Tiền có 3 mục đích lớn: Làm phương tiện thanh toán, làm tài sản tích trữ và là thước đo giá trị. Mời bạn tìm hiểu lại về tiền là gì, tiền tệ là gì ở bài trước đó. Ở bài viết này nói về tác dụng làm thước đo giá trị của tiền.
Nội dung
Sử dụng tiền tệ làm thước đo giá trị
Việc sử dụng tiền làm thước đo giá trị một tài sản đã thành mặc định của chúng ta. Trước khi xuất hiện tiền, việc phải quy đổi ngang hàng khiến mọi thứ vô cùng phức tạp. Tính toán 1 căn nhà tương đương bao nhiêu bao gạo hay mớ rau bằng mấy phần con gà là rất mệt mỏi.
Tiền tệ đã giúp mọi thứ được đơn giản hóa. Con gà 500K, mớ ra 25K và ngôi nhà 4 tỷ. Đó chính là thước đo, giúp chúng ta ước lượng giá trị. 1 m (mét) giúp ta hình dung độ dài, 1 l (lít) giúp ta hình dung thể tích thì tiền giúp ta hình dung đắt rẻ.
Nhưng vấn đề xuất hiện từ đây, các loại thước đo khác đều cố định. Nhưng tiền lại không như vậy, 1 mét của 100 năm trước vẫn là 1 mét của hiện tại. Nhưng 1 triệu (VND) của 10 năm trước không giống 1 triệu (VND) hiện tại. 1 cây thước mà không cố định thực sự rất khó đo đạc. Bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về “cây thước” đó và vận dụng nó đúng bạn nhé.
Lạm / Giảm phát chính là nguyên nhân khiến tiền tệ thay đổi giá trị. Cũng như một hàng hóa bất kỳ, giá trị của tiền tệ phụ thuộc vào cung cầu. Cầu chủ yếu nhất vẫn là tiêu dùng, cung (in / hủy) thì thuộc về chính sách của quốc gia. Do đó việc thay đổi cung / cầu của tiền, đặc biệt là cung đương nhiên thay đổi giá trị. Với việc cung luôn tăng và mục tiêu duy trì lạm phát nhẹ (Ví dụ Mỹ là 2% / năm), tiền đương nhiên luôn giảm giá trị.
Sử dụng vàng làm thước đo thay thế tiền tệ
Đương nhiên hầu hết mọi người biết tiền mất giá. Do đó họ đã sử dụng các thước đo khác để thay thế. Phổ biến nhất chính là sử dụng vàng.
Khi chế độ bản vị vàng được duy trì, tiền lúc này bản chất chỉ là đại diện của vàng. Tức là nó là một giấy chứng nhận vàng có mệnh giá nhỏ, để thuận tiện cho lưu thông. Với nguồn cung vàng tương đối ổn định, lúc này giá vàng gần như ổn định khi quy theo tiền, đương nhiên bởi tiền chính là đại diện cho vàng. Nhưng sản xuất luôn phát triển theo thời gian, do đó cùng một số vàng (tiền), bạn sẽ mua được ngày một nhiều hàng hóa. Trường hợp này, khi cố định thước đo, chúng ta có giá cả sẽ ngày một giảm. Nhìn chung, lúc này dùng vàng làm thước đo là tương đối chính xác. Nhưng chính lúc này, bạn cũng chưa cần dùng tới vàng, bởi tỉ giá vàng/tiền tệ rất ổn định.
Như đã nói ở bài trước, vấn nạn đầu cơ và sự thiếu linh hoạt khi cố định tổng cung tiền đã xóa bỏ hoàn toàn chế độ bản vị vàng. Việc này đã tác động ra sao đến việc dùng vàng làm thước đo giá trị?
Cung vàng vẫn vậy, ổn định. Nhưng nhu cầu về vàng lúc này đã khác hẳn trước đó. Nếu cung và cầu vàng ổn định giống trước đó, việc sử dụng vàng làm quy chiếu vẫn rất tốt. Bởi khi cung và cầu tiền thay đổi, cung cầu ổn định của vàng sẽ phản ánh chính xác diễn biến của tiền tệ.
Nhu cầu vàng đã thay đổi đáng kể theo từng giai đoạn kinh tế (Ngoài phần vàng dùng cho công nghiệp và trang sức, chiếm khoảng 55%). Từ đó vàng không còn là thước đo chính xác phản ánh chính xác giá trị. Tuy vậy khi cần một thước đo có tính cố định cao hơn tiền, người ta vẫn sử dụng vàng là chính bởi các lí do sau:
Các hàng hóa khác còn có biến động về cung cầu cao hơn nhiều: Như gạo, ngô hay sắt thép, cả cung và cầu đều thay đổi quá chóng mặt. Vàng tuy không cố định nhưng cũng là loại hàng hóa ít sai lệch bậc nhất.
Tới ngày nay, vẫn nhiều người dùng vàng để làm thước đo để đánh giá đắt rẻ hay biến động. Ví dụ minh họa:
Một căn nhà có giá 12 cây vàng, nay bán được 20 cây vàng là tăng 8 cây, 66%.
Một căn nhà có giá 40 triệu, khi đó vàng 800K/chỉ. Tức căn nhà đó có giá 5 cây vàng, hiện tại căn nhà đó có giá 1.2 tỷ. Vàng giá 6tr/chỉ, tức 20 cây vàng. Căn nhà này đã tăng gấp 4 lần. Cũng có người thích sử dụng thước đo tiền tệ quốc gia hơn, bởi số nó “phê” hơn. Căn nhà trong ví dụ trên đã tăng gấp 30 lần, từ 40 triệu lên 1.2 tỷ.
Phải công nhận rằng, vàng đương nhiên mang lại sai số ít hơn so với tiền. Thứ mà nguồn cung sẽ ngày một lớn để đáp ứng quy mô của nền kinh tế. Nó cũng được duy trì lạm phát nhẹ để kích thích kinh tế. Tuy vậy đó chỉ là một thước đo tốt hơn,
Sử dụng một đồng tiền ít mất giá hơn làm thước đo
Cảm thấy nội tệ như VNĐ quá lạm phát, cây thước này không thể xài. Nhiều người đã chuyển sang một cây thước mới là USD. Thực tế USD cũng không phải là cây thước tốt. Đồng USD của Hoa Kỳ đã nhiều lần biến động mất giá nghiêm trọng. Không cần kể đâu xa đó là giai đoạn 12 – 14%/năm sau khi bỏ bản vị vàng hay 9% của năm 2022 sau những gói bơm tiền mạnh mẽ.
Đồng VNĐ của chúng ta từng có những giai đoạn vô cùng “thăng trầm” những năm 90. Chúng ta có lạm phát 3 con số, hàng trăm %. Đương nhiên lúc đó nó là một cây thước quá tệ. Còn hiện tại, khi so sánh VNĐ với USD có thể ví như sau: VNĐ giống như xe Mercedes. Còn USD giống như Camry vậy, cả 2 sẽ đều liên tục trượt giá. Camry thì đỡ hơn một chút, nhưng cũng mất giá khá nhiều đấy. Đừng dùng nó làm thước đo.
Trong tương lai, đồng USD sẽ còn suy yếu hơn nữa, hãy cẩn thận nếu bạn vẫn đang tin tưởng cây thước này.
Tiền lương trung bình – Cây thước đo tiêu chuẩn
Sử dụng lương trung bình làm thước đo là một phương pháp hay và hiệu quả. Cây thước này sẽ tính chính xác nhất sự biến động của giá cả. Hãy xem một ví dụ và dùng các cây thước khác nhau:
Một mảnh đất năm 2001 có giá 16 triệu, năm 2022 có giá ở đỉnh 800 triệu.
Với cây thước VNĐ, chúng ta có mảnh đất đó tăng 16 triệu thành 800 triệu, 50 lần.
Với cây thước USD, chúng ta có năm 2001 tương đương 16 tr/14.500 tức 1.1 ngàn đô. Năm 2022, ở tỉ giá 23.500 ta có 34.000 đô. Mức tăng là 31 lần.
Với cây thước Vàng, năm 2001 chúng ta có 5 tr đồng/lượng, tương đương 3.2 lượng. Năm 2022, vàng 60 triệu, chúng ta có 13 lượng, tăng khoảng 4 lần.
Với cây thước tiền lương, chúng ta có năm 2001 với mức thu nhập trung bình khoảng 6 triệu / năm (GDP Bình quân đầu người). Mảnh đất khi đó tương đương: 2.6 năm thu nhập. Năm 2022, mức thu nhập trung bình khoảng 95 triệu / năm. Mảnh đất khi đó khoảng 8.4 năm thu nhập. Tỉ lệ tăng khi dùng thước tiền lương là: 3.2 lần.
(Dữ liệu mảnh đất trên từ 1 ví dụ thực tế đã gặp). Chúng ta có thể thấy rằng trong ví dụ trên, vàng và lương cho kết quả sát nhất. Tuy vậy việc kết quả của vàng khá tốt là bởi năm 2001 là giai đoạn vàng có sự bứt phá giá mạnh mẽ. Bạn chỉ cần tìm một ví dụ tương tự, sau đó thay thử bằng năm 2011, năm mà vàng có giá khá cao sẽ thấy dùng vàng làm thước đo tương đối bất cập. Nhưng lương thì vẫn khá sát.
Việc dùng lương làm thước đo có thể giúp chúng ta điều chỉnh quy hồi không giới hạn giá cả trong quá khứ. Từ đó ước lượng chính xác mức tăng trưởng.
Tăng trưởng ròng
Trở lại với ví dụ trên, theo bạn chính xác mảnh đất đã tăng bao nhiêu? 50 lần, 31 lần hay chỉ 3.2 lần? Tăng trưởng ròng chính là tăng trưởng sau khi loại bỏ đi lạm phát. Tức là dùng một thang đo tương đối tốt để làm tham chiếu.
Công thức ước tính giá trong tương lai
Giá (thị trường) = Giá hiện tại + tăng trưởng ròng + lạm phát
Đương nhiên chúng ta sẽ giao dịch ở giá thị trường. Nó sẽ bao gồm cả sự tăng trưởng giá trị và lạm phát. Sự tăng trưởng giá trị là phần ròng. Lạm phát là phần tăng lên đồng đều, bạn và tất cả mọi người chỉ thấy “số to lên”, chứ không hề được thêm lợi ích.
Ứng dụng của tăng trưởng ròng
Đầu tư USD
Khi đầu tư USD, ta áp dụng công thức trên như sau:
- Giá hiện tại, đã biết
- Tăng trưởng ròng (Tăng cầu, giảm cung – Biến đổi cung cầu nói chung): Nhu cầu tích trữ USD, chính sách hạn chế cung, thắt chặt hay nới lỏng, nhu cầu sử dụng USD
- Lạm phát (So với VNĐ)
Như vậy dễ dàng thấy tăng trưởng ròng với đồng USD là rất hạn chế. Những yếu tố tạo ra tăng trưởng cục bộ của USD cũng chỉ là trung hạn. Về vấn đề lạm phát của VNĐ, nó là đáng kể khiến USD hay mọi mặt hàng có xu hướng tăng giá. Mức lạm phát này sẽ được chia đều cho tất cả. Nhưng bản thân USD cũng lạm phát, sự bù trừ này khiến tổng mức giá tăng của USD so với VND là rất ít. USD nói riêng và tiền tệ nói chung KHÔNG BAO GIỜ là hàng hóa để đầu tư dài hạn. Chúng luôn mất giá theo thời gian, chỉ là ít hay nhiều như xe cũ Camry hay Mercedes mà thôi.
*Ảnh: Sau 20 năm đô la Mỹ chưa X2 nổi, đương nhiên nó kém xa gửi tiết kiệm dài hạn với lãi suất lên tới gần 10 % mỗi năm.
Đầu tư vào vàng
Vẫn áp dụng công thức trên ta có: Tăng trưởng ròng của vàng phụ thuộc nhu cầu phòng thủ kinh tế, chính trị. Các nhu cầu khác ít biến động, từ đó ít tác động tới tăng trưởng ròng của vàng. Và nó cũng chỉ là cục bộ. Vàng không bị lạm phát, do đó nó hưởng trọn phần lạm phát (cộng vào giá) của VNĐ. Như vậy vàng bù được phần lạm phát, còn sự tăng trưởng thực sự thì thường chỉ trong trung hạn. Khi điều kiện vĩ mô có ảnh hưởng biến động. Còn lại vàng thực chất sẽ chỉ đứng im, thậm chí còn giảm do nhu cầu với vàng của thế hệ trẻ toàn cầu ngày một thấp.
Dài hạn, có thể coi, nó là cách giữ tiền, chứ làm ra tiền thì không. Còn cục bộ, vàng vẫn có nhiều cơ hội
Đầu tư vào bất động sản
Bất động sản là một hàng hóa, nó cũng hấp thụ vào giá khi lạm phát xảy ra. Chỉ cần xác định tăng trưởng ròng của BĐS sẽ tính ra được tính cơ hội của nó. Tăng trưởng ròng của BĐS cũng như các mặt hàng khác, dựa trên cung, cầu.
- Cung: Mặc dù đất là giới hạn, nhưng phát minh nhà tầng và chung cư đã khiến chỗ ở là rất rộng rãi. Chúng ta có đủ chỗ chứa cho hàng triệu người một cách đơn giản. Ở Việt Nam đất là rất rộng, chỉ đất ở và quyền xây dựng nhà cao tầng bị hạn chế. Cung đất hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của nhà nước.
- Cầu: Chủ yếu là gia tăng dân số.
Tôi sẽ giúp bạn hình dung dễ dàng qua dữ liệu sau. Dân số Việt Nam năm 2000 khoảng 79 triệu, năm 2022 khoảng 100 triệu. Tăng 25%. Như vậy sức cầu tăng ít nhất 25%. Nhưng đó là toàn quốc, tại Hà Nội năm 2003 chỉ khoảng 3 triệu người. Năm 2022 đó là 10 triệu người, nhu cầu tăng ít nhất 3 lần.
GDP của chúng ta mỗi năm chỉ tăng trung bình 7%. Sau 20 năm lũy kế, tỉ lệ tăng trưởng tổng sẽ chỉ khoảng 3.8 lần (1.07^20). Bạn nghĩ rằng lương của chúng ta sẽ tăng 3.8 lần sau 20 năm? Không đúng, bởi đó là con số sau khi trừ lạm phát. Thực tế GDP bình quân đầu người của chúng ta đã tăng khoảng 10 lần sau 20 năm theo USD. Con số tính toán mới của WB là khoảng 12 lần. Và khi quy đổi tiếp về VNĐ (Do VNĐ lạm phát so với USD), ta có tỉ lệ là khoảng 19.7 lần.
Giả sử mảnh đất X, một người Y với lương trung bình ở năm 2000, làm khoảng 10 năm không ăn tiêu thì mua được.
Nay lương trung bình tăng gấp 3.8 lần, lạm phát khiến tiền mất giá thành tổng 19.7 lần. Nhu cầu tăng gấp 3 tại vị trí đó, vậy mảnh đất đó sẽ tăng tối thiểu: 19.7 *3 = 60 lần. Tương quan cung cầu hiện tại, mức lương trung bình để mua được mảnh đất đó cần ít nhất 20 năm, tức 2 lần so với 10 năm trước đó. Bạn sẽ thấy mảnh đất đó X120 lần so với năm 2000.
Thực chất mảnh đất này đã tăng bao nhiêu lần? Từ 120 lần, chúng ta cần loại bỏ lạm phát (khoảng 5.18 lần). Tức nó vẫn tăng khoảng 23 lần.
Đối với những NHU CẦU thiết yếu, nó sẽ được cộng toàn bộ phần tăng của lương vào giá. Do đó sự tăng lương luôn là tăng trưởng ròng cho giá BĐS. Phần lương tăng này khiến giá tăng 3.8 lần (trong 23 lần sau khi trừ lạm phát). Phần này được tính là tăng trưởng ròng, bởi không phải mặt hàng nào cũng được hấp thụ phần lương tăng. Chúng ta còn khoảng 6 lần nữa. Đây chính là mức tăng lợi nhuận bạn có thể kiếm được, 6 lần sau khi trừ lạm phát là con số siêu ấn tượng.
6 lần còn lại, 3 lần đến từ sự gia tăng dân số của HN. 2 lần đến từ chính sách điều tiết cung cầu, khiến giá nhà cao hơn.
BĐS trong tương lai, vẫn được cộng cả lạm phát và lương tăng ròng (GDP % ròng) như hiện tại. Nhưng sự gia tăng dân số và số năm lương cần để mua nhà sẽ đều chậm lại, thậm chí số năm sẽ không tăng. Kể cả khi chưa có thuế BĐS, nó cũng chỉ còn là giải pháp chống lạm phát mà thôi. Cơ hội đầu tư phải đến từ việc tăng giá không kể lương tăng và lạm phát.
*Ảnh: Đừng quên trừ đi phần gia tăng của lương trong gia tăng giá. Bạn sẽ ước tính chính xác hơn về một “hàng hóa”
Gửi tiết kiệm
LS gửi tiết kiệm của VN thường cao hơn lạm phát một chút. Nhưng nó không được cộng thêm bất cứ khoản nào. Tăng trưởng ròng của nó sau khi trừ lạm phát thường khoảng 1 – 2%. Nó sẽ là tăng trưởng ròng âm trong tương lai. Hiện tại, do LS gửi tiết kiệm cao hơn lạm phát, do đó bạn dễ dàng thấy:
Gửi tiết kiệm hiệu quả hơn giữ vàng, đô khi nhìn dài hạn. Vàng chỉ có thể chống lạm phát, coi như đứng im. Đô thì còn lạm phát đáng kể, chỉ ít hơn VNĐ mà thôi.
Rất nhiều vùng đất sự tăng giá chỉ tương đương với sự tăng của lương. Tức trước lương 10 triệu/năm thì đất 100 triệu. Nay lương 100 triệu/năm thì đất 1 tỷ. Tuy vậy gửi tiết kiệm sẽ không mua được mảnh đất này. Vì lương tăng bao gồm cả sự gia tăng của GDP (do công nghệ, trí tuệ) và lạm phát. Gửi tiết kiệm chỉ cân được phần lạm phát, không cân được phần lương tăng.
Sử dụng thước tiền lương
Lương hiện tại chính là con số đã bao gồm lạm phát và cả tăng trưởng GDP. Do vậy chúng loại bỏ đi hầu hết các tăng giá chung mà tất cả được hưởng. Chỉ còn lại phần tăng ròng. Sử dụng thước đo này, bạn sẽ có góc nhìn chính xác đáng kể về nguyên nhân tăng giá, mức tăng giá thực sự của các mặt hàng.
Thực chất đây chính là cách hiệu chỉnh thước tiền tệ nội địa hiệu quả nhất. Cách sơ cấp là bỏ đi lạm phát thuần túy. Cách đầy đủ và đơn giản nhất là tính thu nhập trung bình theo năm, nó đã được hiệu chỉnh cả phần tăng trưởng.
Ý nghĩa chung
Giá cả các hàng hóa có xu hướng tăng do tiền mất giá. Tuy vậy một hàng hóa tăng tốt nhất khi nó được hưởng trọn vẹn cả 3 phần:
- Hấp thụ hết lạm phát: Thường phải giới hạn hay ổn định cung: Ví dụ vàng, BĐS
- Phần tăng trưởng khi thu nhập tăng: Là nhu cầu đặc biệt thiết yếu: Ăn, ngủ, chữa bệnh
- Phần tăng do diễn biến cung cầu tự nhiên
Các hàng hóa có xu hướng rẻ đi (mặc dù theo giá tiền có thể cao lên, nhưng thực chất chúng chậm hơn lạm phát và lương thuần). Các sản phẩm công nghiệp, công nghệ sẽ ngày một rẻ và dễ tiếp cận trong tương lai. Con người, sức khỏe, và các nhu cầu cơ bản sẽ luôn tăng giá. Thậm chí ở những năm rất xa, 100 lít nước sạch có thể có giá trị hơn cả 1 cái iPhone.
Mời bạn đọc thêm một bài về chủ đề tiền tệ, rất hay và nên đọc cho tư duy của bạn: Cung ứng tiền tệ, vòng quay tiền tệ và kết quả kinh tế, giá cả
PSG – Nguyễn Hoài Phong