Mô hình cái nêm là một trong những mô hình giá phổ biến nhất trong phân tích kỹ thuật hiện nay bởi tần suất nó xuất hiện trên thị trường khá nhiều. Tuy nhiên cách để vận dụng nó vào trong giao dịch sao cho đúng, hiệu quả thì không phải ai cũng làm được. Bài viết dưới đây của chúng mình sẽ giúp bạn tìm hiểu về mô hình cái nêm là gì cũng như những mẹo nhận biết & giao dịch với mô hình cái nêm nhé.
Nội dung
- 1 Hướng dẫn giao dịch với mô hình cái nêm
Hướng dẫn giao dịch với mô hình cái nêm
Mô hình cái nêm là gì?
Mô hình cái nêm (Wedge Pattern) là một mô hình giá phổ biến trong phân tích kỹ thuật, có thể xuất hiện cả trong xu hướng tăng hoặc giảm. Nó dự báo giá sẽ tiếp tục đi theo xu hướng cũ (tăng hoặc giảm), hoặc có thể đảo chiều sang xu hướng ngược lại.
Điểm quan trọng nhất khi tìm hiểu mô hình cái nêm là gì, đó là dựa vào 2 đường xu hướng của nó (là đường nối các đỉnh và đường nối các đáy lại với nhau). 2 đường xu hướng này phải cùng hướng lên trên hoặc cùng hướng xuống phía dưới.
Có 2 loại mô hình cái nêm, bao gồm:
- Mô hình nêm tăng: Là 2 đường xu hướng đều hướng lên trên, báo hiệu thị trường sẽ giảm giá.
- Mô hình nêm giảm: Là 2 đường xu hướng đều hướng xuống dưới, báo hiệu thị trường sẽ tăng giá.
*** Lưu ý, cụm từ “nêm tăng” hay “nêm giảm” không phải báo hiệu thị trường sẽ tăng tăng hay giảm như tên gọi của nó, mà nó chỉ miêu tả hình dáng của mô hình. Còn tín hiệu sẽ ngược lại với tên của mô hình (VD: Mô hình nêm tăng sẽ báo hiệu giảm giá)***
Để có thể nhận biết kỹ hơn, bạn hãy nhớ những đặc điểm cấu tạo nên một mô hình cái nêm bao gồm:
-
Xu hướng trước đó: Thường xuất hiện sau một xu hướng tăng mạnh hoặc giảm mạnh, được hình thành trong một thời gian dài.
-
Thời gian hình thành cái nêm đủ dài, tốt nhất là trong 1 – 3 tháng là lý tưởng nhất. Còn nếu bạn xem ở khung thời gian thấp thì độ chính xác của mô hình sẽ không cao.
-
Giá luôn tạo: đỉnh sau cao hơn đỉnh trước + đáy sau cao hơn đáy trước, hoặc đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước + đáy sau thấp hơn đáy trước, nhưng đặc điểm chung là biên độ dao động giữa đỉnh và đáy thu hẹp dần, chính vì vậy trông nó khá giống hình tam giác.
-
Đường xu hướng trên: Hay có thể gọi là kháng cự, tức là giá cứ chạm đường này sẽ quay đầu giảm. Cần ít nhất hai lần giá chạm kháng cự, nhưng tốt nhất là 3.
-
Đường xu hướng dưới: Hay có thể gọi là hỗ trợ, tức là giá cứ chạm đường này sẽ quay đầu tăng. Tương tự, nó cũng cần ít nhất 2 đến 3 lần giá chạm hỗ trợ.
-
Tín hiệu breakout: Mô hình chỉ thành công khi xuất hiện tính hiệu breakout khỏi kháng cự hoặc hỗ trợ. Nếu bạn thấy trên đồ thị giá xuất hiện mô hình này, nhưng chưa có tín hiệu breakout thì tuyệt đối chỉ đứng ngoài quan sát chờ đợi.
Ý nghĩa của mô hình cái nêm là gì?
Bất cứ mô hình nào cũng phản ánh hành động của người mua và người bán trên thị trường, và mô hình cái nêm cũng không ngoại lệ. Vậy nhìn vào mô hình cái nêm, bạn có hiểu được thị trường đáng thế nào, phe bán hay phe mua chiếm ưu thế không?
Mô hình cái nêm xuất hiện mang ý nghĩa báo hiệu rằng thị trường đang trong trạng thái tạm nghỉ ngơi sau một xu hướng giá tăng hoặc giảm trước đó.
Trong thời điểm thị trường nghỉ ngơi này, cũng là lúc bạn cần theo dõi biến động của mô hình để bắt kịp tín hiệu breakout, từ đó có thể tìm được một điểm vào lệnh đẹp nhất, lợi nhuận cao nhất.
Ví dụ về mô hình cái nêm trong thực tế:
Hình ảnh trên cho thấy một mô hình nêm giảm xuất hiện sau một xu hướng giảm. Giá của Bitcoin giảm mạnh từ 64.000 đô la xuống 30.000 đô la, nhưng bất chấp áp lực bán mạnh, nó không thể phá vỡ mốc dưới 30.000 đô la, và tạo thành một mô hình cái nêm giảm, nhưng báo hiệu tín hiệu đảo chiều tăng giá.
Phân biệt mô hình cái nêm với mô hình tam giác, cờ đuôi nheo
Bạn đã hiểu về mô hình cái nêm là gì? Chắc hẳn bạn sẽ thấy thắc mắc rằng tại sao nó lại “na ná giống” với một số mô hình khác, cụ thể là mô hình tam giác và mô hình cờ đuôi nheo.
Điểm giống nhau là chúng đều có hình dạng giống hình tam giác. Tuy nhiên để biết được điểm khác nhau, bạn hãy nhìn vào 2 đường xu hướng của chúng (là đường nối các đỉnh và đường nối các đáy):
- Mô hình cờ đuôi nheo: 2 đường xu hướng nằm ở 2 hướng khác nhau (một cái hướng lên trên, 1 cái hướng xuống dưới).
- Mô hình tam giác: Có 1 đường xu hướng hướng lên trên (tam giác tăng) hoặc hướng xuống dưới (tam giác giảm), còn đường xu hướng còn lại nằm ngang.
- Mô hình cái nêm: 2 đường xu hướng bắt buộc phải cùng hướng lên trên, hoặc cùng hướng xuống dưới.
Vậy bạn đã hiểu mô hình cái nêm là gì và các phân biệt với các mô hình giá khác chưa?
Hướng dẫn về mô hình cái nêm tăng
Mô hình cái nêm tăng là mô hình có 2 đường xu hướng cùng dốc lên. Chúng hội tụ nhau tại điểm chếch lên trên so với phần thân. Mô hình nêm tăng cho tín hiệu thị trường sẽ giảm giá.
Mô hình nêm tăng có thể xuất hiện sau một xu hướng tăng hoặc giảm. Tuy nhiên, sau khi giá bắt đầu phá vỡ mô hình thì sẽ có xu hướng đi ngược lại so với cái nêm.
- Mô hình nêm tăng xuất hiện trong một xu hướng tăng: giá vẫn tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước nhưng độ dốc của các đỉnh sau so với đỉnh trước lại thấp hơn độ dốc của các đáy sau so với đáy trước. Nó thể hiện lực mua đang dần yếu đi và lực bán đang tăng lên (giá đã đủ cao để một số nhà đầu tư chốt lời). Đến một thời điểm nào đó, lực bán đủ mạnh sẽ phá vỡ ngưỡng hỗ trợ và đi xuống, hình thành một xu hướng mới.
- Mô hình nêm tăng xuất hiện trong một xu hướng giảm: Thể hiện rằng thị trường đang tạm nghỉ ngơi sau một đợt giảm mạnh. Một số nhà đầu tư sẽ cắt lỗ và một phần sẽ tham gia vào thị trường. Lúc này, lực mua khá yếu trong khi phe bán đang mạnh dần lên. Khi lực bán đủ mạnh, giá sẽ phá vỡ ngưỡng hỗ trợ và đi xuống.
Hướng dẫn về mô hình cái nêm giảm
Mô hình cái nêm giảm là mô hình có 2 đường xu hướng cùng dốc xuống nhau. Chúng hội tụ nhau tại điểm chếch xuống trên so với phần thân. Mô hình nêm giảm cho tín hiệu thị trường sẽ tăng giá.
Tương tự, mô hình nêm giảm cũng có thể xuất hiện sau một xu hướng tăng hoặc giảm. Và sau khi giá bắt đầu phá vỡ mô hình thì sẽ có xu hướng đi ngược lại so với cái nêm.
- Mô hình nêm giảm xuất hiện trong một xu hướng tăng: Thị trường đang tạm nghỉ ngơi sau một thời gian tăng giá kéo dài. Một số nhà đầu tư sẽ chốt lời vì đủ lợi nhuận, trong khi đấy một số nhà đầu tư khác sẽ tham gia thị trường với kỳ vọng đón đầu xu hướng mới. Tuy nhiên lực bán lúc này khá yếu ớt, cộng với phe mua đang mạnh dần lên, dẫn tới giá được đẩy lên cao hơn, phá vỡ kháng cự và tạo thành một xu hướng tăng mới.
- Mô hình nêm giảm xuất hiện trong một xu hướng giảm: Giá vẫn tạo đáy sau thấp hơn đáy trước nhưng độ dốc của các đáy đã nhỏ hơn độ dốc của các đỉnh. Điều này thể hiện qua độ dốc của đường kháng cự lớn hơn so với đường hỗ trợ, chứng tỏ lực bán đang dần yếu đi và lực mua đang tăng lên. Tới thời điểm lực bán mua mạnh sẽ phá vỡ ngưỡng kháng cự và đi lên, hình thành một xu hướng tăng mới.
Hướng dẫn giao dịch với mô hình cái nêm
Bạn đã hiểu về mô hình cái nêm là gì, cũng như cách nhận diện những mô hình cái nêm tăng, mô hình cái nêm giảm. Giờ hãy đi sâu vào việc học giao dịch với mô hình cái nêm nhé.
Giao dịch với tín hiệu breakout (đột phá)
Mô hình cái nêm chỉ thành công khi giá đột phá khỏi kháng cự hoặc hỗ trợ. => Thời điểm giá vừa đột phá đó có thể coi là tín hiệu để bạn bắt đầu vào lệnh.
- Bạn có thể vào lệnh MUA ngay khi giá breakout khỏi kháng cự, hoặc đặt lệnh BÁN ngay sau khi giá Breakout khỏi hỗ trợ.
Cách vào lệnh bên trên có thể giúp bạn có lợi nhuận nhiều nhất, điểm vào lệnh đẹp, nhưng xác xuất rủi ro cao bởi dễ vướng phải bẫy breakout giả.
=> Mẹo khắc phục cho bạn, đó là tìm tín hiệu giá retest lại kháng cự/hỗ trợ, sau khi nó đã breakout.
Ví dụ: Giá breakout khỏi kháng cự, sau đó quay đầu chạm lại đường kháng cự đó (lúc này đã là hỗ trợ), nếu nó lại quay đầu đi lên thì được coi là breakout thành công, còn tiếp tục đi xuống thì đó là breakout giả ***
Chính vì vậy, việc chờ đợi giá retest lại vùng bị breakout sẽ giúp bạn ít rủi ro hơn. Cụ thể hãy xem hình minh họa dưới đây:
Điều này cũng đúng đối với mô hình cái nêm giảm. Lúc này bạn hãy đợi thị trường breakout khỏi kháng cự, sau đó quan sát xem nó có retest lại để biến kháng cự đó thành hỗ trợ mới hay không thì mới quyết định vào lệnh.
=> Sau khi đã xác định được tín hiệu retest thành công, có thể vào lệnh ở thời điểm giá vừa retest.
Cắt lỗ (Stop Loss) với mô hình cái nêm
Tìm một nơi thích hợp để cắt lỗ với mô hình cái nêm sẽ phức tạp hơn một chút so với việc xác định một điểm vào lệnh. Đặc biệt là mô hình cái nêm có rất nhiều dạng khác nhau, và mỗi loại lại có một vị trí Stop Loss khác nhau.
Tuy nhiên, quy tắc vàng vẫn được áp dụng – đặt Stop Loss ở đỉnh cao nhất của mô hình nêm tăng, hoặc đặt Stop Loss ở đáy thấp nhất của mô hình nêm giảm.
– Minh hoạt Stop Loss cho mô hình nêm tăng:
– Minh hoạt Stop Loss cho mô hình nêm giảm:
Tại sao mình lại khuyên các bạn làm như vậy? Bởi khu vực đó có xác suất giá sẽ tiếp tục tạo đỉnh cao hơn (đối với nêm tăng) hoặc tạo đáy thấp hơn (đối với nêm giảm). Nếu điều đó xảy ra, thì tỷ lệ giá sẽ đi ngược với xu hướng bạn dự đoán là rất lớn. Vì vậy cắt lỗ ở điểm đó không bao giờ là sai cả.
Chốt lời (Take Profit) với mô hình cái nêm
Bây giờ đến phần thực sự thú vị – chốt lời. Cả mô hình nêm tăng và giảm đều giúp bạn dễ dàng xác định các khu vực hỗ trợ hoặc kháng cự. Điều này là do bản thân mô hình được hình thành bởi cấu hình “bậc thang” gồm các đỉnh và đáy sau cao hơn (nêm tăng), hoặc đỉnh và đáy sau thấp hơn (nêm giảm).
Chúng ta hãy nhìn vào cái nêm tăng trước:
Không có mức chốt lời cố định nào, mà điều quan trọng bạn hãy luôn theo dõi biến động thị trường và tìm điểm chốt lời phù hợp với kế hoạch của bạn.
Ví dụ: Bitcoin đang ở mức 45000 đô la và xuất hiện mô hình cái nêm tăng ở trong xu hướng tăng, và bạn dự đoán nó sẽ giảm giá. Các mốc hỗ trợ (đáy) của Bitcoin trước đó là 42000 đô, 38000 đô, 32000 đô. Bạn có thể vào lệnh SHORT và đặt chốt lời ở các vùng hỗ trợ trên, tùy theo mục tiêu lợi nhuận và dự đoán của bạn. Hoặc bạn đang nắm giữ BTC, có thể cân nhắc bán ra để tránh thua lỗ khi thấy xuất hiện mô hình nêm tăng.
Ngược lại, bạn có thể sử dụng tư duy tương tự để chốt lời với mô hình cái nêm giảm. Ở mô hình nêm giảm, sẽ dễ dàng xác định các mốc kháng cự khác nhau. Bạn có thể vào lệnh MUA và đặt lệnh chốt lời tùy theo dự đoán của bạn về thị trường, xem nó có thể phục hồi về vùng giá nào.
Lưu ý khi giao dịch với mô hình cái nêm
Tóm lại, các bạn đã tìm hiểu về mô hình cái nêm là gì, cũng như các cách giao dịch với mô hình cái nêm sao cho đúng, hiệu quả nhất. Dưới đây là những nội dung chính mình muốn bạn nắm được:
-
Mô hình cái nêm là mô hình có 2 đường xu hướng cùng hướng lên trên, hoặc cùng hướng xuống dưới.
-
Mô hình nêm tăng là 2 đường xu hướng cùng hướng lên, báo hiệu tín hiệu giảm giá.
-
Mô hình nêm giảm là 2 đường xu hướng cùng hướng lên, báo hiệu tín hiệu tăng giá.
-
Mô hình cái nêm hiệu quả thì đòi hỏi phải có ít nhất 2 lần giá chạm kháng cự và hỗ trợ.
-
Khung thời gian bạn có thể tùy chọn, nhưng hãy nhớ rằng, mô hình được hình thành càng lâu, độ chính xác càng lớn.
-
Mô hình cái nêm càng hiệu quả khi nó xuất hiện sau một xu hướng tăng mạnh, hoặc giảm mạnh.
-
Vào lệnh khi giá vừa breakout ra khỏi kháng cự/hỗ trợ, hoặc bạn có thể đợi giá retest lại để giảm rủi ro.
-
Hiểu được cách cắt lỗ và chốt lời với mô hình cái nêm chúng mình đã trình bày ở trên.
Có thể bạn quan tâm: Các mô hình giá trong phân tích kỹ thuật BẮT BUỘC phải nắm chắc
Trên đây là toàn bộ hướng dẫn của gsphong.com về mô hình cái nêm là gì. Mong rằng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình giao dịch coin, chứng khoán hoặc bất kỳ thị trường nào khác. Nếu như có bất kỳ thắc mắc gì các bạn cứ để lại bình luận bên dưới, chúng mình sẽ trả lời toàn bộ thắc mắc của các bạn. Cảm ơn bạn đã đọc bài và chúc bạn đầu tư thành công.