Đường Moving Average (MA) là chỉ báo kỹ thuật giúp cho các nhà đầu tư có thể nhận định được xu hướng tăng giảm của thị trường, và từ đó có chiến lược đầu tư sinh lời tốt nhất. Tuy nhiên, cụ thể bản chất của MA là gì, vận dụng nó như thế nào cho hiệu quả… thì không phải ai cũng biết. Nếu bạn muốn tìm hiểu chi tiết về đường Moving Average này, hãy cùng chúng mình theo dõi chi tiết ở nội dung bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
Moving Average là gì?
Moving Average (MA) có nghĩa là đường trung bình động. Đây là đường nối tất cả các giá đóng cửa trung bình của một cổ phiếu/tiền tệ/coin nào đó trong N chu kỳ, với N đã được xác định trước.
Định nghĩa đường Moving Average là gì có vẻ hơi phức tạp và khó hình dung, nhưng có lẽ bạn sẽ hiểu rõ hơn qua ví dụ:
– Đường Moving Average 20 (MA 20) trên biểu đồ D1 sẽ là đường nối của tất cả giá đóng cửa trung bình trong 20 ngày gần nhất.
– Đường Moving Average 30 (MA 30) trên biểu đồ H1 là đường nối tất cả những giá đóng cửa trung bình trong 30 giờ gần nhất.
Cách chọn chu kỳ cho đường Moving Average
Sử dụng đường Moving Average trong phân tích kỹ thuật, bạn có thể thoải mái lựa chọn chu kỳ cho đường MA, nhưng nên tuân theo quy tắc:
- Phân tích kỹ thuật bằng đường MA trong dài hạn: có thể lựa chọn đường MA (100), MA (200)
- Phân tích kỹ thuật bằng đường MA trong trung hạn: có thể theo dõi bằng đường SMA (50)
- Phân tích kỹ thuật bằng đường MA trong ngắn hạn: có thể sử dụng đường SMA (10), SMA (14), SMA (20),…
Chữ số đằng sau MA chính là chu kỳ, như: MA (50), MA (100), MA (200),…. Nó thể hiện số phiên giao dịch (số ngày), ví dụ 50 phiên, 100 phiên, 200 phiên…
Lý do tại sao lại như vậy? Bởi vì có một nguyên tắc:
-
Đường Moving Average chu kỳ càng nhỏ thì càng bám sát giá và nhạy cảm với giá.
-
Đường Moving Average chu kỳ càng lớn thì càng ít biến động so với giá.
Nhìn hình trên, bạn có thể thấy đường MA 10, chu kỳ nhỏ hơn nhưng lại phản ứng “nhạy” với giá hơn, bán sát giá, có nhiều đoạn cua “gắt”. Trong khi đó, đường MA 20 chạy mượt hơn và ít bám sát biến động giá hơn.
Nhưng bạn cũng cần chú ý rằng:
- Chu kỳ thời gian quá ngắn, số ngày để tính giá đóng cửa quá ít thì kết quả thu được sẽ không đủ để làm dữ liệu “đại diện cho xu hướng”, nên việc phản ánh xu hướng thường hay sai sót.
- Chu kỳ quá dài, đặc biệt là đi qua nhiều đoạn tăng giá, giảm giá trong quá khứ, rồi giá tăng giá giảm triệt tiêu cho nhau, dẫn đến đường MA sẽ mượt mà và càng xa đường giá. Lúc này, việc xác định xu hướng chuẩn là rất khó.
Vì vậy, tốt nhất muốn xét trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, thì cứ lấy các mốc chu kỳ mình đã gợi ý phía trên.
Ý nghĩa của đường Moving Average là gì?
Đường trung bình động – MA vô cùng hữu dụng và có rất nhiều ý nghĩa trong PTTK, cụ thể là:
-
Trong ngắn hạn, đường giá biến động mạnh lúc lên, lúc xuống nên rất khó để đánh giá biến động. Vì vậy đường trung bình động – Moving Average ra đời để chúng ta có cái nhìn tổng quát về những biến động này. giúp lọc nhiễu thị trường và làm nổi bật xu hướng chính.
-
Đường Moving Average – MA là cơ sở để xác định xu hướng. Ví dụ khi đường giá nằm trên đường trung bình => đang trong xu hướng tăng. Còn khi đường giá nằm phía dưới đường trung bình, có thể xác nhận rằng giá đang trong một xu hướng giảm.
-
Đường Moving Average cũng thường xuyên được sử dụng như là ngưỡng kháng cự và hỗ trợ. Khi giá điều chỉnh giảm về sát MA, nó sẽ bật lên trở lại. Tương tự, khi giá di chuyển từ dưới lên, chạm đường MA thì sẽ quay đầu đi xuống.
-
Kết hợp các MA, chúng ta có thể tạo nên các chỉ báo kỹ thuật khác, điển hình là chỉ báo kỹ thuật MACD được tạo bởi các đường trung bình MA 9, MA 12 và MA 26.
Các loại đường Moving Average – MA
Để có thể hiểu rõ nhất được đường Moving Average là gì, bạn cần phải biết các loại đường MA và cách chúng được hình thành.
Hiện nay, có 2 kiểu đường MA hay được sử dụng phổ biến, đó là đường Moving Average đơn giản (SMA) và đường Moving Average hàm số mũ (EMA).
Đường Moving Average giản đơn – SMA
Đường SMA, viết tắt của Simple Moving Average, là chỉ báo đường MA đơn giản nhất, được tính bằng trung bình cộng của các mức giá trong một khoảng thời gian nhất định.
Dưới đây là ví dụ và cách tính đường SMA cho các bạn dễ hiểu:
Ở đồ thị trên, chúng mình có số liệu về giá đóng cửa của 10 ngày đầu tiên. Nếu muốn xác định đường SMA 10, có nghĩa bạn phải tính trung bình giá đóng cửa từ D1 → D10. Sau khi tính ra kết quả, thì đánh dấu giá trị đó ở ngày D10. Hãy xem hình bên dưới:
Tiếp tục, sang đến ngày 11, thì giá trị trung bình sẽ được tính từ ngày D2 → D11, rồi lại đánh dấu giá trị đó lên đồ thị ở ngày D11.
⇒ SMA ngày D11 = (38 + 50 + 42 + 42 + 50 + 60 + 70 + 90 + 60 + 48)/100 = 55.
Cứ làm tương tự như vậy cho các ngày khác, sau đó nối các điểm giá trị đã đánh dấu trên đồ thị lại với nhau là bạn đã có đường SMA 10 rồi.
Cách tính đường MA này mình chỉ nêu ra để bạn hiểu được bản chất của chỉ báo này. Còn trong ứng dụng phân tích kỹ thuật thì các đường MA sẽ được tính sẵn, bạn chỉ cần cài đặt cho nó hiển thị lên là có thể phân tích dễ dàng.
Ưu điểm: Đơn giản, dễ sử dụng, thường được áp dụng rộng rãi, do phản ứng chậm với giá nên cũng giúp lọc được những tín hiệu giả.
Nhược điểm: khi phân tích thị trường ngắn hạn thì đường SMA không đem lại hiệu quả cao, bởi nó được xem là tín hiệu chậm, không nhạy cảm với các tín hiệu, biến động của thị trường.
Đường Moving Average hàm số mũ – EMA
Vì đường SMA là một chỉ báo trễ, luôn theo sau giá thật. Để giảm độ trễ, người ta sử dụng đường trung bình động hàm số mũ EMA.
Đường EMA (viết tắt của Exponential Moving Average), là đường trung bình động lũy thừa hàng mũ, nó sẽ quan tâm về biến động của những ngày gần nhất nhiều hơn là dữ liệu trong quá khứ.
EMA và SMA khác nhau ở đâu? Chúng khác nhau ở điểm cơ bản sau:
- Ở SMA – đường trung bình động giản đơn: dữ liệu giá của các ngày được đánh trọng số (tầm quan trọng) ngang hàng nhau.
- Ở EMA – đường trung bình động hàm số mũ: dữ liệu giá của các ngày được đánh trọng số khác nhau, ngày càng gần trọng số càng cao, ngày càng xa trọng số càng thấp.
⇒ EMA chủ yếu tập trung vào những biến động gần hơn, bám sát vào chuyển động giá hơn. Vì thế mà đối với phân tích ngắn hạn, nó sẽ phản ứng với thị trường tốt hơn, đưa ra dữ liệu tốt hơn so với đường SMA.
Ưu điểm: Phản ứng mạnh hơn với biến động của thị trường gần nhất, vì thế giúp nhà đầu tư có thể nhận định được thị trường ngắn chính xác hơn. Điều đó có thể giúp bạn nhìn được những biến động bất thường, gây ra xu hướng đảo chiều, để có thể vào lệnh, thoát lệnh tốt hơn.
Nhược điểm: Ví quá nhạy cảm với biến động thị trường gần, nên đường EMA đôi khi có thể tạo ra những tín hiệu giả đối với các Trader.
Không có cái nào là tốt nhất. EMA chỉ đơn là phản hồi thị trường nhanh hơn so với SMA, nên ngắn hạn thì ưu tiên EMA hơn.
Trong giao dịch, nên linh hoạt kết hợp cả EMA và SMA, vừa để xác định xu hướng, vừa có thể tìm điểm mua/bán trong ngắn hạn, lại vừa giúp lọc tín hiệu giả hiệu quả hơn
Cách sử dụng đường Moving Average – MA
Đường chỉ báo Moving Average được sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau và chúng khá hiệu quả. Cụ thể ra sao hãy cùng chúng mình đi tìm hiểu từng cách một nhé.
Sử dụng đường MA để giao dịch theo xu hướng
Nhiều bạn khi được hỏi về xu hướng giảm, các bạn ấy thường định nghĩa rằng nó bao gồm các đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.
Vậy khi xuất hiện đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, có phải xu hướng giảm đã kết thúc?
Đáp án là chưa chắc, bởi vì nó đôi khi chỉ là một đợt “pullback hơi phức tạp”. Còn xu hướng nó vẫn chưa kề kết thúc. Dưới đây là ví dụ:
Vì vậy, câu hỏi đặt ra: làm thế nào để xác định được rõ xu hướng?
Đường trung bình động – MA sẽ giúp bạn làm việc này !!! Cách thực hiện:
- Nếu giá nằm trên đường EMA 200 và đường EMA 200 dốc lên trên, thì thị trường đang trong xu hướng tăng dài hạn.
- Nếu giá nằm trên đường EMA 20 và đường EMA 20 dốc lên trên, thì thị trường đang trong xu hướng tăng ngắn hạn.
Kết hợp đường giá và đường Moving Average
Khi đường giá cắt lên trên đường Moving Average ⇒ là tín hiệu xu hướng tăng. => Mua ngay khi giá cắt lên hoặc giá điều chỉnh về các đường trung bình.
Ngược lại, khi giá cắt xuống dưới đường Moving Average => tín hiệu xu hướng giảm. Bạn nên bán ngay khi giá cắt xuống hoặc khi giá hồi lại về các phía các đường MA.
Sử dụng Moving Average làm kháng cự/hỗ trợ động
Với đường MA, các nhà đầu tư có thể sử dụng để tìm ra các điểm hỗ trợ và kháng cự dễ dàng. Trong xu hướng tăng, đường MA chính là ngưỡng hỗ trợ, còn trong xu hướng giảm, đường MA chính là ngưỡng kháng cự.
Ví dụ trong một xu hướng tăng, khi biến động giá và chạm vào đường MA bạn sẽ thấy chúng lại có sức bật tăng trở lại. Đến khi biến động giá đâm thủng qua đường MA thì dấu hiệu đảo chiều khả năng cao sẽ xảy ra.
Hoặc nhiều nhà đầu tư còn kết hợp chỉ báo 2 đường MA là đường hỗ trợ/kháng cự để cho ra kết quả chính xác hơn. Ví dụ bạn chọn đường MA như sau: SMA (10) và SMA (20). Khi biến động giá chạm vào và nằm trong 2 trung bình động này, chúng sẽ có sức bật để tiếp tục xu hướng tăng. Chỉ khi biến động giá tụt xuống thấp hơn đường SMA 20, thì khả năng cao giá sẽ còn xuống sâu hơn nữa.
Sự giao cắt giữa các đường Moving Average
Việc đầu tiên bạn cần làm là phải thi thiết lập hai đường Moving Average có chu kỳ khác nhau, thường là 1 chu kỳ ngắn và 1 chu kỳ dài.
Nếu 1 đường MA này giao cắt với 1 đường MA khác thì nó sẽ cho chúng ta một tín hiệu thay đổi xu hướng, cụ thể:
- Giao cắt vàng – Golden Cross: Đường MA ngắn cắt lên đường MA dài (ví dụ MA50 cắt lên MA200) ⇒ Tín hiệu Uptrend, nên mua vào ngay ở điểm giao cắt, hoặc khi giá chạm vào đường MA ngắn.
- Giao cắt tử thần – Death Cross: Đường MA ngắn cắt xuống đường MA dài (ví dụ MA50 cắt xuống MA200) ⇒ Tín hiệu Downtrend, bạn nên bán càng sớm càng tốt.
Sử dụng MA để lựa chọn thị trường giao dịch
Có một bài toán đặt ra cho bạn. Nếu bạn có 100 triệu để đầu tư, bạn sẽ đầu tư vào đâu? Cổ phiếu? Forex? Coin? Nếu bạn lựa chọn Forex? Vậy bạn sẽ chọn cặp tiền tệ nào? Bạn muốn mua trong thị trường có xu hướng mạnh hay yếu?
Mình cá là 99% các bạn sẽ muốn mua ở thị trường có xu hướng tăng mạnh, và cũng muốn ưu tiên bán ở những thị trường có xu hướng giảm mạnh.
Đường trung bình động – Moving Average cũng có thể giúp bạn trong trường hợp này. Chỉ cần nhớ một lưu ý rằng.
MA càng dốc thì xu hướng càng mạnh. MA càng có hướng nằm ngang thì xu hướng càng yếu.
Sau đó bạn chỉ cần thực hiện 3 bước:
- Bước 1: Chọn thị trường trong cùng 1 lĩnh vực: ví dụ bạn chọn Forex, thì hãy so sánh hãy so sánh các cặp tiền tệ như AUD/USD, NZD/USD, USD/CAD, USD/JPY, EUR/USD…
- Bước 2: Vẽ đường EMA 20 và EMA 50 trên biểu đồ của bạn.
- Bước 3: So sánh độ dốc của đường MA. Đường MA càng dốc, xu hướng càng mạnh và ngược lại.
Ví dụ bạn đã xác định được USD/CAD và USD/JPY đều đang trong xu hướng giảm. Tuy nhiên USD/CAD có đường EMA dốc xuống nhiều hơn ⇒ Bạn sẽ muốn bán USD/CAD hơn là USD/JPY, bởi USD/CAD đang trong xu hướng giảm mạnh.
Mẹo giao dịch với đường Moving Average – MA
Cũng không hề phức tạp, chỉ cần bạn làm theo từng bước:
– Tìm xu hướng tăng: đường EMA 200 hướng lên trên, và đường giá nằm ở trên đường EMA,
– Nếu đã là xu hướng tăng, thì sử dụng đường MA 50 và MA 20, sau đó đợi giá test ở vùng hỗ trợ 2 lần (có nghĩa là đợi giá giảm chạm MA 20 rồi lại bật ngược trở lên 2 lần).
– Test giá thành công, bắt đầu tìm điểm vào lệnh (MUA) – là những điểm mà đường giá chạm đường MA 20.
– Nếu giá đi theo đúng như xu hướng dự đoán, thì đợi đến khi giá giảm xuống và chạm MA 50 thì bắt đầu BÁN ra.
Xem hình minh họa:
Qua bài viết này, mình chỉ muốn các bạn hiểu được những điều cốt lõi từ đường trung bình động – Moving Average (MA), đó là:
-
Đường MA ra đời để lọc nhiễu, giúp bạn dễ dàng xác định được xu hướng thị trường.
-
Đường MA còn đóng vai trò làm vùng kháng cự động (xu hướng giảm) hoặc hỗ trợ động (xu hướng tăng).
-
Đường MA có 2 loại thông dụng nhất là SMA và EMA. SMA có độ trễ so với giá, còn EMA nhạy bén với thị trường hơn.
-
Đường MA có chu kỳ dài sẽ phẳng hơn so với đường MA có chu kỳ ngắn.
-
Đường MA càng dốc thì xu hướng càng mạnh, đường MA càng phẳng thì xu hướng càng yếu.
-
Kết hợp 2 đường MA cắt nhau có thể giúp bạn xác định được tín hiệu thay đổi xu hướng và chọn điểm mua/bán hiệu quả.
Trên đây là toàn bộ thông tin về đường trung bình động – Moving Average cũng như cách sử dụng đường Moving Average sao cho hiệu quả, đúng cách nhất. Mong rằng với những chia sẻ này, sẽ giúp bạn cập nhật cho mình được nhiều kiến thức trong đầu tư tài chính, để từ đó đem lại lợi nhuận tối ưu. Nếu có gì thắc mắc, hãy để lại comment để cùng trao đổi với chúng mình nhé.