Một trong những chỉ số tài chính quan trọng được sử dụng để định giá cổ phiếu của công ty, đó chính là chỉ số trung bình ngành. Vậy chỉ số trung bình ngành là gì, xem chỉ số trung bình ngành ở đâu …v…v… Tất cả sẽ được giải đáp ở nội dung bài viết dưới đây, hãy tìm hiểu chi tiết cùng chúng mình nhé.
Nội dung
Cách phân tích cổ phiếu bằng chỉ số trung bình ngành
Chỉ số trung bình ngành là gì?
Chỉ số trung bình ngành (tiếng Anh: Industry Averages Ratios), là những chỉ số tài chính, định giá của ngành hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động. Chỉ số này thường được dùng để làm căn cứ so sánh tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong cùng một ngành với nhau.
Các nhà đầu tư chứng khoán thường dùng số liệu trung bình ngành (ROE, ROA, P/E, P/B, EV/EBITDA…) để đánh giá một công ty trước khi ra quyết định đầu tư. Họ sẽ so sánh các chỉ số tài chính của công ty với những chỉ số tương ứng của ngành, từ đó sẽ đánh giá được hiệu quả hoạt động của công ty này so với mức trung bình trong toàn ngành, cũng như dễ dàng nhận biết được doanh nghiệp nào đang kinh doanh tốt và doanh nghiệp nào đang làm ăn thua lỗ.
Chỉ số trung bình ngành lấy ở đâu?
Chỉ số trung bình ngành là chỉ số không thể thiếu khi muốn định giá cổ phiếu, nhưng việc tính toán chỉ số này không hề đơn giản, bởi mỗi ngành có tới cả trăm, cả ngàn doanh nghiệp. Chính vì vậy, bạn cần tham khảo ở một số nguồn uy tín để có được thông tin cụ thể về chỉ số này.
Dữ liệu chỉ số trung bình ngành có thể lấy từ nhiều nguồn thống kê chuyên nghiệp khác nhau, nhưng theo kinh nghiệm từ nhiều nhà phân tích chứng khoán, thì đây là những nguồn có số liệu đầy đủ, đa dạng và độ chuẩn xác cao nhất:
Thomson Reuters Eikon: (Website: eikon.thomsonreuters.com): nguồn dữ liệu rất đa dạng, chính xác, nhưng cần phải trả phí khá cao để sử dụng, nên chỉ dành cho những ai phân tích chứng khoán chuyên nghiệp.
Investing.com: dữ liệu rất phong phú, thông tin về các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng khá đa dạng. Các bạn có thể thoải mái truy cập trang web để tra thông tin doanh nghiệp và so sánh với các chỉ số trung bình ngành.
Dữ liệu từ các công ty chứng khoán, trang thông tin chứng khoán: một số công ty/trang thông tin sẽ cung cấp cho bạn phần nào đó những thông tin chuẩn xác về chỉ số trung bình ngành. Ví dụ:
- Chứng khoán Bản việt (VCSC): http://ra.vcsc.com.vn/Sector/Index-324
- Chứng khoán Tân Việt (TVSI): https://finance.tvsi.com.vn/data/industry
- Trang web cophieu68: http://www.cophieu68.vn/category_finance.php
- Website Stockbiz: https://www.stockbiz.vn/Industries.aspx
- Website khác như: cafef.vn, vietstock.vn…
Sử dụng chỉ số trung bình ngành để phân tích cổ phiếu
Khi phân tích cổ phiếu, bạn cần phải biết cách áp dụng chỉ số này một cách linh hoạt thì mới có thể hiểu đúng được bản chất và thị trường, từ đó mới có thể đầu tư đúng chỗ.
Chỉ số trung bình ngành sẽ được phân thành 2 dạng chính, bao gồm:
- Chỉ số trung bình ngành của các chỉ tiêu về tài chính như: ROE, ROA, tỷ suất lợi nhuận, khả năng thanh toán, hệ số nợ….
=> Nếu các chỉ số ROA (tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản), ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) cao hơn chỉ số trung bình của ngành => doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Ngược lại, nếu ROE, ROA của doanh nghiệp thấp hơn của ngành => doanh nghiệp có vẻ đang thua lỗ.
Thế nên bước ban đầu để nhận biết một cổ phiếu tiềm năng, các trader sẽ nhìn vào chỉ số ROE và ROA và tìm cái nào cao hơn so với chỉ số trung bình ngành, có nghĩa doanh nghiệp đang làm ăn tốt. Có như vậy thì cổ phiếu trên sàn mới có giá trị cao, dễ sinh lời, và đầu tư vào cổ phiếu này rất khả quan.
Ngoài ra, bạn còn có thể căn cứ vào D/E (hệ số vốn vay/vốn chủ sở hữu), hệ số này càng nhỏ và nếu thấp hơn trung bình ngành thì càng tốt, bởi nó sẽ cho thấy doanh nghiệp có nội lực lớn, ít gặp khó khăn về tài chính, và hoạt động sẽ ổn định hơn.
- Chỉ số trung bình ngành của việc định giá: PE, PB, EV/EBITDA…: dựa vào các chỉ số này và kết hợp với các chỉ số tài chính phía trên để biết được doanh nghiệp đang được đánh giá ra sao trên thị trường.
Ví dụ cụ thể để bạn dễ hiểu hơn, giả sử có số liệu của một doanh nghiệp A trong lĩnh vực bán lẻ thiết bị điện tử như hình bên dưới:
– Các chỉ số về tỷ suất sinh lời như ROE, ROA của doanh nghiệp A cao hơn nhiều so với trung bình ngành, cho thấy doanh nghiệp này đang hoạt động có hiệu quả cao.
– Hệ số vốn vay/vốn chủ sở hữu (D/E) của doanh nghiệp A thấp hơn trung bình ngành, cho thấy chỉ số này của doanh nghiệp A đang khá tốt.
– Ngược lại, các chỉ số về định giá như P/E và P/B của doanh nghiệp A lại thấp hơn so với chỉ số trung bình ngành, chỉ có thể nhận xét rằng doanh nghiệp A đang bị định giá “thấp” trên thị trường.
=> Chốt lại, đây có thể coi là một dấu hiệu bước đầu để bạn đánh giá được doanh nghiệp A là một doanh nghiệp tốt, và có thể tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu để đưa ra quyết định có nên mua cổ phiếu hay không.
Có thể bạn quan tâm:
Lưu ý khi phân tích cổ phiếu bằng chỉ số trung bình ngành
Thực tế, khi áp dụng phân tích cổ phiếu bằng chỉ số trung bình ngành, bạn thường thấy các công ty chứng khoán sử dụng chỉ số trung bình ngành này để ước tính giá trị hợp lý của một cổ phiếu.
Tuy nhiên, đừng nên tin tưởng hoàn toàn, bởi vì bạn chỉ nên đùng các chỉ số định giá trung bình ngành như P/E, P/B, EV/EBITDA… làm thước đo để xem xét rằng doanh nghiệp đó đang bị đánh giá thấp hay cao trên so với trung bình ngành mà thôi.
Bởi vì: Về nguyên tắc, chỉ số trung bình ngành được thống kê, tính toán dựa vào danh sách các doanh nghiệp trong cùng 1 lĩnh vực/ngành, nhưng thực tế:
- Số lượng các doanh nghiệp được đưa vào làm mẫu để thống kê, tính toán khá ít và không đủ để đánh giá được chính xác ngành/lĩnh vực đó.
- Những doanh nghiệp được đưa vào trong mẫu để tính toán có đang bị định giá quá cao hay không?
- Có một số cổ phiếu trong ngành sẽ xuất hiện tình trạng “bong bóng” khi đưa vào đánh giá.
=> Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng đến tính TUYỆT ĐỐI của chỉ số ngành, nên nếu không cẩn thận bạn sẽ có góc nhìn sai lệch về giá trị cổ phiếu và dễ đưa ra quyết định đầu tư không chính xác.
Trên đây là những thông tin cơ bản về chỉ số trung bình ngành là gì, lấy chỉ số trung bình ở đâu và những hướng dẫn phân tích cổ phiếu bằng chỉ số trung bình ngành. Hãy tham khảo thật kỹ để biết cách đánh giá cổ phiếu và đừng quên cập nhập liên tục những thông tin, kiến thức về tài chính, chứng khoán mà gsphong.com cung cấp nhé.