Thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục bùng nổ nhiều kỷ lục mặc cho bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Thị trường đã đạt được kỷ lục với những phiên giao dịch cán mốc cả tỷ đô, VN-Index tăng 24% so với cuối năm, và hơn 500 ngàn tài khoản chứng khoán được mở mới chỉ trong thời gian ngắn.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thị trường thu được rất nhiều dòng tiền của nhà đầu từ F0 đổ vào. Trong số các F0 đó lại rất nhiều người, họ không có một phương pháp đầu tư cụ thể nào cả mà hấu hết chỉ đầu tư theo cảm xúc hoặc nghe theo các “room phím hàng” trên zalo, facebook, telegram.., rồi kết quả nhận về là thua lỗ trầm trọng.
Theo thống kê trên thị trường chứng khoán, có khoảng 95% những người đầu tư chỉ sau khoảng 2 – 3 năm đều thua lỗ nặng nề. Vậy nguyên nhân thua lỗ chứng khoán là do đâu?
Để điểm qua những nguyên nhân dẫn đến lý do thua lỗ chứng khoán phổ biến hiện nay, thì mình sẽ chia các nhà đầu tư ra thành 3 level như sau:
Level 1: Chơi chứng khoán theo cảm tính, đám đông, không cần kiến thức
Lý do thua lỗ chứng khoán này chắc hẳn ai cũng biết rồi. Nhưng tiếc rằng có một số đông nhà đầu tư F0 vẫn lao đầu vào thị trường theo cách này, và họ vẫn quan niệm “chứng khoán là cờ bạc”, và gắn liền với may rủi.
Những đối tượng này chẳng cần biết doanh nghiệp có tình hình tài chính ra sao, lợi nhuận hàng năm thế nào, cũng chẳng muốn học phân tích, đọc số liệu làm gì cho mệt. Những gì họ thường làm là:
– Cổ phiếu XX này mấy hôm nay trên bảng giá tăng ghê thế, xanh ngập trời, chắc chắn có tiềm năng, mua thôi !!!.
– Con YY này rớt giá mạnh quá, rẻ quá trời, mua gấp, kiểu gì sau này cũng tăng mạnh.
– “Ê, mua con UU này đi, tao vừa mua đó, kiểu gì cũng lên giá.”
– “Bà con mua con này kinh quá, mình cũng phải mua theo thôi”
Đây chính là thực tại của không ít nhà đầu tư, và đại đa số đều nhà những nhà đầu tư mới. Họ thích mua theo cảm tính, phong trào, được “phím” con nào là mua con đó, rồi mua xong lại ngồi “khấn” để cổ phiếu tăng giá.
Dĩ nhiên, kết quả thế nào có lẽ ai cũng đều biết cả.
Level 2: Chịu khó đọc báo, tin tức, nghe chuyên gia và các nhà môi giới tư vấn
Level này cao hơn trường hợp ở trên một chút, đó là cũng chịu khó đi tìm hiểu đôi chút. Họ rất chăm chỉ nằm vùng ở các group, diễn đàn, hội nhóm trên khắp Facebook, Zalo, Telegram…, để cùng nhập hội với những “nhà đầu tư khác”, nhưng mục đích chính lại là để nghe “phím hàng”.
Mà khi hành động giống như vậy, bạn sẽ không khác gì một con rối. Họ hướng mình đi theo mã nào thì các bạn tranh nhau mua cái mã đó. Nó nâng giá thì tiếc không kịp mua, cố nhảy vào mua đuổi bằng được. Còn khi thấy người ta bảo bán thì các bạn cũng nhắm mắt bán theo. Không khác gì con rối cả và sẽ không thể tiếp thu thêm bất cứ một kiến thức nào trên thị trường này.
Bạn Bích Hạnh cũng chia sẻ trải nghiệm “nếm trái đắng” khi chân ướt chân ráo bước vào thị trường, và một mực tin theo các chuyên gia môi giới chứng khoán. Họ sẽ thường “phím” cho mình mua mua mã này, mã kia. Ăn được thì có ăn, nhưng tính ra thua nhiều hơn ăn. Dần dần, bạn Hạnh cũng hiểu ra rằng, chính bản thân các “chuyên gia” này cũng không biết chắc chắc được đâu là cổ phiếu ngon ăn.
Đặc biệt, các chuyên gia nhiều khi còn là tay sai cho “cá mập”, mục đích là dẫn dắt nhiều nhà đầu tư F0 “đu đỉnh”. Như trường hợp của bạn Phương Quỳnh cũng kể lại: “Có lần tôi nghe mọi người hò nhau thông tin về công ty A sát nhập, cổ phiếu tăng liền 3 phiên. Lúc đó dù đang lãi nhưng tôi nhất quyết không bán, rồi ai ngờ nó tụt giá nhanh chóng, tôi đành chấp nhận chịu lỗ, mà số tiền không nhỏ chút nào. Đây đúng là bài học kinh nghiệm cho tôi. Tôi cảm thấy rằng thị trường vô cùng khó đoán, và không ai có thể đảm bảo mình sẽ thắng được 100 %“.
Những đoạn hội thoại như ảnh trên, không khó để bạn tìm thấy trong những hội nhóm “phím hàng” cổ phiếu, nhằm dẫn dắt những nhà đầu tư gà mờ xuống tay mua cổ phiếu.
Các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, một mực tin vào các “chuyên gia” đó nên họ nói gì là sẵn sàng đặt lệnh mua theo ngay lập tức, sau đó thì thấp thỏm ngồi đợi “tín hiệu thị trường”. Chính vì chơi chứng khoán như vậy đã trở thành nguyên nhân thua lỗ chứng khoán chủ yếu, mất tới cả chục triệu, trăm triệu, nhiều khi còn nhiều hơn nữa.
Còn về phía các broker đến từ các công ty môi giới chứng khoáng. Bạn hãy thử đặt câu hỏi cho minh: mục đích của các broker là gì? Là chia sẻ miếng mồi ngon ăn cho tất cả cùng thắng có đúng không?
Mục đích của các broker là họ làm sao cho bạn đặt lệnh càng nhiều càng tốt, giao dịch càng nhiều càng tốt. Có như vậy thì công ty môi giới mới thu được nhiều phí giao dịch. Còn việc bạn thua hay thắng, đó không phải và việc họ quan tâm nhất đâu. Chẳng may lỡ cổ phiếu có sụt giá, thì bạn sẽ luôn nhận được câu trả lời chống chế rằng “tại diễn biễn thị trường bất ngờ quá, không lường trước được“.
Chưa kể, những mã cổ phiếu được “phím hàng” nhiều khi lại chính được dẫn dắt bởi “đội lái” cổ phiếu. Bởi vì mã cổ phiếu được phím thường là cổ phiếu đầu cơ, biến động nhanh và thất thường, và đến một giai đoạn nào đó nó sẽ trở về với giá trị thật, đánh bay số tiền mà bạn đã dồn vào cổ phiếu đó.
Tất nhiên, không phải broker hay “chuyên gia phím hàng” nào cũng là con cờ của đội lái, hoặc thiếu kinh nghiệm. Cũng có một số người có tâm, có hiểu biết, dự đoán đúng thị trường, nhưng những người nghe theo họ tỷ lệ thua lỗ vẫn cao. Lý do là bởi: khi họ “phím hàng” cho bạn, thì họ đã vào lệnh trước bạn mấy nhịp, và họ cũng thoát lệnh trước bạn mấy nhịp rồi.
Level 3: Có kiến thức, biết cách phân tích, cập nhật thị trường thường xuyên
Có thể nhiều người khi đọc xong phần trên sẽ cười khẩy, vì cấp độ trên chỉ dành cho những người gà mờ, còn các anh chị em chúng ta thì khác hoàn toàn, chúng ta cũng biết cách đầu tư, cũng biết tuân theo cách quy tắc đầu tư chứng khoán, đại loại như:
– Không a dua, không đầu tư theo tin đồn
– Luôn đa dạng hóa danh mục đầu tư
– Áp dụng phân tích để lựa chọn cổ phiếu, lựa chọn điểm mua điểm bán…
– Không dùng margin quá đà…
Tuy nhiên, tình trạng thua lỗ chứng khoán vẫn xảy ra thường xuyên? Tại sao lại như vậy?
Nguyên chính là bởi các anh chị em vẫn đang có thói quen là cố gắng dự báo thị trường trong ngắn hạn, bằng linh cảm và bằng cả hiểu biết của mình. Thực tế, có rất nhiều bạn có hiểu biết về thị trường, biết phân tích doanh nghiệp, biết đọc báo cáo tài chính, biết cả phân tích kỹ thuật hoặc cao siêu hơn một chút là có thể biết phân tích vĩ mô về các yếu tố như: tiền tệ, lãi suất, tỷ giá…
Nhưng rồi họ vẫn thua lỗ.
Bởi vì, các bạn không chịu ngồi yên.
Thay vì ngồi yên chờ cổ phiếu tăng giá trị trong dài hạn, thì các bạn lại rất thích bê “kiến thức” của mình để đi dự báo thị trường, xem thị trường chứng khoán ngày mai tăng giảm ra sao (cụ thể là dự báo ngắn hạn).
Những nhà đầu tư kiểu này thường hay mua phải cổ phiếu ở mức giá cao, dù đó có thể là những doanh nghiệp tốt, nhưng họ lại không đủ kiên nhẫn để chờ đợi thành quả mà cổ phiếu đem lại. Thay vào đó, mua xong họ lại đi dự báo thị trường để rồi lại đặt lệnh mua vào, bán ra.
Thực tế, từ năm 2020 đến năm 2021, có rất nhiều cố phiếu trên thị trường đã tăng đến 5 – 6 lần, thậm chí cả 10 lần. Nhưng tại sao những nhà đầu tư này vẫn thua lỗ? Chính là bởi lý do thua lỗ chứng khoán này – luôn thích dự đoán thị trường và lướt sóng trong ngắn hạn.
Thị trường chứng khoán những năm vừa qua tăng trưởng rất tốt, nhưng nếu bạn vẫn thua lỗ đều đều thì lúc này bạn cần xem lại phương pháp đầu tư của mình.
Bạn đã mất công sức tìm được một doanh nghiệp, một cổ phiếu tốt, rồi kết hợp cả những yếu tố vĩ mô…, tất cả đều thuận lợi. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng rất cao trong tương lai. Vì vậy, hãy kiên định chờ đợi.
Cơ hội sẽ đến từ những phiên bán tháo của các nhà đầu tư khác, để chúng ta đi gom cổ phiếu và chờ đợi doanh nghiệp phát triển. Không cần phải lướt sóng làm gì, bởi vừa mất thời gian, hại tâm lý, mà thực sự nó không hiệu quả, đặc biệt là không hiệu quả đối với những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.
Thay vì đầu tư chứng khoán theo phong trào, đám đông hoặc theo cái cách thích đánh nhanh, thắng nhanh mà anh chị em đang đầu tư, thì mình nghĩ mọi người nên hình thành cái tư duy về đầu tư cho bản thân mình, đó là: giá trị cổ phiếu được xác định dựa vào yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.
Ví dụ: công ty đó kiếm được bao nhiêu lợi nhuận, doanh thu tăng trưởng thế nào, biên lợi nhuận gộp ra làm sao, ví mô tác động đến tiêu cực hay tích cực đến cổ phiếu của doanh nghiệp trong thị trường….
Trong ngắn hạn, việc thắng hay thua chứng khoán và việc lấy tiền của nhà đầu tư này rót sang túi nhà đầu tư khác, và tổng lợi nhuận sẽ bằng 0. Bạn làm sao có đủ chắc chắn rằng mình sẽ chiến thắng trong trò chơi này, trước nhiều nhà đầu tư giàu kinh nghiệm khác? Nhưng trong dài hạn thì mọi chuyện sẽ khác, bởi trong dài hạn thì chứng khoán có thể sẽ là trò chơi mà số đông đều có thể chiến thắng.
Nhà đầu tư như những chiến binh thực thụ. Để có thể đứng vững được trên thị trường chứng khoán và gặt hái được thành quả, đòi hỏi nhà đâu tư phải giữa được tâm thật vững trước những biến động trong ngắn hạn, và có cái nhìn sáng suốt về các vấn đề trong dài hạn. Có như vậy, các bạn mới có thể bước đường dài trong thị trường đầy biến động này.
Có thể bạn quan tâm: 10 sai lầm khi đầu tư chứng khoán phổ biến nhất của người chơi mới
Đầu tư chứng khoán là một kênh đầu tư khá tốt trong xu thế của nền kinh tế hiện nay, nhất là khi Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển. Xét về dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn luôn phát triển song hành cùng với đất nước mình. Mong rằng qua bài viết này của mình, những anh chị em nào đang thua lỗ trên thị trường chứng khoán có thể tìm ra được phương pháp đầu tư phù hợp nhất với cá nhân mình.