Trong giới trader hiện nay có vô vàn trường phái đầu tư chứng khoán khác nhau, và dường như mỗi trader lại có một phong cách đầu tư cho riêng mình. Thực tế thì mọi người không ai có thể chắc chắn được trường phái nào đúng và sai, mà phần lớn chỉ quan tâm xem trường phái đó có kiếm được nhiều tiền hay không mà thôi. Trong bài viết này, chúng mình sẽ điểm mặt 6 trường phái đầu tư chứng khoán thường gặp nhất ở các trader. Cùng tìm hiểu xem bạn “đang thuộc kiểu nào” nhé.
Nội dung
Trường phái đầu tư chứng khoán là gì?
Trường phái đầu tư chứng khoán (Investment Philosophy) là các nguyên tắc, định hướng cho quá trình ra quyết định của nhà đầu tư. Mỗi trường phái đầu tư sẽ có một cách suy nghĩ hệ thống và nhất quán về mọi vấn đề liên quan đến chứng khoán.
Trên thị trường và trong một thời điểm, các nhà đầu tư thuộc những trường phái đầu tư chứng khoán khác nhau cũng sẽ nhìn thấy các cơ hội khác nhau và hành động cũng khác nhau.
Ví dụ: Thị trường có xu hướng tăng, nhiều trader mua thêm vào thì kỳ vọng rằng nó sẽ tăng nữa, trong khi đó một số trader khác lại quyết định bán ra sớm vì họ cho rằng giá cổ phiếu đã đạt đến ngưỡng đỉnh của nó.
Nếu đã tham gia vào thị trường chứng khoán, thì tốt nhất nên theo đuổi một trường phái đầu tư cố định. Bởi vì thành công chỉ đến với ai tích lũy được nhiều kinh nghiệm và luôn kiên trì với chiến lược của mình.
Còn nếu bạn không nhất quán được, thì rất dễ bị lung lay bởi các biến động của thị trường, dẫn tới việc dễ đổi từ chiến lược này sang chiến lược khác. Dần dần, việc đầu tư sẽ trở nên cảm tính, những thứ cố gắng ban đầu coi như đổ bể, và rủi ro sẽ lớn hơn bao giờ hết.
Các trường phái đầu tư chứng khoán phổ biến nhất
Trường phái đầu tư hệ tâm linh
Trường phái đầu tư chứng khoán này rất dễ gặp ở khắp mọi nơi, thường là những người mới bước chân vào thị trường chưa lâu.
Đặc điểm của người chơi hệ tâm linh này là rất tin tưởng vào bản thân mình, họ quyết định mua cổ phiếu chẳng vì lý do gì, đơn giản là họ thích hoặc họ đoán rằng nó sẽ lên giá, rồi phó mặc cho may rủi quyết định.
Những người thuộc trường phái đầu tư chứng khoán tâm linh còn có sự thành kính nhất định với tổ tiên, ông bà, tôn giáo…, và họ tin đây mới chính là thứ thúc đẩy giá cổ phiếu họ chọn tăng vèo vèo.
Ưu điểm: Dễ chơi, dễ thực hiện, ai cũng theo được, không phải tốn công phân tích định giá cổ phiếu. Nhiều khi “gặp thời”, kết quả có khi còn vượt trên cả mong đợi.
Nhược điểm: nhiều lúc quên cúng bái ông bà, hoặc thần linh chưa kịp độ thì rất có thể cổ phiếu lao dốc không phanh, thua lỗ trầm trọng.
Trường phái đầu tư theo đám đông
Trường phái đầu tư chứng khoán này cao tay hơn hệ tin đồn một chút. Thay vì chỉ tin vào thần linh, thì nhóm người này rất chịu khó đi tham gia hóng hớt ở các hội nhóm về chứng khoán, nhưng mục đích chính là tìm được thông tin về mã cổ phiếu nào hay hay thì mua ngay lập tức, hoặc thấy thiên hạ mua gì cũng lao vào mua theo.
Đầu tư theo đám đông kiểu này, họ không cần quan tâm tới doanh nghiệp ra sao, mã cổ phiếu biến động thế nào. Chỉ cần “hóng” được rằng cổ phiếu A sắp bán cho ông này, cổ phiếu B sắp sát nhập với C, hay cổ phiếu D nghe đồn sắp tăng do chính sách này nọ… là họ có thể quyết định mua ngay lập tức.
Ưu điểm: Tuy hơi mất công hóng hớt nhưng vẫn tốt hơn hệ tâm linh một chút, vì dù sao nó cũng còn có một chút căn cứ, lại còn thu được nhiều tin tức. Nhiều khi nghe theo đám đông cũng có thể mua được cổ phiếu ngon.
Nhược điểm: Tốn thời gian, mà khả năng cũng chỉ 50 – 50, có lãi có lỗ, nhìn chung là không chắc chắn cả. Chưa kể nếu là “gà mờ” thì lại rất dễ mắc bẫy của những “chim lợn”, “bìm bịp”, tung tin giả nhằm dụ người khác mua cổ phiếu đúng đỉnh, sau đó cổ phiếu sẽ rớt giá không phanh.
Trường phái đầu tư cơ bản
Nếu thuộc trường phái này, kim chỉ nam của nhà đầu tư sẽ tập trung vào vào cốt lõi của doanh nghiệp. Họ sẽ tìm các doanh nghiệp tốt, tăng trưởng tốt, định giá rẻ để mua. Các nhà đầu tư sẽ phải nghiên cứu bất cứ thứ gì có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, ví dụ: kinh tế vĩ mô, điều kiện ngành, rồi đến các yếu tố vi mô như quản lý của ban lãnh đạo, hay giá trị tài sản, nợ, lời lỗ của công ty…
Một doanh nghiệp được đánh giá là có một “sức khỏe tài chính” khỏe, đồng nghĩa với những thông tin về doanh thu, lợi nhuận, tài sản luôn ổn định. Dựa vào những thông tin này, nhà đầu tư có thể ước tính được khả năng hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai, từ đó đưa ra kết luận xem có nên mua cổ phiếu hay không.
Ưu điểm: mua vì bản chất của doanh nghiệp chứ không đú trend theo thị trường. Nếu thực sự lựa được doanh nghiệp tốt thì giá cổ phiếu sẽ tăng đều theo thời gian.
Nhược điểm: Mất thời gian nghiền ngẫm, phân tích sâu vào doanh nghiệp, đặc biệt yêu cầu thời gian nắm giữ cổ phiếu phải dài mới có hiệu quả nên không hợp với số đông. Thêm vào đó, nhiều trader đi theo trường phái đầu tư chứng khoán này, nhưng lại chỉ xem qua một vài chỉ số và rồi cũng coi đó là “phân tích cơ bản”. Như vậy là chưa đủ, dẫn tới xác định thời điểm mua bán không hợp lý và rủi ro có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Trường phái đầu tư giá trị
Trường phái đầu tư chứng khoán này được sáng lập bởi Benjamin Graham (1894-1976). Ông là một nhà đầu tư vĩ đại nhất trong thời kỳ đó, và có rất nhiều học trò xuất sắc, trong số đó phải kể đến Warrent Buffet.
Triết lý của đầu tư giá trị là mua cổ phiếu rẻ hơn mức giá trị thực tế của nó. Và chìa khóa mấu chốt của phương pháp này chính là giá trị thực của cổ phiếu.
Muốn biết được giá trị thực của cổ phiếu, thì bạn cần hiểu và nắm rõ được cách định giá cổ phiếu. Thị giá (giá thị trường) của cổ phiếu được quyết định bởi quy luật cung cầu. Nếu cầu lớn hơn cung thì giá tăng, còn ngược lại, cung lớn hơn cầu thì giá giảm.
Trường hợp cầu < cung, nghĩa là thị trường có ít người có nhu cầu mua cổ phiếu đó, nên giá bị đẩy xuống mức thấp không tưởng, nhiều khi thấp hơn cả giá trị thực tại của doanh nghiệp. Và đây chính là lúc trường phái đầu tư giá trị chớp lấy cơ hội.
Phương châm của đầu tư giá trị: mua hàng với giá đang sales off.
Tóm lại, đầu tư giá trị có 2 bước cơ bản:
-
Bước 1: Tìm doanh nghiệp đáp ứng đủ các chỉ tiêu về các chỉ số và có tiềm năng phát triển trong tương lai.
-
Bước 2: Chờ đợi đến lúc giá cổ phiếu của doanh nghiệp trên thị trường giảm xuống tới mức thấp hơn giá trị thật của nó thì tiến hành mua.
Ưu điểm: nếu bạn chọn đúng cổ phiếu giá trị, mua và nắm giữ thời gian dài thì khả năng bạn gia tăng tài sản cực lớn (tính bằng lần chứ không còn tính bằng % nữa).
Nhược điểm: đòi hỏi phải có nhiều kiến thức chuyên môn mới có thể định giá được cổ phiếu của doanh nghiệp đắt hay rẻ. Ngoài ra, thời gian chờ đợi để thu lợi nhuận khá dài nên chỉ phù hợp với những ai kiên nhẫn, quyết định đầu tư dài hạn.
Nếu quan tâm tới trường phái đầu tư chứng khoán này, thì đừng bỏ qua một chỉ số giúp định giá cổ phiếu được các nhà đầu tư giá trị sử dụng thường xuyên: Chỉ số P/E là gì trong chứng khoán – Hiểu thế nào cho đúng bản chất?
Trường phái đầu tư tăng trưởng
Người sáng lập ra trường phái đầu tư tăng trưởng là Phillip Fisher (1907-2004). Ông là người cực kỳ nổi tiếng trong việc có năng lực tìm ra những mã cổ phiếu mà tương lai có thể tăng trưởng đến vài chục lần.
Triết lý của đầu tư tăng trưởng: Hãy chọn mua những đơn vị, những công ty có khả năng tăng trưởng cao.
Nếu như Graham ở trường phái đầu tư giá trị thường dựa vào các yếu tố tài chính thể hiện trên bảng cân đối kế toán để lựa chọn cổ phiếu, thì Fisher lại không dựa nhiều vào đây, mà thứ ông quan tâm đến là chủ doanh nghiệp và các nhân viên của công ty. Phillip Fisher thường nghiên cứu sâu và rộng về một công ty trước khi đầu tư.’’
Những quan điểm điểm mà Phillip Fisher cho rằng sẽ giúp công ty tăng trưởng mạnh mẽ, đó là:
- Phẩm chất quản lý quan trọng: quản lý toàn diện, kế toán…
- Đặc điểm kinh doanh: định hướng dài hạn, định hướng tăng trưởng, chính sách phân phối, bộ phận R&D…
Lợi nhuận chủ yếu của hoạt động đầu tư tăng trưởng đến từ việc các nhà đầu tư bán cổ phiếu của mình khi chênh lệch giá, còn lợi nhuận từ cổ tức của các khoản đầu tư này thường rất nhỏ. Lý do là vì hầu hết các công ty tăng trưởng đều thực hiện tái đầu tư lợi nhuận thu được vào hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì trả cổ tức cho cổ đông.
Nhà đầu tư tăng trưởng thường rất thích các công ty có quy mô nhỏ và vừa, có ý tưởng kinh doanh xuất sắc, hoạt động trong thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao. Khi các công ty tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, chính điều này sẽ làm cho giá cổ phiếu tăng lên trong tương lai.
Có thể thấy trường phái đầu tư tăng trưởng có nhiều điểm giống trường phái đầu tư giá trị về cách chọn công ty. Nhưng khác biệt cơ bản nhất là:
Đầu tư tăng trưởng chấp nhận cả cổ phiếu có tỷ lệ P/E cao, miễn là nó có mức độ tăng trưởng cao.
Tiêu chí để tìm kiếm một doanh nghiệp để đầu tư tăng trưởng:
- Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng liên tục từ 2 đến 5 năm với tỷ lệ trên 20%.
- Có một số quý/năm lợi nhuận tăng đột biến do hưởng lợi từ chính sách, hoặc vào đúng chu kỳ ngành (chứ không phải tăng do chuyển nhượng/thanh lý tài sản).
- Bản chất chính của việc tăng trưởng phải đến từ sản phẩm, dịch vụ cốt lõi của doanh nghiệp.
Ưu điểm: Cổ phiếu tăng trưởng thường có tiềm năng phát triển rất cao, vì vậy có thể hoàn toàn hy vọng vào tương lai của nó. Nếu chọn đúng cổ phiếu có thể đem lại nguồn lợi nhuận cực kỳ ấn tượng.
Nhược điểm: Phụ thuộc nhiều vào kỳ vọng, nhưng thực tế nhiều trường hợp mức độ tăng trưởng thực tế lại không cao như kỳ vọng. Thêm nữa còn phải chịu rủi ro nếu có biến động thị trường bất ngờ khiến giá sụt giảm, dẫn đến thua lỗ do lúc đầu nhà đầu tư chấp nhận P/E cao.
Trường phái đầu tư kỹ thuật
Trường phái đầu tư này có quan điểm đi ngược lại với đầu tư giá trị và phù hợp với đầu tư ngắn hạn, lướt sóng. Khi theo đuổi trường phái đầu tư kỹ thuật, thì giá trị nội tại của doanh nghiệp không còn là thứ phải quan tâm nhiều nữa, thay vào đó những mô hình biến động giá, các công cụ biểu đồ sẽ quan trọng hơn tất cả.
Ba quan điểm của trường phái đầu tư kỹ thuật:
- Mọi thông tin kỹ thuật sẽ phản ánh được giá cổ phiếu.
- Giá cổ phiếu vận động theo xu hướng của thị trường.
- Biến động thị trường liên quan đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Xét trong các trường phái đầu tư chứng khoán hiện nay, thì đầu tư kỹ thuật được đông đảo trader sử dụng nhất, bởi số lượng trader đầu tư ngắn hạn cũng chiếm số lượng nhiều hơn dài hạn.
Ưu điểm: Không đòi hỏi vốn nhiều, cũng không cần nhiều thời gian đào sâu doanh nghiệp, có thể dễ dàng sử dụng các công cụ, bộ lọc để lựa chọn cổ phiếu cần mua. Đặc biệt là thời gian thu được lợi nhuận ngắn, không cần phải chờ đợi lâu.
Nhược điểm: Cần thời gian và cần sự nhanh nhạy, khôn ngoan và kỷ luật tốt thì mới có thể thu được lợi nhuận. Chưa kể, đầu tư kỹ thuật luôn phải đối đầu với “đội lái” – những người nắm cuộc chơi và điều khiển sự biến động của giá cả, nếu bạn không tỉnh táo thì rất dễ sập bẫy của bọn họ.
Nên chọn trường phái đầu tư chứng khoán nào?
Nhà đầu tư không thể nào áp dụng được hết những phương pháp đầu tư kể trên, vì vậy hãy chọn một trường đầu tư chứng khoán nhất định phù hợp nhất với mục tiêu đầu tư, kiến thức của bản thân cũng như sự chấp nhận rủi ro.
DautuX.vn chỉ khuyên bạn đừng đi đầu tư theo kiểu tâm linh, mua bán vô tổ chức hoặc mua bán cổ phiếu a dua theo đám đông, vì chúng thực sự không hiệu quả, không khác gì đánh bạc cả. Và về lâu dài, đầu tư theo kiểu này sẽ bòn rút rất sạch số tiền bạn có.
Chiến lược đầu tư chứng khoán chiếm hơn 50% sự thành công của nhà đầu tư. Vì vậy bạn có thể lựa chọn giữa đầu tư cơ bản, đầu tư kỹ thuật, đầu tư giá trị hoặc đầu tư tăng trưởng đều được, bởi không có dữ liệu nào có thể phản cánh được trường phái nào tốt hơn.
Nhưng hãy nhớ một điều, nếu đi theo trường phái đầu tư nào thì cũng nên tuân thủ theo những nguyên tắc của nó, đừng đứng núi này trông núi nọ, có như vậy thì về lâu dài, bạn mới có được lợi nhuận cao từ đầu tư chứng khoán.
Tham khảo thêm bài viết: Nên đầu tư chứng khoán dài hạn hay ngắn hạn
Tóm lại, có 4 trường phái đầu tư chứng khoán chính và có hiệu quả:
-
Đầu tư cơ bản: Xem xét cốt lõi của doanh nghiệp, tìm những doanh nghiệp tiềm năng, tăng trưởng tốt.
-
Đầu tư giá trị: Tìm những doanh nghiệp tốt nhưng giá cổ phiếu được bán với mức thấp hơn giá trị thật.
-
Đầu tư tăng trưởng: Tìm những cổ phiếu của doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng vượt bậc trong tương lai.
-
Đầu tư kỹ thuật: Dựa vào biểu đồ, biến động giá để tìm thời điểm mua bán hợp lý, áp dụng trong đầu tư ngắn hạn.
Trên đây là các trường phái đầu tư chứng khoán phổ biến mà chúng mình muốn chia sẻ với các bạn. Một trường phái phù hợp với người này chưa chắc người kia đã phù hợp. Trường phái đó có thể đã thành công với Warren Buffett nhưng chưa chắc đã có tác dụng với bạn. Vì vậy hãy nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ và xem xét xem cái nào thực sự phù hợp với mình trước khi quyết định chiến lược đầu tư nhé. Chúc bạn thành công.