Nếu bạn xem bảng giá chứng khoán, chắc hẳn bạn sẽ bắt gặp những thông số hiển thị về giá trần và giá sàn. Vậy bạn có thắc mắc giá trần chứng khoán là gì, giá sàn chứng khoán là gì, chúng được tạo ra nhằm mục đích gì không? Bài viết của chúng mình dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp cụ thể những thắc mắc này.
Nội dung
Tìm hiểu về giá sàn, giá trần trong chứng khoán
Giá trần và giá sàn trong kinh tế vi mô
Trong nền kinh tế thị trường, mức giá cân bằng được xác định khi thỏa mãn điều kiện CUNG = CẦU, tại điểm Q(S) = Q(D), lúc này lượng cung bằng lượng cầu. (**Chú thích Q là sản lượng, S là biểu thị đường cung, D là biểu thị đường cầu). Lúc này, P0 chính là mức giá cân bằng.
Tuy nhiên có 2 trường hợp khác có thể xảy ra:
Cung lớn hơn cầu: Lượng cung hàng hóa quá nhiều trong khi người mua giảm, hàng hóa dư thừa, dẫn tới mức giá cân bằng xuống quá thấp. => Nhà Nước đặt ra P(sàn) > P0 để tránh bị ép giá, bảo vệ quyền lợi người bán (Lúc này, thị trường không thể mua/bán với mức giá thấp giá sàn).
Cầu lớn hơn cầu: Khi người tiêu dùng đổ xô đi mua một mặt hàng, trong khi mặt hàng đó khan hiếm, dẫn tới mức giá cân bằng bị đẩy lên cao. => Nhà Nước đặt ra giá trần P(trần) < P0 để ngăn chặn giá cao quá mức, bảo vệ quyền lợi người mua. (Lúc này, thị trường không thể mua/bán với giá cao hơn giá trần).
Ý nghĩa của giá trần, giá sàn trong kinh tế vi mô chính là Chính Phủ hy vọng người tiêu dùng có thể mua được giá thấp (đối với giá trần), hoặc người bán có thể bán được giá cao (đối với giá sàn). Như vậy có thể giúp cho những người có thu nhập vừa phải vẫn có thể mua được hàng hóa, hoặc bảo vệ được người bán tránh tình trạng thua lỗ quá nhiều.
Chính sách giá trần, giá sàn được áp dụng ở rất nhiều thị trường, nhưng chủ yếu là thị trường nhà ở, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, và thị trường các mặt hàng thiết yếu v..v…
Giá trần chứng khoán là gì?
Giá trần chứng khoán là mức giá cao nhất mà nhà đầu tư có thể mua hoặc bán chứng khoán ở trong ngày giao dịch.
Giá ngày giao dịch khác nhau sẽ lại có một mức giá trần khác nhau. Nhà đầu tư sẽ không thể mua hoặc bán giá cổ phiếu cao hơn so với mức giá trần đang niêm yết trên sàn.
Trên bảng giá chứng khoán, giá trần trong chứng khoán được quy định là màu tím để giúp các nhà đầu tư dễ dàng phân biệt.
Ngoài ra, tại một số công ty chứng khoán khác, bạn có thể đọc giá trần bằng cách nhìn vào ký hiệu: CE (celling).
Ví dụ: Mã cổ phiếu ACB có giá trần là 34250 đồng/cổ phiếu. Vì vậy bạn chỉ được phép đặt lệnh giao dịch mua hoặc bán ở khoảng nhỏ hơn hoặc bằng 34250 đồng.
Ý nghĩa của giá trần trong chứng khoán chính là tránh hiện tượng thao túng, đẩy giá cổ phiếu lên quá cao, rồi lại bán giá quá thấp ở trong 1 phiên giao dịch.
Giá sàn chứng khoán là gì?
Trái ngược với giá trần, giá sàn chứng khoán là mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch.
Trên bảng giá chứng khoán, giá sàn được quy định bằng màu xanh lam, hoặc có thể được ký hiệu bằng FL.
Cách tính mức giá trần, giá sàn trong chứng khoán
Vậy các sở chứng khoán dựa vào đâu để xác định được giá trần, giá sàn trong chứng khoán? Giá trần chứng khoán và giá sàn chứng khoán được tính toán dựa trên giá tham chiếu và biên độ dao động của các sở giao dịch.
Công thức tính giá trần trong chứng khoán:
- Giá trần = Giá tham chiếu x (1 + Biên độ giao động)
- Giá sàn = Giá tham chiếu x (1 – Biên độ giao động)
*** Biên độ dao động: % giá cổ phiếu tăng hoặc giảm trong 1 phiên giao dịch. Mỗi sàn giao dịch chứng khoán sẽ có quy định riêng về biên độ dao động.
Dưới đây là bảng quy định về biên độ giá cổ phiếu giao dịch tại ba sàn (so với giá tham chiếu):
Biên độ dao động giá | HOSE | HNX | UPCOM |
Cổ phiếu trong ngày | 7% | 10% | 15% |
Cổ phiếu mới niêm yết trong ngày đầu tiên hoặc được giao dịch trở lại sau khi bị tạm ngừng giao dịch trên 25 ngày | 20% | 30% | 40% |
Cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền để trả cổ tức hoặc thưởng bằng cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu | 20% | 30% | 40% |
Ví dụ:
Mã cổ phiếu A có giá tham chiếu trên HNX là 23,5 (nghĩa là 23.500 đồng/cổ phiếu(. Biên độ giao động của sản HNX quy định là 10%.
=> Giá trần của mã cổ phiếu A là: 23.5 * (1 + 10%) = 25.85 (25.850 đồng/cổ phiếu).
=> Giá sàn của mã cổ phiếu A là: 23.5 * (1 – 10%) = 21.15 (21.150 đồng/cổ phiếu).
Lưu ý nhỏ, là khi tính giá trần chứng khoán, giá sàn chứng khoán thì rất dễ ra số lẻ. Chính vì thế mà Ủy ban giao dịch chứng khoán đã đặt ra quy định về làm tròn, cụ thể:
Khi tính toán giá trần, không thể tránh khỏi các trường hợp mức giá được tính ra bị lẻ. Do vậy mà Ủy ban giao dịch chứng khoán có quy tắc làm tròn giá trần như sau:
Làm tròn giá trần xuống dưới theo đúng bước giá đã quy định: giá <50.000 bước giá là 100 đồng; giá <100.000 bước giá là 500 đồng; giá >100.000 bước giá là 1.000 đồng.
Ví dụ: Giá là 49.999 đồng thì chọn giá 49.900 đồng, giá 99.999 đồng thì chọn giá 99.500 đồng, còn giá 100.999 đồng thì chọn giá 100.000 đồng.
Có thể bạn quan tâm: Các chỉ số đánh giá cổ phiếu cơ bản nhất, bắt buộc phải biết
Từ những thông tin về giá trần chứng khoán và giá sàn chứng khoán chúng mình đưa ra trên đây, mong rằng đã giúp bạn hiểu phần nào về 2 loại giá này để có thể biết cách đầu tư và hạn chế được mức lỗ tối đa. Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm tới nhiều thông tin khác của doanh nghiệp để có thể định giá cổ phiếu chính xác hơn, bởi những yếu tố này rất quan trọng đối với những quyết định mua bán cổ phiếu. Chúc bạn thành công.