợi khi giá breakout ra khỏi đường neckline, chứng tỏ rằng mô hình 2 đỉnh đã được hình thành, thì lúc đó đặt lệnh SELL.
Thứ 2: Nếu để an toàn hơn và tránh bẫy “breakout giả”, thì hãy đợi giá test lại một lần nữa, có nghĩa là giá pullback và chạm và đường neckline (trước là hỗ trợ, nay đã là kháng cự). Nếu giá quay đầu đi xuống khi chạm neckline này, thì lúc này có thể yên tâm đặt lện SELL.
Những hướng dẫn ở trên không sai, nhưng CHƯA ĐỦ.
Vậy nên giao dịch như thế nào? Hãy tìm thêm những tín hiệu sau đây để đảm bảo mô hình hai đỉnh của bạn chắc chắn hoạt động.
Xem xét khoảng cách giữa 2 đỉnh
Như mình đã nói ở mục trên, rằng trong một xu hướng TĂNG MẠNH, thì mô hình hai đỉnh KÉM HIỆU QUẢ.
Nhưng ngoài việc sử dụng MA20, thì còn một mẹo nữa là:
Khoảng cách giữa 2 đỉnh càng lớn, xác suất giá giảm mạnh càng cao.
Lý do: khi có nhiều thời gian xuất hiện đỉnh 1 và đỉnh 2, thì nhiều trader cũng sẽ nhận ra được mô hình này, và nó sẽ được chú ý nhiều hơn. Lúc đó, nhiều trader thấy mô hình có dạng chữ M sẽ vào lệnh bán/SHORT, khiến giá càng giảm mạnh hơn nữa.
Tìm tín hiệu tích lũy ở khu vực neckline
Thêm một dấu hiệu nữa giúp bạn giao dịch chính xác hơn, đó là tìm tín hiệu tích lũy tại khu vực neckline – hỗ trợ, trước khi breakout ra khỏi vùng đó.
(*** Tích lũy có nghĩa là giá đi ngang trong một khoảng thời gian, biến động nhẹ, và xuất hiện các nến có thân nhỏ trong khu vực đó ***).
Hãy để mình giải thích cho bạn, tại sao lại nên tìm “tín hiệu tích lũy”?
- Trong thị trường thông thường, các trader đang nắm tài sản nhưng giá không tăng mà đi ngang một thời gian, họ bắt đầu chán nản, mất niềm tin rằng giá sẽ phụ hồi. Và khi giá bị “thủng đáy”, họ sẽ lo sợ và bán ra ào ạt.
- Trong phái sinh, khi giá tích lũy ngay vùng hỗ trợ, một bộ phận trader sẽ đặt đánh LONG, và đặt cắt lỗ ở dưới đường neckline. Vì vậy, khi giá breakout qua khỏi đường neckline này, lệnh cắt lỗ sẽ được kích hoạt, làm lực bán càng mạnh và giá giảm càng nhiều.
Chính vì vậy, nếu thấy mô hình hai đỉnh đã hình thành chữ M, và có tín hiệu hiệu tích lũy, bạn có thể tin tưởng vào nó, bởi nó ít rủi ro, và xác suất mô hình thành công là rất lớn.
Sử dụng 2 khung thời gian để giao dịch
Có thể qua những điều mình chia sẻ ở trên, bạn đã hiểu được phần nào về cách giao dịch với mô hình Double Top đúng không? Tuy nhiên có một điều rất quan trọng khác, đó là KHUNG THỜI GIAN giao dịch.
Hãy lựa chọn một khung thời gian THẤP, và một khung thời gian CAO, ví dụ: 60 phút và 4 giờ. Sau đó làm theo từng bước:
- Xác định thị trường đang giảm giá trong khung thời gian CAO hơn.
- Đợi giá tiếp cận vùng kháng cự (trên khung thời CAO)
- Lúc này, hãy chuyển quan khung thời gian THẤP hơn, để xem có mô hình hai đỉnh xuất hiện hay không.
Sau đó, bạn có thể áp dụng một số kỹ thuật, tín hiệu giao dịch mà mình đã nói ở phần trên để có thể đưa ra được quyết định giao dịch chính xác nhất.
- Mô hình hai đỉnh còn được biết đến với nhiều tên gọi: mô hình đỉnh kép, mô hình đáy kép.
- Mô hình Double Top cho biết giá không thể tăng cao hơn được nữa, và sắp sửa giảm giá.
- Mô hình 2 đỉnh hoạt động kém hiệu quả trong xu hướng tăng mạnh.
- Khoảng cách thời gian giữa 2 đỉnh càng lớn, xác xuất thành công của mô hình càng cao.
- Tìm tín hiệu tích lũy trước khi giá breakout khỏi neckline là một cách để bạn giao dịch an toàn.
- Bạn có thể kết hợp 2 khung thời gian để có thể giao dịch với mô hình hai đỉnh chính xác nhất.
Trên đây là những hướng dẫn của mình về mô hình hai đỉnh – Double Top. Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích, dễ hiểu để có thể vận dụng được mô hình này một cách hiệu quả. Ngoài ra, đừng quên tham khảo thêm nhiều mô hình giá trong phân tích kỹ thuật khác để có thể trở thành một nhà đầu tư tài ba nhé. Chúc bạn thành công.