Nếu là một nhà đầu tư chứng khoán, khi tham gia thị trường chắc chắn bạn phải trang bị kiến thức quản trị rủi ro cho mình, và chiến lược “cắt lỗ” là một điều cực quan trọng. Nhưng cụ thể cắt lỗ là gì? Nên cắt lỗ khi nào? Lỗ bao nhiêu % thì cắt lỗ? Hãy cùng chúng mình đi tìm hiểu chi tiết ở nội dung bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
Cắt lỗ là gì trong chứng khoán?
Cắt lỗ là gì?
Cắt lỗ có thể hiểu là việc bạn chủ động đóng vị thế nắm giữ cổ phiếu và chấp nhận 1 khoản lỗ khi giá cổ phiếu không như dự tính ban đầu. Việc cắt lỗ sẽ giúp bạn có thể bảo vệ được nguồn vốn, hạn chế thua lỗ nhiều hơn.
Cắt lỗ trong chứng khoán là điều hết sức quan trọng, đòi hỏi nhà đầu tư phải hành động dứt khoát, kịp thời. Nếu chần chừ, ngại cắt lỗ thì chỉ cần thị trường không hồi phục, nhẹ thì bạn phải chôn vốn một thời gian để đợi giá hồi lại, còn nặng thì bạn có thể đối mặt với tình trạng thua lỗ rất nặng nề.
Nguyên dân dẫn tới việc phải cắt lỗ là gì? Có nhiều sau lầm khiến bạn phải cắt lỗ, nhưng chúng thường là các lý do sau:
- Lựa chọn sai cổ phiếu để đầu tư: mua theo tin đồn, theo khuyến nghị của người khác, hoặc phân tích sai về doanh nghiệp.
- Mua cổ phiếu ở vùng giá đỉnh: hay còn gọi là đu đỉnh, bởi không có cổ phiếu nào tăng giá mãi, đến giai đoạn giá quá cao thì ắt phải có điều chỉnh hoặc phân phối. Nếu trót đu đỉnh, hãy mạnh dạn cắt lỗ.
Cắt lỗ có thực sự bắt buộc không?
Sở dĩ mình đưa ra câu hỏi này khi tìm hiểu về cắt lỗ là gì trong chứng khoán, bởi mình thấy rất nhiều bạn đang có những suy nghĩ khá sai lầm. Ví dụ:
– Cổ phiếu xuống thì sẽ lại lên.
– Chưa bán chưa lỗ.
– Lỗ 5% còn chưa cắt, không lẽ lại phải cắt ở 20% – 30%?
– Trót lỗ quá nhiều rồi, thôi ôm luôn vậy. Hold to die.
Bạn có thấy những suy nghĩ trên có phần quen thuộc không? Không chỉ các bạn mà ngay cả bản thân mình cũng từng có suy nghĩ như vậy.
Đúng là cổ phiếu tăng giảm là chuyện bình thường. Nếu cổ phiếu điều chỉnh, thì chỉ cần bạn hạn chế lướt sóng, nắm giữ dài hạn một chút thì cơ hội “về bờ” của bạn rất cao, đặc biệt là những bạn nào có vốn để trung bình giá.
Tuy nhiên, nếu lựa chọn sai cổ phiếu hoặc mua sai thời điểm, thì thời gian bạn chờ đợi để về bờ sẽ rất lâu. Đồng nghĩa với việc, bạn sẽ bị chôn vốn, và mất đi nhiều cơ hội khác tốt hơn.
Khi cổ phiếu mới lỗ ở 5% – 7%, mọi người thường ít chú ý hơn nên rất ít ai cắt. Nhưng đến khi nó lỗ 15 – 20% thì họ mới bắt đầu lo sợ, cuống lên, và mới tiến hành cắt lỗ, khiến kết quả thua lỗ càng nhiều hơn.
Một ví dụ minh họa về cổ phiếu DIG năm 2018:

Bạn có thấy mất 8 tháng để cổ phiếu đạt được mức sinh lời như mong muốn? Nhưng chỉ sau 3 tháng, nó đã sụp giảm tới 100%, cuốn mọi thành quả đạt được trước đó, thậm chí là âm vào vốn.
Nếu bạn là người mua cổ phiếu giai đoạn đó, mua đúng giá ở đỉnh, và vẫn bảo thủ, cổ chấp theo những quan điểm trên, rồi tài khoản sẽ lỗ tới – 30%, – 40%.
Khoan hãy bàn đến những yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, mà hãy nhìn thực tế ở trạng thái là “đang lỗ bao nhiêu”. Thì rõ ràng, với khoản lỗ lớn như vậy, rất khó để ra được quyết định cắt lỗ.
Vấn đề nằm ở chỗ, nằm ở tính “tự tin thái quá” của mỗi người. Cùng với đó là “cái tôi quá cao”, “tính ngoan cố quá lớn” sẽ khiến bạn không dễ dàng gì tuân theo nguyên tắc “cắt lỗ” ngay từ đầu.
Chính vì thế, khi thấy cổ phiếu đang nắm giữ giảm giá, bạn thường xem nhẹ và lờ đi số % lỗ ít ỏi, cũng như không lên kế hoạch để bảo vệ khoản đầu tư của mình nên không thấy được hậu quả của hành vi “ôm lỗ” mang lại.
Bạn mua một cổ phiếu với hi vọng tìm kiếm lợi nhuận, và khi nó lỗ 5%, bạn cho rằng nó chỉ cần tăng lại 5% từ mức giá đó là bạn có thể hòa vốn đúng không? Nhưng sự thật là:
Nếu lỗ 5% thì bạn cần đầu tư lãi sau đó 5.3% thì mới hoàn vốn.

Nếu số lỗ là 20% thì bạn phải lãi 25%, và khi số lỗ lên đến 50% thì bạn phải lãi 100% thì mới hoàn vốn. (Trong khi đó, tìm đâu được cổ phiếu lãi nhiều như vậy trên thị trường)?
Chính vì vậy, nếu càng chần chừ không cắt lỗ, thì càng thời gian bạn đợi gỡ lại số tiền thua lỗ càng lâu, có khi là không biết đợi đến bao giờ. Đến lúc nhận ra sai lầm, thì bạn đã phải trả giá rồi.
Khi nào nên cắt lỗ & không nên cắt lỗ?
Bạn đã tìm hiểu về cắt lỗ là gì trong chứng khoán, cũng như tầm quan trọng của việc cắt lỗ. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng sẵn sàng cắt lỗ, mà bạn phải nhìn vào tình tình thị trường chung, nhìn vào tình hình doanh nghiệp:
-
Những cổ phiếu tăng nhanh, thì giảm cũng nhanh, có thể tăng 5 – 7% một phiên là rất bình thường. Nên nếu bạn đặt lệnh cắt lỗ ở mức 7% là không nên, vì những cổ phiếu dạng này (thường là penny, cổ phiếu nóng) nó sẽ giảm rất mạnh trong những đợt thị trường điều chỉnh, nhưng cũng sẽ phục hồi lại rất nhanh. Vì vậy, việc đặt mức cắt lỗ quá thấp không quá cần thiết. (Mà hãy để mức cắt lỗ xa hơn).
-
Nếu bạn đầu tư dài hạn, nhìn vào cốt lõi của doanh nghiệp, và doanh nghiệp của bạn đang hoạt động tốt. Thì đôi khi thị trường điều chỉnh chung, nó có thể giảm tới 7%, 10%, 15%, nhưng về dài hạn, view từ 3 – 5 năm thì cơ hội để bạn chiến thắng là rất lớn.
-
Khi số vốn bạn bỏ vào không quá lớn, nên không phải quá lo ngại, và bạn còn dư rất nhiều vốn để trung bình giá trong tương lai, thì việc cắt lỗ ở thời điểm hiện tại không quá quan trọng.
Tuy nhiên có những trường hợp, bạn nên cắt lỗ, đó là:
- Doanh nghiệp đối mặt với tin xấu: lãnh đạo có vấn đề, nhiều tai tiếng, phải đối mặt với cơ quan chức năng, cơ quan quảng lý. Ví dụ: nhóm cổ phiếu FLC thời gian qua cùng những tai tiếng liên quan tới ông Trinh Văn Quyết.
- Nhận ra đánh giá doanh nghiệp của mình sai: quan điểm đầu tư kinh doanh ban đầu không đúng, doanh nghiệp không còn tốt như dự tính, thay đổi nền tảng kinh doanh cốt lỗi, thì bạn có thể cắt lỗ, review loại doanh nghiệp và lựa chọn cho mình một cổ phiếu tốt hơn.
- Ngành nghề đối mặt với tin xấu: trong một thời điểm, lĩnh vực mà cổ phiếu bạn đang nắm giữ sẽ phải đối mặt với nhiều tin tức không tốt: ví dụ cổ phiếu du lịch trong thời kỳ giãn cách vì dịch Covid…
- Nền kinh tế đang suy thoái: Khi những tín hiệu vĩ mô về kinh tế không tốt, ví dụ như lạm phát tăng cao thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều kênh đầu tư, trong đó có chứng khoán. Nếu cổ phiếu của bạn đang nắm giữ bị thua lỗ, mà thị trường tiêu cực, thì hãy mạnh dạn cắt lỗ để tìm cơ hội đầu tư khác tốt hơn.
- Cắt lỗ để mua cổ phiếu với giá rẻ hơn: Áp dụng cho bạn nào đoán được thị trường sẽ giảm sâu hơn nữa, thì việc bạn nhanh chóng cắt lỗ và chờ đợi khi thị trường ổn định, bạn sẽ mua lại y hệt số lượng cổ phiếu đó, nhưng chắc chắn giá mua vào của bạn sẽ tốt hơn.
Nên cắt lỗ bao nhiêu % là hợp lý?
Vậy mức rủi ro bao nhiêu thì cần cắt lỗ? Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp thường đặt ra quy tắc chung là nên cắt lỗ bằng một nửa mức lãi trung bình, tuỳ thuộc vào tỷ lệ lợi nhuận kiếm được.
Ví dụ: Mục tiêu lợi nhuận của bạn là 20%, thì nên cắt lỗ ở mức tối đa là – 10%.
“Luôn giới hạn mức thua lỗ tối đa 7 – 8% so với giá mua vào, không có ngoại lệ” – Đây là lời khuyên của William O’Neil – nhà đầu tư nổi tiếng với phương pháp CANSLIM.
Cũng theo William O’Neil, nếu bạn cắt lỗ ở mức 7% – 8% và bán một cổ phiếu khi nó tăng giá 25%. Vì vậy bạn chỉ cần quyết định đúng 1 lần, trong khi bạn được phép sai lầm đến 3 lần, mà không rơi vào tình trạng rắc rối.
Thực tế, không có một quy tắc cụ thể nào về mức độ cắt lỗ. Nó phụ thuộc vào tính cách, tư duy, tính kiên nhẫn, sức chịu đựng của từng người. Vì thế, bạn hãy tự xây dựng cho mình quy tắc “cắt lỗ” phù hợp với bản thân, và nhớ rằng luôn linh động, không nhất thiết phải đặt ra một mức cắt lỗ cụ thể giống hệt nhau đối với tất cả các cổ phiếu.
Hãy luôn nhớ rằng:
- Lên kế hoạch “cắt lỗ” ngay khi nhận ra sai lầm của mình và tìm cách giảm thiểu thiệt hại càng sớm càng tốt.
- Ngay cả khi bạn mới chỉ lời lãi chút ít sau khi mua, hoặc lỗ mới chỉ 1 – 2%, nhưng nhận thấy rủi ro tiềm ẩn của một đợt giảm giá mạnh, hoặc doanh nghiệp đối mặt với tin xấu, thì bạn cũng nên nhanh chóng kết thúc khoản đầu tư này của mình.
Mặc dù nhiều trường hợp, cổ phiếu tăng giá ngay sau khi bạn bán ra, thì bạn cũng không việc gì phải tiếc nuối. Bởi mục đích của bạn là giữ thua lỗ ở mức an toàn, còn tiền để đầu tư vào những cơ hội mới, còn hơn là mãi mặc kẹt trong số lỗ và không thể thoát ra.
Các phương pháp cắt lỗ phổ biến hiện nay
Ngoài việc cắt lỗ thủ công và đặt cắt lỗ theo cảm tính, thì còn 2 phương pháp cắt lỗ khác bạn có thể lựa chọn, đó là:
Cắt lỗ theo %
Cách cắt lỗ thông dụng và đơn giản nhất là bán ra khi cổ phiếu giảm một mức phần trăm nào đó so với giá mua. Bao nhiêu phần trăm thì tuỳ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi người cũng như độ biến động (volatility) của từng loại cổ phiếu. Thường đa số trader sẽ giới hạn mức lỗ ở 7-8%.
Ví dụ: Giới hạn cắt lỗ lớn nhất là 10%. Nếu giá lỗ 7% thì bạn cắt 50%, và nếu chạm 10% thì hãy cắt nốt 50% còn lại.
Ưu điểm của cách này là dễ dàng và linh hoạt, đặc biệt trong việc tính toán và quản trị mức lỗ. Có thể tùy chỉnh mức phần trăm tuỳ vào khẩu vị rủi ro cũng như đặc tính của mỗi cổ phiếu.
Tuy nhiên tuỳ vào điểm vào lệnh mà mức stoploss sẽ có tính trọng yếu thấp (mức giá có tính trọng yếu cao hơn nếu nằm gần các loại hỗ trợ hoặc kháng cự, Fibonacci, trendline…)
Cắt lỗ theo phân tích kỹ thuật
Cách này dành cho bạn nào có chút kiến thức về phân tích kỹ thuật cơ bản, đặc biệt là hiểu được về vùng kháng cự/hỗ trợ, trendline, các mốc Fibonacci, các đường trung bình động… Nếu giá cổ phiếu thủng các vùng hỗ trợ quan trọng, thì rất có thể sẽ phải đối mặt với một giai đoạn giảm sâu nữa. Lúc này, bạn hãy nhanh chóng cắt lỗ.

Ví dụ: Cỏ phiếu SCR có phiên breakout khỏi mẫu hình tam giác kèm khối lượng giao dịch đột biến vào ngày 12/4. Hãy chú ý vùng giá 8,7 – 8.9 ở vùng trendline dưới của mẫu hình tam giác và đường MA50 đóng vai trò hỗ trợ cho giá cổ phiếu.
Lúc này, bạn có thể chọn mức 8.6 làm điểm cắt lỗ trong trường hợp bất lợi. Giả sử bạn mua cổ phiếu ở giá 9.5, mức cắt lỗ khi đó sẽ tương ứng giảm 9,52%.
Quan trọng dù chọn phương pháp nào, thì bạn phải thật tỉnh táo, dám quyết định thoát khỏi vị thế một cách nhanh chóng nếu phát hiện bản thân mình sai.
Có thể bạn quan tâm:
- 10 sai lầm khi đầu tư chứng khoán phổ biến nhất của người chơi mới
- 100 kinh nghiệm đầu tư chứng khoán “đắt giá” từ các cao thủ
Trong đầu tư chứng khoán, kiếm được tiền rất khó, nhưng để giữ được tiền thì lại càng khó hơn. Chính vì vậy việc có một chiến lược cắt lỗ cụ thể luôn là điều phải được ưu tiên hàng đầu. Mong rằng qua bài viết này, bạn đã hiểu được cắt lỗ là gì trong chứng khoán và nên cắt lỗ thế nào cho đúng. Nếu có gì thắc mắc, hãy để lại bình luận bên dưới để cùng chia sẻ với chúng mình nhé. Chúc bạn đầu tư sáng suốt và thành công.