Cổ phiếu ngành thuỷ sản có lẽ là một trong những nhóm cổ phiếu được hưởng lợi trong năm nay, chính vì vậy nhóm cổ phiếu này đã luôn giữ được phong độ trong thời gian qua. Nếu bạn cũng quan tâm tới cố phiếu thủy sản, thì hãy để chúng mình gợi ý cho bạn danh sách các mã cổ phiếu ngành thủy sản tiềm năng, nên đầu tư nhất hiện nay ở bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
Danh sách các mã cổ phiếu ngành thủy sản đang niêm yết
Trên sàn chứng khoán hiện nay chỉ có tổng cộng 32 mã cổ phiếu ngành thủy sản tất cả, đó là những mã cổ phiếu sau:
- CTCP Thủy sản MeKong (HOSE: AAM)
- CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT)
- CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HOSE: ACL)
- CTCP Nam Việt (HOSE: ANV)
- CTCP Camimex Group (HOSE: CMX)
- CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC)
- CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia – IDI (HOSE: IDI)
- CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC)
- CTCP Thủy sản Bạc Liêu (HNX: BLF)
- CTCP Kiên Hùng (HNX: KHS)
- CTCP Nông nghiệp Hùng Hậu (HNX: SJ1)
- CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (UPCoM: AGF)
- CTCP Ntaco (UPCoM: ATA)
- CTCP Việt An (UPCoM: AVF)
- CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex (UPCoM: CAD)
- CTCP Thủy sản Cà Mau (UPCoM: CAT)
- CTCP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cần Thơ (UPCoM: CCA)
- CTCP Tập đoàn Hoàng Long (UPCoM: HLG)
- CTCP Hùng Vương (UPCoM: HVG)
- CTCP Đầu tư Thương mại Thủy sản (UPCoM: ICF)
- CTCP Chế biến Thủy sản xuất khẩu Minh Hải (UPCoM: JOS)
- CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC)
- CTCP Chế biến Thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền (UPCoM: NGC)
- CTCP Procimex Việt Nam (UPCoM: PRO)
- CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Năm Căn (UPCoM: SNC)
- CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung (UPCoM: SPD)
- CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Nội (UPCoM: SPH)
- CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (UPCoM: SSN)
- CTCP Tô Châu (UPCoM: TCJ)
- CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (UPCoM: THP)
- CTCP Thủy sản Số 4 (UPCoM: TS4)
Có nên mua cổ phiếu ngành thủy sản không?
Ngành thủy sản ở Việt Nam, đặc biệt là ngành cá tra thường vận động theo chu kỳ, chu kỳ tăng trưởng gần nhất là giai đoạn 2017 – 2019. Sau đó là quãng thời gian chịu tác động mạnh bởi đại dịch trong 2 năm trời, làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, từ năm 2022, ngành thủy sản sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ bởi một số lý do sau đây:
- Chỉ tính riêng quý 1 năm 2022, xuất khẩu cá tra sang Mỹ ước tính đạt 153,3 triệu USD, tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, giá bán trung bình đạt 4,580 USD/tấn, tăng 82% theo năm và 23% theo quý. Đồng thời, diện tích nuôi trồng cá da trơn tại Mỹ vẫn đang giảm trong ba năm liên tiếp, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cá da trơn nội địa tại Mỹ. Chính vì thế nhu cầu cá tra từ Việt Nam của Mỹ sẽ tăng dần lên.
- Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ cá tra của Việt Nam khá lớn. Việc Trung Quốc áp dụng chính sách Zero – Covid đã làm giảm đi nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở một số nhà hàng, tuy vậy sản lượng của Việt Nam vẫn không bị sụt giảm quá nhiều. Trong quý 1/2022, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc ước tính đạt 164.7 triệu USD, +161% YoY và +4% QoQ. Đặc biệt, thời gian tới nếu Trung Quốc mở cửa trở lại, thì với việc là thị trường tiêu thụ cá tra ngang ngửa Mỹ, cùng với nhu cầu bị dồn nén suốt 2 năm sẽ là yếu tố làm cho ngành cá tra của Việt Nam tăng trưởng mạnh.
- Nguồn cung hạn chế, mức tồn kho thấp cũng sẽ tạo đà để tăng giá bán. Tồn kho của cá tra tuy đã có cải thiện so với mức đáy tồn kho của tháng 9 năm 2021 nhưng vẫn đang ở mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây, đạt mức 138 nghìn tấn cá nguyên liệu (~ 110 nghìn tấn cá thành phẩm). Trong khi đó, nếu muốn tăng sản lượng thì cũng cần thời gian để người dân mở rộng và nuôi trồng.
- Tương tự như cá tra, thì xuất khẩu tôm cũng được hưởng lợi nhất nhiều do dịch bệnh dần cải thiện khiến nhu cầu tăng và giá bán tôm cũng tăng lên.
- Một yếu tố khác chính là do cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina đã làm Nga phải chịu lệnh trừng phạt, và một số quốc gia sẽ cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga. Thay vào đó họ sẽ chọn các quốc gia khác thay thế, trong đó có Việt Nam.
Tóm lại, trong năm 2022 trở đi ngành thủy sản Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều bởi:
- Nhu cầu tiêu dùng tăng, đặc biệt là nhu cầu xuất khẩu trong Mỹ, Trung Quốc và EU.
- Giá bán thủy sản tăng do sản lượng hạn chế, tồn kho thấp.
- Hưởng lợi khi Nga đang phải chịu lệnh trừng phạt do xung đột với Ukraina.
=> Chính vì vậy, cổ phiếu ngành thủy sản là nhóm cổ phiếu vô cùng tốt và tiềm năng để bạn đầu tư, đặc biệt là cổ phiếu của những công ty đang và sẽ có kế hoạch xuất khẩu thủy sản ra thị trường nước ngoài.
Những mã cổ phiếu thủy sản tiềm năng nhất
Mặc dù trên sàn hiện nay có khá nhiều mã cổ phiếu ngành thủy sản, tuy nhiên đại đa số là các mã có thanh khoản rất thấp (hầu như không có thanh khoản), còn lại chỉ còn một vài mã có thanh khoản đều đặn.
Chúng mình đã lọc ra được một số mã cổ phiếu đáp ứng đủ điều kiện về thanh khoản, và là doanh nghiệp tốt, có vị thế trong ngành, cũng như sẽ được hưởng lợi từ xuất khẩu thủy sản trong thời gian sắp tới, bao gồm:
Cổ phiếu FMC – Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (HOSE)
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) là doanh nghiệp có họat động kinh doanh chính là chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ tôm (chiếm hơn 96 % doanh thu). Các sản phẩm chính của công ty là Tôm tươi, Tôm Nobashi, Tôm tẩm bột, tôm hấp trong đó tôm tươi chiếm tỉ trọng lớn nhất, 37,02%, sau đó là tôm Nobashi 27,13%, với thị trường tiêu thụ truyền thống là Nhật và Mỹ. Hiện FMC đang mở rộng và khôi phục lại các thị trường EU, Nga và Hàn Quốc.
Vị thế trong ngành:
- FMC – mã cổ phiếu ngành thủy sản tiềm năng này hiện có vùng nuôi tôm rộng 270 hecta, đạt chuẩn BAP, ASC.
- Doanh thu của công ty chủ yếu từ hoạt động xuất khẩu. Mỹ là thị trường lớn nhất của công ty, mang lại 42% doanh thu, kế tiếp là thị trường Nhật Bản, chiếm 40% doanh thu.
- Công ty được ưu đãi thuế từ Nhật và mức thuế thấp tại Mỹ (thuế chống bán phá giá gần bằng 0).
- FMC đã đặt được nền tảng vững chắc ở các thị trường lớn là EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ; đồng thời giữ một thị phần khá tốt ở Hàn Quốc, Úc.
Triển vọng phát triển:
- FMC đã có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi tôm, tăng tỷ lệ tự chủ lên đến 50% vào năm 2025. Tính đến cuối năm 2020, FMC sở hữu vùng nuôi với diện tích khoảng 270 ha. Trong giai đoạn 2021- 2022, FMC chủ trương nâng diện tích nuôi tôm thêm khoảng 100ha và hướng đến mục tiêu đạt diện tích lên 450-500 ha vào năm 2025.
- FMC dự kiến đầu tư mở rộng xây dựng nhà máy thủy sản Sao Ta, với công suất 15.000 tấn thành phẩm/năm, tăng thêm khoảng 50% công suất so với các nhà máy hiện tại với tổng số vốn đầu tư là khoảng 200-250 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2022.
- Đầu tư xây dựng thêm một nhà máy chế biến tôm Tam An tại công ty con Khang An Foods với công suất 5.000 tấn thành phẩm/năm, nhằm tranh thủ các lợi thế hiện hữu để gia tăng doanh thu xuất khẩu sản
phẩm tôm tại công ty này.
Cổ phiếu MPC – CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (UpCom)
MPC là một mã cổ phiếu ngành thủy sản trên sàn Upcom nhưng tiềm năng rất lớn. Nó hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến kinh doanh xuất khẩu thủy sản với mặt hàng chính là tôm đông lạnh. MPC là doanh nghiệp có kinh ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước, và luôn giữ vững vị trí này trong nhiêu năm.
Vị thế trong ngành:
- MPC là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam từ năm 2000 cho tới nay.
- MPC sở hữu nhà máy chế biến thủy sản tại Cà Mau với công suất 36.000 tấn/năm, Nhà máy chế biến thủy sản tại Hậu Giang với công suất 40.000 tấn/năm, và vùng nuôi thủy sản công nghiệp tại Kiên Giang với quy mô 600ha, vùng nuôi thủy sản tại Vũng tàu với diện tích 300 ha, và vùng nuôi thủy sản sinh thái tại Cà Mau với diện tích 320 ha.
- MPC là một trong trong 171 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trưởng EU và là công ty duy nhất có ký quỹ để xuất hàng theo hình thức DDP vào Mỹ thông qua Công ty Mseafood.
- MPC là doanh nghiệp thủy sản đầu tiên trong nước được công nhận tiêu chuẩn Global Gap về nuôi trồng và chế biến tôm xuất khẩu.
Triển vọng phát triển:
- Nhờ Hiệp định EVFTA, MPC được hưởng lợi thế về thuế xuất khẩu tôm vào thị trường EU (thị trường này hiện đang đóng góp khoảng 13% trong giá trị xuất khẩu của MPC).
- MPC đang tích cực nâng cao cao các khu vực nuôi truyền thống với “Công nghệ 2-3-4” giúp tăng sản lượng và nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu.
- MPC đang triển khai xây dựng khu sản xuất tôm sú và tôm thẻ chân trắng có thể thích nghi, kháng bệnh. Ngoài ra, họ cũng đầu tư vào khu sản xuất tôm giống chất lượng cao ở tỉnh Ninh Thuận kết hợp khu sản xuất con dời và tảo làm thức ăn cho tôm. Dần dần, MPC sẽ nâng kế hoạch tự chủ 30% lên tới 70% trong năm 2025, và 100% trong năm 2030.
Cổ phiếu VHC – Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (HOSE)
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến xuất khẩu các sản phẩm chính là cá tra, basa, lóc, rô phi, fillet mang thương hiệu Vĩnh hoàn. VHC cũng là công ty dẫn đầu ngành cá tra Việt Nam từ năm 2010 đến nay, chiếm thị phần 15% của toàn ngành.
Vị thế trong ngành:
- VHC là Công ty dẫn đầu ngành cá tra Việt Nam, chiếm thị phần 15% của toàn ngành. Xuất khẩu của VHC sang 3 thị trường lớn nhất lần lượt là Mỹ (35%), Châu Âu, bao gồm Anh (18%) và Trung Quốc (17%).
- Sản phẩm của VHC đã có mặt tại các chuỗi bán lẻ danh tiếng như Walmart, Target, Trader Joe, và Kroger, và được phân phối bởi các công ty về dịch vụ thực phẩm hàng đầu của Mỹ như Sysco, Gordon Food Service, US Foods.
- VHC đang dẫn đầu trong số lượng các vùng nuôi đạt chứng nhận tại Việt Nam với diện tích vùng nuôi đạt chứng nhận Aquaculture Stewardship Council (ASC), Best Aquaculture Practices (BAP), Global Good Agricultural Practice (GlobalGAP) lần lượt đạt 180ha, 135ha, và 155ha.
Triển vọng phát triển:
- Mã cổ phiếu ngành thủy sản này được hưởng lợi khi thị trường Mỹ hồi phục trở lại nhờ duy trì vị thế top đầu doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam.
- VHC đang đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại giống, khu liên hợp nông nghiệp – thủy sản công nghệ cao. Ngoài ra họ cũng cho cải tạo nhà máy tại Thanh Bình và Thực phẩm Vĩnh Phước.
- VHC có chiến lược trở thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn bao gồm sản phẩm cá, trái cây, collagen & gelatin, v.v.; vì vậy trong tương lai, doanh nghiệp dự kiến mỗi năm sẽ đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng thực hiện chiến lược trên.
- VHC gần đây đã mua lại 49,89% cổ phần của công ty Sa Giang (HNX: SGC) từ SCIC với tổng vốn đầu tư
là 37,7 tỷ đồng. Điều này cho thấy động thái của VHC trong việc phát triển mảng sản phẩm giá trị gia tăng.
Cổ phiếu ANV – Công ty cổ phần Nam Việt (HOSE)
Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV) hoạt động chính trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản, xuất khẩu thủy sản, sản xuất thức ăn thủy sản. Sản phẩm của ANV đã có mặt trên 100 quốc gia trên thế giới như Nga, EU, Trung quốc, Úc.
Vị thế trong ngành:
- ANV hiện đang sở hữu vận hành 03 nhà máy chế biến thủy sản, bao gồm Nhà máy Chế biến Thủy sản Ấn Độ Dương với công suất 400 tấn nguyên vật liệu/ngày, Nhà máy Chế biến Thủy sản Thái Bình Dương với công suất 90 tấn nguyên vật liệu/ngày và Nhà máy Thủy sản Nam Việt với công suất 70 tấn nguyên vật liệu/ngày.
- ANV sở hữu Nhà máy Lạnh Ấn Độ Dương với công suất thiết kế 700 tấn nguyên liệu/ngày.
- ANV hiện sở hữu vận hành 08 dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất lên đến 800 tấn/ngày và 250 ha vùng nuôi cá nguyên liệu.
- ANV hiện áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm theo HACCP, GMP, SQF, có đủ điều kiện xuất khẩu sang hơn 100 nước trên thế giới.
Triển vọng phát triển:
- Việc tự chủ 100% nguyên liệu sẽ giúp ANV kiểm soát chi phí đầu vào trước bối cảnh biến động giá cá nguyên vật liệu, gia tăng tính hiệu quả của chuỗi sản xuất khép kín, tạo động lực tăng trưởng trong tương lai.
- Mảng năng lượng điện mặt trời đóng góp doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp cũng như giúp
cải thiện chi phí đầu vào của ANV. - ANV được hưởng ưu thế trong dài hạn tại thị trường Mỹ với mức thuế chống bán phá giá áp dụng 0%.
Rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu ngành thuỷ sản
Bạn đã nắm được đầu là những mã cổ phiếu thủy sản tiềm năng rồi đúng không? Tuy nhiên cổ phiếu ngành thủy sản cũng luôn tồn tại rất nhiều rủi ro thường trực, nên nếu lựa chọn nhóm cổ phiếu này, hãy luôn cập nhật kỹ các thông tin, diễn biến về thời tiết, thị trường để phản ứng kịp thời nhất.
Một số rủi ro có thể xảy ra với ngành thủy sản có thể kể đến:
-
Giá cước vận tải vẫn trên đà tăng và khó đoán do tác động của dịch bệnh. Nhiều container nằm không đúng chỗ, dẫn đến hiện tượng xếp hàng chờ tàu ngoài cảng và giá cước vận chuyển tăng, khiến chi phí vận chuyển tăng cao đột biến, cùng xu hướng tăng giá của cá nguyên liệu sẽ làm áp lực lên lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản.
-
Chu kỳ La Nina được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra tại khu vực Đông Nam Á trong những năm tới. Hầu hết các đợt La Nina gây mưa nhiều, nguy cơ cao làm giảm độ mặn ở các vùng ven biển, ảnh hưởng đến chất lượng nước của hoạt động nuôi trồng thủy hải sản.
-
Vấn đề hạn hán, xâm ngặp mặn những năm gần đây tại các tỉnh ĐBSCL diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng hầu hết đến hiệu quả canh tác và nuôi trồng thủy sản. Xâm nhập mặn làm sức đề kháng của con tôm bị giảm, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh.
-
Nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động nuôi trồng thủy sản như thức ăn, con giống, hóa chất, kháng sinh phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài nên chi phí đầu vào khá cao, lại chưa thể kiểm soát được hết chất lượng, khiến chất lượng đầu ra cũng không được đồng đều.
-
Với việc tự do hóa thương mại quốc tế sẽ giúp ngành thủy sản Việt Nam sẽ có lợi về thuế quan, nhưng sẽ là đối tượng để các nước nhập khẩu áp dụng các rào cản phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành sản xuất nội địa.
Tham khảo thêm một số bài viết khác:
Trên đây là những gợi ý về danh sách các mã cổ phiếu ngành thủy sản tiềm năng nhất hiện nay. Chúng mình hy vọng rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những dữ liệu cần thiết để lựa chọn được một cổ phiếu thủy sản thật tốt. Chúc bạn đầu tư thành công và thu được thât nhiều lợi nhuận.