Khi đọc các tin tức về doanh nghiệp hay đầu tư thì thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp thuật ngữ “thoái vốn nhà nước” hay “game thoái vốn”. Vậy vì sao những thông tin về thoái vốn lại được quan tâm nhiều và nó có tác động như thế nào tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì hãy cùng gsphong.com tìm hiểu qua bài viết “thoái vốn là gì” ngay sau đây.
Nội dung
Thoái vốn là gì, có ảnh hưởng như thế nào?
Thoái vốn là gì?
Trong đầu tư, thoái vốn có thể hiểu đơn giản là nhà đầu tư tổ chức hoặc cá nhân muốn rút vốn đầu tư của mình vào một doanh nghiệp nào đó.
Với các doanh nghiệp, thoái vốn có thể hiểu là việc công ty mẹ bán đi tài sản của công ty con hay rút những khoản đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu của công ty con.
Ngoài ra thoái vốn cũng có thể là hình thức bán quyền sở hữu trí tuệ, mua lại và sáp nhập công ty hay thực hiện thoái vốn theo lệnh của tòa án.
Game thoái vốn là gì? Thực tế đây là một câu nói vui của nhà đầu tư Việt Nam bởi khi có thông tin doanh nghiệp lớn nào thoái vốn thì họ sẽ đầu tư vào doanh nghiệp đó vì kỳ vọng doanh nghiệp đó sẽ có tăng trưởng tốt trong tương lai. Lý do mà họ đưa ra là vì khi doanh nghiệp thoái vốn thường sẽ thu về một khoản vốn không nhỏ để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và như vậy có thể giúp cải thiện doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thoái vốn nhà nước là gì?
Đó là bởi vì trước khi thoái vốn nhà nước thì có nhiều doanh nghiệp lớn chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, sau khi thoái vốn nhà nước thì các doanh nghiệp này sẽ được niêm yết lên sàn chứng khoán. Những doanh nghiệp thuộc nhà nước thường đã có tên tuổi được nhiều người biết đến nên khi thoái vốn nhà nước và niêm yết trên sàn chứng khoán thì những doanh nghiệp này có thể sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư.
Lúc này nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có thêm sự giúp sức của các nhà đầu tư thay vì chỉ trông chờ nhà nước giải ngân vốn.
Đối với thị trường chứng khoán, khi có thêm doanh nghiệp niêm yết lên sàn thì sẽ có thêm nhiều tiền đổ vào thị trường giúp vốn hóa thị trường chứng khoán lớn mạnh hơn.
Còn với nhà đầu tư thì họ cũng sẽ có thêm nhiều lựa chọn để đầu tư vào các doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt và quy mô vốn hóa lớn.
Theo nghiên cứu từ công ty chứng khoán Yuanta thì trong giai đoạn 2007 – 2008 và 2015 – 2016 khi Nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp cùng với thoái vốn nhà nước đã giúp cho thanh khoản thị trường chứng khoán tăng mạnh. Cụ thể là năm 2009 tăng 226% so với 2008 từ mức 720 tỷ đồng lên tới 1.623 tỷ đồng/phiên, đến năm 2018 thì thanh khoản thị trường đạt trên 5000 tỷ đồng/phiên.
Ví dụ một vài doanh nghiệp thoái vốn nhà nướcđiển hình đó là: BVH, BMI, NTP, FPT, VNM, VCG…
+ Ví dụ như VNM thoái vốn nhà nước cuối năm 2017 thì đến tháng 3/2018 giá cổ phiếu của VNM đã tăng từ 130k VNĐ/CP lên tới 214k VNĐ/CP.
+ Ví dụ như VCG đã tăng từ 18K VNĐ/CP lên tới 29K VNĐ/CP sau khi nhà nước thoái vốn hồi tháng 11/2018.
+ Ví dụ như VEF sau khi thoái vốn thì cổ phiếu tăng tới 4 lần lên mức 41K VNĐ/CP – là siêu cổ phiếu thoái vốn năm 2016 mà nhiều nhà đầu tư thời đó chắc chắn sẽ nhớ.
….Ngoài ra còn nhiều cổ phiếu khác cũng tăng giá chóng mặt vì “Game thoái vốn” bởi sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư Việt Nam.
Lý do chính của việc thoái vốn là gì?
Có những lý chính khiến các doanh nghiệp thoái vốn hoặc nhà đầu tư cá nhân, tổ chức đầu tư thoái vốn đó là:
Lý do doanh nghiệp thoái vốn là gì?
-
Công ty con hoạt động không hiệu quả, không tạo ra nhiều lãi hoặc thậm chí là lỗ nên công ty mẹ sẽ thoái vốn nhằm rút vốn về để đầu tư vào hoạt động kinh doanh khác hiệu quả cao hơn.
-
Công ty mẹ đang có nhu cầu lớn về vốn để đầu tư nên họ có thể phải thoái vốn đầu tư ở công ty con nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình.
-
Thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý: có thể là lệnh của tòa án yêu cầu bán một phần doanh nghiệp để cải thiện sự cạnh tranh trên thị trường.
-
Bán tài sản để thu lại lợi nhuận cao, ví dụ như bất động sản tăng giá mạnh trong một giai đoạn nào đó thì doanh nghiệp có thể thực hiện thoái vốn bằng cách bán tài sản này đi.
Lý do nhà đầu tư thoái vốn là gì?
-
Cảm thấy tài sản, cổ phiếu đầu tư không còn tiềm năng tăng trưởng nên muốn rút vốn
-
Cần tiền để thực hiện kế hoạch đầu tư hoặc việc khác
-
Vị thế đầu tư không còn phù hợp với quan điểm cá nhân hoặc tiêu chuẩn đạo đức.
3 hình thức thoái vốn chính được sử dụng hiện nay
Có 3 hình thức thoái vốn chính được các doanh nghiệp lựa chọn sử dụng đó là:
+ Thứ nhất: Thoái vốn Spin off (Chia tách)
Hình thức này là việc một công ty tách ra làm 2 công ty riêng biệt, hoạt động độc lập và không liên quan tới nhau nữa.
Ví dụ: Doanh nghiệp A hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất bánh kẹo. Doanh nghiệp này bây giờ chỉ muốn tập trung cho hoạt động kinh doanh BĐS thôi và họ đưa ra quyết định sẽ tách công ty làm 2. Giờ công ty A vẫn kinh doanh bất động sản còn công ty B sẽ sản xuất bánh kẹo. Công ty B sẽ phát triển một cách độc lập và có thể niêm yết trên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu mới, lợi nhuận từ công ty B sẽ không được ghi nhận trong BCTC của công ty A nữa.
Với hình thức thoái vốn này thì công ty A sẽ không phải nộp thuế.
+ Thứ 2: Thoái vốn bằng cách bán tài sản trực tiếp
Đây là hình thức thoái vốn được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng. Bằng cách bán tài sản trực tiếp để thu về tiền mặt, tài sản ở đây có thể là thiết bị máy móc, bất động sản, cổ phiếu…
Với hình thức thoái vốn bằng cách bán tài sản trực tiếp thì doanh nghiệp sẽ cần phải đóng thuế.
+ Thứ 3: Thoái vốn IPO
IPO là phát hành lần đầu ra công chúng, là chữ viết tắt của từ Initial Public Offering trong tiếng Anh.
Hình thức thoái vốn IPO chính là doanh nghiệp mẹ chào bán cổ phiếu của công ty con ra ngoài công chúng lần đầu tiên. Trước đó thì cổ phần của doanh nghiệp con chỉ được mua/bán nội bộ của công ty mẹ mà thôi.
Giả sử doanh nghiệp A đã niêm yết trên sàn chứng khoán lâu rồi và cũng nhiều người biết đến nhưng công ty con B của doanh nghiệp A lại ít người biết nên doanh nghiệp A có thể sử dụng sức ảnh hưởng của mình để tiến hành thoái vốn IPO của doanh nghiệp B. Khi bán một phần cổ phần sở hữu của mình ở công ty B thì doanh nghiệp A sẽ thu về một lượng tiền mặt đáng kể. Bên cạnh đó thì doanh nghiệp A cũng sẽ giảm bớt vốn chủ sở hữu tại công ty B.
Hình thức thoái vốn IPO cũng cần phải đóng thuế theo quy định của pháp luật.
Xem thêm một số thông tin hữu ích liên quan:
- Đầu tư gì? Chứng khoán, coin, forex, BĐS hay vàng?
- Đầu tư giá trị là gì? Chiến lược đầu tư theo Warren Buffett
Qua đây, mong rằng bạn đã hiểu thoái vốn là gì cũng như những thông tin liên quan tới thoái vốn doanh nghiệp. Nếu như bạn còn câu hỏi gì muốn giải đáp, hãy để lại comment phía dưới và chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn trong vòng 24h.