Khi bạn nhận được một tư vấn đầu tư cổ phiếu, bạn sẽ bắt gặp nhiều lời khuyên rằng mua cổ phiếu phòng thủ để an toàn, tránh rủi ro, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư mới chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên cổ phiếu phòng thủ là gì? Tại sao lại gọi là cổ phiếu phòng thủ? Có nên mua cổ phiếu phòng thủ không? Hãy cùng chúng mình đi tìm hiểu câu trả lời chi tiết ở nội dung bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
- 1 Cổ phiếu phòng thủ là gì, nên đầu tư không?
- 1.1 Cổ phiếu phòng thủ là gì?
- 1.2 Đặc điểm của cổ phiếu phòng thủ là gì?
- 1.3 Khác biệt giữa cổ phiếu chu kỳ và cổ phiếu phòng thủ là gì?
- 1.4 Ưu nhược điểm của cổ phiếu phòng thủ là gì?
- 1.5 Có nên mua cổ phiếu phòng thủ không?
- 1.6 Nên mua cổ phiếu phòng thủ nào tốt nhất?
- 1.7 Cổ phiếu nào không phải nhóm phòng thủ?
Cổ phiếu phòng thủ là gì, nên đầu tư không?
Cổ phiếu phòng thủ là gì?
Cổ phiếu phòng thủ là những cổ phiếu của những doanh nghiệp thường có lợi nhuận ổn định ngay cả trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Nó thường là cổ phiếu thuộc các nhóm ngành: tiêu dùng, tiện ích, chăm sóc sức khỏe…., đại loại là những ngành THIẾT YẾU, không thể cắt giảm nhu cầu dù nền kinh tế có thay đổi ra sao.
Chính vì cổ phiếu phòng thủ gần như miễn nhiễm với chu kỳ kinh tế, nên nó mới được gọi là “phòng thủ”. Đầu tư vào cổ phiếu phòng thủ được coi là một phương pháp “chống suy thoái” hiệu quả so với người anh em của nó – cổ phiếu chu kỳ.
Trên thế giới, cổ phiếu phòng thủ thường là cổ phiếu của các công ty lâu đời như P&G (Procter & Gamble), Coca-Cola, Johnson & Johnson,… nhờ vào dòng tiền chảy vào doanh nghiệp mạnh, khả năng vượt qua thách thức thị trường cao. Warren Buffett cũng trở thành một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại một phần nhờ tập trung vào các cổ phiếu phòng thủ. Theo quan điểm của ông, không nhất thiết phải chấp nhận rủi ro quá mức để đánh bại thị trường. Trên thực tế, hạn chế thua lỗ với các cổ phiếu phòng thủ có thể hiệu quả hơn.
Đặc điểm của cổ phiếu phòng thủ là gì?
Với cổ phiếu phòng thủ, chúng có một số đặc điểm rất cụ thể mà bạn có thể dễ dàng nhận biết như sau:

- Thứ 1: Cổ phiếu phòng thủ thường có xu hướng tồn tại rất ổn định suốt chu kỳ của nền kinh tế, không có tính chu kỳ. Khi kinh tế suy thoái, chúng thường sinh lời tốt hơn so với thị trường. Ngược lại, khi kinh tế tăng trưởng mạnh, nhóm cổ phiếu này lại sinh lời thấp hơn.
- Thứ 2: Cổ phiếu phòng thủ là cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu. Ví dụ người dân luôn phải mua thực phẩm, xăng xe, thuốc men cho dù nền kinh tế có thay đổi thế nào.
- Thứ 3: Cổ phiếu phòng thủ thường cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn, hoạt động lâu năm trên thị trường. Bởi vì chúng đủ lớn, đủ mạnh thì mới có đủ sức gồng qua những biến cố khi kinh tế suy thoái. Còn những doanh nghiệp mới, tuy có thể thuộc lĩnh vực, nhưng chưa thể coi là cổ phiếu phòng thủ.
- Thứ 4: Cổ phiếu phòng thủ thường chi trả cổ tức đều qua các năm, có thể trả bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. Nhưng tỷ lệ trả bằng tiền mặt thường khá cao.
- Thứ 5: Cổ phiếu phòng thủ thường có hệ số BETA khá thấp, luôn <1. (Chỉ số Beta là chỉ số đo lường sự biến động của cổ phiếu so với thị trường chung).
- Thứ 6: Cổ phiếu phòng thủ thường có P/E thấp hơn một số loại cổ phiếu khác. (P/E là giá thị trường/thu nhập của cổ phiếu).
Khác biệt giữa cổ phiếu chu kỳ và cổ phiếu phòng thủ là gì?
Có một loại cổ phiếu, trái ngược với cổ phiếu phòng thủ, đó chính là cổ phiếu chu kỳ. Hiểu nôm na, cổ phiếu chu kỳ là cổ phiếu hoạt động theo chu kỳ của nền kinh tế, nó có thể có những giai đoạn tăng trưởng mạnh, nhưng cũng sẽ phải trải qua giai đoạn suy thoái.
Để bạn hiểu rõ hơn về cổ phiếu phòng thủ là gì, dưới đây là bảng so sánh 2 loại cổ phiếu này mà chúng mình đã tổng hợp:
Có nên mua cổ phiếu phòng thủ không?
Bạn đã tìm hiểu về cổ phiếu phòng thủ là gì, ắt hẳn cũng hiểu đây là nhóm cổ phiếu an toàn nhất. Chính vì vậy mình nghĩ rằng, bạn nên có 1 – 2 mã cổ phiếu phòng thủ trong danh mục đầu tư của mình.
Đáng buồn là, nhiều nhà đầu tư từ bỏ cổ phiếu phòng thủ vì thất vọng với hoạt động kém hiệu quả vào cuối thị trường tăng giá, nhưng đây mới là lúc họ thực sự cần chúng nhất. Sau khi thị trường đi xuống, bạn lao vào cổ phiếu phòng thủ dù đã quá muộn. Trong thời kỳ suy thoái của thị trường chứng khoán, sở hữu cổ phiếu phòng thủ có thể có lợi thế, nhưng lúc đó mới mua thì có thể phản tác dụng, bởi vì chúng có thể bị định giá quá cao trong thời kỳ suy thoái kinh tế vì nhiều người đang mua chúng, làm tăng giá cổ phiếu cho người mua.
Tuy nhiên, đầu tư cổ phiếu phòng thủ, hãy lưu ý: mặc dù cổ phiếu phòng thủ thường thuộc các nhóm ngành như điện – nước, hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, y tế và bảo hiểm. NHƯNG, không phải cứ doanh nghiệp thuộc những ngành trên sẽ được lựa chọn là cổ phiếu để đầu tư phòng thủ, mà điều bắt buộc các DN phải có mô hình kinh doanh ổn định, tuổi đời đủ lớn, nguồn vốn dồi dào và hơn hết, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu thấp.
Dĩ nhiên, trong thời kỳ uptrend, bạn có thể điều chỉnh lại danh mục đầu tư của mình – không nên giữ quá nhiều cổ phiếu phòng thủ – vì chúng sẽ cướp đi một số cơ hội đầu tư khác. Linh động và luôn theo sát thị trường nhất có thể – đó mới là một nhà đầu tư thông minh.
Nên mua cổ phiếu phòng thủ nào tốt nhất?
Vậy cổ phiếu phòng thủ bao gồm những nhóm ngành nào? Cổ phiếu phòng thủ nào tiềm năng nhất? Thông thường, cổ phiếu phòng thủ thường ít khi thay đổi lĩnh vực, chính vì vậy bạn có thể tìm những cổ phiếu tiềm năng trong những nhóm ngành sau:
♠ Nhóm ngành ngân hàng: Ngân hàng có thể xếp vào nhóm cổ phiếu tăng trưởng, nhưng cũng là nhóm cổ phiếu phòng thủ rất tốt. Vì ngân hàng là xương sống của toàn bộ nền kinh tế, dù nền kinh tế có thế nào thì các ngân hàng vẫn luôn tồn tại. Đặc biệt, cổ phiếu các ngân hàng hiện nay chủ yếu là những ngân hàng lớn, được NHTW bảo trợ nên mức độ rủi ro rất thấp.
Bạn có thể tìm mua cổ phiếu phòng thủ nhóm ngân hàng:
- BIDV – Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam
- MBB – Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội
- MBS – Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam
- TCB – Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank)
♠ Nhóm ngành bảo hiểm: Nhu cầu bảo hiểm hiện tại ngày càng tăng cao khi nhận thức của người dân về bảo hiểm đã tiến bộ hơn. Nhóm bảo hiểu là nhóm cổ phiếu khá an toàn và chống chịu tốt với lạm phát, kể cả việc lãi suất gia tăng. Nhìn chung, các mã cổ phiếu ngành bảo hiểm nhìn chung là một trong những lựa chọn đầu tư rất an toàn, ít rủi ro.
Một số mã cổ phiếu phòng thủ tiềm năng nhóm bảo hiểm:
- BVH – Tập đoàn Bảo Việt (HOSE)
- BMI – Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (HOSE)
- PTI – Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX)
- PGI – Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (HOSE)
- PVI – Công ty Cổ phần PVI (HNX)
♠ Nhóm cổ phiếu ngành điện: Bởi vì điện là ngành thiết yếu nên ngành điện gần như không hoạt động theo chu kỳ. Các cổ phiếu thuộc ngành này được xếp vào nhóm cổ phiếu phòng thủ với tính ổn định cao. Tuy nhiên đặc thù ngành điện hơi khác biệt chút, vì chúng sẽ chia ra làm nhiệt điện, thủy điện, xây lắp điện – mỗi một lĩnh vực lại có một “câu chuyện” tăng trưởng khác nhau. Theo đánh giá cá nhân mình thì đây là những cổ phiếu điện tốt nhất:
- POW – Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam
- QTP – Công ty cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh
- HND – Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng
- PC1 – Công ty cổ phần xây lắp điện 1
- REE – Công ty cổ phần cơ điện lạnh
- TV2 – CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2
♠ Nhóm cổ phiếu ngành dược, y tế: Cổ phiếu của các công ty dược phẩm và nhà sản xuất thiết bị y tế lớn từ trước đến nay được coi là cổ phiếu phòng thủ. Bởi vì sẽ luôn có những người bệnh cần được chăm sóc. Tuy nhiên lựa chọn cổ phiếu nhóm này cần chọn những doanh nghiệp lớn, tránh những doanh nghiệp nhỏ, vì nhiều DN y dược tư nhân mới có thể khó cạnh tranh với các DN có tên tuổi.
Tham khảo một số cổ phiếu phòng thủ ngành y dược:
- TRA – Công ty cổ phần Traphaco (HOSE: TRA)
- DHG – Công ty cổ phần Dược Hậu Giang
- TNH – Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên
- JVC – Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật
- DBD – Công ty Cổ phần Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định
- DVN – Tổng Công ty Dược Việt Nam
♠ Nhóm cổ phiếu xăng dầu, khí đốt: Tương tự như cổ phiếu ngành điện, thì cổ phiếu của nhóm ngành này cũng luôn được coi là nhóm cổ phiếu phòng thủ điển hình. Nhu cầu xăng dầu, khí đốt phục vụ cho đi lại, sản xuất là thiết yếu, nên bất kể kinh tế có ra sao, cổ phiếu dầu khí vẫn luôn hoạt động.
Một số mã cổ phiếu phòng thủ ngành dầu khí:
- GAS – Tổng Công ty Khí Việt Nam
- PVD – Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí
- PVS – Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam
- BSR – Công ty cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn
- PLX – Tập đoàn xăng dầu Việt Nam
- OIL – Tổng Công ty Dầu Việt Nam
♠ Nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu: Các công ty phân phối sản xuất ngành hàng tiêu dùng thiết yếu thường thuộc nhóm phòng thủ. Các DN này có thể tạo ra dòng tiền và thu nhập ổn định cũng như có thể dự đoán trước được trong các nền kinh tế mạnh và yếu. Chúng bao gồm: thực phẩm, đồ uống, sữa, bỉm, thuốc lá… (nhìn chung là những mặt hàng không bị người dân cắt giảm chi tiêu khi kinh tế khó khăn).
Một vài cổ phiếu phòng thủ nhóm này:
- VNM – Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
- MSN – Công ty cổ phần Tập đoàn Masan
- BAF – Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam
- DBC – Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam
- DCM – Công ty Cổ phần Phân bón Dầu Khí Cà Mau
Cổ phiếu nào không phải nhóm phòng thủ?
Có lẽ khi đọc đến đây bạn cũng sẽ thắc mắc về vấn đề này, vì list cổ phiếu phòng thủ mình liệt kê ở trên đã bao quát rất nhiều ngành nghề khác nhau.
Cổ phiếu phòng thủ là gì? Là cổ phiếu không có chu kỳ, không phụ thuộc vào chu kỳ của nền kinh tế? Vậy cổ phiếu nào có chu kỳ để tránh? Bạn có thể tham khảo kỹ hơn ở bài viết: Cổ phiếu chu kỳ là gì?
Nhưng để mình nói qua cho bạn hiểu. Hãy tưởng tượng, khi nền kinh tế suy thoái, lạm phát cao, lãi suất tăng, việc làm giảm, người dân cắt giảm chi tiêu? Vậy những lĩnh vực nào sẽ bị hạn chế?
-
Lúc đó, mọi người sẽ hạn chế: đi du lịch, đi nghỉ dưỡng, vui chơi, mua hàng quần áo cao cấp, mua hàng nhập khẩu, mua trang sức (vì vậy cổ phiếu hàng không, du lịch, khách sạn, bán lẻ… bị ảnh hưởng nhiều).
-
Khi kinh tế suy thoái, người dân cũng sẽ hạn chế xây nhà, vay tiền mua đất, nên cổ phiếu bất động sản, xây dựng, rồi những nhóm ngành vật liệu xây dựng như sắt, thép, nhựa, xi măng bị ảnh hưởng lớn.
-
Khi người dân cắt giảm chi tiêu, nhu cầu về các mặt hàng (không phải thiết yếu) sẽ giảm, khiến các doanh nghiệp cắt giảm sản xuất, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Chính vì vậy phần lớn các DN sản xuất cũng bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế…
Trong khi đó, mọi người vẫn phải ăn, vẫn phải đi lại, vẫn phải khám chữa bệnh… Và đó chính là lúc cổ phiếu phòng thủ – nhóm cổ phiếu không bị ảnh hưởng, hoặc bị ảnh hưởng rất ít bởi những yếu tố vĩ mô đem lại – thực sự phát huy tác dụng.
Bạn đã hiểu cổ phiếu phòng thủ là gì rồi chứ? Bạn còn có thắc mắc nào nữa về nhóm cổ phiếu này, thì hãy để lại comment bên dưới để chúng mình trao đổi nhé. Cảm ơn bạn đã đọc bài và chúc bạn đầu tư thành công.