Mô hình vai đầu vai ngược là một mô hình giá đã đánh lừa rất nhiều trader (lý do tại sao mình sẽ nói rõ ở dưới đây). Tuy nhiên, nếu được giao dịch đúng cách, nó sẽ giúp bạn xác định được các giao dịch đột phá (breakout) có xác xuất cao, bắt đầu được xu hướng, thậm chí là dự đoán đước các “đáy” thị trường trước thời hạn.
Cụ thể mô hình vai đầu vai ngược là gì, nên vận dụng như thế nào cho chính xác. Hãy cùng đi tìm hiểu với chúng mình nhé.
Nội dung
Hướng dẫn về mô hình vai đầu vai ngược
Mô hình vai đầu vai ngược là gì?
Mô hình vai đầu vai ngược là một mô hình tăng giá, thể hiện rằng lực mua đang rất mạnh, và giá có khả năng tăng lên mức cao hơn. Còn về hình dạng, đúng như tên gọi của nó, mô hình này sẽ giống như vai – đầu – vai, nhưng bị lộn ngược xuống.
Cụ thể, trông mô hình vai đầu vai trong sách vở sẽ giống thế này:
Còn trong thực tế thì nó không được đẹp như vậy, nhưng cũng na ná như hình bên dưới:
Mô hình vai đầu vai ngược là nghịch đảo của mô hình vai đầu vai.
Ý nghĩa của mô hình vai đầu vai ngược
Vậy bạn có thắc mắc rằng tại sao lại hình thành được mô hình vai đầu vai ngược không?
Mình chỉ muốn nói rằng, bất cứ mô hình giá nào cũng phản ánh hành động của người bán – người mua trên thị trường. Nếu nhìn vào mô hình, bạn hiểu được bên bán hay bên mua đang chiếm ưu thế, thì đảm bảo bạn đã hiểu 50% về các mô hình giá rồi.
Với mô hình vai đầu vai, ý nghĩa của chúng như sau:
- Vai trái: Sau một đợt giảm giá do người bán chốt lời, thì lực mua tăng lên, bởi người mua thấy giá rẻ nên muốn tham gia vào thị trường.
- Đầu: Khi giá đẩy lên một mức cao mới, phe bán lại mạnh hơn nên giá bị đẩy xuống thấp hơn. Tuy nhiên lại có một lượng mua mạnh tiếp tục mua vào khi giá xuống, khiến giá lại đẩy lên cao.
- Vai phải: Khi giá chạm đến vai phải, lực bán đã ít đi, nên giá không còn bị đẩy xuống thấp nữa. Thay vào đó, bên mua vẫn đang lấn áp, nên giá sẽ tiếp tục đẩy lên cao, rồi chạm tới mức kháng cự.
=> Và nếu giá vượt qua ngưỡng kháng cự (đường viền cổ), hoặc mọi người thường gọi là “vượt cản”, thì mô hình Vai – Đầu – Ngược được “xác nhận”, và thị trường sẽ có khả năng cao là sẽ tăng giá mạnh.
Sai lầm về mô hình vai đầu vai ngược cần phải tránh
Có phải bây giờ bạn sẽ nghĩ: “Dễ quá, vậy thì cứ đợi khi nào giá breakout qua khỏi viền cổ, tôi sẽ mua vào“.
Tuyệt đối KHÔNG nhé. Bởi đây chính là cái bẫy mà rất nhiều bạn mắc phải.
Thực ra, về lý thuyết, nó không sai. Nhưng chưa đủ, bởi thị trường phức tạp hơn bạn nghĩ rất nhiều.
Vấn đề nằm ở chỗ “thời gian hình thành mô hình vai đầu vai ngược“. Hãy nhớ rằng, nếu thời gian hình thành mô hình ngắn thì xác suất nó là mô hình lỗi rất cao. (Đặc biệt là khi bạn đang ở trong một xu hướng mạnh).
Nó giống như việc một đoàn tàu đi với vận tốc 300km/giờ, và một chiếc ô tô đi với vận tốc 50k/giờ, thì ai sẽ là người thắng?
Ví dụ như hình dưới đây, một mô hình vai đầu vai “nhỏ” trong một xu hướng giảm:
Bạn thấy đấy, dù có xuất hiện mô hình vai đầu vai ngược, giá cũng breakout qua khỏi kháng cự, nhưng rồi thị trường vẫn đi theo xu hướng giảm, đúng không?
Vì vậy, mô hình vai đầu vai ngược chỉ hiệu quả khi thời gian tạo ra mô hình đủ lớn, mới có thể đảo chiều được xu hướng.
Nên giao dịch mô hình vai đầu vai ngược khi nào?
Giờ bạn sẽ tự hỏi, vậy mô hình vai đầu vai ngược nên được áp dụng vào lúc nào?
Mình muốn chia sẻ rằng, bạn có thể có hai mô hình vai đầu vai ngược giống nhau, nhưng có một mô hình có xác suất thành công cao hơn. Nó sẽ phải đáp ứng đủ các điều kiện:
-
Thị trường đang ở trong xu hướng tăng dài hạn.
-
Giá nằm ở vùng hỗ trợ tại khung thời gian cao hơn.
-
Mô hình được hình thành bởi càng nhiều thanh nến càng tốt.
Để mình giải thích chi tiết từng cái nhé:
Thứ 1: Thị trường ở trong xu hướng tăng
Như bạn đã tìm hiểu về mô hình vai đầu vai ngược là gì, thì đây chính là một mô hình tăng giá.
Và khi bạn giao dịch mô hình vai đầu vai ngược trong một xu hướng tăng => Bạn càng tăng thêm tỷ lệ chiến thắng của mình. Ví dụ:
Thứ 2: Xuất hiện ở vùng hỗ trợ của khung thời gian cao hơn
Nếu bạn đang xem ở một khung thời gian cao (ví dụ khung 1 ngày), thấy giá đang dao động quanh vùng hỗ trợ.
=> Hãy chuyển khung thời gian về 4h hoặc 2h, nếu thấy xuất hiện mô hình vai đầu vai ngược, thì tỷ lệ giá sẽ tăng tiếp là rất cao.
Ví dụ: Ở khung thời gian 1 ngày, giá dao động quanh vùng hỗ trợ:
Còn chuyển qua khung thời gian 2 giờ, sẽ thấy hình thành một mô hình vai đầu vai ngược:
Thứ 3: Mô hình được hình thành bởi nhiều thanh nến
Ở phần trên mình đã nói, nếu mô hình vai – đầu – vai ngược nhỏ, thời gian hình thành ngắn thì nó có nhiều khả năng vị vô hiệu hóa trước một xu hướng giảm mạnh.
Để khắc phục điều này, hãy tìm một mô hình được hình thành bởi ít nhất 100 cây nến.
Tại sao lại như vậy?
-
Bởi thời gian càng lâu, nhiều lệnh dừng vị thế sẽ tích lũy ở trên được neckline từ những người đánh SHORT (làm tăng lượng mua vào).
-
Hoặc thị trường càng lâu, thì khu vực “cản” càng được nhiều người nhìn thấy, nên khi giá break ra khỏi kháng cự, nhiều người cho rằng nó sẽ bắt đầu một xu hướng tăng mới, nên ào ạt mua vào.
=> Tất cả điều này sẽ tạo động lực để giá bật tăng mạnh, đánh dấu sự kết thúc của một xu hướng giảm và bắt đầu một xu hướng tăng mới.
Ví dụ:
Cách giao dịch mô hình vai đầu ngược chuẩn xác nhất
Trước khi đi sâu vào phần này, mình muốn nhấn mạnh rằng:
Không phải tất cả các mô hình vai đầu vai ngược đều giống nhau.
Quan trọng nhất chỉnh là “vai phải” được hình thành như thế nào. Dựa vào nó, bạn mới có thể quyết định xem mình nên giao dịch ra sao, nên vào lệnh ngay khi breakout, hay đợi những tín hiệu pullback?
A – Nếu vai phải dài, KHÔNG mua khi giá breakout
Bởi vì lúc này, giá đã tăng một khoảng mạnh và đi một khoản cách xa từ mức thấp của vai phải đến vùng kháng cụ (và quá trình này nó cũng thu hút nhiều người mua tham gia trên đường nó di chuyển).
=> Thị trường sẽ phải đối mặt với áp lực bán do chốt lời (từ người mua), đặc biệt, các trader lại càng muốn bán ở vùng xung quanh kháng cự.
Chính điều này sẽ áp lực bán mạnh dẫn đến giảm giá.
B – Tìm tín hiệu tích lũy ở vùng vai phải
Cách giao dịch mô hình vai đầu vai ngược tốt nhất là, tìm những tín hiệu tích lúy (có nghĩa là giá dao động nhẹ, xuất hiện một loạt các cây nến nhỏ).
Để mình giải thích:
-
Khi bạn thấy sự tích lũy tại vùng kháng cự, nó cho bạn biết có lực mua sẵn sàng mua ở mức giá cao hơn (bất chấp việc chốt lời và bán khống).
-
Ngoài ra, các trader đánh Short họ thường đặt cắt lỗ trên Kháng cự. Và khi giá vươt qua khỏi kháng cự, lệnh cắt lỗ của phe Short sẽ được kích hoạt (tăng lượng mua vào).
=> Giá có đầy đủ yếu tố để được đẩy lên mức cao hơn nữa.
Hơn nữa, khi có tín hiệu tích lũy, bạn có thể đặt Stop Loss ở phía dưới vùng tích lũy, nó vừa an toàn và bạn sẽ hạn chế được phần nào rủi ro.
C – Chờ đợi tín hiệu retest tại vùng kháng cự
Cái này dành cho bạn nào không kịp vào lệnh lúc mô hình vừa đột phá (breakout).
Lúc này, bạn hãy đợi một tín hiệu retest lại vùng kháng cự cũ (nay là hỗ trợ mới). Việc bạn cần làm:
- Khi giá retest lại kháng cự cũ, hãy tìm một mô hình nến tăng giá để tìm điểm vào lệnh, ví dụ Hammer , Bullish Engulfing, v.v.
- Nếu bạn đã đặt lệnh, thì hãy đặt lệnh cắt lỗ của bạn 1 ATR, dưới vùng hỗ trợ.
D – Chờ đợi 1 tín hiệu pullback để vào lệnh
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng giá sẽ retest là như mục C để bạn vào lệnh. Nhưng vẫn có 1 cách để bạn tham gia thị trường, đó là chờ một nhịp pullback đầu tiên.
Lúc này, các trader đã “bỏ lỡ tín hiệu” giống bạn, cũng đang háo hức muốn tham gia vào thị trường. Vì vậy chỉ cần xuất hiện pullback, thì chắc hẳn lực mua sẽ rất nhiều, khiến giá đẩy lên cao hơn.
Tuy nhiên, để áp dụng đúng nhất, thì bạn cần làm theo thứ tự:
- Nếu bạn bỏ lỡ sự bứt phá của mô hình vai đầu vai ngược, thì đừng cố đu lệnh theo. Thay vào đó, hãy đợi giá giảm xuống.
- Tốt nhất là tìm tín hiệu pullback nông, với các nến có phạm vi nhỏ (thường không vượt quá 20MA)
- Nếu vào lệnh, hãy đặt lệnh Stop Loss ở dưới pullback 1 ATR.
TÓM LẠI:
Dưới đây là những gì mình muốn bạn nắm được:
- Mô hình vai đầu vai ngược là một mô hình tăng giá.
- Nếu nằm trong xu hướng giảm mạnh, mô hình này dễ thất bại.
- Ưu tiên tìm những mô hình vai đầu vai ngược có thời gian hình thành lâu.
- Nên giao dịch với mô hình này khi: (1) xu hướng tăng, (2) nằm ở hỗ trợ của khung thời gian cao, (3) hình thành từ hơn 100 thanh nến.
- Hiểu được cách giao dịch với vai đầu vai ngược: (A) không giao dịch khi vai phải quá dài, (B) tìm tín hiệu tích lũy, (C) tìm tín hiệu tích lũy, (D) tìm tín hiệu pullback.
Trên đây là những hướng dẫn của chúng mình về mô hình vai đầu vai ngược. Mong rằng qua bài viết này, bạn sẽ biết cách sử dụng mô hình này nhuần nhuyễn nhất. Nếu còn có gì thắc mắc, hãy để lại bình luận bên dưới để chúng mình giải đáp nhé. Chúc bạn trở thành một nhà giao dịch thành công.