Câu chuyện vàng SJC chênh lệch với thế giới có lúc lên tới trên 20 tr mỗi cây. Trong bài viết này, H.P sẽ giúp bạn sáng tỏ mọi vấn đề từ a – z.
Nội dung
Nghị định 24 của CP về vàng
Đã 10 năm kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của TTCP về vàng có hiệu lực. SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia.
Bối cảnh ra đời: Nghị định được ký vào ngày 03/04/2012.
Vàng đã tạo ra 1 bong bóng lớn, đạt đỉnh vào tháng 09/2021. Giá đỉnh ở thị trường quốc tế ở mức 1923$/oz & khoảng 48 triệu ở Việt Nam. Suốt 5 – 6 tháng sau đó, vàng tiếp tục ở vùng đỉnh, hạ nhiệt so với đỉnh nhưng vẫn dao động chủ yếu vùng 1600$ – 1800$. Chỉ trong 3 năm, giá vàng quốc tế đã tăng từ $700 lên mức đỉnh đó. Nếu tính kể từ năm 2003 – 2004, chỉ mất 8 năm vàng đã tăng gấp 7 – 8 lần. Cơn sốt vàng diễn ra ở quy mô rộng, người người chơi vàng, nhà nhà chơi vàng. Nghị định 24 có mục đích quản lý và chống “vàng hóa” nền kinh tế. Hay nói cụ thể hơn, nhằm mục đích kiểm soát lại việc cả xã hội bỏ ăn bỏ làm đi mua vàng hold hoặc đổ quá nhiều tiền bạc vào vàng, 1 thứ nằm chết trong góc tủ.
Chúng ta có 2 ý lớn trong quản lý vàng:
- KHÔNG dập thêm vàng miếng, chỉ sử dụng số lượng đang có.
- KHÔNG nhập khẩu vàng nguyên liệu để dập vàng miếng.
(Link nguồn thông tin)
Nguyên nhân của sự chênh lệch giá giữa vàng SJC và vàng thông thường
Chúng ta nên so sánh vàng SJC với vàng khác cùng loại tại Việt Nam (cùng hàm lượng 9999), nó sẽ chính xác hơn so với giá vàng thế giới.
H.P đánh giá rằng sự đi xuống của thị trường vàng thế giới đã làm giảm nhu cầu của việc đầu tư trong nước hơn là tác dụng từ chính sách. Với 7 – 8 năm trầm lắng, các nhà đầu tư bắt đầu hết hứng thú với vàng. Ở thời điểm 2018 – 2019, vàng SJC đã từng xuống ngang giá với vàng 9999 thông thường từ các thương hiệu khác. Giai đoạn này, ban đầu giá vàng SJC có lệch so với vàng 9999 thông thường, nhưng sau đó cứ từ từ hạ nhiệt xuống.
Còn nhớ năm 2019, H.P dự đoán về vàng tăng và việc mua vàng trữ nhận về sự thờ ơ của rất nhiều người. Vàng lúc đó đúng nghĩa kiểu: Chả có gì hấp dẫn để chơi. Đó chính là thời điểm nhu cầu gần như ở mức thấp nhất của vàng suốt vài chục năm qua.
Vàng bước vào 1 đợt tăng mới kể từ 2019, mức giá bắt đầu chênh lệch dần với vàng thông thường. Cứ như vậy mức giá này giãn dần lên theo thời gian.
Bạn hiểu rất đơn giản như sau: Giá cả mọi mặt hàng đều do cung & cầu quyết định. Nguồn cung của vàng miếng SJC đã cố định (đọc 2 ý trong quản lý vàng phía trên). Sự thay đổi của nhu cầu sẽ tạo ra sự thay đổi về giá. Cầu tăng thì giá tăng, và cầu giảm thì giá giảm.
Có 1 câu hỏi khá buồn cười về việc “Ai đã làm giá vàng SJC lệch nhiều như vậy?”. Cầu thay đổi là hoàn toàn tự nhiên và hợp lý, cầu đổi mà cung cố định thì tất nhiên giá sẽ chênh lệch. Giá chỉ hết chênh lệch khi cung & cầu gặp nhau: Hoặc cung tăng lên (Bỏ nghị định 24) hoặc cầu giảm xuống (như cách 2018, 2019). Bạn đã có câu trả lời cho việc “Ai đã làm giá vàng chênh lệch?” rồi chứ.
Tại sao cầu vàng tăng lên đáng kể?
- Đầu tiên là việc vàng bước vào xu hướng tăng ở thị trường thế giới. Nó tạo ra các cơ hội “trade”. Nhiều người bắt đầu mua vào để chờ cơ hội ăn lãi. Bất kỳ thị trường nào: Vàng, Coin, CK, BĐS: Cứ tăng giá là có dòng tiền đổ tới, giảm giá là làng lại rút đi.
- Rủi ro về dịch bệnh khiến nhiều người chọn vàng làm phương án phòng thủ.
- Lạm phát tăng cao, người Việt Nam đặc biệt yêu thích vàng trong phòng chống lạm phát. Ngay cả suy thoái và khủng hoảng, đa phần người dân đã ăn sâu vào tâm thức là phải chọn vàng. Lí do vì sao thì bạn có thể đọc bài này: Định kiến trong tư duy tài chính. Với quá khứ siêu lạm phát, vàng đã tăng rất mạnh so với VND ở 40 năm trước.
- Các diễn biến quốc tế như cuộc chiến Nga – Ukraina khiến nhiều người đặt cửa vào sự tăng giá của vàng trong tình hình thế giới bất ổn.
Với một nguồn cung đã cố định, các lí do khiến cầu tăng ngày 1 nhiều, chênh lệch cung cầu ngày 1 lớn và tích lũy theo thời gian thì giá phải tăng.
Ngoài 4 lí do khách quan phía trên, còn 1 lí do gọi là vòng lặp: Cầu – Giá. Số người mua vàng chỉ để phòng thủ đã rất nhỏ, hầu hết những người mua vàng hiện tại với mục tiêu là để sinh ra lợi nhuận.
Vàng miếng SJC với lợi thế thương hiệu quốc gia nên nhu cầu bao giờ cũng cao hơn các loại khác. Do vậy khi giá tăng, nó đã tăng nhiều hơn vàng thông thường:
- Cầu vàng miếng SJC > Cầu vàng thông thường
- Cung SJC cố định < Cung vàng thông thường linh hoạt
Khi giá chênh đủ lớn, người đầu tư vàng miếng SJC có lợi nhuận hơn hẳn vàng thông thường. Đây chính là mấu chốt khiến cầu vàng SJC ngày càng tăng đột biến. Hãy tưởng tượng rằng nếu giá dao động như vàng thế giới hay vàng thông thường, nó không hấp dẫn lắm với các nhà đầu tư.
Thương hiệu chỉ là một lý do rất nhỏ khiến người ta chọn vàng miếng SJC. Bằng chứng là vàng nhẫn SJC (Cùng hàm lượng 9999) có giá bám rất sát vàng thế giới. Người ta không thực sự cần mua vàng, người ta muốn mua một cơ hội tăng giá. Muốn mua vàng giá rẻ, vẫn thương hiệu nhà nước SJC, vẫn vàng 9999 có vàng nhẫn đó, chỉ khác duy nhất hình tròn và vuông, nhưng không ai quan tâm cả.
Vòng lặp cứ như vậy, giá tăng tốt hơn: Cầu tăng mạnh hơn, cầu tăng mạnh giá lại tăng, giá tăng lại kích hoạt nhu cầu mua. Tiếp tới với sự trợ giúp đắc lực của truyền thông, lấy giá vàng SJC làm tiêu chuẩn. Mọi người đầu tư vàng đều mong muốn bán được giá bán của SJC.
Tưởng tượng 1 người dân ra tiệm hỏi: Bán tôi 1 cây vàng, mua xong thanh toán chỉ 52 triệu họ bảo: Vàng đểu à, trên TV vàng 66 triệu 1 cây cơ mà. Do vậy cần có loại vàng 66 triệu để bán. Doji đã tạo ra loại vàng riêng mã DOJI AVPL, vàng này luôn neo theo giá SJC. Nó không hề bị khống chế cung như vàng miếng SJC. Điều này đã tạo điều kiện cho các “trader” dễ dàng hơn trong việc giao dịch vàng theo giá SJC. Rõ ràng Doji đã sử dụng thương hiệu của mình để khai thác vào lỗ hổng. Trong khi SJC không được tăng cung, Doji đã tạo ra 1 loại vàng để bán với mức tương tự. (Trước đây còn có loại Lộc Phát Tài, Kim Thần Tài nhẫn). Hiệu quả của chính sách này phụ thuộc vào độ phủ và sự chấp nhận của người mua, mặc dù luôn được quy đổi ngang hàng, nhưng đã chấp nhận mua cao có lẽ người ta sẽ chọn SJC chính chủ.
Chênh lệch giá đã tác động tới kết quả chống vàng hóa ra sao?
Vàng thực sự không hề tăng nhanh, duy chỉ có vàng SJC tăng nhanh. Chúng ta đã kiểm soát được lượng tiền đổ vào vàng, bởi nó luôn cố định theo số lượng vàng miếng SJC đã tồn tại. Tuy vậy sự chênh giá đã khiến số tiền này cao hơn ít nhất 25 30%. Nhưng theo H.P đánh giá, chúng ta hoàn toàn không cần dùng chính sách để siết điều này. Người dân nói chung, nhà đầu tư nói riêng sẽ tự bỏ đi khi thị trường trầm lắng. Vàng ta, vàng nhẫn vẫn rất ổn định không hề tạo ra cầu đột biến, bởi “cơ hội” của vàng THẬT đã kém hơn rất nhiều. Quá nhiều thị trường khác hấp dẫn hơn so với vàng. Giờ đây người người chơi coin, chơi chứng và đi buôn BĐS hết rồi.
Nhu cầu với SJC tăng cao cũng chính bởi chính sách tạo ra vòng lặp: Cầu và giá đã nói phía trên.
Điều gì sẽ khiến sự chênh lệch giá này hạ xuống?
Khi cầu cân bằng với cung. Như đã nói phía trên, chúng ta có 4 trường hợp chủ yếu:
- Xuất hiện sự tăng trưởng của kinh tế và các thị trường hấp dẫn hơn như CK, Coin, BĐS uptrend trở lại. Nhu cầu phòng thủ ít đi, đầu tư tăng lên sẽ khiến cầu vàng giảm rất mạnh. Giữa uptrend coin và CK không lẽ đi mua vàng?
- Giá vàng thế giới xuống và duy trì ở mức thấp (vùng 1400) trong thời gian dài, thay đổi hẳn nhận thức của nhà đầu tư trong nước. Nó cũng khiến cầu giảm rất đáng kể.
- Thay đổi nghị định 24 để tăng cung hoặc thả nổi cung. Không cần xóa bỏ thương hiệu quốc gia, chỉ cần tăng cung thì giá lập tức về đúng chỗ của nó.
- Giảm cầu thông qua các biện pháp truyền thông hoặc giải pháp cộng đồng (Ví dụ liên tục đưa ra các rủi ro về lệch giá vàng SJC, các diễn biến khiến tính cơ hội khi đầu tư SJC giảm xuống).
Nếu vàng thế giới đi xuống đủ sâu, bạn đặt cửa vào SJC bạn sẽ lỗ cả phần giá giảm và phần chênh lệch. Còn khi chưa có sự thay đổi chính sách, nếu có những đợt sóng fomo vàng, SJC sẽ luôn tăng nhanh hơn bởi cung của nó là giới hạn. Tăng nhiều hơn, giảm cũng mạnh hơn khi xu hướng đủ dài và rõ nét.
Lời kết
Giá là do cung cầu quyết định. Người ta cứ đi tìm nguyên nhân, thủ phạm khiến giá vàng chênh lệch mà không thấy nó sờ sờ trước mắt. Sự can thiệp vào nguồn cung chính là nguyên nhân gốc rễ gây ra sự chênh lệch này.
Việc can thiệp bằng chính sách có vẻ không còn quá quan trọng vào lúc này. Chúng ta đã từng có những giai đoạn phải chống vàng hóa, đô la hóa rất quyết liệt. Người người rủ nhau tích vàng, tích đô. Sự ổn định của nền kinh tế, tính cơ hội từ các lĩnh vực đầu tư khác sẽ khiến người ta từ bỏ ôm vàng ôm đô mà chẳng cần sự cấm đoán nào.
Cơ hội sẽ là rất tuyệt vời nếu thỏa mãn 2 yếu tố: Giá vàng SJC và vàng ta ít chênh lệch. Yếu tố thứ 2 chính là vàng thế giới vẫn phải tăng, tức nhu cầu thực tế của vàng tăng đáng kể. Bạn sẽ được hưởng lợi cả phần tăng giá và phần tăng do khan hiếm cung. Hiện tại, mọi thứ đang không thuận lợi: Chênh lệch giá cao và vàng chưa có tín hiệu gì của 1 đợt tăng giá lớn. Chiến tranh là hi vọng duy nhất cho vàng, và tốt nhất nó không nên xảy ra.
Hoài Phong