Trong xây dựng, khi hoàn thiện công trình đều cần có bản vẽ hoàn công. Vậy bản vẽ hoàn công là gì và vì sao nó lại quan trọng đến vậy, cách lập hồ sơ hoàn công thế nào sẽ được chúng mình giải đáp trong nội dung bài viết này.
Nội dung
- 1 Bản vẽ hoàn công là gì?
- 1.1 Khái niệm bản vẽ hoàn công
- 1.2 Các loại bản vẽ hoàn công
- 1.3 Vai trò của bản vẽ hoàn công trong xây dựng
- 1.4 Vì sao nên lập bản vẽ hoàn công?
- 1.5 Bên nào có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công?
- 1.6 Các yêu cầu của bản vẽ hoàn công
- 1.7 Cách thể hiện và lập bản vẽ hoàn công
- 1.8 Nộp hồ sơ hoàn công ở đâu?
- 1.9 Lệ phí hoàn công là bao nhiêu?
Bản vẽ hoàn công là gì?
Khái niệm bản vẽ hoàn công
Trước khi tìm hiểu khái niệm bản vẽ hoàn công, trước tiên bạn phải hiểu hoàn công nghĩa là gì. Hoàn công xây dựng là công việc nhằm xác nhận công trình đã hoàn thành đã được nghiệm thu và sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Hoàn công là điều kiện cần thiết để được cấp đổi lại sổ hồng sau khi trên mảnh đất có thêm nhà xây trên đó( tài sản gắn liền với đất đai).
Như vậy bản vẽ hoàn công phản ánh những thay đổi của công trình so với thiết kế ban đầu & cũng bao gồm các hạng mục chi tiết giống như bản vẽ gốc.
Các loại bản vẽ hoàn công
Tùy thuộc vào quy mô công trình, tính phức tạp của công trình xây dựng mà người ta chia các bản vẽ hoàn công gồm 6 loại dưới đây:
- Bản vẽ hoàn công công việc xây dựng.
- Bản vẽ hoàn công bộ phận công trình.
- Bản vẽ hoàn công giai đoạn xây dựng.
- Bản vẽ hoàn công lắp đặt thiết bị.
- Bản vẽ hoàn công từng hạng mục công trình.
- Bản đồ hoàn công tổng thể công trình.
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, phụ thuộc vào cấu kiện cụ thể cũng như đặc tính riêng biệt của các loại công trình, các kiến trúc sư chia các loại bản vẽ hoàn công theo từng hạng mục hoặc giai đoạn thi công.
Mục đích của việc phân loại này là để thuận tiện cho việc xem xét, đánh giá một yếu tố nhỏ trong thi công:
- Bản vẽ dành cho giai đoạn hoàn công gia cố nền, san phẳng nền.
- Bản vẽ dành cho giai đoạn hoàn công móng.
- Bản vẽ dành cho giai đoạn hoàn công cầu đường giao thông, hoàn công nạo vét lòng sông, lòng hồ,…
- Bản vẽ hoàn công điện.
- Bản vẽ dành cho giai đoạn hoàn công hệ thống tưới tiêu, cấp nước sạch, xử lý nước thải,….
- Bản vẽ dành cho giai đoạn hoàn công tường bao hoặc bờ kè,…
Vai trò của bản vẽ hoàn công trong xây dựng
Bản vẽ hoàn công là gì? Vai trò của bản vẽ là cơ sở để việc nghiệm thu các hạng mục công trình hoàn thành được đưa vào sử dụng.

- Bản vẽ hoàn công xây dựng là cơ sở để thanh toán, quyết toán và phục vụ việc kiểm toán.
- Bản vẽ giúp các cơ quan nghiên cứu, cơ quan thanh tra khi cần thiết tìm lại số liệu liên quan đến công trình.
- Có bản vẽ dễ dàng hướng dẫn người sử dụng, giúp cơ quan quản lý trực tiếp công trình nắm được đầy đủ cấu tạo cụ thể, thực trạng ban đầu của công trình nhằm khai thác và sử dụng với khả năng thực tế của công trình.
- Đưa ra những biện pháp duy tu sửa chữa phù hợp đảm bảo tuổi thọ công trình lâu dài.
- Cơ sở lên thiết kế phương án bảo vệ công trình.
- Bản vẽ hoàn công thể hiện hồ sơ hiện trạng phục vụ cho việc thiết kế, cải tạo mở rộng, nâng cấp công trình.
Vì sao nên lập bản vẽ hoàn công?
Lập bản vẽ hoàn công rất quan trọng, nó thể hiện các chi tiết, kích thước thực tế xây dựng giúp chủ đầu tư, nhà thầu nắm được tình trạng vị trí chính xác của các hạng mục khi sử chữa bảo trì ngôi nhà.
Thủ tục hoàn công cũng là giấy tờ cần thiết trong quá trình thanh toán, quyết toán cho nhà thầu.
Về mặt pháp lý, hồ bản vẽ hoàn công là cơ sở giúp cơ quan nhà nước xác định chủ đầu tư có làm đúng theo giấy phép xây dựng hay không.
Bên nào có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công?
Bản vẽ hoàn công do bên nào lập cũng là thắc mắc của nhiều bạn. Việc lập và các nhận bản vẽ được thực hiện theo hướng dẫn tại phụ lục II Thông tư số 26/2016/TT-BXD.
- Nhà thầu nhận thi công xây dựng có trách nhiệm là bên lập bản vẽ hoàn công từng hạng mục công trình xây dựng hoàn thành do mình thi công. Riêng đối với bộ phận công trình bị che khuất phải được lập bản vẽ hoàn công hoặc được đo đạc xác định kích thước, thông số thực tế trước khi tiến hành công việc tiếp theo.
- Đối với trường hợp nhà thầu liên da.anh thì từng thành viên trong liên danh phải có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công phần việc đảm nhiệm thực hiện. Không được ủy quyền cho thành viên khác trong liên danh thực hiện phần việc đã nhận trước đó.
Các yêu cầu của bản vẽ hoàn công
Bản vẽ hoàn công là gì? Đối với yêu cầu bản vẽ hoàn công, người thực hiện lập bản vẽ phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu dưới đây:
- Phản ánh tính trung thực kết quả thực tế, số liệu thi công ngoài hiện trường mà không được phép bỏ qua bất cứ sai số nào.
- Lập ngay tại thời điểm nghiệm thu không được hồi ký hoàn công.
- Phải thể hiện rõ phần chỉnh sửa thay đổi để thuận tiện và chính xác trong việc khai thác sử dụng và bảo trì công trình.
- Được xác lập và xác nhận theo đúng quy định.
Cách thể hiện và lập bản vẽ hoàn công

- Người phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp của nhà thầu thi công xây dựng chụp lại hình vẽ thiết kế bản vẽ thi công phần công việc nghiệm thu, lắp đặt thiết bị tĩnh ( bản vẽ copy).
- Tại hiện trường, người phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp của nhà thầu đo vẽ hoàn công, ghi các trị số thực tế thi công có thay đổi so với trị số thiết kế trong ngoặc đơn đặt ngay dưới trị số thiết kế, thể hiện các chi tiết thay đổi, bổ sung trên bản vẽ copy và ký tên. Trong trường hợp các kích thước, thông số thực tế thi công của công việc xây dựng đúng với các kích thước, thông số của thiết kế bản vẽ thi công thì trên bản vẽ thiết kế đó là bản vẽ hoàn công.
- Khi nghiệm thu, kiểm tra kết quả đo vẽ hoàn công thấy đúng thực tế thi công, người giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư hoặc người giám sát thi công xây dựng công trình của tổng thầu đối với hình thức hợp đồng tổng thầu kiểm tra kết quả đo vẽ hoàn công và ký tên xác nhận.
Thể hiện bản vẽ hoàn công bộ phận, hạng mục công trình nhỏ hoặc một giai đoạn xây dựng
Cách thể hiện bản vẽ giai đoạn hoàn công của một hạng mục công trình hoặc một mốc thời gian thi công nào đó cũng được thực hiện bởi nhân viên phụ trách kỹ thuật thi công. Tuy nhiên, cần chú ý thêm một số quy định về điều chỉnh bản vẽ hoàn công như sau:
- Nhân viên vẫn tiến hành trích xuất toàn bộ bản vẽ thiết kế ban đầu của hạng mục cần kiểm tra hoặc của toàn bộ công trình. Cần giữ đúng khung tên và số hiệu của bản vẽ để thuận lợi cho quá trình so sánh, đối chiếu về sau.
- Bản vẽ thiết kế nếu được đảm bảo thực hiện thi công chuẩn 100% thì không cần tiến hành lập thêm bản vẽ giai đoạn hoàn công mới.
- Nếu nhân viên phụ trách phát hiện các trị số công trình đã bị thay đổi sau thi công thì cần đo đạc chuẩn xác và tiến hành bổ sung vào bản vẽ thiết kế. Phần bổ sung này vẫn phải ghi trong ngoặc đơn và viết bên dưới trị số thiết kế gốc.
- Trong trường hợp không đồng nhất về mặt chi tiết thiết kế thì nhân viên kỹ thuật cần khoanh khu vực này lại, thể hiện ngay các phần được sửa đổi tại bản vẽ chính.
- Tùy vào thực tế trình bày bản vẽ, nhân viên có thể xem xét thể hiện sự thay đổi ngay cạnh chi tiết thiết kế gốc hoặc tại khoảng trống của bản vẽ. Khi bản vẽ đã không còn chỗ trống thì nhân viên cần lập bản vẽ mới để thể hiện. Lưu ý là bản vẽ này không được trùng số hiệu với các bản vẽ đang được lưu hành.
- Sau khi bản vẽ hoàn công công trình xong thì nhân viên cần tiến hành ký, ghi rõ họ tên cũng như đóng dấu pháp nhân của đơn vị chủ thầu thi công.
- Các bên liên quan cũng tiến hành nghiệm thu bản vẽ này và tiến hành các bước nghiệp vụ kiểm tra và ký xác nhận, thông qua.
Bản vẽ hoàn công có cần đóng dấu?
Các bước thực hiện bản vẽ giai đoạn hoàn công là vậy nhưng theo đúng quy định thì hồ sơ bản vẽ hoàn công cũng cần được đóng dấu. Hiện nay bạn có thể tham khảo một trong hai mẫu dấu bản vẽ hoàn công ban hành theo Thông tư 26/2016/TT-BXD.
Nộp hồ sơ hoàn công ở đâu?
Hồ sơ hoàn công được xử lý thông qua tại Ủy ban nhân dân cấp Quận, Huyện, Xã hoặc tương đương. Lưu ý là Ủy ban quản lý khu vực công trình đang được thi công, nghiệm thu.
Trong trường hợp công trình xây dựng thuộc các khu đô thị thì nhà thầu chỉ cần nộp bản vẽ hoàn công cùng hồ sơ cho ban quản lý đầu tư, xây dựng của khu đô thị đó là được. Họ sẽ là đơn vị trực tiếp làm việc với Ủy ban nhân dân sở tại.
Một bộ hồ sơ hoàn công đầy đủ sẽ gồm những giấy tờ cơ bản sau :
- Giấy phép xây dựng.
- Bản vẽ thiết kế xây dựng.
- Bản vẽ hoàn công (hiện trạng công trình khi xây xong – nếu không thay đổi gì có thể dùng bản vẽ thiết kế ban đầu).
- Hợp đồng thi công xây dựng với nhà thầu.
- Giấy báo kiểm tra, thẩm định công trình hoàn thành.
- Tùy vào tình hình thực tế tại địa phương có thể yêu cầu thêm một số giấy tờ khác.
Lệ phí hoàn công là bao nhiêu?
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan giải quyết hoàn công sẽ gửi hồ sơ tới bộ phận thuế để xác định các loại phí cần nộp.
Trong trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng bao thầu với đơn vị xây nhà trọn gói (nhà thầu cung cấp toàn bộ vật liệu và nhân công) thì trách nhiệm đóng thuế sẽ do nhà thầu thực hiện.

Các khoản phí cần đóng khi thực hiện thủ tục hoàn công gồm:
- Thuế giá trị gia tăng (khi mua vật tư xây dựng)
- Thuế thu nhập (dựa trên tiền công xây dựng)
Lệ phí hoàn công không phải lệ phí trước bạ. Lệ phí trước bạ đối với nhà ở đã được miễn theo Khoản 11 Điều 4 Nghị định 45/2011/NĐ-CP nhưng lệ phí hoàn công vẫn cần hoàn thành.
Nếu chủ đầu tư mua lẻ vật liệu xây dựng thì thuế GTGT sẽ bằng 0. Khi chủ nhà có hợp đồng thuê thợ xây thì thợ xây sẽ là bên có trách nhiệm phải nộp thuế thu nhập.
Ngược lại, nếu chủ đầu tư không xuất trình được hợp đồng thuê nhân công thì tiền thuế lại do chủ đầu tư đảm nhiệm. Cơ sở xác lập lệ phí sẽ dựa trên khung giá nhân công trung bình tại thời điểm nộp thuế.
Trường hợp ngoại lệ nếu chủ đầu tư chứng minh được mình đã nhờ người thân, họ hàng góp sức xây nhà thì tiền công sẽ coi như không phát sinh. Vậy là thuế thu nhập đối với thợ xây trong trường hợp này cũng được tính bằng 0.
Qua những chia sẻ trên đây hy vọng, bạn đã hiểu bản vẽ hoàn công là gì , vai trò của nó và cách lập bản vẽ chuẩn xác nhất. Việc lập bản vẽ dễ dàng trong việc quyết toán cũng như bàn giao công trình giữa nhà thầu và chủ đầu tư.