“Thật là óc chó” – Đó là phát biểu của tôi về kinh tế giai đoạn này và tiếp theo nói chung. Có câu thương trường như chiến trường, trong bài viết dưới đây tôi sẽ làm sáng tỏ quan điểm của mình về 03 vấn đề sau:
- Tình hình kinh tế hiện tại.
- Dự báo về diễn biến kinh tế tương lai
- Giải pháp nào cho chúng ta.
Tiếp tục series kinh tế từ đại học Harvard. Vốn dĩ tên trường này được đặt bằng tên của một linh mục dạy Tiếng Anh ở đây (John Harvard), là ân nhân với ngôi tường này từ thế kỷ 17. Nhưng ở đó bạn sẽ được học thêm rằng Harvard với Harvest cũng nhiều nét giống nhau lắm. Nhân giới thiệu về trường Harvard, chúng ta học về: Giai đoạn thu hoạch hay Harvesting Time.
Việt Nam có câu “Con gì nuôi mà chả để thịt” thì trong kinh tế cũng vậy, dù là trồng rau, trồng lúa mì hay trồng rừng đều sẽ phải tới ngày thu hoạch. Và chúng ta đang nằm trong giai đoạn thu hoạch đó.
Nếu nói về kinh tế, Trung Quốc và Mỹ như những đại dương, còn VN mới chỉ là cái hồ nhỏ. Những con sóng ở biển mới làm được lật thuyền, còn trên hồ có chăng cũng chỉ là sự chao đảo. Nhưng ngoài biển mà sóng thần thì trong hồ cũng không bao giờ tĩnh lặng. Đó là bởi kinh tế toàn cầu giờ đây đã móc nối với nhau thành những sợi dây liên kết vô cùng chồng chéo.
Chúng ta đi vào dữ kiện đầu tiên, đó là cục dự trữ liên bang Mỹ Fed bơm tiền vào kinh tế với tốc độ bàn thờ. Số tiền ước tính khoảng gần 4K tỷ đô, so với tổng cung M2 hiện tại 19.086 tỷ đô thì chúng ta đã có tỉ lệ được bơm ra riêng năm 2020 chiếm 19.8% tổng cung hiện tại. Nó cũng bằng 24.7% tổng cung tiền trước đó. Để hiểu rõ hơn tỷ lệ này có thể diễn giải như sau: Tỉ lệ bơm tiền của 1 năm qua bằng 1/5 tất cả các năm trước đây cộng lại. Hoặc 1 năm nay bơm thêm bằng 10 năm gần đây nhất cộng lại. Tiền như lá đa chính xác là từ để diễn tả tình trạng lúc này.
Nhưng Mỹ in tiền thì ảnh hưởng gì tới chúng ta? Mỹ vui buồn thôi đều ảnh hưởng tới toàn cầu chứ đừng nói in tiền ở quy mô khủng khiếp thế kia. Trong đó các ảnh hưởng nhất bao gồm:
- Tác động tới tỉ giá tiền, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu. Tỉ giá đô cũng sẽ ảnh hưởng tới quyết định của NHNN VN do VN còn thêm khoản vay & trả lãi phải TT bằng USD.
- Sự thay đổi của thị trường CK Mỹ kéo theo xu hướng chung toàn cầu. Mình VN không có cửa tạo xu hướng hay ngược chiều thế giới.
- Các loại hình tài sản khác như vàng, bitcoin sẽ biến động mạnh, và dù bạn ở VN thì giá của 2 tài sản này vẫn thay đổi cùng xu thế theo thế giới.
- Cuối cùng toàn bộ các yếu tố trên sẽ ảnh hưởng tới sản xuất và kinh doanh, BĐS.
BĐS thay đổi, SX kinh doanh thay đổi, vàng, bitcoin, ck biến động nếu vẫn không ảnh hưởng chút gì tới bạn thì bạn đã đạt mức tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Vậy cụ thể hơn, sự ảnh hưởng này ra sao?
Chúng ta đã bị đưa vào thế “chiếu” (Sách kinh tế nhập môn, khoa QTKD Harvard trang 272: Checkmate). Tức là bạn hành động cũng chết, bạn không hành động cũng chết, và chỉ là chết ít hay nhiều. Đó là lí do tôi đã đưa ra câu phát biểu ngày phía đầu bài.
Nếu bạn hành động ngay, bạn chuyển sang nắm giữ một loại tài sản thì bạn phải biết rằng chúng đang bước vào bong bóng. Sự tăng trưởng ở đây là dùng thuốc, không phải cơ thể đang khỏe mạnh. Bạn sẽ được nếm trải cảm giác giàu có vô cùng nhanh chóng, cảm giác hân hoan và nhanh chóng kẹt lại trong đó và trở nên nghèo khó.
Như vậy dù thế nào phần lớn xã hội trong giai đoạn tới sẽ bước vào hoàn cảnh đầy nghiệt ngã. Vậy lựa chọn nào cho chúng ta?
Bạn có 2 lựa chọn, cái này tùy vào chiến lược cá nhân bạn mà chọn:
Lựa chọn an toàn: Đây là giải pháp bảo toàn tài sản, không mong sinh lời chỉ mong đừng bị hụt hơi quá lớn khi những dòng tiền khổng lồ được bơm ra. Bạn chỉ cần mua vào vàng vật chất và nắm giữ cho tới thời điểm các loại hình tài sản khác lao dốc hoặc lãi suất tiết kiệm tăng mạnh trở lại hoặc vàng cũng đạt đỉnh rất khá thì chuyển đổi. Về cơ bản bạn sẽ không bị lỗ với lựa chọn này.
Lựa chọn thử thách: Đây là giải pháp bạn bơi theo cá mập. Bạn có nguy cơ chết chìm, nhưng cơ hội giàu sang cũng ổn. Cụ thể hơn, bạn phải chuyển sang nắm giữ các tài sản được bơm thổi giai đoạn này mà cụ thể là CK hay BTC. Sau đó nhanh chóng tìm cách chốt lời và trở về trú ẩn ở vàng hoặc tiền mặt. Không thể mãi say sưa trong đó, bạn sẽ bị luộc chín. (Lưu ý: Nó không có nghĩa là chúng ta sẽ mua vào hôm nay, mà có nghĩa là giai đoạn này, vị thế chính xác nên sử dụng PTKT).
Bạn có thể xem minh họa đồ thị các chiến lược dưới đây:
- Số 1 là người không làm gì cả, cứ tiếp tục giữ tiền.
- Số 2 là người chuyển sang nắm giữa vàng
- Số 3 là người mua CK và Bitcoin giai đoạn đầu.
- Số 4 là người thoát khỏi thị trường trở về với tiền mặt hoặc vàng
- Số 5 là người sẽ mắc kẹt lại.
- Số 6 là những người đầu tư BĐS, họ sẽ thực sự rẽ hướng khi lãi suất ngân hàng tăng trở lại.
- Số 7 là dành cho người sử dụng vốn của mình, rẽ nhành từ số 6.
- Số 8 là các trường hợp vốn vay, 1 trường hợp khác của số 6.
Chúng ta sẽ có rất đông số 1 và 5, hiếm hơn số 2 & 4. Đặc biệt số 4 là trường hợp sẽ rất hiếm, hầu hết trong cơn say họ sẽ biến thành số 5. Còn số 2 thì chắc quá lên chỉ tăng nhẹ, thuận ra là khá chứ không đột phá được. Số 1 tuy chả làm gì nhưng vẫn đỡ hơn “phá hại” (số 5) ở kết quả cuối cùng.
HP giải thích thêm vì sao BĐS lại xảy ra cái số 7 & 8. Lãi suất sẽ sớm tăng trở lại sau 2 3 năm, cũng là lúc ưu đãi ngân hàng vừa hết. Lãi suất thả nổi bằng lãi huy động + 3 – 4%/năm nó sẽ dẫn tới hậu quả kia thôi. Lúc đó mà đóng lãi BDS tầm 14%/năm thì thấm lắm đấy. Còn tiền của mình thì đơn giản rồi, nó đủ an toàn và rất lành.
Nhưng dù sao đây vẫn chỉ là nhận định cá nhân của HP. Bạn cứ tự đánh giá và đưa ra quyết định cho riêng mình nhé.
Bơm tiền ảnh hưởng tới kinh tế ra sao?
Bơm tiền là một hoạt động trong chính sách tiền tệ. Có thể kể tới cách chính sách về:
- Tỷ giá, mức giá: Thứ mà bạn thường thấy nhất trên báo đài về việc TQ và Nhật giữ đồng nội tệ thấp để đẩy mạnh xuất khẩu.
- Thay đổi tổng cung (Bơm tiền là cái này)
- Bản vị (Nổi bật là bản vị vàng, Đã bỏ ở tất cả các quốc gia)
- Cố định giá (Ví dụ các quốc gia cố định theo USD với tỉ giá bất biến)
- Lạm (giảm) phát.
Các chính sách tiền tệ đều tác động mạnh mẽ tới đời sống toàn xã hội. Cha mẹ của các bạn sẽ chưa quên giai đoạn đổi tiền và các bạn có lẽ cũng sẽ nhớ một chút về giai đoạn lạm phát mạnh của VN gần 2 thập kỷ trước.
Để nói về tác động của việc bơm tiền ra thị trường bạn hiểu đơn giản như sau: Số tiền trong túi bạn sẽ tự nhiên ít đi (về mặt giá trị) khi tổng cung toàn bộ số tiền tăng đột biến. Về lí thuyết số tiền này không phải dùng để chia đều nhau, bởi nếu chia thêm đều nhau thì việc phát hành thực chất là vô nghĩa.
Số tiền này được dùng để “kích thích kinh tế” mà chính xác hơn là để hàn gắn phần mắt xích bị đứt trong bánh xe kinh tế đưa mọi thứ trở về bình thường. Sau đó chính bản thân bạn sẽ được hưởng lợi ngược trở lại khi kinh tế trườn qua được giai đoạn khó khăn và tiếp tục tăng trưởng.
Rất tiếc rằng đó chỉ là lí thuyết và lí do để người ta làm việc đó. Việc phát hành tiền thực chất chỉ là quá trình rút ruột toàn xã hội một cách tinh vi nhất mà bạn bắt buộc phải chấp nhận nó. (Với điều kiện số tiền phát hành tăng đột biến so với thực tế sản xuất & kinh doanh). Sẽ không có lợi ích toàn xã hội, nó được dồn về nhóm lợi ích mà thôi.
Việc tăng tổng cung của USD khiến mọi quốc gia phải ngậm đắng nuốt cay. Hãy tưởng tượng Việt Nam sau bao năm nỗ lực mới tăng được dự trữ ngoại hối lên hơn 100 tỷ đô đầy tự hào thì đồng đô la mất giá 20%, chúng ta chẳng làm gì cũng sụt đi đáng kể. Các quốc gia lớn khác càng phải dự trữ nhiều, như TQ nắm giữ hàng nghìn tỷ đô trái phiếu CP Mỹ. Sự ảnh hưởng còn lớn hơn rất nhiều.
Vì đồng USD được sử dụng làm trung gian thanh toán toàn cầu, do vậy nước nào cũng buộc phải có USD để phục vụ các mục đích thanh toán. Một trong những mặt hàng thiết yếu buộc phải thanh toán bằng USD là dầu mỏ, nó càng khiến vị thế của đồng USD thêm độc tôn. Không (chưa) quốc gia nào dám không dự trữ USD. Không có USD dự trữ, 1 quốc gia có thể bị reset trong điều kiện kinh tế hiện nay.
Một quốc gia có thể điều chỉnh tỷ giá (phá giá nội tệ) để kích thích xuất khẩu như cách Nhật và TQ đã làm. Mỹ biết điều đó, không vấn đề gì cả. Bởi dù có dự trữ hàng ngàn tỷ đô trái phiếu như TQ, Mỹ cũng có thể tìm cách lấy lại 1 phần lớn số đó thông qua xuất khẩu lạm phát. Chỉ khi nào quốc gia đó muốn tìm cách hạn chế đồng USD, trái đắng sẽ tới:
- Đó là IRAQ với TT Saddam Hussein quyết định bán dầu mỏ thông qua EUR thay vì chỉ USD.
- Đó là ông Gaddafi với ý tưởng tạo ra đồng Dinar Vàng, sử dụng để mua dầu thô và các tài nguyên khác.
Chỉ có nước Nga với việc TT Putin cho phép bán dầu mỏ không sử dụng đồng USD. Nhưng về cơ bản đó chỉ là cánh én quá nhỏ trong hệ thống quyền lực của Mỹ đang ảnh hưởng khắp toàn cầu.
Nước Mỹ có trong tay những gì:
- Đó là công nghệ
- Đó là sức mạnh quân sự
- Đó là vị thế (bảo kê) ảnh hưởng toàn cầu như: Nhật, HQ, EU.
Dự trữ cũng chết, không dự trữ càng chết. Chúng ta phải chấp nhận điều đó, đây là cuộc chơi của kẻ mạnh, người có quyền áp đặt luật chơi. Các quốc gia đều cố gắng đa dạng nguồn dự trữ như Vàng, dầu mỏ, tài nguyên bên cạnh đồng USD và gần đây là cả BTC. Đồng USD đã chi phối toàn cầu, biến nước Mỹ thành ông chủ thật sự của thế giới.
Các quốc gia nhỏ như VN thì không có nhu cầu (vì không đủ năng lực) tham gia câu chuyện, nhưng EU, Nga và TQ hay Nhật đều tìm cách thoát khỏi hay hạn chế sự phụ thuộc vào đồng USD thông qua các giải pháp sử dụng đồng nội tệ của nhau, gia tăng sức phổ biến của đồng tiền của mình và đa dạng hóa nguồn dự trữ.
Toàn bộ phần lý thuyết phía trên thì không mới, bất cứ ai tìm hiểu một chút tiền tệ đều nắm được vấn đề này. Nhưng phần chúng ta muốn bàn là mức độ in tiền. Đây không phải lần đầu nước Mỹ thực hiện xuất khẩu lạm phát. Chỉ có điều lần này nó “tục” quá. Nhìn đồ thị phía đầu bài bạn đã hình dung được lượng tiền cung ra nhiều như thế nào, nhưng CT Fed Powell còn phát biểu rằng sẽ tiếp tục “điều chỉnh” tới khi kinh tế tốt hơn. Vậy tiếp tục là bao nhiêu nữa? 1.000 tỷ, 2.000 hay chơi lớn hẳn 5.000 tỷ. Chúng ta chẳng thể làm gì cả, nhưng nếu con số in nó quá lớn thì chính VN cũng chao đảo. Sự phòng bị là cần thiết.
Mỗi sáng người Mỹ ngủ dậy lại mua CK, họ không biết làm gì ngoài mua CK và trả nợ tín dụng. Chẳng thể đi du lịch vì dịch bệnh, ăn cũng có hạn, làm việc tại nhà, quần áo cũng chẳng mua vì biết đi đâu. Xe hơi cũng không cần nữa. Cứ mỗi 9h30 giờ VN, các chỉ số CK Mỹ lại dựng cột đã nhiều tuần nay. Người ta có xu hướng mua bất chấp mọi thứ để phòng bị (Cái này các bạn hỏi người thân giai đoạn có tin đồn đổi tiền sẽ biết).
Nhưng điều thú vị hơn, nó tăng đủ lâu & mạnh tới mức nhiều người đã quên đi Covid, quên đi tình hình thất nghiệp và phá sản, người ta thậm chí tin tưởng luôn vào CK đang cực kỳ lạc quan.
Cá nhân HP chỉ là một cá nhân nhỏ bé với trình độ hữu hạn, tuy vậy xin mạnh dạn chia sẻ quan điểm của mình. Các bạn vui lòng sử dụng thông tin có trách nhiệm. Dự đoán về kinh tế vĩ mô luôn là một việc nó chăn các chuyên gia như chăn kiến, đùa các quốc gia như thú bông. Do vậy bạn đừng quá tín nhiệm tuyệt đối, nhưng cũng đừng bỏ qua, hãy cân nhắc cẩn trọng. “Tận tín ư thư, bất như vô thư” – Mạnh Tử, Đọc sách mà tin 100% vào sách thà đừng đọc còn hơn.
Tổng kết lại, chúng ta thích nghi như thế nào giữa thời đại bơm tiền?
*** Bài viết này được đăng tải vào tháng 12/2020. H.P chuyển sang địa chỉ mới để tiện lưu trữ.