Lý thuyết sóng Elliott là một trong những chỉ báo trong phân tích kỹ thuật được nhiều trader sử dụng bên cạnh lý thuyết Dow. Vậy sóng Elliott là gì và cách sử dụng sóng Elliott trong giao dịch như thế nào để đạt hiệu quả thì mời các bạn xem chi tiết dưới đây.
Nội dung
- 1 Sóng Elliott là gì?
- 1.1 Nguồn gốc của lý thuyết sóng Elliott
- 1.2 Sóng Elliott có ý nghĩa là gì?
- 1.3 9 cấp độ của sóng Elliott
- 1.4 Cấu trúc của sóng Elliott trong chu kỳ tăng hoặc giảm
- 1.5 Quy tắc tính chu kỳ sóng Elliott
- 1.6 Các biến thể sóng Elliott nâng cao phổ biến nhất
- 1.7 Kinh nghiệm & cách giao dịch với mô hình sóng Elliott
Sóng Elliott là gì?
Nguồn gốc của lý thuyết sóng Elliott
Lý thuyết sóng Elliott được lấy từ tên của người đã tạo ra nó – Ralph Nelson Elliott (1871 – 1948) vào những năm 1930. Ông được biết đến là một vị kế toán viên chuyên nghiệp của nước Mỹ.
Sau nhiều năm làm việc với các con số, ông nhận thấy những biến động trên thị trường không phải lúc nào cũng hỗn loạn mà nó có chu kỳ tuần tự theo tâm lý của con người. Đó là sự luân phiên của thị trường khi tăng giá, giảm giá tạo thành các đợt sóng nhấp nhô.
Trên thực tế khi ông công khai lý thuyết này ra bên ngoài, nhiều người vẫn còn khá nghi ngờ. Cho tới khi có sự góp sức của A. J. Frost và Robert R. Prechter vào những năm 1970 thì lý thuyết này mới hoàn thiện và được sự công nhận từ nhiều nhà đầu tư.
Sóng Elliott có ý nghĩa là gì?
Sóng Elliott thể hiện lại diễn biến tâm lý lặp đi lặp lại của đám đông qua các mẫu sóng tăng giảm tuần tự. Diễn biến tâm lý đám đông đó là sợ hãi, lòng tham, hy vọng và sự cố chấp.
Khi phân tích kỹ thuật, nếu nắm bắt được từng mô hình của sóng Elliott, nhà đầu tư sẽ có thể biết thị trường đang ở diễn biến nào, xu hướng giá tiếp theo là gì và đưa ra quyết định mua vào hay bán ra nhằm thu về lợi nhuận cao nhất có thể.
Thị trường mà không có sự chuyển động tăng giá hay giảm giá thì chỉ là thị trường “chết”. Ralph Nelson Elliott đã nói.
Lý thuyết sóng Elliott có thể áp dụng vào thị trường forex, chứng khoán, crypto, vàng…miễn là có sự biến động lên xuống.
9 cấp độ của sóng Elliott
Sóng Elliott được chia ra làm 9 cấp độ khác nhau, mỗi cấp độ sẽ được áp dụng vào từng khung thời gian cụ thể cho phù hợp.
-
Subminuette: chỉ trong vòng vài phút
-
Minuette: kéo dài trong vài giờ
-
Minute (khá nhỏ): kéo dài trong vài ngày
-
Minor (nhỏ): kéo dài trong khoảng vài tuần
-
Intermediate (trung cấp): từ vài tuần đến vài tháng
-
Primary (sơ cấp): từ vài tháng đến 1 hoặc 2 năm
-
Cycle (chu kỳ): kéo dài từ một năm đến vài năm
-
Super Cycle (chu kỳ lớn): kéo dài vài thập kỷ
-
Grand Supercycle (siêu chu kỳ lớn): thời gian kéo dài đến cả thế kỷ
Cấu trúc của sóng Elliott trong chu kỳ tăng hoặc giảm
Cấu trúc của sóng Elliott dù ở chu kỳ tăng hay giảm thì cũng có 8 sóng, bao gồm 2 mô hình chính đó là:
– Mô hình sóng động lực (Impulse Waves): các sóng từ 1 đến 5
– Mô hình sóng điều chỉnh (Corrective waves): các sóng A, B, C
- Ở chu kỳ sóng Elliott tăng, mô hình sóng động lực là pha tăng, mô hình sóng điều chỉnh là pha giảm.
- Ở chu kỳ sóng Elliott giảm, mô hình sóng động lực là pha giảm còn mô hình sóng điều chỉnh là pha tăng.
Cấu trúc chu kỳ sóng Elliott ở xu hướng tăng (bên trái)
Ở xu hướng tăng, chu kỳ sóng Elliott có 5 sóng thuộc pha tăng trong đó có sóng 1, sóng 3 và sóng 5 là những sóng tăng còn sóng 2 & 4 là những sóng giảm.
3 sóng còn lại ký hiệu A, B, C (các sóng trong mô hình sóng điều chỉnh) sẽ thuộc pha giảm với sóng A & C là sóng giảm còn sóng B là sóng tăng.
Ngược lại với xu hướng tăng, chu kỳ sóng Elliott trong xu hướng giảm có 5 sóng thuộc pha giảm (mô hình sóng động lực) trong đó có sóng 1, sóng 3 và sóng 5 là những sóng giảm còn sóng 2 & 4 là những sóng tăng.
3 sóng còn lại ký hiệu A, B, C (mô hình sóng điều chỉnh) sẽ thuộc pha tăng với sóng A & C là sóng tăng còn sóng B là sóng giảm.
Quy tắc tính chu kỳ sóng Elliott
Có 3 quy tắc cần nhớ để xác định chu kỳ sóng Elliott đó là:
+ Quy tắc 1: Sóng 3 luôn có chiều dài nhất trong 3 sóng đẩy 1, 3 và 5.
+ Quy tắc 2: Sóng 2 không được lui xuống thấp hơn điểm khởi đầu của sóng 1.
+ Quy tắc 3: Đáy của sóng 4 không được chạm tới đỉnh sóng 1.
Quy tắc là vậy nhưng cũng có những trường hợp sóng Elliott không đi theo quy tắc và xuất hiện những mẫu hình sóng nâng cao. Vậy những mẫu hình sóng Elliott nâng cao là gì, có quy luật như thế nào thì chúng ta hãy tới phần tiếp theo.
Các biến thể sóng Elliott nâng cao phổ biến nhất
Hai mô hình sóng của sóng Elliott là mô hình sóng động lực và mô hình sóng điều chỉnh lại có những phiên bản khác nhau, phức tạp hơn. Những phiên bản này sát với thực tế và có vô số dạng mẫu hình của sóng Elliott nhưng phổ biến nhất vẫn là các mẫu hình như:
Với mô hình sóng động lực (impulse waves):
- Extension (mẫu hình sóng mở rộng)
- Diagonal Triangle (Sóng tam giác chéo)
- Leading Diagonal Triangle (sóng chéo khởi đầu)
- Ending Diagonal Triangle (sóng chéo kết thúc)
- Failed 5th (Thất bại sóng 5) hay Truncated 5th (mẫu hình cụt sóng 5)
Với mô hình sóng điều chỉnh (corrective waves):
- Mẫu hình Zigzag
- Mẫu hình sóng điều chỉnh Flat
- Mẫu hình sóng Tam giác (Triangle)
- Mẫu hình tam giác hội tụ
- Mẫu hình tam giác mở rộng (phân kỳ)
Các mẫu hình sóng nên nhớ của mô hình sóng động lực
1. Mẫu hình sóng mở rộng (Extension Waves)
Mẫu hình sóng mở rộng Extension sẽ có những trường hợp mở rộng sóng 1, sóng 3 hoặc sóng 5 nhưng thường là mở rộng sóng 3. Các sóng Elliott khi mở rộng lại có những trường hợp mở rộng 1 lần, mở rộng 2 lần thậm chí là 3 lần.
Dưới đây là ví dụ mẫu hình sóng 3 mở rộng 1 lần và 2 lần.
Mẫu hình sóng 3 mở rộng 1 lần
Cấu trúc sóng: 5-3-5-3-5-3-5-3-5
Mẫu hình sóng 3 mở rộng 1 lần sẽ bao gồm 9 sóng nhỏ tạo thành và mẫu hình mở rộng này cũng phải tuân theo quy luật của mô hình sóng động lực.
Mẫu hình sóng 3 mở rộng 2 lần
Cấu trúc sóng: 5-3-5-3-5-3-5-3-5-3-5-3-5
Mẫu hình sóng 3 mở rộng 2 lần sẽ bao gồm 13 sóng nhỏ tạo thành, các bạn có thể nhìn hình bên phải để dễ tưởng tượng hơn.
2. Mẫu hình sóng tam giác chéo (Diagonal Triangle)
Mẫu hình sóng tam giác chéo Diagonal Triangle được tạo thành khi nối đỉnh và đáy các bước sóng lại để tạo thành một hình tam giác, xu hướng hội tụ ở sóng 5.
Cấu trúc sóng tuân theo quy luật: sóng 1, 3, 5 theo kiểu Zigzag và sóng 3 là sóng dài nhất.
Mẫu hình sóng chéo kết thúc (Ending Diagonal Triangle)
Cấu trúc sóng: 3-3-3-3-3
Mẫu hình này thường xuất hiện ở sóng 5 hoặc sóng C, thỉnh thoảng có ở sóng 1.
Mẫu hình sóng chéo khởi đầu (Leading Diagonal Triangle)
Cấu trúc sóng: 5-3-5-3-5
Mẫu hình sóng này thường gặp ở sóng 1 hoặc sóng A.
3. Mẫu hình thất bại/cụt sóng 5 (Failed 5th hay Truncated 5th)
Đây là một phiên bản khác của mô hình sóng động lực, mẫu hình thất bại/cụt sóng 5 có 4 sóng đầu vẫn tuân theo cấu trúc của sóng động lực nhưng đỉnh sóng 5 lại không thể vượt qua khỏi đỉnh của sóng 3.
Các mẫu hình sóng nên nhớ của mô hình sóng điều chỉnh
1. Mẫu hình sóng Zigzag
Mẫu hình sóng Zigzag có 2 đường xu hướng đi qua các đỉnh và đáy song song với nhau. Cấu trúc của mô hình Zigzag là 5-3-5.
Quy tắc của mẫu hính sóng Zigzag:
- Sóng B có chiều dài không quá 61.8% chiều dài của sóng A
- Điểm kết thúc của sóng C phải thấp hơn điểm kết thúc của sóng A
- Sóng A và C thường có chiều dài bằng nhau
2. Mẫu hình sóng phẳng Flat
Mẫu hình sóng Flat có 3 loại chính đó là:
- Regular Flat: đường nối đỉnh và đáy các sóng A, B, C nằm song song nhau theo chiều ngang
- Expanded Flat: đỉnh B cao hơn đáy A còn đáy C lại thấp hơn đỉnh A
- Running Flat: đáy C cao hơn đỉnh A
Ngoài ra còn có thêm loại Elongated Flat với sóng C rất dài so với sóng A.
3. Mẫu hình sóng tam giác Triangle
Khi nối các đỉnh và đáy của mẫu hình sóng lại với nhau sẽ tạo thành xu hướng hình tam giác, tam giác này có thể hội tụ hoặc phân kỳ. Ví dụ dưới đây là tam giác hội tụ ở xu hướng tăng (bên trái – Bull Market) và tam giác hội tụ ở xu hướng giảm (bên phải – Bear Market).
Mẫu hình sóng điều chỉnh tam giác gồm năm sóng phụ A, B, C, D và E có cấu trúc 3-3-3-3-3. Thường mẫu hình sóng tam giác sẽ xuất hiện trong sóng 4 trong mô hình sóng đẩy hoặc sóng B trong mô hình sóng điều chỉnh dạng ZigZag.
Kinh nghiệm & cách giao dịch với mô hình sóng Elliott
Sau đây là những kinh nghiệm giao dịch với mô hình sóng Elliott bạn nên nhớ:
-
Xác định thị trường đang ở sóng thứ mấy: cần nhớ quy tắc đếm sóng khi áp dụng trong giao dịch để đạt hiệu quả: sóng 3 luôn là sóng dài nhất, sóng 2 điều chỉnh không thể vượt quá điểm bắt đầu của sóng 1. Sóng 4 không đi vào vùng của sóng 1.
-
Kết hợp sử dụng sóng Elliott và dãy số Fibonacci để phán đoán được hướng di chuyển tiếp theo của thị trường cũng như biên độ biến động của thị trường để có xác định nên giao dịch thế nào cho hiệu quả nhất.
-
Mô hình sóng Elliott sẽ đúng hơn khi áp dụng vào khung thời gian dài
-
Theo dõi khối lượng giao dịch khi bắt gặp mô hình sóng Elliott, nếu khối lượng giao dịch gia tăng thì mô hình sóng elliott sẽ chính xác hơn.
-
Khi đã xác định được mô hình sóng Elliott, hãy vẽ các đường nối đáy và đỉnh của các sóng nhỏ để xác định kênh giá cho chuẩn.
Ví dụ hướng dẫn giao dịch theo sóng Elliott: đây là ví dụ về sự xuất hiện của mô hình sóng Elliott trong Forex (tỷ giá USD/JPY). Ví dụ như khi đã hoàn thành sóng 3 và bạn nhận ra thị trường đang trong xu thế của sóng 4, thì bạn có thể đợi khi xuất hiện đáy của sóng 4 rồi tiến hành mua vào và bán ra ở đỉnh của sóng 5.
Hoặc với trường hợp bạn đếm được sóng đang tiếp diễn đỉnh B thì bạn có thể bán ngay để take profit hoặc chờ đợi sang đợt sóng Elliott tiếp theo thay vì mua vào.
Cuối cùng, mong rằng qua đây bạn đã hiểu sóng Elliott là gì và làm sao để xác định được thị trường đang ở diễn biến nào. Thực sự để hiểu hết lý thuyết sóng Elliott là gì thì không phải chỉ đọc là có thể nhớ được, vậy nên các bạn cần thực hành vào giao dịch thực tế để kiểm nghiệm cũng như tích lũy kinh nghiệm cho lần sau. Hy vọng thông tin này giúp ích được cho bạn. Chúc các bạn thành công.