Không quan trọng bạn đang sử dụng phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản khi giao dịch trên thị trường Forex toàn cầu, thì việc tham khảo và sử dụng lịch kinh tế là rất quan trọng đối với bất kỳ chiến lược giao dịch thành công nào. Lịch kinh tế Forex là một công cụ hữu ích cho các nhà giao dịch vì nó cho họ biết khi nào các sự kiện nhất định đang diễn ra và những sự kiện này có thể ảnh hưởng đến các quyết định giao dịch của họ. Bằng cách hiểu các sự kiện hàng tháng và hàng năm xảy ra trên toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, các trader có thể sử dụng chúng làm chỉ báo về thời điểm mua hoặc bán tài sản trên thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường FOREX.
- Lịch kinh tế liệt kê các sự kiện đã lên lịch và phát hành dữ liệu theo thứ tự thời gian
- Lịnh kinh tế cung cấp các thông tin, dữ liệu về các sự kiện các tác động đáng kể tới toàn bị thị trường tài chính.
- Lịnh kinh tế cũng giúp phân loại mức độ ảnh hưởng của từng sự kiện, cũng như hiển thị cả các dữ liệu kỳ trước & dữ liệu trước đó để nhà đầu tư tiện so sánh.
- Các nhà giao dịch FOREX bắt buộc phải thường xuyên tham khảo lịch kinh tế để thích ứng kịp thời với thị trường và có kế hoạch giao dịch hợp lú.
- Có một số chỉ số/sự kiện quan trọng cần đặc biệt lưu ý ở lịch kinh tế. Nó đòi hỏi bạn phải hiểu bản chất, và biết cách đọc, phân tích chúng.
- Lịch kinh tế mà Forex Factory cung cấp là một trong những lịch kinh tế hữu dụng nhất hiện nay.
Nội dung
- 1 Hướng dẫn về Lịnh kinh tế Forex
- 1.1 Lịch kinh tế là gì?
- 1.2 Lợi ích của việc sử dụng lịch kinh tế trong Forex
- 1.3 Cách sử dụng lịnh kinh tế Forex hiệu quả nhất
- 1.4 Hướng dẫn cách xem, đọc hiểu lịch kinh tế Forex
- 1.5 Cách phân tích một số dữ liệu quan trọng của lịch kinh tế
- 1.5.1 Lãi suất của các ngân hàng Trung Ương
- 1.5.2 Tỷ lệ lạm phát (Inflation)
- 1.5.3 Bản tin Non-Farm (NFP)
- 1.5.4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
- 1.5.5 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
- 1.5.6 Chỉ số giá sản xuất (PPI)
- 1.5.7 Chỉ số quản lý thu mua (PMI)
- 1.5.8 Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI)
- 1.5.9 Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng (CCI)
- 1.5.10 Doanh số bán lẻ (Retail Sales)
- 1.6 Các chiến lược giao dịch Forex với Lịch kinh tế
Hướng dẫn về Lịnh kinh tế Forex
Lịch kinh tế là gì?
Lịch kinh tế là một lịch trình phát hành dữ liệu và tin tức liên quan đến các sự kinh tế lớn trên thế giới, có khả năng tác động đến thị trường tài chính toàn cầu. Đây là một nguồn thông tin rất quan trọng đối với các nhà giao dịch vì các sự kiện này có khả năng ảnh hưởng đến giá của tài sản tài chính và tâm lý nhà đầu tư trên thị trường.
Các sự kiện trong lịch kinh tế Forex sẽ bao gồm các thông tin như phát hành dữ liệu lạm phát, GDP, quyết định lãi suất cũng như các bài phát biểu của các nhà hoạch định chính sách kinh tế quan trọng…. Nhìn chung, thị trường Forex sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ các thông tin này. Ví dụ, việc FED tăng lãi suất sẽ gây ảnh hưởng đến tỷ giá của USD, và nếu là tăng lãi suất bất ngờ, có thể tác động rất lớn đến các cặp giao dịch có USD trong đó.
Có nhiều sự kiện kinh tế trong một lịch. Tuy nhiên, nhìn chung, những sự kiện này thường được chia thành hai:
- Chỉ báo trễ – Chỉ báo trễ là chỉ báo đo lường đầu ra đã xảy ra trên thị trường. Ví dụ: một dữ liệu kinh tế như lạm phát là một chỉ số trễ vì lạm phát đã xảy ra.
- Chỉ báo sớm – Chỉ báo sớm là chỉ báo được sử dụng để dự đoán tương lai. Ví dụ, niềm tin của người tiêu dùng có thể giúp dự đoán chi tiêu của người tiêu dùng và thậm chí cả sản lượng kinh tế.
Lợi ích của việc sử dụng lịch kinh tế trong Forex
Lịch kinh tế rất quan trọng vì chúng cung cấp thông tin cập nhật theo thời gian thực về tin tức và xu hướng kinh tế, cho phép các cá nhân đưa ra quyết định đầu tư và chi tiêu sáng suốt hơn. Những lịch này là một công cụ thiết yếu cho các nhà kinh tế, các chuyên gia kinh doanh, và cả các trader thông thường. Chúng cũng có thể giúp các doanh nghiệp dự đoán những thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng và điều kiện kinh tế, cũng như lập kế hoạch hiệu quả hơn cho tương lai. Cho dù mọi người quan tâm đến cổ phiếu hay tiền tệ, thì lịch kinh tế luôn giúp họ đón đầu các thông báo kinh tế lớn, nhờ đó họ có để đưa ra quyết định tốt hơn.
Lịch kinh tế Forex sẽ nêu bật những tin tức cơ bản quan trọng sắp xuất hiện, sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường Forex. Đặc biệt, nếu là các trader ngắn ngày, thì việc luôn cập nhật tin tức là điều không thể bỏ qua.
Ví dụ:
- Bạn không muốn tham gia trade trước một sự kiện/tin tức lớn vì sợ rằng giao dịch của bạn sẽ gặp rủi ro.
- Bạn muốn thử vận may, “đánh cược” với news, tìm cơ hội kiếm được lợi nhuận?
- Bạn đang giữ một lệnh MUA/BÁN, bạn lo lắng rằng những tin tức đó có thể ảnh hưởng đến vị thế của bạn?
Để làm chủ được những điều trên, thì lịch kinh tế Forex sẽ là một công cụ không thể tách rời với bạn.
Hầu hết các lịch kinh tế sẽ có một mô tả ngắn cho mỗi sự kiện. Ví dụ: bản phát hành dữ liệu lạm phát sẽ có thời gian xuất bản theo lịch trình, quốc gia xuất xứ và chi tiết của dữ liệu. Bạn sẽ thấy cả số liệu của kỳ trước đó và cả số liệu được dự đoán để có thể dễ dàng so sánh với dữ liệu thực tế.
Hơn nữa, một số lịch kinh tế còn đánh dấu mức độ quan trọng của từng sự kiện theo tác động thị trường dự kiến của chúng. Chính vì vậy, nhờ có lịch kinh tế, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt được đâu là sự kiện đáng quan tâm, đâu là sự kiện có thể bỏ qua.
Nhìn chung, lợi ích của lịch kinh tế có thể tóm tắt như sau:
- Nó sẽ giúp bạn không bị bất ngờ khi các sự kiện xảy ra. Hiểu được thị trường đang thế nào, tại sao lại như vậy, tránh bị hoảng loạng.
- Nó giúp bạn phân tích được dữ liệu. Ví dụ, như hình bên dưới, bạn có thể sử dụng dữ liệu trong lịch kinh tế để hiểu xu hướng. Trong hình ảnh này, chúng ta thấy rằng Ngân hàng Nhật Bản đã duy trì lãi suất âm kể từ năm 2016.
- Lịch kinh tế Forex sẽ giúp bạn thiết lập được chiến lược giao dịch của mình trước các sự kiện lớn và quản lý rủi ro: ví dụ, bạn có thể tránh giao dịch ở thời điểm news quan trọng sắp diễn ra, hoặc cân nhắc nên đặt Stop Loss nếu tin tức dự kiến sẽ bất lợi cho giao dịch của bạn.
Lưu ý rằng, có nhiều rủi ro do dữ liệu có tác động cao gây ra. Ví dụ: Nếu dữ liệu hoặc sự kiện đi ngược lại với mong đợi, thì có thể có nhiều biến động, thậm chỉ gây ra tình trạng hoảng loạn bán tháo hàng loạt vì dữ liệu đáng thất vọng. Các nhà giao dịch cần hết sức lưu ý và bám sát lịch kinh tế để có kịp thời hiểu được chuyện gì đang xảy ra, từ đó có thể nhanh chóng phản ứng kịp thời.
Cách sử dụng lịnh kinh tế Forex hiệu quả nhất
Nếu là người mới bắt đầu, bạn có thể không quen với cách hầu hết các bản phát hành kinh tế và sự kiện tin tức ảnh hưởng đến các cặp tiền tệ nhất định. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu bằng cách tập trung vào hai đến ba cặp tiền tệ và theo dõi phản ứng của chúng đối với các sự kiện tin tức liên quan. Không giao dịch nhiều hơn năm cặp tiền tệ khi mới bắt đầu vì bạn vẫn đang phát triển kỹ năng giao dịch của mình.
Bạn có thể xem cách mỗi cặp phản ứng với các sự kiện tin tức cụ thể trong quá khứ ra sao, từ đó có thể dần dự đoán được nếu kịch bản tương tự xảy ra trong tương lai, thì cặp tiền tệ này sẽ phản ứng thế nào.
NHƯNG – đừng bao giờ cho rằng cặp tiền tệ FOREX mà bạn đang giao dịch sẽ phản ứng giống hệt như cách nó đã làm với một bản tin trước đây vì mỗi thời điểm trên thị trường ngoại hối là duy nhất. Do đó, bạn phải luôn sử dụng quản lý rủi ro phù hợp với tất cả các giao dịch của mình, ngay cả những giao dịch có vẻ hứa hẹn nhất.
Một ví dụ thực tế về cách sử dụng lịch kinh tế Forex: Giả sử sắp có một bản tin dữ liệu sắp được công bố, bạn sẽ bắt buộc phải so sánh con số trước đó và con số dự báo để xem xu hướng đang trở nên tốt hơn hay xấu đi. Ví dụ, nếu con số trước đây về lạm phát khu vực đồng euro (chỉ số giá tiêu dùng/CPI) là 5,9% và dự báo là 6,1%, thì xu hướng này dường như đang tăng lên. Và nếu một con số lạm phát cao hơn nhiều so với dự báo, điều này sẽ ảnh hưởng đến tiền tệ vì kỳ vọng của thị trường về việc tăng lãi suất sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải giữ một cách tiếp cận cân bằng đối với các bản phát hành kinh tế và không phản ứng thái quá. Đừng cố gắng phản ứng với từng thay đổi trên thị trường được kích hoạt bởi một sự kiện tin tức/thông cáo kinh tế. Thay vào đó, hãy kết hợp với việc theo dõi, phân tích môi trường vĩ mô toàn cảnh sẽ phù hợp hơn. Nhưng để làm được điều này, nó đòi hỏi bạn phải có kiến thức nhất định về nền kinh tế nói chung.
Nói chung, để có thể sử dụng lịch kinh tế trong Forex hiệu quả, nó sẽ yêu cầu bạn:
- Tìm hiểu về các chỉ số kinh tế
- Nghiên cứu thị trường và so sánh dữ liệu
- Luôn cập nhật các sự kiện và tin tức qua lịch kinh tế
- Xây dựng chiến lược giao dịch theo sự kiện
Thực tế là các dự đoán không bao giờ chính xác 100%. Tuy nhiên, chúng là một khía cạnh tích cực của phân tích cơ bản trong giao dịch Forex. Mặc dù lịch kinh tế và chiến lược giao dịch giúp ích ở một mức độ nhất định, nhưng điều thực sự quan trọng là bạn phải nghiên cứu thị trường về biến động giá thực tế để có quyết định mở và đóng giao dịch hợp lý.
Hướng dẫn cách xem, đọc hiểu lịch kinh tế Forex
Nếu bạn đang sử dụng TradingView hoặc MetaTrader 5 (MT5), lịch kinh tế được tích hợp vào hệ thống. Phổ biến hơn, thì có nhiều website cung cấp lịch kinh tế để các nhà đầu tư, nhà giao dịch có thể dễ dàng tra cứu và cập nhật thông tin. Phổ biến nhất vẫn là:
– Lịch kinh tế của Investing.com: https://www.investing.com/economic-calendar/
– Lịch kinh tế của Forexfactory: https://www.forexfactory.com/calendar
Mình khuyến nghị bạn sử dụng Forex Factory Calendar, vì lịch của họ dễ cài đặt và dễ quan sát, phân tích nhất. Dưới đây là những hướng dẫn cách đọc dữ liệu, đọc và phân tích lịch kinh tế với Forex Factory:
Bước 1: Chọn múi giờ của bạn
- Đầu tiên, truy cập website: Forex Factory: https://www.forexfactory.com/
- Chọn nút “Thời gian” ở trên cùng bên phải của trang
- Sau đó, chọn múi giờ bạn (Ở Việt Nam là múi giờ GMT+7).
Như vậy, bạn sẽ biết được những tin tức quan trọng sẽ diễn ra ở khung giờ nào theo giờ Việt Nam.
Bước 2: Lọc tin tức quan trọng
Ở Forex Factory cung cấp rất nhiều tin tức khác nhau từ nhiều quốc gia trên thế giới, ví dụ như CPI, PPI, Doanh số bán lẻ, Lạm phát, Ngân hàng Trung ương, v.v. Nhưng không phải tin tức nào cũng ảnh hưởng đến thị trường vì chúng không phải là một sự kiện tin tức lớn.
Vì vậy, việc cần làm là LỌC TIN TỨC, tức là chỉ chú ý đến những tin tức quan trọng, và có ảnh hưởng đến cặp tiền tệ bạn đang giao dịch. Các bước làm như sau:
- Chọn tab “Calender” (LỊCH) ở đầu trang
- Sau đó chọn nút “Filter” ở trên cùng bên phải của trang.
Bạn sẽ thấy một cái gì đó như thế này…
- Phần Expected Impact, hãy đánh dấu vào ô màu đỏ và cam. Điều này có nghĩa là lịch trên Forex Factory sẽ chỉ phản ánh sự kiện tin tức có mức độ tác động cao và trung bình (nếu bạn muốn xem cả những sự kiện có tác động thấp hơn, có thể tick cả ô màu vàng – nếu muốn).
- Phần Event Types, tốt nhất nên chọn TẤT CẢ, là bạn sẽ xem được thông tin của toàn bộ nền kinh tế (hoặc có thể bỏ qua dữ liệu nào nếu bạn muốn).
- Phần Currencies, hãy chọn đồng tiền mà bạn muốn theo dõi tin tức. Nhưng mình cũng khuyên bạn nên chọn TẤT CẢ, vì đây đều là những đồng tiền tệ chính của các nền kinh tế lớn, và chúng sẽ cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng về những gì đang diễn ra trên khắp thế giới. Nhưng nếu không muốn, thì hãy luôn ưu tiên USD, EUR, GBP, JPY.., hoặc cụ thể là chọn loại tiền tệ bạn hay giao dịch.
Bước 3: Đọc dữ liệu với Forex Factory
Sau khi đã cài đặt xong 2 bước trên, chúng mình sẽ có một bảng cập nhật các tin tức quan trọng như sau:
Đọc dữ liệu, bạn sẽ quan tâm đến 3 cột sau:
- Actual: Dữ liệu – THỰC TẾ – mới nhất của kỳ báo cáo.
- Forecast: Dữ liệu – DỰ ĐOÁN – mới nhất của kỳ báo cáo.
- Previous: Dữ liệu – Kỳ trước đó.
Ngoài việc xem THỰC TẾ là bao nhiêu và so sánh nó với dữ liệu kỳ trước, thì điều quan trọng nhất là phải so sánh dữ liệu THỰC TẾ với dữ liệu DỰ ĐOÁN. Chỉ cần 2 kết quả này có sự chênh lệch, thì cũng gây ra sự biến động của thị trường. (Lý do là bởi giá thường chạy trước theo DỰ ĐOÁN).
Chi tiết về sự thay đổi các dữ liệu này sẽ có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến thị trường, thì nó đòi hỏi bạn cần phải có kiến thức CƠ BẢN về kinh tế vĩ mô và biết qua về chỉ số này.
Hoặc có một cách khác, đó là bạn click vào phần Detail, nó sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản nhất về dữ liệu bạn đang xem xét. Ví dụ:
Ngoài ra, nếu bạn click vào icon in hình biểu đồ, nó sẽ cho bạn thông tin chi tiết về các dữ liệu đã phát hành trước đó:
Với biểu đồ này, nó có thể dễ dàng giúp bạn phát hiện xu hướng dữ liệu kinh tế, từ đó có ý tưởng cho một giao dịch dài hạn hơn. Ví dụ ở ảnh trên là GDP của Anh giai đoạn 2019, thể hiện một xu hướng giảm. Với dữ liệu này, bạn có thể ưu tiên SHORT hơn là LONG đối với GBP.
Cách phân tích một số dữ liệu quan trọng của lịch kinh tế
Mặc dù lịch kinh tế Forex sẽ đánh dấu giúp bạn những tin tức, dữ liệu có tác động cao nhất đến thị trường. Nhưng để có tận dụng được tốt lịch kinh tế, nó đòi hỏi bạn phải HIỂU về các dữ liệu đó, như vậy bạn mới có thể phân tích được, để xem dữ liệu tăng/giảm, thấp hơn hay cao hơn so với dự báo là tốt hay xấu.
Có tới cả trăm chỉ số khác nhau. Nếu không phải là nhà phân tích chuyên nghiệp, có lẽ bạn sẽ không nắm hết được. Tuy vậy, ít nhất, bạn cần trang bị cho mình kiến thức về các chỉ số/sự kiện sau:
Lãi suất của các ngân hàng Trung Ương
Hãy luôn chú ý đến lãi suất của 8 ngân hàng Trung Ương lớn trên toàn thế giới, bao gồm: đô la Mỹ (USD), Euro (EUR), Yên Nhật (JPY), Bảng Anh (GBP), Đô la Canada (CAD), Kronor Thụy Điển (SEK), Franc Thụy Sĩ (CHF). Bởi đây đều là các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới, và chúng cũng là thành phần cấu tạo nên DXY – chỉ số sức mạnh của đồng USD.
Đặc biệt là đồng EURO (EUR). EUR là đồng tiền chung của Khối liên minh Châu Âu, có sự tham gia của 19 quốc gia. Ngoài ra, cũng đừng bỏ qua CNY (Nhân dân tệ), vì Trung Quốc cũng là một trong những nền kinh tế hàng đầu hiện nay.
Mặc dù vậy, quan trọng nhất vẫn là dữ liệu lãi suất của Mỹ (USD), sẽ thường được FED công bố. Khi tìm hiểu lãi suất, điều quan trọng là xem xét chính sách của NHTW đó như thế nào. Sẽ được chia làm 2 loại:
- Hawkish (diều hâu): có nghĩa là NHTW đã thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất. Các nhà đầu tư sẽ chuyển tiền của họ từ các quốc gia khác để kiếm được mức lãi suất cao hơn tại đất nước vừa tăng lãi này. => Khi đó, nhu cầu về tiền tệ của quốc gia đó sẽ tăng lên và sẽ làm tăng giá trị đồng tiền.
- Dovish (nới lỏng): có nghĩa là NHTW đã nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư sẽ chuyển tiền của họ sang các quốc gia khác để kiếm được lãi suất cao hơn. => Lúc này, nhu cầu đối với đồng tiền của quốc gia đó sẽ giảm và đồng tiền sẽ mất giá.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần quan tâm đến mức tăng/giảm lãi suất thực tế so với mức dự báo. Nếu lãi suất giống như dự báo thì thị trường sẽ ít biến động, còn nếu chênh lệch nhiều thì thị trường sẽ biến động rất lớn.
Tỷ lệ lạm phát (Inflation)
Một điều có tác động rất lớn đến tiền tệ của một quốc gia và tỷ giá hối đoái của quốc gia đó là tỷ lệ lạm phát. Lạm phát là sự tăng mức giá chung liên tục của hàng hoá, dịch vụ theo thời gian và là sự mất giá của một loại tiền tệ nào đó.
Một đất nước có lạm phát cao thì sức mua đồng nội tệ giảm, hàng hóa dịch vụ trong nước đắt hơn so với thị trường nước ngoài. Lúc này tiền trong nước sẽ bị giảm nhu cầu, còn người dân thích dùng ngoại tệ hơn. Ngược lại, khi đất nước có lạm phát thấp (hoặc có khi giảm phát) thì sức mua của đồng nội tệ tăng. Nhu cầu về nội tệ sẽ tăng khiến giá trị của nội tệ cũng sẽ tăng lên.
Lạm phát tăng đôi không phải là xấu đối với nền kinh tế, nếu tăng ở mức độ vừa phải thì là dấu hiệu cho nền kinh tế đang tăng trưởng. Nhưng xét trong giao dịch Forex, thì các tỷ lệ lạm phát có ảnh hưởng lớn đến tỷ giá của các cặp tiền tệ.
Lạm phát và lãi suất có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Nhiều quốc gia cố gắng cân bằng một cách khéo léo giữa lãi suất với tỷ lệ lạm phát, nhưng mối quan hệ giữa hai yếu tố này rất phức tạp và khó quản lý. Các NHTW sẽ nhìn vào dữ liệu lạm phát, rồi từ đó thao túng lãi suất để điều chỉnh lạm phát như mong muống (như những gì FED đã làm suốt thời gian gần đây).
- Lạm phát tăng ⇒ Đồng nội tệ mất giá ⇒ Tăng lãi suất để cải thiện giá trị đồng nội tệ, giảm lạm phát.
Có thể thấy, lạm phát là một chỉ báo sớm của lãi suất và tỷ giá hối đoái. Lạm phát có nhiều khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị và tỷ giá hối đoái của đồng tiền. Tỷ lệ lạm phát thấp không có nghĩa là tỷ giá hối đoái của quốc gia đó là thuận lợi, nhưng – tỷ lệ lạm phát cao chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến tỷ giá hối đoái của quốc gia đó.
Bản tin Non-Farm (NFP)
Non Farm (Nonfarm Payrolls – NFP) hay còn gọi là bản lương phi nông nghiệp của Hoa Kỳ, là một chỉ số kinh tế quan trọng nhất của Forex mà bất cứ nhà giao dịch nào cũng nên tìm hiểu. Lý do:
- GDP và mức độ việc làm có liên quan chặt chẽ với nhau. Bất kỳ thay đổi nào trong dữ liệu NonFarm đều di chuyển rất chặt chẽ với những thay đổi GDP hàng quý. Nếu GDP phát hành hàng quý, thì NFP được phát hành hàng tháng, chính vì vậy dữ liệu NFP phản ánh rất kịp thời và không có độ trễ về tình hình nền kinh tế hiện tại.
- Bản tin NonFarm có nhiều tác động lớn đến chính sách tiền tệ. Hãy nhớ, có 2 mục tiêu kép mà FED luôn quan tâm: giá cả ổn định và việc làm tối đa. Do đó, dữ liệu Nonfarm có ảnh hưởng đáng kể đến nhận thức về thị trường và tương lai của chính sách tiền tệ nói chung.
Số liệu bảng lương phi nông nghiệp liên tục giảm cho thấy 1 sự yếu kém, đồng thời có khả năng dẫn tới nguy cơ suy thoái kinh tế. Ngược lại, nếu dữ liệu được công bố cho thấy tỷ lệ lao động tăng trưởng liên tục, thì đây có thể là một nền kinh tế khoẻ mạnh, phát triển và khả năng xảy ra suy thoái là rất thấp.
Thời gian công bố Nonfarm: Công bố định kỳ vào thứ 6 đầu tiên của tháng, lúc 19h30 (giờ mùa hè) hoặc 20h30 (giờ mùa đông) theo giờ Việt Nam.
Các dữ liệu trong bản tin Nonfarm: Một bản tin Nonfarm sẽ bao gồm 3 dữ liệu, đó là:
- Tỷ lệ tham gia lao động (Non-farm Employment Change): số lượng việc làm thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ được tạo ra trong tháng trước.
- Tỷ lệ thất nghiệp (Unemployment Rate): tỷ lệ người lao động chưa có việc làm nhưng vẫn đang tích cực tìm kiếm công việc mới trong tháng trước.
- Thu nhập bình quân theo giờ (Average Hourly Earnings): tỷ lệ thu nhập thay đổi trong tháng trước.
Dữ liệu Non-Farm có ảnh hưởng lớn đến sức mạnh của đồng USD. Nói chung, khi bạn xem thông tin này mỗi tháng, hãy so sánh nó với cả Chỉ số kỳ trước (Previous) và Chỉ số dự báo (Forecast). Mức chênh lệch giữa 3 chỉ số này sẽ tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư khiến cho thị trường biến động mạnh.
- Số liệu Thực Tế > Dự Báo: tốt hơn dự kiến, theo hướng tích cực (tỷ lệ thất nghiệp giảm, tỷ lệ việc làm tăng) sẽ khiến USD tăng mạnh hay các cặp chứa USD/XXX sẽ Tăng, ngược lại các cặp XXX/USD sẽ Giảm.
- Số liệu Thực Tế < Dự Báo: xấu hơn so với dự kiến, theo hướng tiêu cực (tỷ lệ thất nghiệp tăng), sẽ gây ảnh hưởng tới đồng USD khiến USD giảm thì lúc này các cặp USD/XXX sẽ Giảm, và các cặp XXX/USD sẽ Tăng.
Đặc biệt khi phân tích Nonfarm, bạn cần tìm hiểu kỹ hơn về tỷ lệ thất nghiệp. Nếu nền kinh tế đang phục hồi nhưng thất nghiệp tăng, thì tỷ lệ thất nghiệp đóng vai trò như một chỉ báo tụt hậu. Chúng ta thường thấy tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng ngay cả khi GDP đã chạm đáy. Thất nghiệp cũng gắn chặt với tâm lý người tiêu dùng (ảnh hưởng đến CCI). Thời gian thất nghiệp kéo dài gây tác hại cực kỳ lớn đến tâm lý người tiêu dùng, và do đó cũng ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Nhưng: Nếu tỷ lệ thất nghiệp là 0% hoặc quá thấp cũng KHÔNG HỀ TỐT chút nào. Bởi nếu không có ai bị thất nghiệp, thì trong 1 ngành nghề nào đó khi cần thêm lao động, bắt buộc các chủ doanh nghiệp sẽ phải tăng lương để họ chịu làm. Và nếu tăng lương mãi sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát, như vậy cũng không tốt cho. nền kinh tế.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
GDP là viết tắt của Gross Domestic Product, có nghĩa là tổng sản phẩm nội địa, hay thường gọi là tổng sản phẩm quốc nội. GDP dùng để đo lường giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng trong một quốc gia. Chỉ số GDP thường được báo cáo định kỳ theo quý hoặc theo năm.
Khi có tin GDP của nước nào đó tăng lên thì đấy là tin tốt cho đồng tiền nước đó. Mọi người sẽ muốn đầu tư vào đồng tiền này nhiều hơn, dẫn đến giá trị đồng tiền của quốc gia đó sẽ tăng.
Ví dụ: dưới đây về cặp tỉ giá GBP/USD đã tăng rất mạnh do có báo cáo kinh tế về GDP m/m của đồng Bảng Anh (GBP) từ mức 0.0% lên mức 0.3% (rong khi dự báo chỉ là tăng 0,1%). Điều này vượt quá kì vọng, khiến cho đồng GBP mạnh lên.
Đồ thị giá GDP/EUR thời điểm tin tức được công bố:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
CPI (viết đầy đủ là Consumer Price Index), có nghĩa là chỉ số giá tiêu dùng, đây là chỉ số tính theo phần trăm để phản ánh mức thay đổi tương đối của giá hàng tiêu dùng theo thời gian.
CPI được xem như một công cụ để đo mức lạm phát. CPI tăng đồng nghĩa với việc mức giá trung bình tăng và ngược lại. Chính vì vậy, phân tích CPI có ảnh hưởng gì đến thị trường Forex cũng tương tự như phân tích lạm phát.
- CPI cao có thể thúc đẩy việc tăng lãi suất của một NHTW trong nỗ lực kiểm soát xu hướng lạm phát. Khi lãi suất của một quốc gia cao hơn, có khả năng đồng tiền của quốc gia đó sẽ mạnh lên khi nhu cầu đối với nó tăng lên.
- Ngược lại, CPI thấp hơn có thể dẫn đến lãi suất giảm và nhu cầu về tiền tệ của một quốc gia, khiến người tiêu dùng chi tiêu, đưa nhiều tiền hơn vào lưu thông và nói chung là kích thích nền kinh tế phát triển chậm lại.
Chỉ số CPI là một chỉ số kinh tế quan trọng của Forex, có tác động sâu sắc đến thị trường. Ngoài việc xem xét tăng/giảm so với tháng trước đó, thì các nhà đầu tư cần so sánh với CPI thực tế so với CPI dự báo. Ví dụ: nếu chỉ số CPI Mỹ tăng cao hơn so với dự kiến trước đó, nó sẽ tạo cảm giác rằng chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt trong tương lai gần, dẫn đến thị trường tăng giá cho đô la Mỹ.
Chỉ số giá sản xuất (PPI)
PPI (Producer Price Index) là chỉ số giá cả sản xuất, đo lường mức độ lạm phát trong giá hàng hóa dưới góc độ các nhà sản xuất.
PPI thường phản ánh trước xu hướng chỉ số CPI, chính vì vậy, ý nghĩa chủ đạo của PPI trong mắt các nhà đầu tư là khả năng dự đoán CPI. Khi PPI tăng thì khả năng cao là CPI cũng sẽ tăng.
Tóm lại: Nếu số liệu PPI thực tế cao hơn dự báo nên được coi là mang tính tích cực/xu hướng tăng đối với đồng tiền của quốc gia đó, trong khi đó số liệu thực tế thấp hơn dự báo sẽ được coi là mang tính tiêu cực/xu hướng giảm.
Chỉ số quản lý thu mua (PMI)
Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) hay còn gọi là Chỉ số Purchasing Managers Index là chỉ số đo lường “sức khỏe” kinh tế của ngành sản xuất. PMI bao gồm tổng thể năm chỉ số: đơn đặt hàng mới, mức tồn kho, sản xuất, giao hàng từ nhà cung ứng và môi trường lao động.
Mục đích của PMI: PMI cho thấy tình hình kinh tế khá tổng quát trong cả ngành sản xuất lẫn dịch vụ. PMI thể hiện mức độ “sôi động” của việc mua bán trong lĩnh vực sản xuất trong một 1 tháng và các thay đổi qua hàng tháng sẽ phản ánh rõ ràng tốc độ tăng trưởng/suy yếu của khu vực dịch vụ và sản xuất. Ngoài ra, nó cũng cho chúng ta dự đoán các chỉ số khác như giá tiêu dùng CPI, tổng sản phẩm quốc nội GDP… từ đó, giúp chúng ta dần đoán biết được nền kinh tế này ở vị trí nào, có như mong đợi của các nhà hoạch định chính sách hay không.
Tóm lại, PMI là một chỉ số kinh tế quan trọng nhất khi xem xét lịch kinh tế. Dữ liệu PMI tăng chứng tỏ nền kinh tế phát triển mạnh, dẫn đến đồng tiền của quốc gia đó sẽ mạnh lên.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI)
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tiếng Anh là Industrial Production Index (IPI), là một chỉ số kinh tế hàng tháng đo lường sản lượng thực tế trong các ngành công nghiệp sản xuất, khai thác, điện và khí đốt. IPI được xuất bản vào giữa mỗi tháng bởi Hội đồng Dự trữ Liên bang (FRB) và được báo cáo bởi Conference Board.
Mặc dù sản xuất là một lĩnh vực chỉ chiếm khoảng 20% nền kinh tế Hoa Kỳ, nhưng nó lại chịu trách nhiệm cho một lượng lớn sự thay đổi trong sản lượng của Hoa Kỳ, chính vì vậy các nhà giao dịch Forex phải theo dõi chặt chẽ nó. Ngoài ra, IPI còn có mối tương quan với chu kỳ kinh doanh, nên nhiều nhà phân tích còn sử dụng dữ liệu IPI như một chỉ báo ban đầu về GDP.
IPI thường tỷ lệ thuận với giá trị của một loại tiền tệ. Khi IPI cao, có nghĩa là hoạt động kinh tế đang được cải thiện ở quốc gia đó, và đóng góp trực tiếp vào GDP, khiến giá trị của đồng tiền đó ở quốc gia đó sẽ tăng lên.
Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng (CCI)
Chỉ số CCI sẽ giúp tìm hiểu về mức độ lạc quan về tình trạng của nền kinh tế mà người tiêu dùng đang thể hiện thông qua các hoạt động tiết kiệm và chi tiêu của họ.
Thực ra, có 2 loại chỉ số thuộc nhóm này, đó là chỉ số Tâm Lý Tiêu Dùng (CSI – Consumer Sentiment Index) của đại học Michigan và chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng (CCI – Consumer Confidence Index) của Conference Board. CCI được công bố vào mỗi cuối tháng, trong khi CSI được công bố 2 lần/tháng.
- Nếu họ cảm thấy an toàn trong công việc, thời buổi kinh tế hiện tại, thì có khả năng họ sẽ đi và tiêu nhiều tiền hơn, và điều này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lúc này, CCI thường được hiển thị trên 100.
- Nếu người tiêu dùng không tự tin vào công việc và tương lai kinh tế của họ sẽ không ra ngoài và chi tiêu. Đây là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang dần bi quan. Lúc này, CCI thường được hiển thị dưới 100.
Tóm lại: Nếu CCI tăng, đây là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ tăng trưởng, và giá trị đồng tiền của quốc gia đó sẽ tăng theo.
Doanh số bán lẻ (Retail Sales)
Doanh số bán lẻ (RS) chúng ta có được cái nhìn tổng quan về giá trị của hàng hóa được bán trong lĩnh vực thương mại bán lẻ, và hơn hết RS nó là yếu tố quan trọng trong việc xác định tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – một chỉ số quan trọng của nền kinh tế.
Thông thường, doanh số bán lẻ tăng cho thấy sức khỏe của nền kinh tế, có thể ảnh hưởng tích cực đến đồng USD, nhưng cũng có những cân nhắc về lạm phát. Ngược lại, doanh số bán lẻ yếu sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường và đô la Mỹ.
Ví dụ: Tháng 10/11/2020, báo cáo RS-Index do Cục điều tra dân số Hoa Kỳ đưa ra cho thấy sụt của doanh số bán lẻ, đóng vai trò là bằng chứng cho một nền kinh tế trì trệ. Mặc dù có nhiều yếu tố phức tạp liên quan đến việc đánh giá nền kinh tế Mỹ trong thời kỳ đại dịch, nhưng thông tin về RS-Index đáng thất vọng kéo theo sự sụt giảm mạnh của tỷ giá USD/JPY.
Ngoài ra, còn một số sự kiện, dữ liệu kinh tế khác đáng quan tâm, ví dụ:
- Tồn kho DẦU Thô EIA
- Các cuộc họp của OPEC
- Dữ liệu New Home Sales
- Dữ liệu ISM
- Đơn đặt hàng lâu bền (Durable Goods Orders)
- Cán cân thương mại
- …..
Các chiến lược giao dịch Forex với Lịch kinh tế
Bây giờ bạn đã hiểu lịch kinh tế trong Forex có chức năng gì và những dữ liệu nào đáng để quan tâm nhất. Nhưng để sử dụng hiệu quả, hãy sử dụng một số mẹo/chiến lược giao dịch sau đây để áp dụng trên thị trường:
-
Đóng lệnh trước News: Bởi mỗi khi có một tin tức lớn được tung ra, thị trường sẽ biến động rất mạnh. Và nếu bạn không đủ tự tin với phán đoán của mình, có thể đóng lệnh sớm nhằm bảo vệ tài khoản của bạn.
-
Scalping: Đây là chiến lược mà bạn mở và đóng giao dịch trong vòng vài phút . Do đó, bạn có thể sử dụng phương pháp này vào thời điểm dữ liệu được tung ra, gây biến động mạnh trên thị trường. Ý tưởng là mở nhiều giao dịch nhằm tận dụng sự biến động gia tăng.
-
Pre-data trading: Một cách tiếp cận khác là giao dịch trước khi có dữ liệu. Bạn có thể dự đoán dữ liệu sẽ là bao nhiêu, tốt hay xấu, và đánh cược vào “news”. Tuy nhiên cách này cũng khá rủi ro, nên nó yêu cầu bạn phải có kế hoạch quản lý vốn, cài đặt Stop Loss cẩn thận.
-
Pending orders: Ngoài ra, bạn có thể sử dụng lệnh chờ để giao dịch Forex với lịch kinh tế. Mục tiêu là tận dụng sự biến động xảy ra sau khi dữ liệu được đưa ra, nếu nó thủng hỗ trợ/kháng cự, nó có thể bắt đầu một xu hướng mới. Ví dụ: nếu EUR/USD đang giao dịch ở mức 1,1200, bạn có thể đặt điểm BUY STOP ở mức 1,1230 và điểm SELL STOP ở mức 1,1180. Bản chất là thay vì “bet news” như cách trên, thì bạn chờ đợi giá phá vỡ xu hướng, tạo ra xu hướng cụ thể rồi bắt đầu tham gia giao dịch.
-
Position trading: Tức là giao dịch theo vị thế trong dài hạn. Ví dụ, nếu Fed nghe có vẻ diều hâu, bạn có thể bán cặp EUR/USD và ngược lại.
-
Buying the rumor, selling the news: Mua tin đồn, bán tin tức – Đây là chiến lược mà nhà giao dịch đi ngược lại dữ liệu thực tế. Ví dụ: nếu số liệu NFP mạnh, bạn có thể bán đô la Mỹ nếu dữ liệu phù hợp với kỳ vọng.
Nói chung, dù lựa chọn chiến lược giao dịch nào, điều bắt buộc và bạn vẫn cần hiểu thị trường, hiểu về kinh tế vĩ mô & các chỉ số, cũng như có các kiến thức về phân tích kỹ thuật, và hãy chỉ ưu tiên vào lệnh ở các vùng có risk:reward tốt nhất (thường là ~ kháng cự/hỗ trợ).
Ví dụ: Hãy xem ví dụ về cơ hội giao dịch trên cặp tiền tệ GBP/USD. Trong quá trình phân tích cặp GBP/USD, chúng mình đã tra cứu lịch kinh tế và biết rằng Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh đã chuẩn bị công bố báo cáo GDP vào thứ Ba. Phân tích kỹ thuật cho thấy GBP/USD đang giao dịch xung quanh vùng kháng cự, và đây là một vị trí giao dịch có rủi ro rất thấp. Vì vậy, mình đã đặt một lệnh SHORT đối với cặp tiền tệ GBP/USD vào sáng thứ Hai sau khi giá chạm mức kháng cự quan trọng và giảm xuống.
Sau đó, giao dịch đã đem về lợi nhuân hơn 100 pip, được thể hiện như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.
TÓM LẠI:
Lịch kinh tế là một phần quan trọng, không thể thiếu khi giao dịch Forex. Thị trường Forex được thúc đẩy bởi hầu hết các sự kiện kinh tế, tài chính trên thế giới, vì vậy mọi trader đều có thể cải thiện lợi nhuận của mình bằng cách kết hợp lịch kinh tế vào thói quen và chiến lược giao dịch của họ.
Do đó, chúng mình khuyến khích cả người mới bắt đầu và nhà giao có kinh nghiệm đều nên sử dụng lịch kinh tế Forex để đảm bảo rằng họ không bị bất ngờ khi các dữ liệu kinh tế vĩ mô được tung ra.
Đặc biệt, đừng bỏ qua lịch kinh tế chỉ vì bạn cho rằng bạn là một trader dựa phân tích kỹ thuật, bạn sẽ không cần phân tích cơ bản. Hãy nhớ rằng mục tiêu cuối cùng của giao dịch trên thị trường là kiếm lợi nhuận và lịch kinh tế có thể giúp bạn đạt được mục tiêu cao cả này. Chúc bạn sáng suốt và giao dịch thành công.
Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn cách chơi FOREX hiệu quả A – Z cho người MỚI bắt đầu
DautuX.vn